Hướng dẫn viên du lịch Tiếng Nhật tại Hà nội

http://www.hanoijsg.org/vjc


'Bắt bệnh' kém sức cạnh tranh của du lịch Việt

Giá tour nội địa cao so với đi Đông Nam Á, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, không đặc trưng... là những căn bệnh của du lịch Việt Nam. Các mắt xích như hàng không, đường sắt cũng chưa hợp tác chặt chẽ với ngành du lịch.

 

"Giá tour từ TP HCM đi Thái Lan chỉ 7 triệu đồng trong khi đi Đông Bắc hay Tây Bắc đều có giá hơn 11 triệu đồng, tương đương với tour đến Malaysia, Singapore", ông Vương Tiến Hưng, Giám đốc công ty TNHH du lịch thương mại Tân Đại Lục (TP HCM) nói.

Theo ông Hưng, giá tour trong nước tăng là do các sản phẩm cấu thành như khách sạn liên tục tăng giá, nhất là vào mùa cao điểm, giá suất ăn trong nhà hàng và lương tăng 10-15%, chưa kể giá xăng. Do vậy, du lịch Việt Nam khó cạnh tranh với nước ngoài, nhất là Thái Lan.

"Vì lạm phát, các khách sạn, nhà hàng không thể không tăng giá song cần quy định rõ tăng bao nhiêu và công bố giá phòng để phía du lịch tính toán", ông Hưng bày tỏ tại cuộc hội thảo "Hợp sức cho du lịch Việt Nam" cuối tuần qua.

Ông Trần Quốc Thái, đại diện Công ty Tracodi Tourist, nhận xét chất lượng đường sá trên những cung đường Tây Bắc rất kém, nhất là đường vào bản dân tộc thì hầu như ôtô không vào được. Ngoài ra, trên cung đường này có rất ít sản phẩm cho du khách mua làm quà. Tại Sapa có nhiều sản phẩm địa phương song lại thiếu thông tin hướng dẫn, khiến du khách e ngại khi mua làm quà như táo mèo, thuốc...

“Nếu có sự quan tâm của chính quyền mới giải quyết được vấn đề, định hình sản phẩm. Những bất cập mà bản thân doanh nghiệp không tự giải quyết được như xử lý các điểm bán tự nâng giá, tôi mong ở góc độ ngành, Tổng cục du lịch nên có tác động tới địa phương”, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc công ty TNHH DL Hàm Luông, nêu quan điểm.

Hồ Gươm
Du khách không có chỗ đi bộ vì vỉa hè bị lấn chiếm ở Hồ Gươm. Ảnh: Tiến Dũng.

Nhiều đại biểu cho rằng, du lịch là tổng hòa của nhiều lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, điểm đến... Do vậy, bài toán liên kết ngành được các đại biểu đặt ra. Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch, ông Hà Văn Siêu thẳng thắn, dường như các đối tác còn căn ke lợi ích của mình mà chưa nhìn toàn cục, chưa đẩy mạnh liên kết ngành. Vai trò trung gian của Tổng cục Du lịch, các hiệp hội cũng chưa nhiều.

Bên cạnh đó, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch nhấn mạnh vai trò của ngành hàng không, đường sắt. Đây là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng giá trị của ngành du lịch. Ông Siêu cho rằng, tuy có nhiều cố gắng, song giá vé hàng không vẫn cao, còn tình trạng trễ chuyến khiến khách không hài lòng.

Đồng tình với nhận xét trên, Giám đốc Hanoi Tourist Lưu Đức Kế đưa ra hình ảnh ví von du lịch và hàng không là hai cánh của một máy bay. Máy bay không thể cất cánh nếu một trong hai cánh.

Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó trưởng ga Hà Nội, cho rằng thiếu vé tàu chỉ tập trung trong giai đoạn cụ thể như hè, tết. Tuy nhiên, nhiều thời điểm thiếu vé lại do các đơn vị lữ hành cạnh tranh không lành mạnh. Có đơn vị đặt rất nhiều vé song lại không bán hết, trong khi các đơn vị khác lại không có vé. Do vậy, ga Hà Nội phải phân bổ đồng đều mỗi nơi một ít.

Theo bà Hà, ga Hà Nội lại không nắm được thông tin như nhu cầu từ các công ty du lịch, nên năm sau chỉ cố gắng tăng trong phạm vi 5-10%. Hiện ngành đường sắt mới được đầu tư hơn 100 toa xe mới, có khả năng phục vụ khách tốt hơn, song “đón như thế nào, dịp nào” là điều mà ngành đường sắt cần phối hợp với bên du lịch.

Phó ban tiếp thị hãng Hàng không Việt Nam (VNA) Hoàng Thanh Quý cho rằng, các doanh nghiệp lữ hành luôn kêu ca thiếu vé máy bay dịp cao điểm, song không hiểu là VNA cũng gặp nhiều khó khăn. Như vào dịp Tết, các chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM có tới 5.000 ghế trống, cho thấy chi phí bỏ ra rất lớn.

Đề cập giảm giá vé máy bay để kích cầu du lịch, ông Quý cho rằng, hiện nay có giá dầu là 112 USD/thùng trong khi thời điểm 2009 là 72 USD, lương phi công tăng... do vậy, khó có thể giảm giá vé như thời điểm năm 2009.

Tuy nhiên, theo ông Quý, sắp tới bên cạnh việc mở nhiều đường bay phục vụ nhu cầu du lịch nội địa như Phú Quốc - Cần Thơ, Cần Thơ - Côn Đảo, Đà Nẵng - Hải Phòng, VNA tiếp tục mở các đường bay thẳng đi nước ngoài, tăng độ thuận tiện cho khách có nhu cầu đi du lịch tới Việt Nam.

Bà Phạm Lê Thảo, Vụ phó vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết 10 tháng qua, Việt Nam đã đón 4,8 triệu lượt khách, vẫn đạt tăng trưởng. Song năm sau sẽ là một năm rất khó khăn đối với du lịch Việt Nam, do vậy ngành du lịch, hàng không và các địa phương cần có sự gắn kết hơn nữa, cùng tăng năng lực cạnh tranh của du lịch.

Đoàn Loan

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng

Nguồn tin: Theo Vnexpress

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây