Theo “Đại Việt sử ký toàn thư" thì tổ nhà Trần là Trần Kinh lấy người con gái ở hương Tức Mặc (nay thuộc xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định) rồi sống ở đó.
Năm 1225, bằng một cuộc “chuyển giao quyền lực” rất êm thấm do Trần Thủ Độ tổ chức, chắt của Trần Kinh là Trần Cảnh thay Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý, lên ngôi vua ở Thăng Long (Hà Nội ngày nay), mở ra một triều đại lừng lẫy cả võ công lẫn văn trị, đó là triều Trần.
Năm 1239, vua Trần cho xây dựng hành cung ở Tức Mặc, lập Tiên miếu thờ phụng tổ tiên họ Trần. Năm 1262 lại thăng hương Tức Mặc lên thành phủ Thiên Trường. Từ đó cho đến hết triều Trần, Thiên Trường trở thành một đơn vị hành chính đặc biệt, một kinh đô thứ hai của nước Đại Việt.
Tại đây, nhà Trần đã cho xây dựng cung Trùng Quang để các vua, sau khi nhường ngôi cho con, trở thành Thái Thượng Hoàng, về ở, xây cung Trùng Hoa để các đương kim Hoàng đế về chầu Thái Thượng hoàng để tham vấn quốc sự, lập Nhà học để đào tạo, tuyển chọn nhân tài.
Đền Trần ở Lộc Vượng, Nam Định
Về địa lý, Tức Mặc - Thiên Trường có một vị trí rất trọng yếu về mặt quốc phòng. Trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, lúc đầu, để tránh thế giặc mạnh, các vua Trần đều lui về Thiên Trường, tích luỹ lương thảo, luyện tập quân sỹ để rồi sau đó tổ chức phản công chiến lược, quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi nước nhà.
Sau năm 1400 (năm nhà Trần bị mất ngôi vua), khu vực Tức Mặc - Thiên Trường vẫn giữ được vị trí trọng yếu trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua nhiều thế kỷ, nhân dân Thiên Trường đã kiên cường khẩn hoang, lấn biển, mở mang bờ cõi, góp phần tạo lập nên vùng đồng bằng Sông Hồng giàu có.
Từ năm 2006, thành phố Nam Định được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng thành Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển thành phố theo hướng đó. Sau hơn 10 năm (1998-2011) xây dựng và phát triển kể từ khi được công nhận là đô thị loại II, ngày 28/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2106/QĐ-TTg, công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I.
Cũng nhân lễ kỷ niệm này, tỉnh Nam Định sẽ tổ chức gắn biển chào mừng kỷ niệm "750 năm Thiên Trường- Nam Định" cho 9 công trình của tỉnh xây dựng và bàn giao 75 nhà tình nghĩa cho người có công, người nghèo...
Năm 2012 này, phủ Thiên Trường tròn 750 tuổi. Để kỷ niệm sự kiện này, tỉnh Nam Định đã quyết định tổ chức Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định cũng đồng thời là lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Theo Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, thì Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào ngày 5/10/2012, tại Quảng trường 3-2, TP Nam Định. Lễ kỷ niệm và Chương trình Nghệ thuật sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 đài Truyền hình Việt Nam.
Trước Lễ kỷ niệm, sẽ có nhiều hoạt động chào mừng như: Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định; Hội chợ Làng nghề và Thương mại - Du lịch tỉnh Nam Định; Triển lãm Sinh vật cảnh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (đều tổ chức từ 25/9 đến 5/10); Trưng bày Cổ vật tại Bảo tàng Nam Định (từ 30/9); Hội thảo khoa học Quốc tế “Văn hoá thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị” (ngày 29/9/2012). Ngoài ra còn nhiều hoạt động văn hoá - thể thao khác.
theo
http://nongnghiep.vn