"Con gái tôi", bài viết dành giải thưởng của Ms Hà IT&T trên báo Vnexpress

Thứ hai - 18/05/2015 22:19
Những ngày đầu sống tại Tokyo với mức sinh hoạt phí 900 đôla của một phóng viên Việt Nam thường trú tại nước ngoài như tôi gắng lắm mới đủ tiền chợ nuôi con. Con gái bé bỏng của tôi ở tuổi 17 đã phải trải qua bao gian truân. (Nguyễn Thị Thu Hà, Nhật Bản)

Cánh cửa ký ức bật mở.

"Mẹ ơi cho con đi bệnh viện, con nuốt phải mảnh vỡ thủy tinh".

Cái cổ cao và gầy của con gái tôi như vươn ra, cứng lại, bộ mặt tím tái không hiểu do sợ hãi hay vì đau đớn. Trời đã khuya, gió lạnh đắng, biết đi đâu về đâu khi các chuyến tàu điện ngầm đã chìm sâu vào giấc ngủ .Chợt nhớ ra tại Nhật Bản khi gọi xe cấp cứu sẽ được miễn phí. Nhanh lên, ba mẹ con mình cùng vào viện.

Đã hai năm qua kể từ khi gia đình tôi tới Nhật Bản. Trước khi đi, con gái tôi hình dung một viễn cảnh du học - cơ hội mở ra chân trời mới đầy hi vọng , hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Song con tôi đâu có hình dung được những khó khăn trong cuộc sống của du học sinh nước ngoài. Đó là một thế giới của sự thử thách toàn diện, lâu dài và bền bỉ. Những thử thách đó chỉ dành cho những ai đủ bản lĩnh vượt qua mới có thể chinh phục được thành công.

nhat-4827-1431328875.jpg

Con gái tôi. 

Òa khóc vì vất vả

Câu chuyện về con gái tôi bắt đầu từ những ngày đầu năm 2009. Ba mẹ con tôi mỗi người như chấm nhỏ bò mải miết trên con đường số phận. Nhìn lại quá khứ tôi thấy mình can đảm tới mức liều lĩnh. Gần như không có tài sản gì trong tay mà vẫn dũng cảm cho con đi du học song cũng có lẽ chưa bằng nhiều gia đình nông thôn Việt Nam khác vay toàn bộ tiền trong ngân hàng cho con đi du học hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn bố mẹ…

Tokyo hôm ấy trời lạnh thấu xương, ngồi bên máy tính bàn làm việc của tôi la liệt những địa chỉ tuyển người làm.

“Con ơi đừng ngủ nữa, ở Tokyo thời gian là vàng ngọc đấy. Dậy đi con, mẹ đã xin cho con được việc làm tại hiệu giặt là. Ngày mai sau buổi học, con đi làm buổi tối nhé”.

Con gái tôi vùng vằng, mắt nhắm mắt mở ngồi dậy.“Biết thế con chẳng sang đây với mẹ nữa.Tưởng đi nước ngoài sướng lắm”.

Lặng thinh tôi nhìn ra cửa sổ, Tokyo tuyết đang rơi trắng xóa. Hôm sau, hai mẹ con tôi lên tàu tới hiệu giặt là. Xa lắc xa lơ, cách nhà tới 60 phút đi tàu điện. Xuống ga, trời tối đen như mực, sương lạnh buốt đẫm vai áo, men theo con đường dài hun hút, con gái tôi thất thểu bước đi trước.

Nhìn dáng nhỏ gầy gò, lòng tôi quặn lại rồi cảm thấy nước mắt tự nhiên cứ ứa ra: "Con ơi, mình quay về thôi không đi nữa".

Bỗng con gái tôi quay phắt lại: “Mẹ, đã đến nơi rồi không quay về nữa. Ở đây chỉ một con đường”.

Những ngày đầu sống tại Tokyo với mức sinh hoạt phí 900 đôla của một phóng viên Việt Nam thường trú tại nước ngoài như tôi gắng lắm mới đủ tiền chợ nuôi con. Con gái bé bỏng của tôi ở tuổi 17, lứa tuổi đẹp nhất của thời học trò đã phải trải qua bao gian truân nào giặt là, nào cắm hoa rồi rửa bát. Ngày đi học tiếng Nhật, tối đi làm, chẳng đi đâu chơi. Trang giấy trắng học trò đôi khi cũng vấy vài vết mực do mức sống quá ngặt nghèo.

Con gái tôi cũng như hàng vạn sinh viên Việt Nam khác đi làm thêm tại Nhật Bản được hưởng mức lương700 Yên/1 giờ, tương đương với 120.000 đồng Việt Nam. Nghe qua có vẻ khá cao nhưng phải làm cật lực, chăm chỉ đồng thời phải thành thạo tiếng Nhật. Từ môi trường công việc khắc nghiệt đó con gái tôi nhận thức rằng con đường dẫn tới trí thức hoàn toàn không được rải hoa hồng…

Xuân sang, bầu trời Tokyo xanh thanh khiết trong hương vị mùa xuân, dưới khung cửa nhỏ những cành hoa sumire màu tím sẫm khẽ đung đưa. Tựa như cơn gió, con gái tôi ào tới ôm tôi thật chặt : "Mẹ ơi con đã đổi sang việc làm khác rồi nhẹ nhàng hơn, mà lại gần hơn, ở cửa hàng hoa gần siêu thị mẹ ạ. A, con có quà tặng mẹ sinh nhật”.

Mặt đỏ bừng lên, hơi thở gấp gáp không hiểu vì mệt hay vui. tôi hôn bông hồng bé xinh, món quà đầu tiên của con gái tôi kể từ ngày đi làm. Một giọt nước đọng trên cánh hoa tựa như sương sớm ban mai. Không, không phải là nước mắt của tôi mà là bao giọt mồ hôi lao động của con gái rớt xuống mảnh đất này…

Đã gần 4h sáng rồi ánh đèn trong phòng con tôi vẫn bật sáng. Trên bàn học con tôi dán chi chít những khẩu hiệu viết bằng tiếng Nhật. Tóc rối tung, đôi mắt ướt ẩn sau kính dày, con tôi vẫn cúi sát mải mê đọc sách.

Thấm thoắt một năm trôi qua. Con gái tôi về nhà cùng cơn mưa đầu xuân mát lạnh. Tay vuốt nước mưa, đôi mắt tròn xoe sau cặp kính, con gái tôi nói như reo:“Mẹ ơi, con đỗ rồi, vào trường Waseda mẹ ạ”

“Tuyệt lắm, đó là trường hàng đầu Nhật Bản. Đã tới lúc mẹ phải quay trở về Việt Nam”.

“Nhưng mẹ ơi, con lại phải ở lại Nhật Bản, không, con sợ phải sống một mình trong cảnh vừa đi học vừa đi làm”. Con tôi òa khóc nức nở.

“Không,đất nước Nhật sẽ che chở con”…

Ngày ấy đã tới, ngày xa con trở về Tổ Quốc, hai mẹ con lặng lẽ rời khỏi văn phòng ở Shibuya ( Tokyo) tới Tokorozawa ( tỉnh Saitama) gần trường con gái tôi.

Không gian riêng của con gái tôi thật nhỏ nhắn. Bếp xinh, bồn tắm thật xinh, cả rèm cửa cũng rất xinh. Từ cửa sổ bé tí nhìn ra Nhật Bản thật rộng lớn, muôn màu. Từ nay con phải tự bước đi. Mẹ hiểu để tồn tại thật không đơn giản, tất cả đều có sự đánh đổi, nếu không nhanh chân sẽ bị dòng người lướt qua rồi bơ vơ giữa khoảng không lạc hậu.

Con ơi, con như bao trí thức trẻ Việt Nam vươn ra khỏi biên giới, hứng chịu mọi khó khăn để mở rộng chân trời học vấn. Con đường phía trước còn dài, lắm chông gai. Mẹ thành thật xin lỗi con, không còn cách nào khác, mẹ phải xa con trong giai đoạn con khó khăn nhất song mẹ luôn tin mảnh đất này sẽ giúp con rèn luyện lý tưởng sống và tinh thần độc lập tự chủ.

Gạt nước mắt, tôi xách va ly bước nhanh ra ga. "Không… mẹ không thể xa con được", bất chợt với ý nghĩ, tôi quay người lại định ôm con nhưng con gái tôi đã vào bên trong cánh cửa im lìm. Tàu rời ga Tokorozawa, lòng thắt lại tưởng như bóng gầy nhỏ của con đứng đó chờ tôi mỗi ngày…

Chinh phục thành công

Trường đại học Waseda vào một ngày thu, con đường dốc thoai thoải trải rộng. Ánh nắng rực rỡ chiếu xuống thảm cỏ. Những bức tượng im lìm suy ngẫm theo dòng trí thức. Con gái tôi bước nhanh trong sắc đỏ rực rỡ của cành lá mimozi: “Mẹ ơi, con đỗ năm công ty lớn của Nhật Bản, con đã chọn tập đoàn máy tính Quốc tế IBM toàn cầu, Mong sao có ngày sớm trở lại quê hương".

Vui, buồn, lâng lâng, hạnh phúc trong tôi thật lẫn lộn rồi hòa quện vào nhau. Con gái tôi đã chinh phục được thành công sau bao nỗi nhọc nhằn của cuộc đời sinh viên. Trái tim tôi như trẻ lại, hòa cùng nhịp đập dâng hiến cùng con gái tôi và biết bao sinh viên Việt Nam đang ngày đêm miệt mài học tập, làm việc và sinh sống trên đất nước anh đào..

Bài thơ tặng mẹ

Bài thơ tặng mẹ đẹp như hoa
Nhớ tháng ngày con còn bé
Lần từng bước theo bàn tay mẹ
Nép bên cha vai áo gầy sờn bạc.

Bài thơ tặng mẹ chứa câu ca
Đêm, mẹ ru con trong căn xép nhỏ
Le lói ánh đèn cha ngồi chữa máy
Bài thơ tặng mẹ thấm bao vị mặn.

Nước mắt tuôn, mồ hôi thấm xuống đất người
Bài thơ tặng mẹ nhuộm sắc chia ly
Mẹ, cha, con mỗi người một ngả
Nhưng mẹ đã dạy con tất cả.
Cho con hiểu thế nào là sự nghiệp
Là hy sinh, là lẽ sống trên đời.

Nguyễn Thu Hà

Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.

Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây.
Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tinh-nguoi-xa-xu/con-gai-toi-3212224.html

Tác giả bài viết: Nguyễn Thu Hà

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây