Cơ hội mới làm ăn với Nhật

Thứ ba - 05/06/2012 16:51
Nhiều năm nay, Nhật Bản không chỉ nằm trong tốp các nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất, mà còn là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ với Việt Nam được phía Nhật Bản đặc biệt coi trọng và hoàn toàn có cơ sở để tin rằng dư địa thu hút nguồn vốn FDI Nhật vẫn còn rất lớn.

 

Lợi cả đôi bên

Với một quốc gia đang phát triển ở mức trung bình thấp như Việt Nam, nhu cầu về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý là rất bức thiết thì ngược lại, theo các nhà phân tích kinh tế, đầu tư ra nước ngoài cũng là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam nên hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản - những nhà đầu tư đang rất mong muốn tìm chỗ đứng ổn định ở thị trường nước ngoài. (Cần nói thêm rằng, một “doanh nghiệp nhỏ” của Nhật Bản có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 triệu USD/năm). Phát triển các khu công nghiệp (KCN) dành riêng cho đối tượng này là một gợi ý quan trọng từ các chuyên gia JICA. 

         

Dây chuyền sản xuất xe máy tại một liên doanh giữa DN Nhật Bản với DN Việt Nam. Ảnh: CHIẾN DŨNG

Và các doanh nghiệp Việt có tầm nhìn xa đã không bỏ qua lời khuyên đúng đắn này. Tháng 6 tới, một phái đoàn doanh nghiệp Việt Nam sẽ có chuyến công du tới Osaka để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các nhà đầu tư Nhật. Trước đó, bên lề một hội thảo về đầu tư của Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam, ông Lê Kim Thắng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển đô thị và KCN Quế Võ IDICO (Bắc Ninh) cho biết, IDICO sẵn sàng xây dựng các khu nhà xưởng nhỏ (standard factory - diện tích vài trăm đến 1.000m²) để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vệ tinh chuyên cung cấp linh, phụ kiện cho các hãng lớn như Toyota, Honda...

Ông Hồ Quang Phúc, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường đầu tư Vĩnh Phúc cho biết: “Chúng tôi đang tính xin tỉnh một khoảnh đất để xây dựng các standard factory. Cần phải xây dựng các KCN chuyên biệt cho nhà đầu tư Nhật Bản. Phải làm ngay, dù chưa làm đại trà, nếu không, chúng ta có thể mất cơ hội”. 

Ở góc độ địa phương, Hải Phòng đang nổi lên là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản. Thành phố này hiện đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn FDI với 926 triệu USD, chỉ xếp sau tỉnh Bình Dương (hơn 1,26 tỷ USD). Cùng với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bên cạnh việc “chiêu dụ” những “tập đoàn cá mập”, Hải Phòng đã chú trọng phát triển mô hình khu công nghiệp chuyên biệt, khu công nghiệp phụ trợ nhắm tới các nhà đầu tư Nhật vừa và nhỏ.

Thực tế là trong số các dự án FDI Nhật Bản vào Hải Phòng từ đầu năm đến nay, ngoài hai dự án lớn nhất là Bridgestone và Nipro Pharma Việt Nam, đã có nhiều dự án nhỏ khác như Zeon Việt Nam, vốn đầu tư 25 triệu USD; Nishina Việt Nam, vốn đầu tư 12 triệu USD... sản xuất các sản phẩm kim loại, trang thiết bị và dụng cụ y tế, phụ kiện các sản phẩm viễn thông, điện tử; thiết bị thủy lực cho máy xây dựng và các loại xe công nghiệp.

Thích láng giềng là đồng hương!

Công nhận tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp phụ trợ, song Giáo sư Kenichi Ohno, một chuyên gia tư vấn đầu tư hàng đầu của Nhật Bản, còn đưa ra lời “mách nhỏ”: qua điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, có tới 70% số DN được hỏi muốn đầu tư tại các KCN chuyên biệt dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản. KCN phải có cơ sở hạ tầng tốt, có nhà xưởng sẵn cho thuê, có điều kiện sống tốt, dịch vụ một cửa bằng tiếng Nhật, thủ tục khai báo hải quan tại chỗ và kho hàng trong KCN… 

Tâm lý “buôn có bạn, bán có phường” và đặc biệt tin cậy các nhà đầu tư đồng hương của các nhà đầu tư Nhật rất cần được lưu ý. Được biết, một nhà tư vấn Nhật đang xúc tiến mời khoảng 100 DNNVV Nhật Bản về công nghệ thông tin tới đầu tư tại KCN Long Đức (Đồng Nai) và tiến trình đang khá khả quan. 

Điều cần nói thêm là theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng vốn (có hàm lượng công nghệ cao) cũng như cơ cấu đầu tư của Nhật Bản (86% tập trung vào công nghiệp chế tạo và chế biến) rất phù hợp với định hướng thu hút FDI của Việt Nam; tạo ra tác động lan tỏa sâu rộng đối với nền kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia trong khu vực (điển hình là Thái Lan) đã và đang tìm cách đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của nhà đầu tư Nhật để kéo dòng vốn này vào quốc gia mình. 

(Nguồn:SGGP)

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây