Nhật Bản muốn giúp Việt Nam công nghiệp hóa thành công

Chủ nhật - 25/03/2012 11:38
NDĐT- Với kinh nghiệm từng trải qua qua trình công nghiệp hóa đất nước Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki bày tỏ ý nguyện của Chính phủ Nhật Bản muốn giúp đỡ Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa.
Đại sứ Nhật Bản diễn thuyết tại ĐH Ngoại thương.  


 

“Triển vọng quan hệ kinh tế Việt- Nhật” là chủ đề bài diễn thuyết của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki trước hàng trăm sinh viên của trường Đại học Ngoại thương diễn ra tại Hà Nội chiều 22-3.

Trong bài diễn thuyết, Đại sứ Tanizaki đã điểm lại những mốc son trong lịch sử phát triển kinh tế hai nước. Từ thời giao thương hưng thịnh giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á tại cảng Hội An thế kỷ thứ 17 cho đến tháng 10 năm 2006, hai bên cam kết trở thành đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Gần đây, tại Nhật Bản đang có trào lưu doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh sang thị trường Việt Nam. Riêng trong ba tháng đầu năm 2012 đã có 208 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên tới 1,8 tỷ USD. Viện trợ ODA cho Việt Nam cũng đang đạt mức cao nhất kể từ khi Nhật Bản nối lại viện trợ này cho Việt Nam cách đây 20 năm. Việt Nam đang trở thành quốc gia nhận viện trợ cho ODA của Nhật Bản lớn thứ hai trên thế giới.

Tâm điểm bài diễn thuyết, Đại sứ Tanizaki nhấn mạnh chính phủ Nhật Bản đánh giá rất cao những thành tựu trong phát triển kinh tế và công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam đã đạt những bước phát triển đáng kinh ngạc. Tỷ lệ đói nghèo giảm từ 58% từ năm 1993 xuống còn 14% vào năm 2008, GDP bình quân đầu người tăng từ 144 USD năm 1992 lên 1.000 USD năm 2008, vươn lên hàng các nước có thu nhập trung bình.

Mặc dù vậy, Đại sứ Tanizaki cho rằng, Việt Nam cũng đang dần đối mặt với các vấn đề phát sinh, nếu xử lý không đúng sẽ làm giảm mức tăng trưởng kinh tế. Để giải quyết vấn đề trên, Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 11 tháng 1-2011 đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Theo Đại sứ, Việt Nam cần thực hiện khẩu hiệu ba chữ P trong tiếng Anh (Progress-Partnership - People Development) có nghĩa là Phát triển - Đối tác và Phát triển con người.

Đại sứ Tanizaki cho biết, theo phân tích chuyên gia kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế Việt Nam cũng giống Nhật Bản vào những năm 60. Khi đó, Nhật Bản cũng là quốc gia được nhận viện trợ ODA, đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế cao độ nhằm đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa. Nội các của Thủ tướng Ikeda lúc bấy giờ đã thông qua nhiều chính sách táo bạo như tăng gấp đôi thu nhập cho người lao động, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp trọng điểm, xây dựng lại cơ sở hạ tầng đặc biệt là tuyến đường sắt cao tốc, đào tạo một thế hệ nhân lực ưu tú đầy đủ kiến thức phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa.

Đại sứ Tanizaki cho biết hiện nay chính phủ Nhật Bản đang kết hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam như Văn phòng chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính xây dựng chiến lược công nghiệp hóa tại Việt Nam. Dự kiến trong vài tháng tới sẽ có báo cáo xác định rõ các lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng của Việt Nam.

Đề cập đến quan hệ hợp tác của Việt Nam, Nhật Bản và các nước trong khu vực, Đại sứ Tanizaki cho biết, hai bên đang lên kế hoạch phát triển mối liên kết khu vực Mê Công nhằm hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN. Hai bên đang triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho hành lang kinh tế Đông- Tây từ Đà Nẵng qua Lào, Thái Lan tới Myanmar và hành lang kinh tế Nam Bộ từ TP Hồ Chí Minh qua Campuchia, Thái Lan tới Daie-Myanmar. Theo Đại sứ đây là những dự án vô cùng quan trọng mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia tiểu vùng sông Mê Công và khu vực ASEAN. Đặc biệt trong tương lai, cảng Đà Nẵng và Lạch Huyện (Hải Phòng) của Việt Nam sẽ trở thành cảng biển chính cửa ngõ phía đông của các nước khu vực Mê Công.

Kết thúc bài diễn thuyết, Đại sứ Tanizaki nhấn mạnh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” như một bức thông điệp nhắn nhủ thế hệ trẻ Việt Nam hãy chiêm nghiệm lời dạy của Bác Hồ rèn luyện lý tưởng , cố gắng học tập để trở thành nhân tài của đất nước và vì tương lai thế giới.

Tác giả bài viết: NGUYỄN THU HÀ (nhà báo-HDV it&t)

 Từ khóa: nhật bản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây