Khuê Văn Các được chọn là biểu tượng của Hà Nội

Chủ nhật - 18/11/2012 11:23
Trong dự thảo Luật thủ đô, Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của thủ đô. Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình nhưng cũng không ít người băn khoăn và cho rằng cần lấy ý kiến nhân dân.

Theo giải trình của Chính phủ về Luật thủ đô, biểu tượng của thủ đô là hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và cả dân tộc Việt Nam; thể hiện nguyện vọng, niềm tự hào của người dân thủ đô và nhân dân cả nước về một thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại của nước Việt Nam. Trong quá trình soạn thảo dự án luật này, đa số ý kiến đề nghị nên chọn hình ảnh Khuê Văn Các - biểu tượng truyền thống hiếu học của người dân thủ đô và cả nước.


Khuê Văn Các - Văn Miếu biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người dân.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070 với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo ra hàng nghìn nhân tài cho đất nước, là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Theo quan niệm của người xưa, Khuê Văn Các có ý nghĩa là nơi tập trung của mọi tinh hoa giữa đất và trời, có ý tưởng đề cao trung tâm giáo dục văn hóa nho học của Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu Phùng Đức Tiến lại chia sẻ, nhiều người dân trong nước và quốc tế đã biết đến các địa chỉ, hiện vật và biểu tượng cho Hà Nội như Hồ Gươm, chùa Một Cột, Văn miếu Quốc Tử Giám, cột cờ Hà Nội, Cổ Loa, Hồ Tây. Do vậy, lựa chọn hình ảnh Khuê Văn Các là biểu tượng của Hà Nội cần được cân nhắc kỹ lượng hơn.      

Còn đại biểu Trần Ngọc Vinh nhận xét, ban soạn thảo cần làm rõ tiêu chí nào về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật để lựa chọn Khuê Văn Các là biểu hiện của thủ đô mà không phải Hoàng thành Thăng Long hay một số di tích lịch sử khác. Ông đề nghị cần trưng cầu ý kiến của nhân dân và các nhà khoa học, các nhà văn hóa trên cả nước về biểu tượng của thủ đô thông qua cuộc bình chọn với những tiêu chí cụ thể mới đảm bảo tính chính xác và khách quan.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, nếu thời gian cho phép nên lấy ý kiến thăm dò rộng rãi, nếu không ít nhất cũng để đại biểu của nhân dân tức là các đại biểu Quốc hội có ý kiến. Hà Nội đã tổ chức một cuộc thi rất công phu, nghiêm túc vào năm 1997 nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội và đã chọn được biểu tượng này cho Hà Nội. Việc làm này cũng nên báo cáo rõ với Quốc hội để giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, dễ dàng đồng thuận hơn với đề xuất của dự thảo luật.

Dự kiến Luật thủ đô được Quốc hội thông qua vào 21/11.

Đoàn Loan

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng sưu tầm

Nguồn tin: vnexpress

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây