Tăng phí tham quan, dịch vụ du lịch ở nhiều danh thắng

Tăng phí tham quan, dịch vụ du lịch ở nhiều danh thắng

Gửi bàigửi bởi admin » 13 Tháng 5 2012

Phí cao, chất lượng dịch vụ không cao

QĐND - Thứ Bẩy, 12/05/2012, 21:58 (GMT+7)
QĐND - Mấy năm gần đây, vào mùa du lịch, nhiều khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh và cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng…) thường điều chỉnh tăng mức giá vé tham quan, giá dịch vụ. Tuy vậy, chất lượng dịch vụ chưa xứng tầm với mức tăng giá.

Nhiều nơi đồng loạt tăng giá
Từ đầu năm 2012 đến nay, một số địa phương điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Tại Hà Nội, Khu di tích danh thắng Hương Sơn, giá vé tham quan đối với người lớn tăng từ 29.500 đồng lên 49.000 đồng /lượt (tăng gấp 1, 67 lần); đối với người già và trẻ em tăng từ 14.500 đồng lên 24.000 đồng /lượt (tăng gấp hơn 1, 66 lần). Một số điểm di tích nổi tiếng khác trên địa bàn Thủ đô cũng tăng mức phí tham quan như đền Quán Thánh, Khu di tích lịch sử Cổ Loa, Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đều có giá vé từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng /người/lượt.
Hình ảnh
Ảnh minh họa/ Internet

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa ban hành quyết định điều chỉnh mức thu phí đối với hầu hết các điểm di tích trong quần thể khu di tích lịch sử cố đô Huế. Theo đó, ngay sau khi Festival Huế 2012 kết thúc, từ ngày 16-4, giá vé tham quan thuộc các điểm di tích Đại Nội, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng đối với người lớn tăng từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng /lượt (tăng gấp hơn 1, 4 lần), riêng đối với khách nước ngoài tăng từ 55.000 đồng lên 80.000 đồng /lượt (tăng gấp gần 1, 5 lần). Tại các điểm bảo tàng, cung An Định, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, điện Hòn Chén, giá vé đối với người Việt Nam tăng từ 10.000 đồng lên 30.000 đồng /lượt (tăng gấp 3 lần) và đối với du khách nước ngoài tăng từ 22.000 đồng lên 40.000 đồng (tăng gấp hơn 1, 8 lần).

Nhiều địa phương như Quảng Nam, Quảng Trị… cũng tăng giá vé tham quan tại một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Việc điều chỉnh mức phí này được các địa phương lý giải xuất phát từ lý do trượt giá, lạm phát và phải có thêm nguồn thu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, vệ sinh môi trường cho các danh lam thắng cảnh…

Chất lượng dịch vụ chưa chuyển biến

Sẽ không có gì đáng nói nếu như việc tăng lệ phí tham quan đi liền với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, việc tăng mức phí tham quan ở nhiều địa phương chưa gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ.

Điều ông Bình nói là có cơ sở. Trong dịp đầu xuân 2012, chúng tôi đi tham quan danh thắng chùa Hương. Ngoài việc mua vé với mức phí 50.000 đồng /người/lượt; khi đi cáp treo, chúng tôi phải mua vé với giá 80.000 đồng /người/lượt (1 chiều). Giá vé này, theo phản ánh của nhiều du khách, là quá cao so với mặt bằng thu nhập hiện nay của người dân, nhất là người già - một trong những đối tượng đi tham quan chùa Hương đông đảo nhất. Trong khi đó, vào những ngày cao điểm lễ hội của chùa Hương, tại khu ga chờ đợi lên cáp treo, các lối zích -zắc lên hộp cáp treo luôn trong tình trạng quá tải khiến du khách phải nhích từng ly, có ngày phải chờ đợi vài ba tiếng đồng hồ mới thoát khỏi cảnh chật như nêm. Ga nhỏ hẹp, lượng khách lớn, hệ thống thoát hiểm chưa hoàn thiện... Rõ ràng, cơ sở vật chất ở khu ga cáp treo chùa Hương chưa tương xứng với giá vé mà người dân và du khách phải bỏ tiền ra mua.

Vào dịp đầu hè năm 2011, việc nâng giá vé vào tham quan khu du lịch Hàm Rồng - Sa Pa và tăng phí đối với tour leo núi Phan -xi-phăng (Lào Cai) không nhận được sự đồng tình của đông đảo du khách. Hệ quả là số lượng khách đến hai địa danh này giảm hẳn khiến ngành du lịch tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp du lịch địa phương phải điều chỉnh lại mức phí.

Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trong quá trình hội nhập quốc tế, ngành Du lịch luôn khuyến khích các địa phương chú trọng chăm lo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, quan tâm đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Cách làm đó mới bài bản, chuyên nghiệp, mang lại lợi ích lâu dài và bền vững. Còn việc tăng mức phí tham quan ở các điểm, khu du lịch hay nâng giá cả dịch vụ ở các cơ sở lưu trú du lịch cần phải tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp với khả năng của người dân và phải căn cứ vào các văn bản quy định về mức thu phí, thu lệ phí của Bộ Tài chính đã ban hành.

Giải quyết hài hòa các lợi ích

Trong điều kiện hầu hết giá cả các mặt hàng tăng như hiện nay, việc nhiều tỉnh, thành phố điều chỉnh mức phí tham quan tại các khu, điểm du lịch… sẽ góp phần giải quyết được một nguồn thu cho địa phương. Tuy vậy, điều muốn nhấn mạnh ở đây là các địa phương, các ban quản lý danh thắng và di tích phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích chung - riêng, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người dân, du khách.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), để vừa tạo nguồn thu, vừa xây dựng thị trường dịch vụ du lịch lành mạnh, có sức cạnh tranh, các địa phương và ban quản lý các khu du lịch, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử phải xây dựng lộ trình tăng giá hợp lý, tránh “đội giá” đột ngột mà không có sự giải thích lý do, mục đích rõ ràng dễ gây tâm lý bức xúc cho du khách.

Còn ông Vũ Thế Bình cho rằng, mỗi khi tăng giá vé tham quan, giá vé dịch vụ, các địa phương, các khu, điểm du lịch và cơ sở lưu trú du lịch phải cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây không chỉ là đòi hỏi chính đáng để bảo đảm quyền lợi cho du khách và các doanh nghiệp lữ hành, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, văn minh để làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Chúng tôi cho rằng, để tránh tình trạng “chặt, chém” trong mùa du lịch hè năm nay, nhất là giá thuê phòng nghỉ và giá dịch vụ ăn uống, ngoài việc vận động, tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch cam kết công khai và thực hiện đúng giá đã niêm yết, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố ý tăng, đội giá bất thường theo Nghị định số 16/2012/NĐ-CP ngày 12-3-2012 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch”. Được biết, trung tuần tháng 3-2012, trước khi tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế vào cuối tháng 4 vừa qua, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 10 khách sạn với số tiền 26 triệu đồng vì “tội” tự ý nâng giá phòng nghỉ. Thiết nghĩ, đây là bài học rất đáng tham khảo cho các địa phương khác.
Khoản D, điểm 2, điều 10 của Nghị định số 16/2012/NĐ-CP ngày 12-3-2012 nêu rõ: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thông tin rõ ràng, công khai về số lượng, chất lượng và niêm yết giá cả các dịch vụ, hàng hóa cho du khách”.
Bài và ảnh: Thiện Văn
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội

Quay về Mặt trái của ngành du lịch

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.3 khách.

cron