Làng nghề thủ công đang lún sâu vào “bẫy” khách nội

Thứ tư - 31/10/2012 07:49
Sở hữu những làng nghề thủ công ra đời cách đây hàng trăm năm hay những cánh rừng còn nguyên nét hoang sơ như: núi Dinh, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, núi Minh Đạm... nhưng lối kinh doanh nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết của các đơn vị kinh doanh du lịch nội tỉnh và sự thiếu kết nối liên tỉnh, liên vùng khiến du lịch BR-VT ngày càng lún sâu vào cái “bẫy” khách nội địa và du lịch cuối tuần.

Cập nhật: 26/06/2012 14:34


Du lịch BR - VT thường quá tải dịp cuối tuần nhưng lại rất vắng khách trong ngày thường

Theo giới kinh doanh lữ hành, nếu nói về tắm biển, nghỉ dưỡng, các địa danh Bãi Trước, Bãi Sau, Long Hải, Bình Châu, Hồ Tràm, Hồ Cốc của BR-VT đã nổi tiếng từ rất lâu. Những năm gần đây, cùng với việc hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, nhiều điểm du lịch mới ra đời thêm sản phẩm cho khách lựa chọn nên khách du lịch đổ về BR-VT ngày càng nhiều. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế chiếm tỉ lệ ít ỏi.

Mạnh ai nấy làm

Năm 2011, BR - VT đón tiếp và phục vụ số lượng khách du lịch khổng lồ: trên 9,5 triệu lượt người, nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 2.000 tỉ đồng. Trong khi đó, số lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ninh kém xa BR - VT: chỉ với trên 6 triệu lượt khách - bằng 60% so với BR - VT, nhưng doanh thu du lịch của Quảng Ninh lên tới 3.400 tỉ, gần gấp đôi doanh thu của BR - VT.

Nguyên nhân nào khiến hiệu quả kinh doanh của du lịch Quảng Ninh vượt xa BR - VT ? Không khó để có câu trả lời. Đó là do chất lượng khách đến Quảng Ninh cao hơn hẳn BR - VT. Trong khi cả năm 2011, BR - VT chỉ đón được 362 ngàn lượt khách quốc tế, thì số khách quốc tế đến Quảng Ninh lên tới 2.300.000 lượt với mức chi tiêu vượt trội. Nếu so với số 6 triệu lượt khách quốc tế đến VN năm 2011, thì con số 263 ngàn lượt khách quốc tế đến tỉnh BR - VT càng trở nên quá nhỏ bé.

Trong tháng 4, các khu du lịch, bãi tắm trên địa bàn thành phố đã đón 450 nghìn lượt khách đến tham quan, tắm biển, nâng tổng lượt khách trong 4 tháng đầu năm 2012 lên hơn 1,5 triệu lượt, trong đó chỉ có hơn 100 nghìn lượt khách quốc tế.

Ông Trần Lê Bảo Châu - giám đốc Cty Nam Quốc travel (TP HCM) cho rằng, về vị trí địa lý, BR-VT nằm sát TP HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước - nên dễ dàng thu hút nhiều đối tượng khách đến nghỉ dưỡng, tắm biển, đặc biệt là dịp cuối tuần. Chính điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải dịp cuối tuần và vắng khách ngày thường. Để bù đắp chi phí lao động, trang thiết bị trong những ngày vắng khách, các đơn vị kinh doanh du lịch cạnh tranh nhau giảm giá bằng mọi cách với mục đích bán được phòng, dịch vụ. “Nếu có sự trao đổi sản phẩm, dịch vụ lẫn nhau giữa các DN cùng lĩnh vực sẽ tạo ra một chuỗi sản phẩm đa dạng, mới lạ đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng, nhưng  DN du lịch BR-VT chưa làm được” - ông Châu chia sẻ.

DN nội tỉnh mạnh ai nấy làm, trong khi vai trò cầu nối của các tổ chức hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng chưa phát huy hiệu quả, nên dù BR-VT có những sản phẩm du lịch được xếp vào “hàng độc” như: Bảo tàng vũ khí cổ duy nhất Đông Nam Á, nghĩa địa cá Ông duy nhất miền Đông Nam Bộ... nhưng được rất ít khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế biết đến. Hầu hết các tour tham quan BR-VT do các đơn vị lữ hành chào khách quốc tế vẫn quanh quẩn các điểm cũ như: Bạch Dinh, tượng chúa giang tay, Đình thần Thắng Tam (TP Vũng Tàu), vườn trái cây, làng nghề bánh tráng, nhà cổ (TX Bà Rịa)...

Khai thác lợi thế khác biệt

Ông Trần Ngọc Thiên Trường - Giám đốc Văn Lang Travel (Đồng Nai) phân tích: Xét về quy mô hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh của BR-VT không thể so sánh với những địa phương có bề dày lịch sử hình thành. Tuy nhiên BR-VT có những khác biệt mà các địa phương lân cận không thể có như: cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tiềm năng nhân văn đa dạng, hay những đặc trưng trong tập quán, tín ngưỡng của người dân vùng biển... Nếu khai thác tốt những lợi thế này, BR-VT sẽ hấp dẫn du khách hơn.

Trong báo cáo kết quả khảo sát thực tế 40 làng nghề, di tích, điểm tham quan phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh do Trung tâm thông tin Xúc tiến du lịch (TTXTDL) thực hiện cũng nêu rõ, các địa danh đang đón khách như: Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, chùa Đại Tòng Lâm, tượng chúa giang tay núi Dinh... đều có khả năng thu hút nhiều đối tượng khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế với loại hình du lịch sinh thái, khảo cứu, tâm linh, khám phá. Tuy nhiên, hầu hết các địa danh trên đều thiếu thuyết minh viên tiếng Anh, tài liệu thuyết trình, sơ đồ hướng dẫn... Các làng nghề: bánh tét bắp Đất Đỏ, rượu Hòa Long, mỹ nghệ sò ốc Vũng Tàu... có khả năng thu hút du khách nhưng đang dần thu hẹp quy mô sản xuất do chưa được hỗ trợ vốn, mô hình hoạt động, mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp.

Hiện nay, các thông tin, tư liệu, hình ảnh hoạt động của 40 di tích, danh thắng, làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được Trung tâm TTXTDL xây dựng thành bộ cơ sở dữ liệu, quảng bá trên website: bariavungtautourism.com.vn và cung ứng cho các đơn vị du lịch có nhu cầu. Tuy nhiên, “cần sớm tổ chức tọa đàm, nghe kiến nghị, đề xuất của giới chuyên môn, DN du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh... để tìm tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị trực tiếp khai thác điểm đến, từ đó có hướng đầu tư, mở rộng và đưa vào quảng bá, tiếp thị đúng phân khúc thị trường nhằm tạo sự khác biệt cho du lịch địa phương” - bà Nguyễn Thị Thương - Giám đốc OSC VN Travel nhấn mạnh.

Chú trọng môi trường

Hầu hết các địa danh du lịch của BR - VT đều thiếu thuyết minh viên tiếng Anh, tài liệu thuyết trình, sơ đồ hướng dẫn...

Theo thống kê, toàn tỉnh BR-VT hiện có 162 khách sạn và resort đang hoạt động với 6.722 phòng và gần 700 nhà nghỉ, phòng trọ du lịch với khoảng 5.000 phòng. Hơn 50% số khách sạn, resort đi vào hoạt động trước thời điểm ra đời của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường, của UBND tỉnh BR-VT (năm 2005) nên thiếu hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng chưa đạt quy chuẩn. Nước thải tại hầu hết các đơn vị này được thu gom, xử lý qua bể lắng, sau đó thải trực tiếp theo hệ thống nước thải đô thị chung. Một số cơ sở có diện tích rộng thì xả thải trực tiếp vào môi trường tự nhiên hay thoát ra sông, hồ. Lượng nước thải này là nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch địa phương.

Ông Trần Văn Thông - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho biết, nếu không hành động kịp thời, hậu quả về môi trường sẽ khôn lường. Và việc thu hút khách du lịch, trong đó có khách quốc tế sẽ còn là vấn đề nan giải.                           

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng sưu tầm

 Từ khóa: du lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây