Thuận lợi...
Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã có ảnh hưởng rõ nét đến việc tiếp nhận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không chỉ của Việt Nam mà ngay cả FDI toàn cầu cũng bị thu hẹp. Kéo theo đó, một số dự án đã được cấp phép phải điều chỉnh quy mô hoặc đình hoãn triển khai. Cùng với đó, khả năng thu xếp các khoản tín dụng gặp nhiều khó khăn, một số bộ phận người lao động bị mất việc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy năm 2010 và nửa đầu 2011, Việt Nam khó duy trì được tốc độ thu hút FDI cao như những năm 2007 và 2008, song điều này không có nghĩa là môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn trước.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các Tập đoàn quốc tế đang tái cơ cấu đầu tư theo hướng chuyển dịch đầu tư sang địa bàn có lợi thế tốt với chi phí đầu tư thấp để tăng khả năng cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực...Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Là một trong những đối tác quan trọng, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm và luôn nằm trong danh sách các nhà đầu tư lớn dẫn đầu tại Việt Nam. Cho đến tháng 11/2011, Nhật Bản đã có 1.636 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 23,28 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Thông tin về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đỗ Nhất Hoàng cho biết: Qua khảo sát, sẽ có 40 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang việt Nam trong thời gian tới. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn có sức hút nhất định với các nhà đầu tư. Cụ thể, theo đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản, nếu xếp theo tiêu chí thị trường tiêu thụ thì Việt Nam đứng thứ nhất, còn về cơ sở sản xuất, Việt Nam đứng thứ 3 chỉ sau Ấn độ và Malaysia, trong đó, đứng trên nhiều nước trong cùng khối ASEAN và cả Trung Quốc.
Trong số các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp tỉnh Aichi cũng đã tiến hành các hoạt động đầu tư tại Việt Nam từ rất sớm, cho đến nay đã có gần 97 doanh nghiệp đến từ tỉnh Aichi đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có gần 50 doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc và khoảng 45 doanh nghiệp tại khu vực Phía Nam. Hầu hết các doanh nghiệp Aichi đều hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam và một số doanh nghiệp đã tiến hành mở rộng quy mô hoạt động trên toàn quốc.
Vẫn còn rào cản
Xác nhận về hiện trạng cũng như số lượng nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang hoạt động ở Việt Nam, ông Sotaro Nishikaqua, Giám đốc văn phòng JETRO Hà Nội khẳng định: Nếu như năm 2007 - năm được coi là "đỉnh cao" của đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam thì đến năm 2010, con số này đã vượt kỷ lục với 272 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, đại diện JETRO cũng nhấn mạnh, con số trên chỉ được coi là "đỉnh" nếu so sánh trong nội bộ Việt Nam, còn đặt cạnh các nước lân cận trong khu vực ASEAN mà cụ thể là Thái Lan (3 tỷ USD) thì con số trên cũng chưa phải là nhiều.
Lý giải nguyên nhân, các doanh nghiệp tỉnh Aichi hiện diện tại Tọa đàm cũng cho rằng có 5 vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật đang gặp phải đó là: Tốc độ tăng tiền lương mà nếu so sánh với các nước ASEAN thì Việt Nam đang đứng đầu. Tiếp sau đó vấn đề cơ sở hạ tầng mà cụ thể là điện cũng là một khó khăn. Cùng với đó, khoảng gần 30% doanh nghiệp nói rằng có thể mua nguyên vật liệu trong nước, nhưng riêng đối với doanh nghiệp sản xuất xe máy và ô tô thì tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 10%, nghĩa là doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu ít nhất 70% nguyên vật liệu.
Một khó khăn nữa mà theo điều tra của JETRO thì mức lương mà doanh nghiệp Nhật Bản phải trả cho lao động tại Thái Lan là 290 USD, trong khi đó Việt Nam chỉ là 170 USD. Dù mức lương phải trả tại Thái Lan cao hơn song tỷ lệ nội địa hóa các nguyên vật liệu tại quốc gia này cũng cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Tính chung lại thì tổng chi phí mà doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp FDI nói chung phải chi trả tại Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan. Đây là nguyên nhân tại sao Việt Nam yếu thế hơn trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Vấn đề tỷ giá thiếu ổn định và việc thanh toán bằng đồng bản tệ trong bối cảnh tiền đồng đang mất giá cũng là một trong những lo ngại của đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản.
Trả lời cho thắc mắc này, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng khẳng định: Theo thông lệ quốc tế, tất cả các nước trên thế giới đều quy định dùng đồng bản tệ trong thanh toán để chống đô-la hóa nền kinh tế, không riêng gì Việt Nam mà ngay cả Nhật Bản và Thái Lan cũng áp dụng quy định này.
Tuy nhiên, nhận thức được những bất cập do tỷ giá có sự thay đổi và do hạch toán toàn cầu nên doanh nghiệp không thể bỗng chốc đổi từ tiền đồng sang Yên hay USD, đồng thời chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, NHNN, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang có đề xuất với Chính phủ. Theo đó, với các giao dịch nội bộ trong hệ thống doanh nghiệp và xuất khẩu thì có thể xem xét cho doanh nghiệp đó thanh toán bằng ngoại tệ.
Đặc biệt, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ dành 2 khu công nghiệp chuyên sâu đặc biệt cho Nhật Bản - Đây là điều chưa hề có tiền lệ cho dù Việt Nam có không ít đối tác chiến lược.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng sưu tầm