NHẬT KÝ CHUYẾN ĐI HÀ GIANG 9-12/5 /2014

NHẬT KÝ CHUYẾN ĐI HÀ GIANG 9-12/5 /2014

Gửi bàigửi bởi admin » 22 Tháng 5 2017

NHẬT KÝ CHUYẾN ĐI HÀ GIANG 9-12/5 /2014

Bốn cực, một đỉnh và hai ngã ba là những nơi trên đất nước Việt Nam mà bất kỳ tín đồ của chủ nghĩa xê dịch nào cũng muốn được đặt chân đến một lần trong đời. Tôi quyết định dành thời gian để đến thăm Hà Giang, đến thăm cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc của Tổ Quốc với câu lạc bộ hướng dẫn viên TIẾNG NHẬT. Đoàn chúng tôi gồm có 24 thành viên,Cung đường được chúng tôi lựa chọn là cung đường Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc – Hà Giang. Đoàn hầu hết là những người đi lần đầu, chỉ có một trái tim ấm nóng đầy nhiệt huyết, muốn được đi, được khám phá, được trải nghiệm với tiêu chí “Xách ba lô lên và đường ở dưới chân ta”.

Hình ảnh

Vừa ra khỏi thành phố TUYÊN QUANG, đoàn chúng tôi đã đối mặt ngay với những con dốc cao, dài, hẹp, những khúc cua tay áo đầy gấp gáp. Nhưng đổi lại không khí buổi chiều ngày đầu đặt chân Hà Giang khá mát mẻ và đặc biệt là không có bụi. Ai cũng tranh thủ hít hà cái thứ không khí trong lành, ít có ở Thủ đô . Hai xe 16 chỗ của chúng tôi thẳng tiến đến một ngôi trường mầm non trên vẻn núi HÀ GIANG với tinh thần chung ngọt sẻ bùi góp một chút quà gửi đến các em nhỏ gia đình nghèo khổ .

Chiều tà dương chúng tôi cứ lần mò đi trên những con đường khúc khỉu cả đoàn cũng về đến một khách sạn ở thành phố HÀ GIANG.Ngày thứ hai thời tiết có vẻ ủng hộ hơn nắng vàng rộ xe lại tiếp tục bon bon tìm đường lên cao nguyên đá ĐỒNG VĂN và đỉnh LŨNG CÚ. Vượt qua Cổng trời Quản Bạ, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Núi Đôi. Núi Đôi mùa này, xanh rì màu cây lá, tựa như khuôn ngực người con gái mới lớn, căng tràn nhựa sống, đẹp đến nao lòng. Mấy anh em đùa với nhau rằng con gái vùng này chắc ngực đẹp lắm, chắc cũng cân đối đến hoàn hảo như Núi Đôi ở đây.

Trên đường đi Đồng Văn, chúng tôi ghé thăm điểm du lịch "Nhà của PAO "và di tích Nhà vua Mèo. Với khu nhà rất rộng, diện tích tới hơn 1000m2, nhìn giống như một pháo đài. Khu nhà có kiến trúc rất độc đáo, được xây dựng trên một khu đồi hình mai rùa, dưới tán những cây sa mộc cao vút. Bên trong dinh thự vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn từ khu sinh hoạt đến các hầm thuốc phiện, hầm chứa vàng bạc, những mái hiên gần trăm năm phơi nắng gió, đã nhuốm màu rêu phong nhưng vẫn rất vững chãi. Nguyên liệu để xây dựng ngôi nhà là từ đá xanh, gỗ thông và ngói đất nung. Tất cả cột kèo trong nhà đều được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Đặc biệt là những hòn đá kê chân cột được tạo hình giống như quả anh túc, bên ngoài có nét hoa văn độc đáo và được các nghệ nhân dùng khoảng 1000 đồng bạc trắng hoa xòe mài cho thật bóng. Dưới mái hiên, xà nhà cũng được điêu khắc hình quả hoặc hoa anh túc. Toàn bộ pháo đài được xây dựng thành một khu khép kín, bao quanh là tường đá, cách mỗi đoạn tường lại có lỗ châu mai và đài quan sát cẩn thận.

Xe và đoàn lại tiếp tục nhằm thẳng đỉnh LŨNG CÚ điểm đầu CỰC BẮC . Ôm lá cờ vào lòng và hét lên TÔI YÊU VIỆT NAM .

Ngày thứ hai trên mảnh đất này lại sập tối xe lại cùng người lại ì ạch leo đèo đổ dốc về ĐỒNG VĂN trong tối nhá nhem.

Buổi sáng thứ ba đúng ngày chủ nhật có lẽ là ngày vui nhất của đồng bào dân tộc trên đây . Chợ phiên Đồng Văn là một phiên chợ rất độc đáo và nổi tiếng nơi đây. Chủ nhật là dân quanh vùng lại đến đây để trao đổi, mua bán hoặc chỉ để vui chơi, giao lưu. Ai cũng xúng xính trong bộ quần áo dân tộc truyền thống nhiều màu sắc để đi chợ. Đây đó là một vài chảo thắng cố bốc khói nghi ngút. Họ ngồi ăn thắng cố, uống rượu, nói chuyện rất sôi nổi rồi đến trưa họ lại lảo đảo, chân nam đá chân chiêu đi về. Bọn trẻ con chắc vui lắm,cầm cây kem mà thấy mắt chúng sáng rực.

10 giờ sáng ngày thứ ba điểm đến tiếp theo trên cung đường của chúng tôi là đèo Mã Pí Lèng. Mã Pí Lèng là con đèo huyền thoại, được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo tại vùng núi phía Bắc hay còn được coi là Kim Tự Tháp của người Mèo. Đèo Mã Pí Lèng nằm ở độ cao 1600m sovới mực nước biển, là cung đường đèo hiểm trở, nằm trên Con đường Hạnh Phúc dài 200km nối liền thành phố Hà Giang với Đồng Văn, Mèo Vạc, được thực hiện trong 6 năm (1956-1965) với hàng triệu lượt ngày công lao động chủ yếu là lao động thủ công, không có sự hỗ trợ của bất kỳ máy móc, phương tiện nào. Đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được thực hiện trong 6 tháng, có những đoạn các thanh niên trong đội cảm tử phải treo người trên vách núi và lấn từng centimet một. Gọi là đội Cảm tử vì khi thi công đến đoạn đèo này thì nhân dân các dân tộc vấp phải bức tường thành đá khổng lồ, dựng đứng là đỉnh Mã Pí Lèng. Để vượt được bức tường đá này người ta phải xây một con đường men theo vách núi ở độ cao 1600m so với mực nước biển. Các thanh niên trong đội cảm tử đã phải treo mình trên vách đá cheo leo, đục đẽo hoàn toàn bằng tay trần trong vòng 11 tháng để mở một con đường rộng 40 phân để lấy chỗ đứng chân, sau này mới phá rộng ra. Để thể hiện quyết tâm, các thanh niên trong đội Cảm tử đã đặt các cỗ quan tài trong lán của mình và thực hiện truy điệu sống trong từng ngày làm việc.

Đặt chân đến đỉnh Mã Pí Lèng, trong lòng thấy rộn ràng lạ thường, một cảm giác hồi hộp, vui sướng, hạnh phúc khôn tả, ngây ngất, choáng váng với vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Chúng tôi cũng trèo ra mỏm đá sát miệng vực để chụp ảnh, ngó xuống phía dưới mà thấy sợ hãi vì mỏm đá quá chênh vênh nhưng điều đó cũng không át nổi niềm hân hoan, phấn khích đang dâng trào. Ai cũng cố gắng chụp một bức ảnh có mặt mình, có dòng sông Nho Quế uốn lượn, len lỏi giữa khe núi cao sừng sững hai bên để lưu lại khoảnh khắc này. Chưa có họa sỹ nào vẽ lại cảnh đẹp nơi đây hay họ vẽ ra rồi lại bực tức xé ngay đi vì cảm thấy xấu hổ khi khả năng của mình hạn chế, không thể miêu tả nổi vẻ đẹp tuyệt trần, đầy mê hoặc này. Thời gian không có nhiều để chúng tôi thẩn thơ với vẻ ấy .Mọi người lại lên xe bắt đầu ôm cua, đổ dốc để đến thị trấn Mèo Vạc. Thị trấn Mèo Vạc có vẻ to và phát triển hơn Đồng Văn, cuộc sống của người dân nơi đây xem chừng có vẻ khá hơn người dân Đồng Văn. Qua chợ và mua một số đồ làm kỉ niệm rồi đoàn chúng tôi lại đi vào bản phát chăn và quần áo cho người đồng bào nghèo ở đây. Rất tiếc họ không biết nói tiếng kinh để chúng tôi có thể trò chuyện với họ.

Ngày thứ tứ ngày cuối cùng của chuyến đi cũng đến, lên đường tiến về Thủ đô. Thời tiết cũng tương đối ủng hộ đoàn khi trời nắng nhẹ, không mưa. Đường về khá đẹp, êm xuôi, không còn nhiều đoạn đèo dốc nữa nên đoàn đi cũng nhẹ nhàng, thanh cảnh. Về đến nhà, trở lại với cuộc sống thành thị bộn bề và lắm bon chen, ai cũng mệt mỏi nhưng vẫn không thôi tiếc nuối và nhớ những ngày rong ruổi trên Hà Giang. Ai cũng thèm cảm giác được đổ đèo, cảm giác đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng hét thật to. Đọng lại trong tôi không chỉ là những con dốc cao, những đỉnh núi dựng đứng, không chỉ là cảm giác phấn khích khi nhìn thấy những cung đường uốn lượn, quanh co, đó còn là tình cảm yêu mến với con người nơi đây, họ thật nhiệt tình, vô tư, hồn hậu, mến khách, là sự xúc động trước những em bé đen cháy, khuôn mặt lem luốc, ánh mắt ngây thơ chơi ở vệ đường vẫy tay chào khi đoàn chúng tôi đi qua. Ôi! Yêu lắm Hà Giang và mong một ngày trở lại với những thửa ruộng bậc thang vàng óng trong nắng khi mùa lúa chín hay những cánh đồng hoa tam giác mạch rộng ngút tầm mắt. Clbhdv Tiếng Nhật

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG QUÝ
Thành viên HANOIJSG câu lạc bộ hướng dẫn viên Tiếng Nhật Hà Nội

ACE xem album ảnh chuyến đi Hà Giang của CLB tại
viewtopic.php?f=3&t=3798
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội

Quay về Hà Giang

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.1 khách.

cron