Giá vé máy bay tăng, hạ đo ván du lịch nội địa

Thứ bảy - 24/09/2011 15:34
(HNM) - Đề xuất tăng giá trần mới đây của các hãng hàng không khiến doanh nghiệp lữ hành "đứng ngồi không yên". Nếu điều này xảy ra thì giá tour nội địa sẽ phải thay đổi, khiến cho các điểm du lịch trong nước ngày càng khó cạnh tranh với Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc...

 

Giảm nhu cầu

Nhằm tháo gỡ khó khăn do giá xăng dầu, tỷ giá tăng cao, Bộ GT-VT đã cho phép các hãng hàng không trong nước xây dựng phương án giá mới để đề xuất cơ quan chức năng nâng trần giá vé máy bay. Dự kiến, phương án giá mới có thể áp dụng từ tháng 11. Đi tiên phong, Vietnam Airlines (VNA) đang đề xuất tăng giá trần lên gấp rưỡi. Tính trung bình cả giá vé thường và vé giá rẻ, giá vé máy bay nội địa sẽ tăng 15% so với hiện tại. Điều này gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp lữ hành.
 

Khách hàng mua vé máy bay của Vietnam Airlines.


Ngành du lịch vừa trải qua một mùa du lịch hè đầy "sóng gió" trước biến động của bão giá nay lại đối mặt với nguy cơ sẽ phải tăng giá tour. Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty Du lịch Vietravel lo lắng phân tích: Đầu năm, trước mùa cao điểm du lịch nội địa, giá vé máy bay đã được điều chỉnh tăng 20% khiến các hãng lữ hành khốn đốn. Mỗi đợt tăng giá thường khiến nhu cầu đi du lịch của người dân giảm sút. Nếu đợt tăng giá lần này diễn ra thì e rằng, tình trạng hủy, trả hoặc đổi tour sẽ xảy ra.

"Việc tăng giá vé máy bay thời gian tới sẽ ảnh hưởng nhiều đến các tour xa với thời gian lưu trú dài ngày như: Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Hà Nội - Đà Nẵng - Hội An, Hà Nội - Nha Trang... Thậm chí, điều này khiến cho tour du lịch nội địa có mức giá bằng hoặc cao hơn so với các điểm đến trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Singapore... Giá tour như vậy sẽ khiến khách Việt đổ xô ra nước ngoài", ông Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh.

Lo lắng trước sự sụt giảm lượng khách nếu giá tour tăng, đại diện nhiều hãng lữ hành ở Hà Nội than phiền, mục tiêu của ngành du lịch là phải lấy nội địa làm thị trường trọng điểm. Nhưng trên thực tế, tình trạng giá tour phải chạy theo cước vận chuyển đang khiến mục tiêu "hút" khách nội địa đã đề ra khó đạt.

Tăng cạnh tranh không lành mạnh

Nếu như những năm trước, du khách thường chú trọng đến chất lượng để chọn hãng lữ hành, đặt tour du lịch, thì nay, trước sự leo thang của giá cả thị trường, họ đã thay đổi thói quen. Giá rẻ đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Điều này khiến cho không ít doanh nghiệp tìm cách phá giá nhằm hút khách, sau đó cắt giảm các dịch vụ hay các điểm đến trong tour để bù vào khoản thua lỗ. Hậu quả, khách du lịch phải chịu.

Trên thực tế, mỗi khi chi phí vận chuyển tăng do giá vé máy bay có sự điều chỉnh thì các hãng lữ hành lớn sẽ bị ảnh hưởng ít hơn vì họ có lượng khách ổn định, có mối liên hệ chặt chẽ với các nhà hàng, khách sạn... đặc biệt là có cơ hội được hưởng lợi từ những gói khuyến mãi của hàng không. Còn các doanh nghiệp nhỏ, không có được những ưu đãi đó, sẽ gặp khó khăn nhiều nhất. Đánh vào tâm lý khách hàng ham rẻ, các doanh nghiệp này vẫn xây dựng và chào bán tour với giá rẻ. Chính vì vậy, trên thị trường đã xảy ra tình trạng "vàng thau lẫn lộn". Chẳng hạn cùng tour Hà Nội - Đà Nẵng nhưng các hãng lữ hành lại đưa ra các mức giá rất khác nhau. "Trong thời điểm như hiện nay, du khách nên tìm hiểu kỹ chất lượng dịch vụ trước khi đặt mua tour. Lưu ý nên chọn mua tour của các hãng lữ hành có tên tuổi, uy tín trên thị trường", ông Nguyễn Minh Mẫn, Công ty Du lịch Vietravel đưa ra lời khuyên.

Tuy nhiên, trông chờ vào sự khôn ngoan của khách hàng không phải là giải pháp cứu các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ở đây, cần những chính sách tổng thể để các bên đều hưởng lợi. Cách làm chương trình giảm giá, kích cầu nội địa mang tên "Ấn tượng Việt Nam" năm 2009 là một minh chứng. Bất chấp những khó khăn kinh tế do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, du lịch nội địa năm đó vẫn đạt 25 triệu lượt khách (tăng 20% so với các năm trước đó). Sự tăng trưởng mạnh này là nhờ chớp đúng thời cơ, hành động nhanh và kịp thời thông qua một chương trình tổng thể với sự vào cuộc tích cực của các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn và các công ty lữ hành. Với giá tour giảm đáng kể, lượng khách nội địa đã đổ mạnh về các điểm du lịch trong nước. Thành công đó liệu có được lặp lại?
 

Giá tour sẽ tăng trung bình 20-30%

Đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa lên 1,5 lần sẽ kéo theo vé phổ thông trên các đường bay nội địa tăng cao. Cụ thể, chặng bay một chiều TP Hồ Chí Minh - Hà Nội từ 2,227 triệu đồng lên tới 3,34 triệu đồng chưa tính 10% thuế VAT và các lệ phí khác; chặng bay Hà Nội - Phú Quốc từ 2,727 triệu đồng lên 4,09 triệu đồng; chặng TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng từ 1,481 triệu đồng lên 2,222 triệu đồng... Với giá vé máy bay này, dự kiến tăng trung bình vào khoảng 20-30%.

Xuân Lộc 

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây