Hút vốn từ Nhật vào công nghiệp phụ trợ(27/06/2011)

Thứ năm - 04/08/2011 20:19
Canon được coi là một trong những ví dụ khá điển hình cho dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, công ty này hầu như chỉ thuần túy nhập linh kiện về và lắp ráp tại Việt Nam.

 

Mà điều này, theo ông Kyoshino Ichikawa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty IBC Việt Nam, người đã từng nhiều năm làm cố vấn cho Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), là “đã đến lúc nên chấm dứt”. “Việt Nam phải thu hút được các doanh nghiệp (DN) chuyên cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà đầu tư lớn”, ông Ichikawa nói.

Thậm chí, GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, kiêm Giám đốc Diễn đàn Phát triển Việt Nam còn cho rằng, chỉ thu hút các nhà đầu tư hỗ trợ cho các DN lớn như Canon thôi chưa đủ, Việt Nam còn phải thu hút các dự án đầu tư trọn gói (bao gồm cả DN lớn và DN vệ tinh). “Cơ hội vẫn còn nhiều, vấn đề là Việt Nam có chính sách nào để thu hút đầu tư”, ông Ohno nói.

 

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, việc làm sao thu hút các DN FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được đề cập. Song hiện thời, CNHT của Việt Nam vẫn ở vạch xuất phát.

 

Câu chuyện nằm ở chỗ, không phải DN Nhật Bản không quan tâm đến đầu tư vào lĩnh vực CNHT ở Việt Nam.  Liên tục có các đoàn DN Nhật Bản tới để tìm hiểu về vấn đề này. Tuy nhiên, câu trả lời về việc có quyết định dừng chân ở Việt Nam hay không dường như vẫn đang bỏ ngỏ.

Phân tích về thực tế này, ông Ryoichi Nakagawa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đầu tư Việt Nam (BTD Japan), người có 20 năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, cho rằng, cần phải “nhận diện” rõ, DN trong lĩnh vực CNHT của Nhật Bản đều là DN nhỏ và vừa, vốn ít, họ thậm chí lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, nên thường nhiều băn khoăn, lo ngại, trong khi lại có rất ít thông tin về thị trường Việt Nam…, để có chính sách thu hút đầu tư cho phù hợp.

“Họ không có hàng trăm triệu USD để thuê diện tích lớn đất đai, xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị…, mà phần lớn chỉ có vốn đầu tư trung bình khoảng 400.000 USD, vì thế, cần có những khu nhà xưởng xây sẵn để cho họ thuê, diện tích khoảng dưới 1.000 m2, với giá thuê khoảng 4-5 USD/m2/tháng”, ông Nakagawa nói và cho rằng, để thu hút các DN hỗ trợ Nhật Bản, cần quan tâm cung cấp thông tin về thị trường Việt Nam, sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ họ khi cần thiết. Thậm chí, các vấn đề liên quan tới chuyện bất đồng ngôn ngữ, tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực cũng cần được giải quyết một cách thấu đáo.

 

Tha thiết thu hút đầu tư của các DN trong lĩnh vực CNHT của Nhật Bản, KBC đã xây dựng hẳn KCN hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản 1 và chấp nhận chia nhỏ nhà xưởng, có thể tới 1.000 m2, mà theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), là điều mà KBC chưa từng làm, để tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa Nhật Bản đến là sản xuất được ngay. KBC thậm chí còn cam kết, hỗ trợ hết lòng cho các nhà đầu tư. Mọi thứ dường như khá hoàn hảo. KCN Hỗ trợ - Đô thị dịch vụ Nam Hà Nội cũng đưa ra những cam kết tương tự.

 

Tuy nhiên, sau khi đi thực tế, một kỹ sư từng nhiều năm làm việc cho DN Nhật Bản, chia sẻ, vẫn còn phải làm nhiều hơn thế để có thể thu hút đầu tư của các DN Nhật. Theo vị này, các nhà đầu tư hạ tầng KCN phải trực tiếp lắng nghe để biết các DN Nhật Bản cần gì để đáp ứng.

Dễ hiểu vì sao vị kỹ sư này nói thế, bởi chính GS. Ohno cũng đã đề cập, những chuyện tưởng rất nhỏ, ví dụ  trong KCN có các nhà hàng bán sushi, sashimi…, lại không hề là nhỏ trong việc giúp các DN Nhật Bản đưa ra các quyết định đầu tư.

 

Trong khi đó, ở tầm vĩ mô, ông Nakagawa lại nhắc tới những chính sách ưu đãi đầu tư cho các DN trong lĩnh vực CNHT. Theo ông này, việc từ giữa năm 2010, Việt Nam bỏ chính sách miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị (trừ một số ngành khuyến khích đầu t), hay việc gần đây Việt Nam siết chặt các khoản vay dài hạn từ nước ngoài… có thể ảnh hưởng tới thu hút FDI trong CNHT. “Cần có chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Nakagawa nói.

 

Không giấu tham vọng về việc có thể “bê” DN Nhật Bản về Việt Nam, khi mà các DN này sẽ dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi đất nước, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng, phải đáp ứng được các yêu cầu dù là nhỏ nhất của DN Nhật. Tuy nhiên, với đề xuất về các chính sách ưu đãi, ông Hoàng cho biết, ở tầm quốc gia, Chính phủ sẽ phải cân nhắc ở nhiều góc độ khác nhau, để quyết định nên ưu đãi ở lĩnh vực nào. “Chúng tôi sẽ cố gắng để sớm nhất có thể có các chính sách khuyến khích đầu tư vào CNHT”, ông Hoàng nói.

 

 (Nguồn Báo Đầu tư)

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây