Làm gì để níu chân du khách?

Thứ sáu - 09/11/2012 18:52
(HNM) - Hà Nội với bề dày truyền thống của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến "kết duyên" với vùng văn hóa xứ Đoài, trấn Sơn Nam Thượng cùng các tiểu vùng văn hóa của đất trăm nghề, đất khoa bảng Hà Tây (cũ) đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Nhưng làm gì để du lịch Hà Nội ngày càng phát triển vẫn đang là câu hỏi còn nhiều trăn trở.
Làm gì để níu chân du khách?

Đa dạng sản phẩm du lịch

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho hay, nếu như trước đây, thế mạnh của Hà Nội (cũ) là du lịch di tích, MICE (du lịch hội thảo, hội nghị) thì nay Thủ đô có thêm các loại hình du lịch nhân văn, làng nghề, ẩm thực, nghỉ dưỡng…
 


Khách du lịch tham quan làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) . Ảnh: Khánh Nguyên

Để biến tiềm năng thành thế mạnh, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ một phần kinh phí giúp một số làng nghề và điểm du lịch văn hóa xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, nơi biểu diễn, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành và duy trì đội ngũ thuyết minh viên ngay tại cơ sở. Có thể kể đến làng Bát Tràng (Gia Lâm) với nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm quy mô, ấn tượng, giúp du khách có cái nhìn thiện cảm về làng nghề truyền thống của Thủ đô, từ đó mong muốn tìm hiểu các làng nghề khác. Khách đến làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) có nhu cầu sẽ được hướng dẫn viên cơ sở đưa đi tham quan, tìm hiểu các công đoạn dệt lụa. Tương tự, khách đến làng cổ Đường Lâm trước đây chỉ có thể ngắm nhà cổ rồi về thì nay có thể lưu lại một vài ngày cùng người dân ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, thưởng thức những ẩm thực, giao lưu văn hóa... Ngoài ra, ngành du lịch đã, đang chủ động thu hút đầu tư vào các cụm du lịch trọng điểm như Sóc Sơn - Đông Anh; Sơn Tây - Ba Vì - Suối Hai; Hương Sơn - Quan Sơn (Mỹ Đức); Hà Đông và vùng phụ cận để tạo ra các sản phẩm du lịch mới.

Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cũng tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới. Công ty cổ phần Du lịch Đầm Long - Bằng Tạ xây dựng khu du lịch sinh thái rừng Bằng Tạ (20ha) với tổ hợp nhà sàn, khu dịch vụ, khu tham quan giải trí; Công ty Du lịch Tản Đà giới thiệu sản phẩm tại khu suối khoáng Tản Lĩnh; Công ty Nghi Tàm đầu tư khu Thiên đường Bảo Sơn với quy mô hoành tráng, chất lượng cao. Nói về du lịch Thủ đô sau khi mở rộng, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Nội nhận xét: "Mặc dù còn có những hạn chế nhưng rõ ràng, sản phẩm du lịch của Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách. Du lịch làng nghề, du lịch sinh thái phát triển ở vùng ngoại thành đã giải tỏa căng thẳng, giảm sức ép cho du lịch nội đô".

Thống kê của Sở VH,TT&DL cho thấy: Năm 2011, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt gần 1,9 triệu lượt người (chiếm 31,5% số lượt khách du lịch quốc tế vào Việt Nam). Dự kiến, năm 2012, Hà Nội sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách quốc tế, 14 triệu khách nội địa. Những con số này đã phần nào nói lên sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội hôm nay.

Thêm việc làm cho hàng vạn lao động

Khách đến Hà Nội ngày một tăng, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng đã dưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Thủ đô. Thu nhập từ ngành này của thành phố đạt 11.552 tỷ đồng vào năm 2005, 27.000 tỷ đồng vào năm 2010, 30.000 tỷ đồng vào năm 2011 (tăng 10% so với năm 2010). Với đà tăng này, dự kiến năm 2015, Thủ đô sẽ đón gần 17 triệu lượt khách, nâng mức thu nhập từ du lịch đạt 2.093 tỷ USD, tương đương với 8,2% GDP của Hà Nội. Ngoài việc tăng thu ngân sách, du lịch Thủ đô phát triển mạnh mẽ sau khi mở rộng địa giới đã tạo thêm việc làm cho hàng vạn lao động. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết thêm, năm 2005, tính chung cả Hà Nội và Hà Tây (cũ), mới có 28.370 lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch thì đến năm 2010, con số này tăng gần gấp đôi (51.118 người). Hiện tại, ngành du lịch Thủ đô thu hút gần 60.000 lao động trực tiếp.

Trên thực tế, làng nghề đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch, hàng thủ công truyền thống được ví như biểu tượng văn hóa, nghệ thuật của một quốc gia, là nhân tố quan trọng để hấp dẫn du khách. Vì thế, du lịch phát triển còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động gián tiếp. Đơn cử như làng nghề Bát Tràng có hơn 1.000 hộ với khoảng 4.000 lao động làm gốm, làng nghề lụa Vạn Phúc, làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre đan Phú Vinh cũng có hàng nghìn người gắn bó với nghề… Tất nhiên không phải tất cả lao động làng nghề đều sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó nhân với hơn 1.300 làng nghề của Hà Nội thì số lao động tại các làng nghề gián tiếp phục vụ du lịch cũng lên tới hàng vạn người. Đó là chưa kể khi du lịch cộng đồng phát triển ở Đường Lâm (Sơn Tây), Đông Ngạc (Từ Liêm), hàng trăm nông dân của các địa phương này đã học cách làm du lịch và tham gia phục vụ du khách.

Dự báo, nhu cầu sử dụng lao động trực tiếp của ngành du lịch Hà Nội đến năm 2015 là 78.500 người, năm 2020 là 116.600 người, cứ 1 lao động trực tiếp sẽ có 2,2 lao động gián tiếp. Như vậy, đến năm 2015, ngành du lịch sẽ giải quyết việc làm cho hơn 250.000 lao động trực tiếp và gián tiếp.

Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được thông qua, những sản phẩm du lịch hoàn hảo sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính đã, đang và sẽ trở thành hiện thực.
Minh Ngọc

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng sưu tầm

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây