Động Thiên Cung, vẻ đẹp tiên cảnh

Động Thiên Cung, vẻ đẹp tiên cảnh

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 15 Tháng 7 2011

"Chúng tôi say mê ngắm động Thiên Cung như ngắm một tòa lâu đài diễm lệ với vô số nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ lạ, hấp dẫn. Đây như là bữa tiệc cung đình với tiên nữ múa hát, chim chóc muông thú nhảy múa", bạn Dương Thị Phương viết về động Thiên Cung của Hạ Long.

Đối với tôi năm 2007 là một mùa hè cực kỳ đặc biệt vì đó là lần đầu tiên cuộc thi Toán quốc tế (IMO 48) tổ chức tại Hà Nội và cũng là lần đầu tiên tôi làm tình nguyện viên cho các em học sinh Thái Lan sang dự thi.

Sau khi thi, Ban tổ chức quyết định cho các thí sinh đi tham quan tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, cảnh quan và con người Việt Nam tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hồ Gươm… và đặc biệt là vịnh Hạ Long - địa danh được UNESCO hai lần công nhận di sản thiên nhiên thế giới với giá trị thẩm mỹ và giá trị về địa chất - địa mạo.

Rồi ngày tham quan cũng đến, chúng tôi háo hức với Hạ Long trải dài trước mắt. Một Hạ Long “bằng xương bằng thịt”, một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Dường như không kiềm chế được cảm xúc, mọi người đều thốt lên “Đẹp quá!”, “Oa! Vịnh Hạ Long!”.

Chiếc thuyền đầu rồng hình như cũng hiểu cảm xúc của chúng tôi nên băng băng rẽ nước đưa chúng tôi vào “lòng” Hạ Long. Tôi kể cho các em nghe về sự tích tên gọi Hạ Long, về truyền thuyết những đảo đá, giải thích về truyền thống dựng nước, giữ nước của người Việt và ý niệm về cội nguồn “con Rồng cháu Tiên” của người Việt trong truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân.

Chúng tôi đứng trên boong tàu lộng gió, ngập nắng như muốn hít thở hết “không khí Hạ Long” và lắng nghe anh hướng dẫn viên nối tiếp câu chuyện về Hạ Long, về quá trình tích tụ hàng triệu năm và những kiến tạo địa chất để tạo thành Hạ Long như ngày nay.

Hạ Long có hàng ngàn đảo lớn nhỏ trong đó mới được đặt tên một nửa. Những tên gọi thật bình dị và gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân như hòn Cánh Buồm, hòn Mâm Xôi, hòn Lư Hương, hòn Ông Sư và kia là hòn Trống Mái… Nhìn theo tay anh chỉ, chúng tôi nhìn thấy hai hòn đá dựa vào nhau, trông giống một đôi gà, một trống một mái đứng cạnh nhau. Trông chênh vênh mà cũng rất chắc chắn. Bàn tay tạo hóa thật khéo sắp đặt và trí tưởng tượng của con người cũng thật phong phú.

Tàu chạy tới gần đảo đá, các em chạy tới chạy lui chụp ảnh, cố gắng “tạo dáng” cho bức hình của mình thật độc đáo còn tôi trầm ngâm tận hưởng giây phút lưu giữ biểu tượng vịnh Hạ Long vào tầm mắt và chợt phát hiện ra, vẻ đẹp gần gũi mà độc đáo của vịnh Hạ Long chính là vẻ đẹp trầm mặc của thời gian kết tinh trên các thạch nhũ, hình dáng kiến tạo trên từng thớ đá và vẻ đẹp “tĩnh động” giữa đá - nước - trời mà hiếm nơi nào có được.

Hình ảnh
Động Thiên Cung. Ảnh: Hoàng Hà.
Qua hòn Trống Mái, chúng tôi đến với động Thiên Cung, một trong những động lớn nhất của Hạ Long. Ngay tên động cũng gợi đến những điều kỳ diệu mà không thể không khám phá: động Thiên Cung - động Cung Trời. Vào đến cửa động, một không gian mới đột ngột mở ra, không khí mát lạnh ùa vào thay thế cho cái nắng gắt tháng bảy của miền Bắc.

Chúng tôi say mê ngắm động Thiên Cung như ngắm một tòa lâu đài diễm lệ với vô số nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ lạ, hấp dẫn. Đây như là bữa tiệc cung đình với tiên nữ múa hát, chim chóc muông thú nhảy múa. Kia là hoa lá, cảnh vật trên trời dưới biển. Càng đi vào bên trong, động càng lớn rộng hơn, chúng tôi khám phá không mệt mỏi những nhũ đá trong động, những đàn voi, đàn sư tử, những cảnh sinh hoạt của con người...

Có thể nói vào động Thiên Cung không ai là không được thưởng thức “vẻ đẹp tiên cảnh” tại đây. Công lao đó là nhờ vào bàn tay lành nghề của người thợ tài ba thiên nhiên tỉ mẩn trong từng nhũ đá của hàng vạn năm để tạo nên một “thiên đường dưới trần thế” mà hôm nay chúng tôi được chiêm ngưỡng và thán phục.

Ra về cả tôi và các em đều vấn vương những tâm trạng và cảm xúc khác nhau về Hạ Long. Các nhà toán học “nhí” đều có những tình cảm và dự định rất riêng về Hạ Long. “Chị ơi! Sau này em chắc chắn sẽ đến Hạ Long nhiều lần nữa. Em muốn được khám phá tận cùng vẻ đẹp nơi đây, tìm hiểu cuộc sống của người dân và hơn hết là nghiên cứu về sự đa dạng về sinh học của Hạ Long”. Tôi mỉm cười: “Ừ, Hạ Long giờ không chỉ là cảnh đẹp của riêng Việt Nam nữa mà đã là di sản thiên nhiên thế giới rồi nên chúng ta đều cần góp phần trong việc tìm hiểu và bảo vệ Hạ Long nhé!”.

Một em khác thốt lên “Hôm nay đi được ít quá, sau này nếu có cơ hội em sẽ thuê trực thăng đi tham quan cho hết vịnh với hơn nghìn đảo này. Chắc chắn đó sẽ là một chuyến đi cực kỳ thú vị”. Tất cả mọi người cùng phá lên cười với ý tưởng đáng yêu của cậu bé.

Riêng tôi, tôi tự hào vì Hạ Long đã giúp cho các em nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung hiểu và yêu hơn mảnh đất Việt Nam anh hùng, xinh đẹp. Để khi hỏi về Hạ Long, về Việt Nam, mọi người đều thốt lên “wonderful - tuyệt vời”.

Dương Thị Phương
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Động Thiên Cung, vẻ đẹp tiên cảnh

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 15 Tháng 7 2011

Động Thiên Cung Quảng Ninh: Động ở phía Tây Nam Vịnh Hạ Long, cách đất liền 2,3 km, trên đảo Đầu Gỗ. Được phát hiện vào năm 1993 do một ngư dân phát hiện. Động Thiên Cung có hình chữ nhật cao trên 20 m, rông khoảng 25 m và dài trên 120m, đường vào động rất nhỏ nhưng vào bên trong thì rất rộng và thoáng đãng. Hiện nay động được thắp sáng bằng hệ thống ánh sáng tuyệt đẹp. Công trình chiếu sáng này được liên doanh với Trung Quốc trị giá 3 tỷ đồng. Nhìn phía trên trần của động, có những thạch nhũ như hình Ngọc Hoàng, Thiên Lôi, Nam Tào, Bắc Đẩu với trân trắng như mây. Trên vách, những cô tiên nữ xinh xắn lộng lẫy xiêm y đang ca múa. Có thể nói rằng, du khách đang lạc vào chốn bồng lai, đang tham dự, chiêm ngưỡng một buồi yến tiệc cực kỳ lộng lẫy và sang trọng tại cung điện nhà trời.

Theo saigontoserco.
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Động Thiên Cung, vẻ đẹp tiên cảnh

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 15 Tháng 7 2011

Trong những hang động đẹp nổi tiếng vịnh Hạ Long mới được phát hiện trong những năm gần đây phải nói đến động Thiên Cung. Động nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long cách bến tàu du lịch 4 km, trên đảo Đầu Gỗ ở độ cao 25 m so với mực nước biển.

Đảo Đầu Gỗ xưa còn có tên là đảo Canh Độc có đỉnh cao 189 m, dãy đảo như một chiếc ngai ôm trong lòng mình hai hang động đẹp. Đường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên tán lá rừng che phủ um tùm, vào những đêm trăng, những chú khỉ tinh nghịch leo xuống tận đấy để kiếm hoa quả. Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra không gian có tiết diện hình tứ giác với chiều dài hơn 130 m.

Càng vào trong ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy của tạo hoá. Một con Rồng đá nằm sừng sững lưng chừng hang, đôi mắt sáng, nhưng lại như đang lim dim ngủ. Những đám vảy phần đuôi của Rồng óng ánh, mầu xanh ngọc. Hình tượng này hoàn toàn do thiên nhiên trải qua hàng ngàn năm tạo nên và con người chỉ dùng ánh sáng làm nổi bật, sống động lên vẻ đẹp của nó. Động gắn liền với truyền thuyết về vua Rồng xưa.

Chuyện ngày xưa

Hang động Thiên Cung

Chuyện kể rằng sau khi vua Rồng giúp dân ta đánh tan giặc giã, vua Rồng trở về động của mình an tọa, năm ấy trời hạn hán nặng, dân tình mất mùa nhiều nên họ phải cầu cứu vua Rồng ra tay làm mưa. Bao nhiêu người đã ra đi mà không có ngày trở về. Không sợ nguy hiểm gian nan, đôi trai gái quyết tâm cùng nhau đi tìm gặp vua Rồng. Người con gái của họ ra đời được đặt tên là nàng Mây. Nàng Mây lớn lên đã làm xao xuyến trái tim Hoàng tử Rồng và tình yêu đã giúp họ đến với nhau, đám cưới được tổ chức 7 ngày 7 đêm tại khu vực trung tâm động. Để chúc mừng đám cưới, những chú rồng bay lượn lúc ẩn lúc hiện trong rừng mây nhũ đá, những chú voi con công kênh nhau lên nhảy múa, những con mãng xà lớn trườn mình quấn quanh cây đa cổ thụ, hai chú sư tử đã nhảy múa bờm tóc tung bay, trên cao những chú đại bàng giang rộng đôi cánh khổng lồ trên không trung... Một chú voi lớn được trang trí diêm dúa công phu đang nằm phủ phục chờ cô dâu chú rể bước xuống. Nam Tào, Bắc Đẩu tóc bạc như mây đến dự tiệc vui, cảnh tượng tưng bừng náo nhiệt và vô cùng sống động. Tất cả những hình ảnh ấy như vừa được hóa đá nơi này.

Thế giới cổ tích
Bức tranh thiên nhiên sinh động ở động Thiên cung

Trên vách động phía đông là một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó chạm nổi những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, nét chạm khắc mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo tới từng chi tiết nhỏ, những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay nhỏ bé đều được bàn tay của tạo hóa trau truốt tỉ mỉ. Trung tâm động là 4 cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được chạm nổi nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành...

Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng đám cưới. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rũ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá thiên nhiên lộng lẫy. Đâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Đó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá. Đứng giữa vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc ta ngỡ như đứng trong tiên cảnh bồng lai vậy.


Động Thiên Cung

Tới ngăn động cuối cùng, những luồng ánh sáng trắng xanh đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một vòi nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách, nơi đây có 3 chiếc ao, nước trong vắt. Đây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ khôn lớn trưởng thành. Một con đường dẫn ra phía ngoài quanh co uốn khúc, đó chính là con đường mà nàng Mây cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn ở lại cùng với cha xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại là bầu vú tiên tràn trề sức sống.


Nguồn: Báo Vietnam Net
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn


Quay về Quảng Ninh

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.1 khách.

cron