Tập chụp ảnh đời thường

Mỗi người khi ở mức pờ rồ...đều có sở trường nhất định, về phong cảnh, con người, macro..

Tập chụp ảnh đời thường

Gửi bàigửi bởi admin » 12 Tháng 1 2012

Một bức ảnh đời thường đem lại cảm xúc cho người xem phải có nội dung hay quan trọng hơn, phải có "tình tiết" hay nói lên văn hóa của vùng, miền đó.

Hình ảnh
Anh bán chuối dạo. Ảnh chụp bằng Nikon D3 với ống fish eye. Tác giả: Nguyễn Nhật Thanh.

Ảnh đời thường (Street Photography) có thể là bất cứ cảnh sinh hoạt nào không nhất thiết phải xảy ra ở đường phố. Theo Wikipedia, Street Photography là một thể loại ảnh tài liệu tái hiện chủ thể ở những khoảnh khắc tự nhiên nhất ở những nơi công cộng như đường phố, công viên, khu mua sắm, bãi biển, hội họp…

Ảnh đời thường có hai dạng: sinh hoạt đường phố và chân dung tình cờ. Trong bài này, Số Hóa sẽ đề cập đến ảnh sinh hoạt đường phố.

Thực tế, những sự việc trong cuộc sống đều có thể là chủ đề cho chụp ảnh. Một bức ảnh đời thường thành công phải là ảnh đem lại cảm xúc cho người xem, ảnh có nội dung, nói được nét văn hóa của vùng miền đó hay quan trọng hơn, ảnh có tình tiết.

Hình ảnh
Một buổi sáng Gia-rai. Ảnh chụp bằng Nikon D80. Tác giả: Nguyễn Nhật Thanh.

Khi chụp ảnh chủ đề này, cần lưu ý những vấn đề:

Vì là đời thường, nên số lượng là tương đối quan trọng để có thể sàng lọc ra ít kiểu ưng ý. Thời kỳ máy phim, yếu tố này có thể làm nhiều tay săn ảnh "mất ăn mất ngủ", nhưng ở thời đại số, việc này lại không quá quan trọng.

Khi chụp, nên chú ý vị trí máy, chụp một cách kín đáo, tế nhị (thậm chí là để máy ở tầm thắt lưng).

Xin phép chủ thể để làm một phần trong cuộc sống văn hóa của họ.

Biết rút lui khi cảm thấy mình là sự phiền toái.

Tuyệt đối tránh những tình huống phản cảm và chụp ở những nơi không được phép.

Hình ảnh
Ông lão vớt tảo ở Long Hải. Ảnh chụp bằng Nikon D7000. Tác giả: Nguyễn Nhật Thanh.

Chụp đời thường không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu. Kỹ thuật kinh điển là một ống kính góc rộng, thường là loại quang trắc RF (rangefinder) nhỏ gọn, khép khẩu sâu, lấy nét tay để sẵn ở một tiêu cực tương đối phù hợp (3 đến 5 mét), do vậy, khoảng nét sẽ rất sâu thậm chí tới vô cực để đảm bảo không sót chi tiết ở những bối cảnh rộng.

Thực tế có thể bắt ảnh đời thường một cách rất có ý nghĩa bằng bất cứ phương tiện nào có trong tay, từ máy ảnh DSLR với ống rộng hay zoom, máy Leica M9 rangefinder đắt tiền cho tới compact nhỏ gọn, thậm chí là điện thoại di động. Theo thống kê của trang lưu ảnh Flickr, số lượng ảnh chụp bằng iPhone đang đứng hàng đầu so với các thiết bị khác. Điều này thể hiện tính phổ thông cũng như tầm phổ quát của nhiếp ảnh đời thường.

Gửi ảnh đời thường bạn chụp cho chương trình ảnh Sắc màu cuộc sống của Số Hóa.

Nguyễn Nhật Thanh
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội

Re: Tập chụp ảnh đời thường

Gửi bàigửi bởi admin » 12 Tháng 1 2012

Bài tập chụp ảnh cho mọi người

Bạn có xem lại những ảnh mình chụp và rút ra điều gì không? Có lẽ dễ dàng nhận ra nhất là các ảnh chỉ là những hình chụp về người thân, bạn bè thuộc thể loại ảnh lưu niệm.

Tuy nhiên với sự sáng tạo cũng như tận dụng hết tính năng trên máy, bạn cũng có thể tạo ra những tác phẩm đẹp và đa dạng. Điều này cũng không quá khó và chúng ta hãy thực tập nó thông qua 9 bài tập chụp ảnh đơn giản ở đây.

1. Chụp ảnh xung quanh nhà

Hình ảnh

Quan sát kỹ vườn nhà mình, bạn sẽ tìm thấy được nhiều điều lý thú để chụp. Nếu bạn sống ở những khu phố, căn hộ thì từ "vườn nhà" sẽ là những gì bạn khám phá xung quanh hay trong căn phòng của mình. Chìa khóa của vấn đề là hãy có một tư tưởng mới cho việc chụp ảnh. Đừng nghĩ là mình chụp một cái gì đó cụ thể. Bạn hãy tập chụp theo cảm nhận như màu sắc, kiểu dáng, đường nét, bóng đổ... Từ đây bạn sẽ có hàng trăm loại chủ đề khác nhau và không bao giờ cạn hết nguồn ý tưởng để chụp.

Đây là nhụy hoa lily cắm ở bình hoa nhà tôi. Đề tài loại này cũng dễ dàng tìm thấy ở nhà bạn.

Tốc độ 1/60s
Khẩu độ f/5.6
Độ nhạy sáng ISO 200

2. Sử dụng ống kính đa dạng

Hình ảnh

Với một máy ảnh DSLR thì bạn có khả năng thay đổi ống kính thoải mái. Hãy sử dụng mọi loại ống kính mà bạn có như ống góc rộng, ống kính tiêu cự dài, ống kính macro... Nếu bạn chỉ có một chiếc máy “point and shoot” hoặc chỉ có một ống kính zoom thì cũng hãy tận dụng việc chỉnh ống kính ra vào. Nếu bạn chụp một chủ đề nào đó bằng ống kính góc rộng, thì cũng nên chụp chính chủ đề đó bằng tiêu cự dài. Mục đích của bài tập này là cho bạn những góc nhìn mới lạ so với những cách bạn thường chụp.

Chỉ dùng một ống kính zoom 18-55mm để chụp ảnh này nhưng việc zoom out và zoom in cho hai góc nhìn khác nhau. Trong ảnh này, khi chụp toàn cảnh tôi đưa zoom về 18mm và khi lấy cận cảnh thì 55mm.

3. Khám phá chất liệu

Hình ảnh

Rất nhiều vật thể có những bề mặt chất liệu lạ lùng mà khi chụp bạn sẽ tạo ra những bức ảnh lý thú. Bí quyết để chụp chất liệu là ánh sáng, ánh sáng nghịch, ánh sáng xiên luôn tả chất liệu có chiều sâu ba chiều hơn. Ngoài ra khi chụp thể lọai ảnh này, bạn hãy đóng khẩu độ tối đa để đạt được độ nét cao, tạo cho chất liệu sống động hơn.

Một cánh bướm rơi trên một tàu lá chuối ngược sáng đã diễn tả chất liệu và màu sắc lạ lùng.

Tốc độ 1/125s
Khẩu độ f/11.0
Độ nhạy sáng ISO 200

4. Chụp ảnh cầu thang

Hình ảnh

Ảnh cầu thang luôn cho những hiệu quả thị giác thú vị của việc đan xen những bậc tam cấp. Về mặt ý nghĩa cầu thang thường mang những cảm xúc dẫn dắt ta đến một nơi nào đó. Vì vậy bất cứ nơi nào bạn bắt gặp hình ảnh cầu thang thì hãy lấy máy ra chụp. Cũng nên chụp đủ mọi góc độ từ chụp trên xuống, chụp từ dưới lên... và kết hợp việc chỉnh đủ tiêu cự dài ngắn khác nhau. Nên nhớ khi thả hồn mơ mộng chụp ảnh cầu thang bạn cũng phải quan sát bước chân để khỏi vấp ngã. Ngoài ra, việc có xuất hiện người trong ảnh chụp cầu thang sẽ cho ảnh những ý nghĩa khác so với khi không có.

Ảnh chụp một cầu thang ở Thảo Cầm Viên nghịch sáng và một cầu thang ở một resort Mũi Né thuận sáng. Ảnh cho hai góc nhìn khác nhau về cảm xúc của cùng một loại chủ đề.

5. Tạo khung cho hình ảnh

Hình ảnh

Thay vì bạn chụp trực tiếp một chủ đề nào đó bạn có thể dùng phương pháp tạo khung. Ví dụ như việc bạn dùng một mái vòm làm tiền cảnh để chụp một khung cảnh xa xa... Bạn cũng nên ghi nhớ khi thực tập chụp phương pháp này là ta sẽ đóng khẩu độ nhỏ để tiền cảnh và hậu cảnh cùng rõ.

Ảnh được chụp tại Hòn Chồng - Nha Trang, dùng những hòn đá cận ảnh tạo cảm giác xa gần cũng như một khung hình lạ mắt cho ảnh.

Tốc độ 1/60s
Khẩu độ f/5.6
Độ nhạy sáng ISO 200

6. Cắt cúp ảnh

Hình ảnh

Khi chụp ảnh số bạn cũng nên biết cách sử dụng cơ bản những phần mềm xử lý ảnh mà Photoshop như là một ví dụ. Những tấm ảnh sau khi cắt cúp sẽ có bố cục khác, diễn tả một ý khác so với ảnh gốc ban đầu.

Việc cắt cúp này cũng có thể thực hiện được trên máy ảnh bằng phương pháp chụp của bạn. Cùng một vị trí chụp nếu bạn zoom ống kính, xoay máy đứng hay ngang... sẽ tạo ra những bố cục hình khác nhau.

Cùng một góc độ khi chụp đứng ở hình này cho chiều sâu của con đường, nhưng khi chụp ngang lại có cảm giác không gian rộng mở.

7. Bóng đổ

Hình ảnh

Bóng đổ sẽ mang lại những cảm nhận khác nhau cho bức ảnh của bạn. Có những bóng đổ tạo ra sự sợ hãi, khắc nghiệt, khô khan... nhưng cũng có bóng đem lại sự thơ mộng, êm đềm... Bóng đổ có thể tạo ra do ánh sáng tự nhiên, và ánh sáng đèn flash nữa. Hãy chọn những góc độ để đưa bóng đổ vào ảnh của bạn như là một phương pháp thể hiện hiệu ứng hình ảnh.

Ảnh chụp tại đường hoa Nguyễn Huệ cho cùng một loại chủ đề nhưng góc độ khác nhau nhằm tạo ra hiệu ứng bóng đổ.

8. Mặt trời mọc - mặt trời lặn

Hình ảnh

Mặt trời mọc hay lặn đều cho những khoảnh khắc tuyệt đẹp. Vấn đề là bạn cần phải biết rõ thời điểm và vị trí mặt trời lên xuống trong ngày để sẵn sàng cho mình góc chụp. Mặt trời mọc và lặn thường rất nhanh và thay đổi tùy theo các mùa trong năm. Khi chụp ảnh hoàng hôn hay bình minh bạn cần có một chân máy khi ánh sáng quá yếu. Ngoài ra hãy dùng ống kính normal hay góc rộng là chủ yếu (dĩ nhiên cũng có thể dùng ống tele như chúng ta đã nói ở trên). Phương pháp đo sáng là chỉ tập trung đo vào phần bầu trời chung quanh mặt trời. Để không làm hỏng bộ cảm ứng ánh sáng máy ảnh, bạn hãy chờ cho ánh sáng mà mắt ta nhìn không quá gắt hãy chụp.

Ảnh chụp cảnh hoàng hôn tại một cây cầu ở Bến Bình Đông -TP HCM, ảnh cũng được xử lý Photoshop cho màu sắc "đẹp và mơ màng" hơn.

Tốc độ 1/60s
Khẩu độ f/8.0
Độ nhạy sáng ISO 200

9. Thể hiện cảm xúc tự nhiên

Hình ảnh

Khi chụp những ảnh lưu niệm, thông thường bạn đều sắp xếp cho mọi người nhìn thẳng vào ống kính sau đó đếm 1, 2, 3 và chụp. Bên cạnh việc đó, bạn cứ để mọi người tự nhiên sinh hoạt rồi chọn chụp những khoảnh khắc này nhằm tạo ra tình cảm cho bức ảnh. Chìa khoá của bài tập ở đây là tạo cho bạn phải sử dụng nhiều góc độ, nguồn sáng cũng như chụp thật nhiều mới chọn được một ảnh ưng ý.

Một khoảnh khắc chụp hai chú tiểu tại một ngôi chùa ở Hóc Môn - TP Hồ Chí Minh. Việc chủ đề không nhìn vào ống kính đem lại một góc nhìn tự nhiên.

Tốc độ 1/60s
Khẩu độ f/5.6
Độ nhạy sáng ISO 200

(Theo Thế Giới Số)
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội


Quay về BẠN CHỤP THEO TRƯỜNG PHÁI NÀO?

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.2 khách.