Hướng dẫn viên du lịch Tiếng Nhật tại Hà nội

http://www.hanoijsg.org/vjc


Quan Hệ Thương Mại Việt Nam - Nhật Bản: Vượt Thách Thức Đón Cơ Hội

Quan Hệ Thương Mại Việt Nam - Nhật Bản: Vượt Thách Thức Đón Cơ Hội
Kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản phấn đấu theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định và lâu dài”, thực hiện Sáng kiến chung Việt – Nhật, ký kết Hiệp định tự do, Xúc tiến và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Nhật Bản từ năm 2003, quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản phát triển với tốc độ cao, bình quân tăng trên 19%/năm.
Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong tuyên bố chung Việt - Nhật năm 2006, hai nước đã nhất trí phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2010.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được và cơ hội hứa hẹn vẫn nhìn thấy những thách thức mà các bên cần phải vượt qua trong quan hệ thương mại.

Thị trường tiềm năng

Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - là một thị trường lớn với dân số khoảng 128 triệu và có sức mua lớn. Người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng sự đa dạng của sản phẩm. Sản phẩm có vòng đời ngắn nhưng chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, hoàn hảo, tiện dụng là phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản hiện nay.

Những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng tăng: năm 2001 đạt 351 tỷ USD, năm 2004 đạt 454 tỷ USD và năm 2006 đạt 580 tỷ USD, năm 2007 đạt 621 tỷ USD (tăng 7,2% so với năm 2006), trong đó: nông thủy sản, thực phẩm là 51 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng kim ngạch nhập khẩu), hải sản là 14,6 tỷ USD (chiếm 2,4%), may mặc là 30 tỷ USD (chiếm 4,9%)…

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nhật Bản năm 2002 đạt 4,9 tỷ USD, tới năm 2007 tăng lên 12,2 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với 5 năm trước. Cán cân thương mại giữa hai nước tương đối cân bằng.Từ năm 2000-2004, Việt Nam nhập siêu khoảng trên 50 triệu USD/năm;Năm 2005-2006 Việt Nam xuất siêu trên 300 triệu USD/năm và đến năm 2007, nhập siêu khoảng 108 triệu USD (chủ yếu là do nhập khẩu máy móc thiết bị gia tăng do có sự gia tăng trong đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam). Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đạt 6,069 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2006 và Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Bước sang năm 2008, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, kim ngạch thương mại hai chiều đã có tín hiệu tăng trưởng tốt. Tính đến hết tháng 7 năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt xấp xỉ 10 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Việt Nam xuất siêu trên 180 triệu USD. Như vậy, có thể tin tưởng rằng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật bản của cả năm 2008 sẽ vượt xa con số 15 tỷ USD, hoàn thành trước hai năm mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được chấp nhận tại thị trường Nhật Bản nhưng thị phần vẫn còn rất khiêm tốn, hiện mới đạt xấp xỉ 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản. Trong khi đó, thị phần của Trung Quốc là 20,5%, Thái Lan 2,94%, Malaysia 2,8%, Philippines 1,4%, Singapore 1,13% (số liệu năm 2007).

Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản còn khiêm tốn là do các DN chưa nắm bắt được hết những lợi thế và khắc phục những khó khăn khi thâm nhập thị trường này.

Đón nhận lợi thế

Quan hệ thương mại giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng phát triển, bên cạnh độ lớn về dung lượng thị trường, có thể thấy, do ở trình độ phát triển khác nhau nên hai nền kinh tế có tính chất bổ sung, hỗ trợ cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh với nhau.

Nhật Bản dành ưu đãi GSP cho một số mặt hàng của các nước đang phát triển và kém phát triển, trong đó có Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang nước này. Việt Nam đã chính thức ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) vào ngày 1/4/2008 và hiệp định này dự kiến sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2008. Trong khuôn khổ AJCEP, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan đối với 82% giá trị thương mại hai chiều Việt – Nhật trong 16 năm. Việt Nam mặc nhiên hưởng lợi từ ưu đãi của Nhật Bản cam kết dành chung cho ASEAN. Theo cam kết AJCEP, Nhật Bản đã loại bỏ thuế quan đối với gần 94% giá trị thương mại Việt – Nhật trong vòng 10 năm.

Hơn nữa, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO, với cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ mức bình quân hiện hành 17,4% xuống còn 13,4% trong vòng 5-7 năm, đây là cơ hội để các DN có thể tận dụng những ưu đãi này để nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu và công nghệ của Nhật Bản để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam và Nhật Bản đã bắt đầu đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) Việt Nam – Nhật Bản từ tháng 1/2007 và đến nay đã trải qua 7 phiên đàm phán chính thức. Hiệp định này thể hiện mối quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thủ tục hải quan, di chuyển thể nhân, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, hợp tác kiểm dịch động thực vật (SPS) và các nội dung hợp tác kinh tế khác. Một loạt các chương trình hợp tác kinh tế nhằm cải thiện môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh và các cơ sở hạ tầng phần mềm cho phát triển thương mại được thực hiện sẽ là nền tảng cho phát triển thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Vượt qua khó khăn

Trước hết đó là vấn đề nắm bắt thông tin và hiểu biết về tập quán kinh doanh của người Nhật Bản. Các DN Nhật Bản rất coi trọng chữ “tín” trong quan hệ với bạn hàng và thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong hợp đồng khi đã ký hợp đồng. Họ thường có quá trình tìm hiểu rất kỹ càng về đối tác tiềm năng trước khi có quyết định làm ăn lâu dài, đôi khi đơn hàng có khối lượng không lớn. Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam đặc biệt là các DN nhỏ và vừa thiếu thông tin về thị trường Nhật Bản và kinh nghiệm làm ăn với các DN Nhật Bản. Một số DN chưa thật sự hiểu biết thấu đáo về văn hóa, tập quán kinh doanh của Nhật Bản. Bởi vậy, một số DN Việt Nam, mặc dù đã có kết quả kinh doanh tốt ở thị trường Mỹ, các nước EU nhưng lại chưa có kết quả tương tự ở thị trường Nhật Bản.

Một khó khăn nữacần được lưu ý đó là rào cản kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản. Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng nhất trong xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, nhất là đối với thị trường Nhật Bản. Kể từ ngày 29/5/2006, Nhật Bản đã thực hiện Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm sửa đổi đối với tất cả các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản, thắt chặt quy định và bổ sung một số loại dư lượng hóa chất không được phép có trong thực phẩm và tiếp tục nâng mức hạn chế dư lượng hóa chất cho phép. Tôm và mực xuất khẩu của Việt Nam đã bị kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm 100%.

Đối với rau quả, Luật Bảo vệ thực vật của Nhật Bản liệt Việt Nam vào danh sách các nước có dịch bệnh ruồi đục quả, nên Việt Nam không được phép xuất khẩu quả tươi có hạt như thanh long, nhãn, xoài, đu đủ, dưa chuột, cà chua…

Bên cạnh đó là những vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm.Hàng công nghiệp chế tạo của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật (trừ của các công ty liên doanh hay 100% vốn của Nhật Bản) gặp một số khó khăn về tiêu chuẩn kỹ thuật vì các tiêu chuẩn công nghiệp của Nhật (JIS) có nhiều điểm riêng biệt khác với tiêu chuẩn quốc tế, trong khi hầu hết các công ty của Việt Nam là theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.Người tiêu dùng Nhật Bản có yêu cầu khắt khe về chất lượng, độ bền, độ tin cậy và sự tiện dụng của sản phẩm. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn một chút cho những sản phẩm có chất lượng tốt. Yêu cầu này còn bao gồm dịch vụ hậu mãi như sự phân phối kịp thời của nhà sản xuất khi một sản phẩm bị trục trặc, khả năng và thời gian sửa chữa các sản phẩm đó. Những vết xước nhỏ, mẩu chỉ cắt còn sót lại trên mặt sản phẩm dệt may, bao bì xô lệch, v.v… những lỗi nhỏ do sơ ý trong khi vận chuyển, hay khâu hoànthiện sản phẩm cũng có thể dẫn đến tác hại lớn là làm lô hàng khó bán, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất lâu dài.

Ngoài ra còn những khó khăn về chi phí và hệ thống phân phối. Do yêu cầu cao về chất lượng, các DN cần đầu tư để cải tiến nhiều khâu từ thiết kế, kỹ thuật, bảo quản, vận chuyển, quản lý chất lượng. Việc tiến hành khảo sát và tiếp cận thị trường Nhật Bản cũng khá tốn kém nhất là đối với những DN vừa và nhỏ. Đồng thời, hàng hoá vào thị trường Nhật Bản phải qua nhiều khâu phân phối lưu thông nên đến tay người tiêu dùng giá cả khá cao so với giá nhập khẩu. Yêu cầu đối với nhà sản xuất là đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu của người tiêu dùng và chào hàng với giá cả hợp lý (không bị lệ thuộc vào thông tin về giá bán lẻ ở Nhật Bản)…

Tác giả bài viết: Ngọc Thắng

Nguồn tin: Veno

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây