Hướng dẫn viên du lịch Tiếng Nhật tại Hà nội

http://www.hanoijsg.org/vjc


Du lịch Việt Nam hụt hơi - Bài 3: Chờ hạ tầng, hàng không

Thứ tư, 10/08/2011, 00:44 (GMT+7) theo SGGP Đón đầu sự dịch chuyển điểm đến của du lịch thế giới, trong hơn 15 năm qua, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia đã có chiến lược đầu tư cho hệ thống hạ tầng, hàng không. ASEAN đang sở hữu những cảng hàng không tầm cỡ thế giới. Trong khi, còn lâu nữa du lịch Việt Nam mới có thể cất cánh vì phải chờ đợi… hạ tầng, hàng không.

 

  • Hạ tầng... rùa bò! 

Các quốc gia trong khu vực ASEAN đã có chiến lược phát triển du lịch và đi cùng với đó là hệ thống hạ tầng được đầu tư hiện đại. ASEAN đang sở hữu những cảng hàng không quy mô lớn, tầm cỡ, thuộc hàng tốt và hiện đại nhất thế giới. Ngoài hơn 30 đường cao tốc, hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên không, sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok là niềm tự hào, góp phần làm du lịch Thái Lan cất cánh.

Giá tour cao làm du lịch trong nước kém cạnh tranh so với nhiều tour đi nước ngoài. (Ảnh: Du khách mua đặc sản ở Điện Biên). Ảnh: THÁI BẰNG

Sân bay Suvarnabhumi đưa vào hoạt động năm 2006, xếp thứ 18 trong danh sách những sân bay bận rộn nhất trên thế giới, phục vụ khoảng hơn 45 triệu khách/năm và có khả năng nâng cấp lên hơn gấp đôi. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) cũng là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Á, với công suất khai thác 45 triệu khách/năm đã được đưa vào khai thác từ năm 1998. Sân bay Changi của Singapore cũng nằm trong tốp những sân bay hiện đại nhất thế giới.

Việt Nam cũng đã có kế hoạch xây dựng sân bay quốc tế Long Thành lớn gấp 4 lần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay, với 4 đường băng hạ cất cánh. Công suất khai thác tối đa của sân bay quốc tế Long Thành bằng với sân bay Suvarnabhumi của Thái hiện nay, khoảng 100 triệu khách/năm. Cùng với đó là hệ thống đường bộ cao tốc nối liền TPHCM đến các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang… Nhưng phải đợi ít nhất 15-20 năm nữa, các hệ thống này mới có thể hình thành đưa vào hoạt động để TPHCM - trung tâm kinh tế, du lịch của Việt Nam cũng sẽ có được bộ mặt hạ tầng tương tự như Bangkok - Thái Lan hiện nay.

Nhưng liệu đến khi đó, châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt Đông Á, Đông Nam Á có còn là điểm nóng thu hút khách quốc tế hay du lịch thế giới lại bắt đầu guồng quay, thay đổi điểm đến ở châu Phi hay một nơi nào đó không phải Đông Á! Như thế du lịch Việt Nam sẽ lỗi nhịp, chậm chân.

Hiện tại, trong khi các sân bay Suvarnabhumi, KLIA đang hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm thì sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất Việt Nam vẫn chưa khai thác hết công suất 20 triệu/khách/năm. Các đoạn đường cao tốc Bắc Nam được làm từng đoạn, không biết bao giờ mới có thể liền tuyến.Nhiều công trình hạ tầng chưa được cải thiện, Mũi Né - Phan Thiết cách TPHCM hơn 200km, nhưng tình hình di chuyển trong nhiều năm gần đây ngày một tệ hơn.

Các công ty du lịch cho biết, trước đây thời gian di chuyển trên đoạn đường này mất khoảng 5 giờ rưỡi, nhưng nay với việc bắn tốc độ, kẹt xe nghiêm trọng ở cửa ngõ TPHCM, khoảng thời gian kéo dài đến 6 giờ. Với đoạn đường 200km phải mất chừng ấy thời gian di chuyển, ngồi trên xe thì quả là nỗi ám ảnh đối với du khách nước ngoài.

  • Du lịch và hàng không chưa... liên thông

Phát triển du lịch không chỉ có hạ tầng. Hàng không giá rẻ cũng góp phần quan trọng vì giá vé máy bay chiếm phần lớn chi phí tour. Đón 23 triệu khách trong năm 2010, Malaysia đã lọt vào tốp 10 nước có lượng khách quốc tế đến cao nhất thế giới. Và hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia đã đóng góp rất lớn trong việc đưa khách quốc tế đến Malaysia.

Một nhóm bạn trẻ ở TPHCM vừa lên kế hoạch đi du lịch “bụi” đến Sri Lanka trong tháng 4-2012, hành trình 4 chặng bằng hàng không giá rẻ AirAsia, tuyến TPHCM - Kualar Lumpur - Sri Lanka - Kualar Lumpur - TPHCM, giá đặt vé toàn bộ chỉ có 7 triệu đồng. Tương tự, Singapore có hãng hàng không giá rẻ Tiger Arways, Thái Lan có Nok Air. Việt Nam vẫn chưa có hàng không giá rẻ thật sự, dù Jetstar Pacific Airlines đang hoạt động với danh nghĩa hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, khi hãng đang trong tình trạng khó khăn. 

Hạ tầng đường bộ tại Việt Nam còn yếu, du khách phải mất nhiều thời gian cho di chuyển. Trong khi đó, đường hàng không lại quá đắt đỏ. Với việc tăng giá trần vé máy bay nội địa của các hãng hàng không trong nước lên gần 25% trong tháng 5-2011, du lịch nội địa như hứng thêm một gáo nước lạnh! Theo giá mới, vé khứ hồi TPHCM - Hà Nội lên gần 5 triệu đồng. Giá vé máy bay vốn đã đắt đỏ nay còn đắt hơn! Hàng không và du lịch Việt Nam vẫn còn lạnh nhạt, chưa có sự đột biến trong quan hệ.

Trong năm 2009 và 2010, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA) đã hưởng ứng bán vé giá rẻ cho tour kích cầu nội địa, góp phần làm cho giá tour du lịch trong nước giảm 30%-35% so với giá bình thường. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ, Phó trưởng nhóm Doanh nghiệp lữ hành tham gia chương trình kích cầu tại TPHCM, đã thừa nhận rằng, việc bán vé máy bay giá rẻ cho tour nội địa đã tạo cơ hội cho người dân trong nước được đi du lịch giá rẻ, góp phần rất lớn vào tăng trưởng 30% của khách nội địa. 

Tuy nhiên, năm 2011, VNA đã rút chân, không tiếp tục làm mạnh thường quân cho ngành du lịch. Không còn tour kích cầu, trước sự gia tăng chi phí đầu vào của mặt bằng giá mới, giá tour nội tăng khoảng 20%-30% so với trước. Điều này đẩy giá tour nội vốn đã cao nay càng cao hơn so với tour đi nước ngoài đến Thái, Campuchia. Tour nội địa mất cạnh tranh và việc du khách Việt Nam đổ xô đi du lịch nước ngoài trong những tháng gần đây là thực tế buồn nhiều hơn vui!

MỸ HẠNH

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây