Lý giải việc các tàu bè không được ghé vào làng chài Ba Hang

Lý giải việc các tàu bè không được ghé vào làng chài Ba Hang

Gửi bàigửi bởi admin » 24 Tháng 9 2012

Gần đây ACE chắc nhiều người đã biết, các tàu ở Hạ Long giờ không được phép ghé vào làng chài để mua hải sản nữa. Nguyên do việc này là vì sao, ACE xem một số bài viết xung quanh vấn đề này.


Làng hải sản "chặt chém" ở vịnh Hạ Long

Thứ Năm, 20/09/2012 13:00
(TT&VH Online) - Sự việc thuyền trưởng Phạm Văn Thương của tàu du lịch Cường Thịnh QN 2998 bị một đối tượng hành hung làm trọng thương vì anh này đã ngăn cản hành vi đeo bám khách trên vịnh Hạ Long vào ngày 18/9 khiến dư luận càng bất bình với các vấn nạn của du lịch vốn đã tồn tại khá lâu ở đây. Người dân đất Mỏ đang mong chờ chính quyền địa phương vào cuộc mạnh hơn nữa, quyết dẹp bỏ các các điểm đen, vết bẩn của du lịch để bảo vệ hình ảnh di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Ba Hang - Làng hải sản "chặt chém"

Từ khi công bố vào tháng 7/2012 đến nay, đường dây nóng du lịch Quảng Ninh liên tục nhận được các thông tin phản ánh những bức xúc của du khách về các vấn nạn trong du lịch, nhất là nạn đeo bám, chèo kéo khách và bắt chẹt về giá của một số loại hình dịch vụ kinh doanh ở khu du lịch Bãi Cháy cũng như trên vịnh Hạ Long. Điểm nóng nhất là làng chài Ba Hang thuộc phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, được mệnh danh làng “chặt chém” về giá các hải sản trên vịnh.

Hình ảnh

Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Quảng Ninh cho biết: Ba Hang là làng chài tự phát, có khoảng 30 hộ dân. Phần đông là đánh bắt hải sản. Sau này khi nhiều du khách đến thăm làng chài, các hộ đã kinh doanh việc bán hải sản cho du khách. Phía Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch khẳng định: Điểm kinh doanh Ba Hang không nằm trong danh mục điểm dịch vụ, điểm bán hải sản mà tỉnh công bố, nên bất kỳ việc tàu, thuyền du lịch nào ghé và để khách du lịch vào tham quan làng chài này là vi phạm chỉ thị số 11 ngày 22/6/2012 của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế xuất hiện tình trạng các chủ nhà bè hợp tác với nhiều chủ tàu, thuyền trưởng đưa khách vào mua hải sản và chặt chém du khách. Theo nhiều du khách phản ánh, họ không chỉ bị mua đắt mà còn bị cân thiếu về lượng. Những câu chuyện về du khách đã từng phải ăn bữa cá biển với giá 5 hay 7 và thậm chí cá biệt là 10 triệu đồng/con trở lên phổ biến. Ngoài ra, tại khu vực làng chài này, người dân thường xuyên chèo kéo, đeo bám khách du lịch tạo nên một hình ảnh phản cảm cho du khách.

Nhiều tàu nghiêm túc đi đúng lịch trình, không ghé vào làng chài Ba Hang thì bị người dân đi đò máy đeo đuổi, đòi lên tàu hoặc bắt tàu dừng lại để bán hàng cho khách du lịch. Điển hình, trưa 18/9, Đỗ Văn Hải (sinh năm 1987, trú ở làng chài Ba Hang) khi bị thuyền trưởng tàu QN 2998 Phạm Văn Thương (thuộc Công ty du lịch Cường Thịnh) từ chối không cho tiếp cận với khách du lịch người nước ngoài đã có hành vi côn đồ hành hung vị thuyền trưởng này đến trọng thương.

Ông Vũ Đức Bình, chủ tàu Cường Thịnh bức xúc, tình trạng đeo bám, chèo kéo và “chặt chém” về giá cả đối với du khách của một số người kinh doanh trên vịnh Hạ Long rất đáng lên án. Giờ đây khi bị các tàu ngăn cản hành vi đáng xấu hổ này thì người dân làng chài manh động hành hung đe doạ khiến hoạt động kinh doanh du lịch vận tải khách tham quan du lịch bị ảnh hưởng xấu. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc.

Dẹp vấn nạn để nâng tầm kỳ quan

Từ đầu tháng 6/2012, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức "tuyên chiến" với tệ nạn du lịch trên Vịnh Hạ Long và trên bờ bằng việc ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/6/2012 về tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn. Trong đó, tỉnh không cho phép rời cảng, không cho tàu du lịch đưa khách đến các điểm dịch vụ, điểm bán hải sản...chưa được công bố trên vịnh Hạ Long; Ngăn chặn vấn nạn đeo bám, chèo kéo khách du lịch và chặt chém về giá cả. Tuy nhiên, nhiều người dân kinh doanh tại làng chài trên vịnh Hạ Long phản ứng với chủ trương này.

Việc tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trong làng chài để duy trì và phát triển văn hoá làng chài trên biển phục vụ phát triển du lịch, tổ chức lại sản phẩm văn hoá du lịch làng chài là cần thiết, góp phần tạo ra sự đặc sắc, đa dạng cho di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, các làng chài cần phải được hình thành, quản lý chặt chẽ, tạo dựng được nét văn minh, ấn tượng tốt với du khách. Hành động đánh thuyền trưởng trọng thương xảy ra đúng thời điểm tỉnh đang quyết liệt chấn chỉnh các hoạt động, kinh doanh du lịch trên vịnh đi ngược lại với những nỗ lực của tỉnh nhằm xây dựng một hình ảnh đẹp cho du khách tham quan vịnh. Chính vì vậy, nhiều người phản ứng cần phải thực hiện nghiêm theo đúng tinh thần chỉ thị 11 là cấm việc neo đậu của các tàu du lịch tại địa điểm này. Về luật là tàu du lịch chỉ được phép neo đậu tại những điểm an toàn và phải được cơ quan chức năng cho phép.

Một lần nữa cho thấy, việc chấn chỉnh hoạt động du lịch trên vịnh lại đặt ra cấp thiết. Tỉnh Quảng Ninh đã công bố công khai đường dây nóng tại các điểm du lịch để nhận phản ánh từ du khách. Sắp tới, Quảng Ninh sẽ có nhiều động thái tích cực hơn như: ra mắt lực lượng thanh tra du lịch trực thuộc UBND tỉnh để xử lý các vấn đề du khách phản ánh; Công bố bản quy chế quản lý kinh doanh du lịch vịnh Hạ Long. Mặt khác, TP. Hạ Long cũng gấp rút triển khai đề án di dời các hộ dân đang sinh sống trên vịnh lên bờ hoặc đưa vào các vùng quy hoặch nhằm ổn định cuộc sống nhưng vẫn tạo điều kiện để bà con có thể hành nghề trên vịnh, đồng thời phát huy bản sắc của làng chài thành sản phẩm du lịch độc đáo…Quảng Ninh sẽ kiên quyết dừng hoạt động đối với các trường hợp kinh doanh trên Vịnh không đủ tiêu chuẩn quy định để vịnh Hạ Long xứng tầm một di sản - kỳ quan thế giới.

Văn Đức
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội

Re: Lý giải việc các tàu bè không được ghé vào làng chài Ba Hang

Gửi bàigửi bởi admin » 24 Tháng 9 2012

Cấm tàu du lịch ghé làng chài: Lợi bất cập hại?

Thứ tư 19/09/2012 05:00
Trước tình trạng các chủ tàu du lịch câu kết với các nhà bè trên vịnh Hạ Long “chặt chém” du khách, tỉnh Quảng Ninh quyết định cấm các tàu du lịch đưa du khách ghé qua các làng chài. Tuy nhiên, việc thực thi gấp gáp quyết định này đang gây những tác động ngược.

Cấm tàu du lịch ghé làng chài: Lợi bất cập hại?

Hình ảnh
Không được ghé làng chài, tour du lịch trên vịnh sẽ nhàm chán. Ảnh: Nguyễn Hùng


Thiệt cho du khách

Trong tất cả các chương trình tour trên vịnh Hạ Long của bất kỳ công ty du lịch nào, ghé thăm các làng chài Ba Hang, Cửa Vạn... là một phần không thể thiếu và cũng là phần mà du khách háo hức chờ đợi nhất.

Tuy nhiên, từ 1.9, du khách sẽ không có cơ hội này, dù họ đã đặt tour từ đầu năm nay, thậm chí từ năm ngoái. “Dù có giảm tiền do cắt bớt lộ trình tour, nhưng với du khách, điều quan trọng vẫn là được đi thăm và thưởng thức các món ăn ở làng chài” – ông chủ một đội tàu du lịch ở Bãi Cháy cho biết.

Theo phản ánh của một số Cty du lịch, đã có một vài đối tác hủy tour khi nhận được thông tin này. Lượng khách chưa thể khẳng định được có giảm hay không, bởi đây không phải là mùa cao điểm. Theo Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách thăm vịnh vào dịp này vẫn ổn định. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu lệnh cấm này tiếp tục được duy trì, khả năng lượng khách thăm vịnh sẽ giảm.

Thực tế, trong bối cảnh sản phẩm du lịch Hạ Long còn quá đơn điệu thì việc cắt bỏ đi sản phẩm “ghé làng chài” có thể sẽ gây bất lợi cho du lịch ở đây.

Chủ tàu cần hợp tác

Việc cấm tàu du lịch ghé các làng chài là việc bất đắc dĩ sau các biện pháp hành chính cũng như tuyên truyền nhưng tình trạng “chặt chém” du khách tại các nhà bè, bôi nhọ hình ảnh du lịch Hạ Long không thuyên giảm. Để xảy ra tình trạng này, có sự tiếp tay của chính các chủ tàu.

“Nếu chỉ có chúng em trả lương cho các nhân viên trên tàu thì không đủ, mà phải “nhờ” các nhà bè trả bằng hoa hồng mỗi lần dẫn khách đến” – một chủ tàu xin giấu tên tâm sự thật.

“Hối hận” về việc làm này, khiến tỉnh ra quyết định trên, ông chủ trẻ này lại nói thật: “Nếu tỉnh thu hồi quyết định trên, chúng em sẽ không ép các nhà bè trả hoa hồng cao nữa, để họ không bắt chẹt du khách”.

Cấm tàu du lịch ghé làng chài là biện pháp mạnh mà đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã chỉ đạo trong một hội nghị mới đây về chấn chỉnh hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, với phương châm “nắm kẻ có tóc”, bởi tỉnh không đủ lực lượng dàn trải trên các làng chài để xử lý thực trạng nhức nhối do chính các nhà bè gây ra. Đòn này có thể là cực đoan, nhưng cũng xứng đáng dành cho hai chủ thể hoạt động chính trên vịnh: Tàu du lịch và các làng chài.

Hơn nữa, trong tổng số hơn 650 nhà bè và 13 khu vực nhà bè, có tới quá nửa là tự phát, không nằm trong quy hoạch. Ngoài ra, còn có tới 149 hộ nuôi trồng thủy sản trôi dạt từ các địa phương khác đến. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, quyết định cấm tàu du lịch ghé làng chài cũng nằm trong kế hoạch tổng thể di dời các nhà bè trên vịnh Hạ Long, nhằm khôi phục lại trật tự, cảnh quan, môi trường vịnh. Chỉ các nhà bè đủ tiêu chuẩn mới được tiếp tục tồn tại trên vịnh và được đón khách.

Tuy nhiên, lệnh cấm được đưa ra trong lúc kế hoạch di dời các nhà bè chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành sẽ gây bất lợi cho du lịch Hạ Long. Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt, có thể niêm yết giá các loại hải sản, dịch vụ trên các nhà bè cùng với số điện thoại nóng của các lực lượng chức năng và có biện pháp xử lý nặng nếu nhà bè nào vi phạm.

Đánh thuyền trưởng trọng thương vì không được lên tàu bán hàng

Trưa 18.9, tại khu vực hòn Gà Chọi, vịnh Hạ Long, do từ chối cho lên tàu bán hàng, anh Nguyễn Văn Thương, sinh năm 1973 – thuyền trưởng của hãng tàu Cường Thịnh – đã bị hai thanh niên của thuyền bán hàng rong nhảy lên tàu hành hung.

Do bị đánh tại cabin trên tầng 2, nên phải vài phút sau các nhân viên của nhà tàu và hướng dẫn viên du lịch mới phát hiện ra và đến can ngăn. Tuy nhiên, sau màn tra tấn bằng gậy gộc và đấm đá, anh Thương đã phải nhập viện Bãi Cháy với nhiều vết khâu trên đầu. Đặc biệt, do phải di chuyển từ vị trí hòn Gà Chọi vào bờ, mất 45 phút, nên anh Thương bị mất khá nhiều máu.

Điều đáng buồn là vụ việc xảy ra ngay trên con tàu đang chở 34 du khách quốc tế đang đi du ngoạn trên vịnh Hạ Long. Ngay sau vụ việc, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc, truy tìm khẩn cấp những kẻ có những hành động côn đồ trên, làm hoen ố hình ảnh du lịch vịnh Hạ Long. Nguyễn Hùng
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội

Re: Lý giải việc các tàu bè không được ghé vào làng chài Ba Hang

Gửi bàigửi bởi admin » 24 Tháng 9 2012

Quảng Ninh cấm tàu du lịch đến làng chài?

Thứ Sáu, 14/09/2012, 22:57 (GMT+7)
TTO - Nhiều DN kinh doanh vận tải du lịch tại vịnh Hạ Long, cư dân làng chài Ba Hang đã gửi đơn kiến nghị về việc tỉnh không cho tàu du lịch đến các điểm du lịch, điểm bán hải sản chưa được công bố trên vịnh Hạ Long.

Đơn kiến nghị được gửi đến UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Giao thông vận tải, ban quản lý vịnh Hạ Long và Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh để kiến nghị về nội dung của chỉ thị số 11 ngày 22-6-2012 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định về việc tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó nêu “không cho tàu du lịch đến các điểm du lịch, dịch vụ điểm bán hải sản… chưa được công bố trên vịnh Hạ Long".

Hình ảnhDân làng chài Ba Hang nhìn theo một chiếc tàu du lịch chở khách đi ngang qua - Ảnh: Hoàng Điệp

Công ty lữ hành hủy tour

Ông Bùi Quang San, giám đốc Công ty TNHH Thanh Niên, hiện đang kinh doanh tàu vận tải du lịch tại vịnh Hạ Long, cho biết: “Từ 1-9, tôi nghe các thuyền trưởng phản ánh rằng Cảng vụ đường thủy nội địa nghiêm cấm các tàu cập làng chài Ba Hang, nếu tàu nào vi phạm thuyền trưởng sẽ bị treo bằng và cảng vụ sẽ không cấp phép cho chở khách vào ngày hôm sau”.

Khách du lịch thường xuyên đi tàu của doanh nghiệp Thanh Niên thường là khách Đài Loan và Thái Lan, ngoài việc đi thăm những địa điểm được quy định bao giờ khách cũng muốn đi thăm làng chài và ăn hải sản tươi sống. “Bây giờ tỉnh cấm vậy thì tôi cứ bảo các thuyền trưởng chấp hành chứ chưa biết làm thế nào”, ông San nói.

Hình ảnh
Một góc làng chài Ba Hang - Ảnh: Hoàng Điệp

Sụt giảm khách

Ông Nguyễn Văn Duyên, thành viên BQL vịnh Hạ Long, phụ trách khu vực Ba Hang, cho rằng dù Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh chỉ cấm các tàu cập các nhà bè tại làng chài Ba Hang, không cấm khách vào thăm hang Luồn và làng chài nhưng hầu hết các tàu đều đậu ở xa khu vực làng chài nên lượng khách đến thăm hang Luồn giảm đáng kể. Nếu bình thường không cấm tàu, ngày cao điểm có khoảng 1.000 khách mua vé (giá 20.000 đồng/khách) thì hiện nay chỉ còn 100 khách/ngày.
Là công ty mỗi năm đưa 3.000-4.000 khách đến Vịnh Hạ Long, anh Đoàn Phi Hùng, Công ty cổ phần đầu tư thương mại du lịch Việt Mỹ, phản ứng khi cho biết có đến 60% số tour bị hủy trong thời gian gần đây. “Khách du lịch đề nghị trước mắt hủy tour để dời sang tháng 11 bởi họ hi vọng sẽ thay đổi quy định. Khách phản ứng rõ ràng bởi họ cho rằng khi đi du lịch thì họ phải được hưởng thụ đặc sản. Hoặc họ muốn tiếp cận với đời sống của dân vạn chài thì không thể tiếp cận được”.

Ông Bùi Quang San cũng cho rằng Quảng Ninh có vịnh Hạ Long nên lượng khách du lịch quốc tế đến rất đông, tuy nhiên cơ sở hạ tầng trên bờ của khu vực Bãi Cháy chưa có gì nên khách chỉ còn thú vui là tham quan và hưởng thụ trên vịnh. Cũng bởi du khách có cảm giác không tin tưởng về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam nên việc nhìn thấy hải sản tươi sống đang bơi họ rất thích và thường mua (dù không nhiều) để thưởng thức ngay trên thuyền.

Không chỉ bất ngờ về việc các thuyền trưởng bị đưa ra thông báo cấm cập tàu vào các bè làng chài, chị Nguyễn Thị Hằng, giám đốc Công ty CP thương mại và du lịch Hoàng Phương, cho biết: "Toàn bộ hợp đồng ký với các công ty lữ hành và du lịch đều có điều khoản trong hợp đồng và phụ lục là đưa khách du lịch đến thăm làng chài. Bởi thế, khi thuyền trưởng thông báo không được vào làng chài Ba Hang, tôi buộc phải thông báo lại với công ty lữ hành về sự thay đổi này, họ đồng loạt hủy tour. Tháng này 3 tàu du lịch của tôi mới đi được 4 chuyến".

Hình ảnh
Một góc làng chài Ba Hang - Ảnh: Hoàng Điệp

Hình ảnh
Những chiếc tàu du lịch đi ngang qua làng chài Ba Hang nhưng không dừng lại nữa - Ảnh: Hoàng Điệp

Đặc biệt chị Phạm Thị Nga, giám đốc Công ty Sơn Cường, còn kể có một đơn vị cựu chiến binh từ Hà Nội năm nào cũng về Ba Hang để làm từ thiện. Mấy hôm trước, đoàn tiền trạm này xuống đề nghị tàu của công ty chị Nga đưa vào khu Ba Hang nhưng không được chấp nhận. “Tôi đã đến Cảng vụ đường thủy nội địa để xin cho đoàn từ thiện vào trợ giúp nhưng Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh trả lời về Hà Nội mang công văn xuống trình thì họ cho phép. Đến đi làm từ thiện và còn lằng nhằng vậy nên họ từ chối” - chị Nga kể.

Người làng chài than mất việc

Hình ảnh
Không còn việc làm, bà Luyến lấy thuyền chở các cháu nhỏ đi từ bè này sang bè kia chơi - Ảnh: Hoàng Điệp


Cấm để siết “chặt chém”

Ông Đỗ Đức Thắng, phó BQL vịnh Hạ Long, cho biết chỉ thị của UBND tỉnh Quảng Ninh nhằm siết chặt vấn đề chặt chém khách du lịch và hạn chế thuyền nhỏ đeo bám, chèo kéo, cân điêu bán thiếu cho khách tham quan vịnh Hạ Long mà một số phương tiện truyền thông và khách du lịch đã phản ảnh trong thời gian qua.

BQL vịnh Hạ Long nghiêm túc thực hiện theo chỉ thị của UBND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng cho du lịch Quảng Ninh.
Hơn chục ngày sau khi các tàu du lịch không cập vào làng chài Ba Hang, trên các thuyền bè của 56 hộ dân chài ở Ba Hang nháo nhác vì quy định mới. “255 nhân khẩu trên làng chài này không chỉ sống bằng nghề chài lưới, từ năm 2009 làng chài được quy hoạch làm du lịch và Ba Hang là một trong những địa điểm du lịch của vịnh Hạ Long. Ngoài việc chài lưới vào ban đêm, các lao động làng chài đều tham gia chèo đò chở khách tham quan hang luồn ở Ba Hang” - ông Nguyễn Hữu Duyên, trưởng khu Ba Hang, cho biết.

Trên bè nhà ông Đỗ Văn Hữu (56 tuổi), đám trẻ con tụ tập đánh chuyền. Bà Lê Thị Hương (vợ ông Hữu) đan lưới trong phòng khách chật hẹp, bà nói: “Cả đêm qua hai vợ chồng đi chài được 80.000 đồng tiền cá, đêm hôm kia thì chỉ đủ một bữa cá ăn. Ban ngày chả biết làm gì nên tôi mua cước về đan lưới”.

Với diện tích chừng 80 mét vuông, bè của ông Hữu có 9 nhân khẩu sinh sống gồm vợ chồng ông và các con cháu, trong đó có đến 4 lao động chính sống nhờ vào việc chèo đò. Là xã viên của HTX Con đò cổ tích đưa khách vào thăm hang luồn ở Ba Hang nên bà Hương và ông Hữu tham gia chèo đò tay với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Từ ngày 1-9, khi tàu khách không cập bờ, vợ chồng ông cũng chỉ ở nhà chứ chưa nghĩ ra việc gì để kiếm sống. Tuy nhiên, bà Hương vẫn hi vọng: “Biết đâu nay mai người ta thay đổi, mới có chục ngày không có việc làm mà cả nhà đang rơi vào túng bấn đến cả hạt gạo, mỗi ngày ăn hết 3kg gạo với 100.000 đồng mua rau mà vẫn không làm sao để có tiền”.

Trong gian phòng khách bé tí xíu, mấy đứa trẻ cháu bà Hương bò lồm ngồm vơ lưới bỏ vào miệng. “Nếu không thay đổi chắc chúng tôi đánh liều vào rừng hái củi bán cho người ta nung vôi, chứ hải sản bây giờ cũng cạn kiệt rồi lấy gì mà đánh bắt” - bà Hương nói.

Bà Vũ Thị Thu Thủy (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh): Phải hi sinh cái nhỏ phục vụ cái lớn

Cảng vụ đường thủy nội địa cấm tàu cập các bè cá này là đúng rồi, làm vậy để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tôi hiểu rằng người dân chài vẫn mong muốn được thu lợi nhuận, được sinh sống dựa vào du lịch nhưng chúng ta phải theo quyền lợi chung của cộng đồng lớn.

Ông Lê Hồng Thắng (giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh): Sẽ tìm hướng giải quyết

Chúng tôi có nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân ở làng chài Ba Hang cùng với 3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại làng chài này. Ngay trong chiều 12-9 tôi đã đi thị sát làng chài và xem hồ sơ của các doanh nghiệp đã đăng ký. Sau khi thị sát Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh sẽ báo cáo với các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết hợp lý.

HOÀNG ĐIỆP

Tin trên: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan//T ... -chai.html

Tại sao?
15/09/2012 7:59:39 SA

Ngồi ăn bát ngọc mâm vàng phải nghĩ đến chén cơm của dân chứ. Công ty lữ hành mất tour, dân chài mất việc. Qui hoạch cảng thì phải có tầm nhìn, mới hơn hai năm đã thay đổi. Đề nghị chính quyền tỉnh sớm có chủ trương thay đổi nhằm hỗ trợ cho người dân.

Vĩnh Trường

Quản lý yếu kém
15/09/2012 1:17:15 SA
Chính quyền địa phương cần coi lại khả năng của mình. Cứ quản không được thì cấm, chọn việc nhẹ cho mình, đẩy gánh nặng cho dân. Vẫn tình trạnh mạnh ai nấy làm mà không thống nhất ý kiến của chính quyền lẫn dân vì lợi ích chung. Hủy tour có thể không đáng vào đâu so với tổng thu nhập hàng năm. Nhưng nó tạo tiếng xấu về sau.
ris

Phải nghiêm khắc
15/09/2012 12:10:20 SA

Vịnh Hạ Long nằm trong danh sách kỳ quan thiên nhiên thế giới nên tôi cho rằng sự quan tâm kịp thời và nghiêm khắc của UBND tỉnh Quảng Ninh là hoàn toàn đúng đắn, nhằm giữ vị trí Hạ Long đúng tầm vóc của nó, để thế giới phải tâm phục khẩu phục. Nếu quản lý lỏng lẻo, ai cũng phớt lờ thì môi trường sinh thái trong vịnh sẽ mau chóng bị ô nhiễm, dơ bẩn... đến khi đó mới đưa ra giải pháp chữa cháy nạn ô nhiễm thì việc đã rồi.

Hãy nghiêm khắc với chính mình, với chính nơi mình đang ở và đang làm việc. Song song đó, mong rằng BQL Vịnh cũng nên tổ chức có hệ thống đàng hoàng. Ví dụ, người dân làng chài muốn làm ăn thì phải mặc đồng phục, bày bán hợp vệ sinh, có trật tự, buôn bán một giá thống nhất theo qui định chung của BQL, dự trữ rác (vỏ hải sản) trên ngay bè của mình, và đúng ngày, đúng giờ nào đó coi vắng khách thì BQL nên có 1 tàu đi gom vỏ hải sản chở đến nơi khác xử lý.

Và làm ơn đừng xử lý bằng cách bỏ ngay vào lòng vịnh!
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội

Re: Lý giải việc các tàu bè không được ghé vào làng chài Ba Hang

Gửi bàigửi bởi admin » 24 Tháng 9 2012

Quảng Ninh đang chấn chỉnh chứ không “cấm”

Cập nhật lúc 04:09, Thứ Ba, 18/09/2012 (GMT+7)
Ngày 14-9 trên Báo Tuổi trẻ có bài đặt nghi vấn: “Quảng Ninh cấm tàu du lịch đến làng chài?”. Tít bài báo đã đạt được hiệu quả gây chú ý bạn đọc. Nhưng bài báo chưa thoả mãn thông tin về thực tế Quảng Ninh đang tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch, nhất là hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long theo Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22-6-2012 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Một bạn đọc của Báo Tuổi Trẻ đã góp ý kiến về bài báo “Quảng Ninh cấm tàu du lịch đến làng chài?” như sau: “Vịnh Hạ Long nằm trong danh sách kỳ quan thiên nhiên thế giới nên tôi cho rằng sự quan tâm kịp thời và nghiêm khắc của UBND tỉnh Quảng Ninh là hoàn toàn đúng đắn, nhằm giữ vị trí Hạ Long đúng tầm vóc của nó, để thế giới phải “tâm phục khẩu phục”. Nếu quản lý lỏng lẻo, ai cũng phớt lờ thì môi trường sinh thái trong Vịnh sẽ mau chóng bị ô nhiễm, dơ bẩn...”.

Không chỉ chưa cho phép tàu du lịch đến các điểm bán hải sản chưa được công bố, mà Quảng Ninh đang triển khai Đề án di dời, xử lý nhà bè, làng chài trên Vịnh Hạ Long. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã có kết luận về việc xây dựng Đề án này và giao cho Thành uỷ Hạ Long chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Theo đó, phải giải quyết triệt để việc di dời dân làng chài sinh sống trên Vịnh Hạ Long để đảm bảo an ninh quốc phòng và yêu cầu của UNESCO. Kiên quyết dừng hoạt động đối với các trường hợp kinh doanh trên Vịnh không đủ tiêu chuẩn quy định. Kiên quyết dừng cấp phép kinh doanh dịch vụ ăn uống trên nhà bè. Đồng thời tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trong làng chài để duy trì và phát triển văn hoá làng chài trên biển phục vụ phát triển du lịch, tổ chức lại sản phẩm văn hoá du lịch làng chài. Thực hiện quản lý nhà nước về tiêu chuẩn sản phẩm du lịch, làng nghề...

Việc di dời, xử lý nhà bè, làng chài và sắp xếp ổn định dân cư là nhằm bảo đảm môi trường, an ninh trật tự, đáp ứng yêu cầu quản lý Di sản - Kỳ quan Vịnh Hạ Long và phục vụ phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn mới.

Chủ trương của Quảng Ninh, di dời người dân lên bờ để ổn định cuộc sống, nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân làm ăn, hành nghề trên Vịnh, đáp ứng các tiêu chí cụ thể về phương tiện, công cụ, trình độ lao động. Đây là điều kiện để phát huy bản sắc văn hoá làng chài thành sản phẩm du lịch.

Quảng Ninh cũng đang xúc tiến tìm kiếm mô hình quản lý Vịnh Hạ Long, mô hình tổ chức cho du khách tham quan Vịnh hiệu quả nhất. Hiện nay sau khi mua được vé tham quan thì du khách vẫn phải tiến hành tiếp việc thuê tàu, rất bất tiện cho những nhóm khách ít người. Trên tàu du lịch, trừ những tàu chở khách đi theo tour, còn lại hầu như không có hướng dẫn viên du lịch.

Quảng Ninh đang tự chấn chỉnh, tìm kiếm mô hình hoạt động để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, do đó rất cần sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của du khách, của các nhà kinh doanh du lịch trong và ngoài nước.

Nguyên Đan

Theo báo Quảng Ninh: http://www.baoquangninh.com.vn/binh-lua ... m-2176859/
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội

Re: Lý giải việc các tàu bè không được ghé vào làng chài Ba Hang

Gửi bàigửi bởi nmduc61 » 26 Tháng 9 2012

Việc cấm tàu ghé vào làng thuyền chài như vậy, là ban quản lý Vịnh Hạ Long đang vi phạm vào quyền con người đấy. Lấy ví dụ : Nếu chúng ta đưa một đoàn khách đi thăm một bản dân tộc ví dụ như bản Mường ở Hòa Bình chẳng hạn, nếu du khách muốn vào thăm một gia đình xem cuộc sống đời thường của như thế nào...và cũng bị cấm chẳng hạn... vậy thì du khách họ sẽ nghĩ thế nào, có thể họ sẽ nghĩ rằng ở bản đó đang có một thứ bệnh dịch gì đó có thể nguy hiểm đến tính mạng con người nên HD kh dám cho vào.Vậy thì ở làng chài của Vịnh Hạ Long cũng vậy thôi. Cho tới giờ có lẽ du khách họ còn chưa biết nhiều về việc cấm đoán như vậy. Nếu biết như vậy họ còn hào hứng để dến Hạ Long nữa hay không...? Việc mua bán trên bè chỉ là những hiện tượng hết sức đời thường. Du khách thậm trí còn rất thích thú việc mặc cả mua bán, nó giống như một trải nghiệm trong cuộc sống. Thuận mua vừa bán, dân mình vẫn thường có câu như vậy mà. Nếu ban Quản lý Vịnh Hạ Long không nhanh chóng đưa ra những biện pháp tích cực nhằm thu hút thêm khách du lịch, có lẽ đến một ngày nào đó sẽ chằng còn ma nào đến với Vịnh Hạ long nữa đâu...
Hình đại diện của thành viên
nmduc61
Guide thực tập
Guide thực tập
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: 15 Tháng 9 2011


Quay về Mặt trái của ngành du lịch

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.2 khách.

cron