10 'tội đồ' của kinh tế Nhật Bản

Thứ sáu - 12/08/2011 11:04
Thứ bảy, 6/8/2011, 11:08 GMT+7 (Vnexpress) Nhật Bản đang trải qua thời kỳ tài chính tồi tệ khi GDP hàng quý giảm, tỷ lệ nợ trên GDP tăng cao và các hãng tín nhiệm đe dọa hạ điểm. Thủ tướng Nhật phải hứng chịu nhiều chỉ trích nhất, nhưng thực tế ông không phải là nhân vật duy nhất trong chuyện này.

 

Lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ, GDP hàng quý của Nhật Bản giảm 3,7%, đẩy tỷ lệ nợ trên GDP lên mức 225%, tồi tệ nhất trong số các nước phát triển. Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's đã đánh tụt điểm của Nhật, và Moody's cũng tuyên bố đang xem xét vấn đề này.

Thủ tướng đương nhiệm Naoto Kan hứa sẽ từ chức ngay khi cuộc khủng hoảng này chấm dứt. Trang CNBC mới đây đã đưa ra danh sách 10 "thủ phạm" trong chuyện này.

1. Chính trị gia

Không chỉ bị chê trách vì ngủ gật ngay trong các cuộc họp, các chính trị gia Nhật Bản còn bị phàn nàn về cách điều hành và xử lý các vấn đề của quốc gia. Năm ngoái, Quốc hội thông qua khoản tiền 61 tỷ USD để kích thích kinh tế và sẽ phải dành tới 310 tỷ USD để khắc phục thảm họa kép trong năm nay. Tuy nhiên, họ lại khắt khe trong những quyết định như thay đổi mức thuế và hệ thống phúc lợi xã hội.

2. Người tiêu dùng

Tiêu dùng Nhật Bản không thể phục hồi nguyên vẹn sau sự sụp đổ của bong bóng tài sản xảy ra từ hai thập kỷ trước. Các bà vợ "cấu véo chi tiêu" tới từng xu một, thậm chí còn bí mật quản lý lương của chồng. Hiện tượng này phổ biến đến mức được gọi là "hesokuri". Kết quả là tiêu dùng quốc nội giảm còn một nửa kể từ năm 1990. Điều này đã gây khó khăn cho Chính phủ trong việc nâng thuế.

3. Dân số già

"Quả bom" dân số già của Nhật vẫn đang chờ...nổ. Năm 2010 đánh dấu mức giảm dân số tồi tệ nhất của Nhật kể từ năm 1899. Tỷ lệ tử liên tục cao hơn tỷ lệ sinh tại đây. Một phần tư dân số Nhật trên độ tuổi 65 và có thể tăng lên 40% vào năm 2050, đẩy hệ thống phúc lợi xã hội vào cảnh khốn đốn. Nhập cư là một cách để giải quyết vấn đề này, nhưng chính sách của Nhật đang làm nhụt chí nhân lực từ nước ngoài.

4. Đồng yen

Cuộc chiến chống đầu cơ nước ngoài của Nhật mang hơi hướng một ván cờ và Bộ Tài chính đang sắp bị "chiếu tướng". Đồng yen mạnh đã gây tổn hại tới nền kinh tế, gây khó khăn cho việc xuất khẩu và lợi nhuận của Nhật. Mới đây, Nhật bản đã quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ để giải quyết vấn nạn này.

5. Tiền Trung Quốc giá rẻ

Các công ty Nhật Bản gần đây đã chuyển hướng sản xuất ra nước ngoài nhằm đánh bại đồng yen mạnh. Hãng sản xuất ôtô Nissan sản xuất tới 75% sản lượng tại nước ngoài, trong khi con số này của Honda là 74%. Rất nhiều các nhà máy được đặt tại Trung Quốc do đồng nhân dân tệ yếu hơn đồng yen và giá thuê nhân công rẻ.

6. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)

BOJ bị chỉ trích vì nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời kỳ bong bóng năm 1985 và làm việc thiếu hiệu quả khi bong bóng tài sản này đổ vỡ. Thêm vào đó là việc tăng lãi suất một cách vội vã vào năm 2000, trước khi đất nước phục hồi hoàn toàn. Nhưng Thống đốc BOJ, ông Masaaki Shirakawa lại đổ lỗi cho vấn đề dân số già của Nhật.

7. Hệ thống ngân hàng Nhật Bản

Hầu như mọi vấn đề của Nhật trong suốt những năm 90 thế kỷ trước là do hệ thống ngân hàng không nhận ra những mối nguy hại của mình và vẫn tiếp tục lún sâu vào những khoản nợ. Họ bị buộc tội vì sai lầm trong điều tiết tín dụng và bóp méo cạnh tranh. Ngày nay, các ngân hàng giữ gần 30% tài sản dưới dạng trái phiếu an toàn của Chính phủ Nhật.

8. Thiên tai

Trận động đất và sóng thần kinh hoàng tàn phá Nhật Bản hôm 11/3 được xem như thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử. Những thiệt hại trực tiếp mà nó gây ra ước tính lên tới 310 tỷ USD. Sự kiện này đã đẩy kinh tế toàn cầu vốn đang trong khủng hoảng sang một cuộc hỗn loạn mới. Ngành sản xuất ôtô và thiết bị công nghệ bị đình trệ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung sản phẩm toàn cầu.

9. Bệnh quan liêu

Các công ty Nhật Bản gần đây liên tiếp gặp vấn đề với sản phẩm. Ngay như Toyota, hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng về chất lượng, cũng đã phải lên tiếng xin lỗi khách hàng. Các nhà phê bình cho rằng lãnh đạo nhiều công ty tại Nhật có thái độ quan liêu tới mức thiếu trách nhiệm và hoạt động kém sáng tạo. Gần đây nhất là Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) phải chịu trách nhiệm cho việc không kiểm soát nổi khủng hoảng hạt nhân do không mở van áp lực kịp thời để lò phát nổ.

10. Các hãng xếp hạng tín nhiệm

Moody's, Standard & Poor's, Fitch Ratings đều phê bình các hành động của Nhật không đáp ứng được những thách thức tài chính của nước này. Họ đưa trích dẫn về tỷ lệ nợ trên GDP của Nhật. Nhưng các nhà phê bình khác lại cho rằng chính những cơ quan này là một nguyên nhân khiến kinh tế Nhật khó khăn hơn khi họ xem xét thiếu toàn diện bởi Nhật có lượng tiết kiệm khổng lồ. Nếu đem sử dụng số tiết kiệm này, tỷ lệ nợ trên GDP chỉ còn khoảng 115%, thay vì 225%. Thêm vào đó, Nhật có gần 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối và có khoảng 90% đến 95% trái phiếu chính phủ Nhật nằm trong tay các nhà đầu tư trong nước.

Anh Quân

Tác giả bài viết: sưu tầm Nguyễn Tiến Hùng

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây