Hai vị Đại sứ Nhật Bản và trăn trở Việt Nam

Thứ năm - 05/09/2013 12:42
Đó là hai vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba-Mitsuo và Đại sứ Yasuaki-Tanizaki.(Phóng viên Thu Hà CLB)
Hai vị Đại sứ Nhật Bản và trăn trở Việt Nam

Một người tôi được trò chuyện bên hàng tre xanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Một người tôi gặp trong cơn mưa giá rét chiều đông tại cảng Hải Phòng. Một người to cao bệ vệ với đôi mắt sắc sảo trong cặp kính to tròn. Một người dáng dấp nhỏ bé với đôi mắt đầy ưu tư phúc hậu. Song, cả hai vị Đại sứ ấy đều rất yêu Việt Nam, phát hiện ở miền đất này một dòng thác đầy tiềm năng và khao khát cái mảnh đất mà họ đã đặt chân tới sẽ trở thành một cường quốc trên thế giới.

Lời tâm huyết của một vị Đại sứ

Trong buổi tiệc tại dinh thự Đại sứ Nhật Bản ở Thủ đô Tokyo, tôi được vinh dự cùng nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Văn Hiền và Phó Tổng giám đốc Vũ Hải có buổi nói chuyện đầy thú vị với Đại sứ Sakaba.

Ông Sakaba tâm sự, khi đặt chân tới từng vùng miền của 63 tỉnh, thành Việt Nam, điều ấn tượng nhất đối với ông là sắc màu tươi tắn, đa dạng trên trang phục của các thiếu nữ dân tộc thiểu số. Từ đó, ông mong mỏi sẽ cố gắng sao cho cuộc sống hàng ngày của họ thoát khỏi cảnh nghèo và trở nên đẹp như chính trang phục mà họ đang mặc.

 

Đại sứ Sakaba

Thế rồi trong hai năm 7 tháng công tác tại Việt Nam, đã có hàng trăm dự án viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản đến với người dân nghèo trên khắp đất nước Việt Nam. Tháng 9/2010, ngày chia tay với Việt Nam cuối cùng đã tới. Trước khi rời Việt Nam, ông có gửi đôi lời tâm huyết đến người dân Việt Nam.

“Hiện nay, Việt Nam là một thành viên của ASEAN, về mặt kinh tế đã gia nhập WTO, do đó tôi cho rằng Việt Nam cần thể hiện bản lĩnh của mình trong cộng đồng quốc tế, phải cạnh tranh bình đẳng và thắng trong các cuộc cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tôi mong rằng, Việt Nam sẽ khắc phục được ý thức hệ của “thời kỳ chiến tranh và nghèo đói” và xây dựng quốc gia hiện đại. Việt Nam có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm khác với Nhật Bản, chính vì vậy tình yêu của tôi đối với các bạn không bao giờ tắt. Hình ảnh của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ ra sao, sẽ có những thay đổi gì, và còn những gì vẫn tồn tại. Tôi nhất định sẽ trở lại đất nước các bạn vào năm 2020”.

Ba lần gặp Đại sứ Yasuaki Tanizaki

Mưa, gió lạnh, mái tóc đã điểm bạc của Đại sứ ướt sẫm. Nét mặt phúc hậu của ông vẫn điềm đạm nhẫn nại hướng về phía cửa biển, chờ 3 chiến hạm của Nhật Bản cập cảng Hải Phòng thăm hữu nghị Việt Nam.

5.000 con hạc giấy được gửi đi từ Cung Thiếu nhi Hà Nội đến thiếu nhi của 3 tỉnh Miagi, Fukusima và Iwate là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất, sóng thần vào tháng 3/2011.

Đại sứ Tanizaki xúc động đến lặng người. Ông nói, vinh dự và trách nhiệm của ông là đưa bức thông điệp đặc biệt ý nghĩa này tới những người dân vùng thiên tai. Bức thông điệp đó sẽ giúp nhân dân Nhật Bản dũng cảm vượt qua hậu quả đau thương của thảm họa thiên tai.

 

Đại sứ Tanizaki

Hội trường đại học Ngoại thương chật cứng sinh viên. Buổi thuyết trình về triển vọng kinh tế Việt - Nhật của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki bắt đầu trong tiếng vỗ tay chào mừng nhiệt liệt.

Trong bài diễn thuyết, đại sứ Tanizaki đã điểm lại những mốc son trong lịch sử phát triển kinh tế hai nước. Từ thời giao thương hưng thịnh giữa Nhật Bản và Việt Nam tại Hội An thế kỷ thứ 17 cho đến tháng 10/2006, hai bên cam kết trở thành đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Viện trợ ODA cho Việt Nam cũng đang đạt mức cao nhất kể từ khi Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam từ năm 1992. Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA của Nhật Bản lớn thứ hai trên thế giới.

Mặc dù vậy, đại sứ Tanizaki cho rằng, Việt Nam cũng đang dần đối mặt với các vấn đề phát sinh, nếu xử lý không đúng sẽ làm giảm mức tăng trưởng kinh tế.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11, tháng 1/2011 đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Theo đại sứ, Việt Nam cần thực hiện khẩu hiệu ba chữ P trong tiếng Anh (Progress - Partnership - People Development) có nghĩa là Phát triển - Đối tác và Phát triển con người.

Kết thúc bài diễn thuyết, đại sứ Tanizaki nhấn mạnh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” như một bức thông điệp nhắn nhủ thế hệ trẻ Việt Nam hãy chiêm nghiệm lời dạy của Bác Hồ rèn luyện lý tưởng, cố gắng học tập để trở thành nhân tài của đất nước và vì tương lai thế giới.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp đại sứ Sakaba. Khi trả lời phỏng vấn, ông đã dùng những ngôn từ rất sắc sảo của một người phát ngôn Bộ ngoại giao, song thái độ của ông lại ngượng ngùng khi thấy hình của mình trên trang báo Việt Nam. Ông nói với tôi rằng, ông rất yêu Việt Nam và cho đến giây phút này tôi đã cảm nhận được câu nói ấy từ tấm lòng đầy thiện chí, ý kiến đóng góp xây dựng thẳng thắn của ông.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Hà/VOV - BTNVN

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây