NGƯỜI DÂN OKINAWA NHẬT BẢN MUỐN BỎ CĂN CỨ MỸ

Chủ nhật - 09/05/2010 06:03

沖縄ー日本

沖縄ー日本
Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cho biết việc di dời hoàn toàn một căn cứ Mỹ vốn gây tranh cãi trên đảo Okinawa là điều không khả thi.

Căn cứ Thủy quân lục chiến của Mỹ, Futenma, vốn bị rất nhiều cư dân phản đối và bỏ đi căn cứ này là một cam kết bầu cử quan trọng của ông Thủ tướng.

Người dân Okinawa và phần Nhật Bản trên các đảo lớn đã thảo luận về tương lai của các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật.

Kazue Nakamura-Huber, Giáo viên tiếng Anh, Okinawa:

Tôi vô cùng thất vọng trước công bố của Thủ tướng. Ông là chính trị gia Nhật Bản đầu tiên trong 65 năm qua lắng nghe tiếng nói của chúng tôi và đặt vấn đề Okinawa vào chương trình nghị sự quốc gia.

Bà Kazue giơ ra thông điệp cho Thủ tướng Nhật, người tới thăm đảo hôm 4/5

Người dân Nhật Bản muốn Hoa Kỳ bảo vệ chúng tôi, nhưng họ không muốn nhận gánh nặng.

74% lính Mỹ (đóng ở Nhật Bản) là đang ở Okinawa này, nhưng chúng tôi chỉ chiếm 1% dân số của đất nước. Chuyện này là không công bằng. Nó là một nhà tù cho chúng tôi.

Bạo lực vẫn tồn tại ở đây và mặc dù ít có các biến cố gây tin tức, chúng tôi không có bất kỳ quyền nào vì theo thỏa thuận Nhật-Mỹ này, quyền tài phán Nhật Bản là không được áp dụng cho các công dân Mỹ.

Con em chúng tôi không thể ngủ được vì trực thăng bay qua. Thỏa thuận không bay vào ban đêm bị vi phạm hàng ngày.

Các chính trị gia không quan tâm gì. Họ không sống ở đây và không nhìn thấy những chuyện như vậy. Các căn cứ này không nằm ngay ở sân sau nhà họ.

Đúng là tiền được đổ vào đây, nhưng tác động của đồng tiền là xấu. Sự phát triển mà họ mang lại làm tổn hại môi trường. Hậu quả của các đập, đường giao thông và các dự án xây dựng khác là trên đảo Okinawa giờ không còn bãi biển tự nhiên nào.

Ba mươi năm trước thì mọi sự là rất khác. Bây giờ tôi phải đưa con trai tôi đến một hòn đảo lân cận để tận hưởng một ngày yên bình trên bãi biển. Căn cứ này là sự tổn hại tích lũy theo năm tháng, và làm tổn thương môi trường du lịch.

Tôi không nghĩ rằng chúng tôi cần căn cứ quân sự Mỹ. Nhật Bản nên tập trung vào việc kết bạn và xây dựng quan hệ tốt với các nước láng giềng. Chúng ta nên phát triển lực lượng quốc phòng riêng của mình.

Có quá nhiều các căn cứ trên đảo nhỏ của chúng tôi và chuyện này là không công bằng... Người dân Okinawa đã bị lợi dụng.

Cư dân Okinawa

Mặc dù tôi thất vọng với Thủ tướng chúng tôi đã không giữ lời hứa, tôi tin là ông ta sẽ đưa vấn đề ra cho người dân Nhật chú ‎ý.

Người dân Nhật Bản không thông hiểu, họ không biết nhiều thứ. Giờ đây, chí ít thì họ đã nghe về những khó khăn mà chúng tôi đang gặp. Và tôi biết ơn điều đó.

Suematsu Kondo, 70, về hưu, thành phố Yokohama:

Thủ tướng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải nói là các căn cứ Mỹ tại Okinawa không thể được di dời. Nhật Bản bị Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, những nước có vũ khí hạt nhân, bao vây.

Miễn là Nhật Bản có chính sách không sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng tôi không có lựa chọn khác ngoài việc dựa vào Mỹ giúp về quốc phòng và chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật Bản.

Ông Kondo nói người dân Okinawa nên được bồi thường tốt hơn

Tôi hoàn toàn hiểu được cảm xúc của người dân Okinawa và tôi rất thông cảm với họ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng họ phải chấp nhận vị trí của mình vì lợi ích của cả nước. Đổi lại, chính phủ nên cung cấp thêm hỗ trợ tài chính và phải bồi thường cho khó khăn của họ.

Ông Hatoyama đã mắc một sai lầm cơ bản khi hứa hẹn điều mà ông ấy biết là không thể làm được. Ông ta làm điều đó chỉ cốt giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông lừa người dân Okinawa, ông gia tăng mong đợi của họ, ông ấy đưa ra một hy vọng hão huyền.

Tái di dời có thể là một lựa chọn, nhưng vấn đề là không ai sẽ chấp nhận căn cứ Hoa Kỳ chuyển đến sân sau của họ. Ví dụ, chính phủ đề nghị chuyển một phần của căn cứ tới đảo Tokunoshima, nhưng người dân địa phương đã có phản đối kịch liệt. Họ từ chối chấp nhận nó. Việc di dời sẽ không đạt được bất cứ điều gì, nó sẽ chỉ làm bùng lên mâu thuẫn giữa các nhóm người khác nhau.

Thủ tướng nên suy nghĩ về tất cả mọi người ở trong nước. Rất nhiều người Nhật đã mất niềm tin vào ông Hatoyama.

Christopher Melley, giảng viên người Mỹ ở Okinawa:

Dân Okinawa cần thêm nhiều tiếng nói đại diện cho họ.

Các cuộc biểu tình của hơn 90 ngàn người dân tại Yomitan này hôm 24/4 chỉ là một ví dụ cho thấy sự thất vọng của công chúng trước sự hiện diện quân đội Mỹ trên đảo. Đó là một ngày hạnh phúc, tràn đầy hy vọng là sẽ có thay đổi căn bản, khi Nhật Bản đứng lên chống lại việc Hoa Kỳ khăng khăng đòi giữ hiệp định được môi giới vào năm 2006.

Chuyện này đối nghịch với hôm 4/5, khi Thủ tướng Hatoyama, mặc chiếc áo lễ hội Okinawa, nói với người dân Okinawa rằng ông phải bỏ lời hứa lúc tranh cử là sẽ di dời căn cứ không quân gây tranh cãi của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở Futenma.

Ngay cả tôi, một ngoài kiều (gaijin), cũng cảm thấy sự thất vọng ngấm ngầm tuy lịch sự của đám đông. Họ thất vọng về chuyện các địa phương nhỏ bé chẳng có tầm quan trọng khi các quốc gia lớn ra những quyết định lớn.

Melley chia sẻ quan điểm của một số người dân Okinawa

Thực ra tôi cũng dính líu vào vụ này. Bản thân tôi đã phục vụ trong quân đội một thời gian dài, giảng dạy tại bất cứ nơi nào có quân nhân Mỹ và thân quyến của họ. Ở đây tôi cũng dạy tiếng Anh cho sinh viên Nhật Bản.

Tôi đôi khi quên đi những mâu thuẫn rất lớn tại những nơi mà tạo cơ sở cho chính hoạt động giảng dạy khiêm tốn của mình. Trong năm qua, tôi đã học tiếng Nhật đủ để trò chuyện và nói đùa với mức độ lưu loát còn thấp.

Người dân Okinawa cực kỳ lịch sự: chỉ có ít người ủng hộ cho sự hiện diện của quân đội Mỹ như là điều cần thiết về kinh tế và chiến lược, nhưng hầu hết các sinh viên trẻ của tôi muốn người Mỹ chuyển đi nơi khác vĩnh viễn.

Khi tôi đi bộ về làng Chatan, nơi tôi sống, tôi không thể không nghĩ tới một trong các bài tiểu luận nổi tiếng của Orwell, mang tên Bắn Voi, mô tả những kinh nghiệm của ông khi là cảnh sát ở Miến Điện gần cuối thời kỳ hoàng kim của đế chế Anh.

Tôi thường tự hỏi người ta cảm giác thế nào khi là một phần của một đế chế đang đổ vỡ, nơi họ có thể chứng kiến các vết rạn nứt của thành lũy. Bây giờ thì tôi biết.

Một người Okinawa không nêu danh, làm việc cho quân đội Mỹ:

Tôi không ngạc nhiên vì tuyên bố của ông Hatoyama. Tôi đã trông đợi tuyên bố này. Người dân Okinawa đã vận động chống lại các căn cứ trong một thời gian dài nhưng vẫn không có gì thay đổi.

Tôi biết đó là một lời hứa trống rỗng, chỉ để kiếm được phiếu bầu từ người dân Okinawa.

Hầu hết người dân Okinawa mong muốn Okinawa không có căn cứ của Mỹ, đặc biệt là những người lớn tuổi đã kinh qua chiến tranh.

Đã có rất nhiều sự cố liên quan đến quân đội Mỹ - các vụ hiếp dân, rồi tai nạn các loại. Nhật Bản và Mỹ đã thực hiện một hợp đồng, được gọi là Hiệp định về quy chế của quân lực Hoa Kỳ tại Nhật (Bấm Sofa). Thỏa ước này là cực kỳ bất lợi cho người dân địa phương.

Trại Futenma ở trong một khu dân cư. Máy bay trực thăng bay rất thấp trên khu nhà ở của chúng tôi và không có cách nào tránh được.

Có những người chỉ ra rằng các căn cứ mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Đúng vậy - thu nhập của người dân Okinawa đa phần đến từ du lịch và các căn cứ Mỹ. Tôi làm việc tại một căn cứ và tôi có thể nói rằng tiền lương là rất tốt. Các căn cứ tạo ra việc làm - có nhà hàng, khu mua sắm và quán bar.

Vì vậy, chúng tôi nhận được một số tiền. Nhưng có quá nhiều các căn cứ trên đảo nhỏ của chúng tôi và chuyện này là không công bằng. Okinawa là nơi có 75% các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản. Người dân Okinawa đã bị lợi dụng.

Chúng tôi đơn giản không chỉ muốn thay đổi địa điểm các căn cứ. Người dân Okinawa không muốn người khác phải ở trong tình huống tương tự. Tôi hy vọng rằng trong tương lai sẽ không còn các căn cứ này. Tôi biết điều này giống như một giấc mơ nhưng chúng tôi đã mơ về điều đó trong cả thời gian dài.

Tác giả bài viết: NTT

Nguồn tin: BBC

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây