Các bài viết về HOA ANH ĐÀO

Các bài viết về HOA ANH ĐÀO

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 26 Tháng 7 2011

Sự tích hoa anh đào

Từ giũa tuần trước Hoa anh đào bắt đầu nở hầu như khắp nươc Nhật . Thời tiết ở Nhật vẫn lạnh , nhiệt độ hàng ngày khoảng từ 2 đến 16 độ C , nhưng với ngưới Nhật thì mùa Xuân đã đến , khá ấm áp . Đúng vào dịp nghỉ Xuân và chuẩn bị cho năm học mới nên có rất nhiều người ra công viên với bạn bè và gia đinh ngắm Hoa . Một năm chỉ có một lần nên ai cũng hóa hức ,không bỏ lỡ cơ hội . Đâu đâu cũng thấy Sakura , những nơi Hoa nở đệp nổi tiếng như công viên UENO - TOKYO hay xung quanh OSAKA JYO- OSAKA. Người Nhật gọi lễ hội này là HANAMI ( 花見 )

Ngày xưa ở xứ Phù tang chưa có hoa anh đào như bây giờ. Tại một ngôi làng xinh xinh ven núi Phú Sĩ ,có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dũng cảm khác thường. Năm chàng mới tròn một tuổi ,có một đạo sĩ phiêu bạt ghé qua nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người cha thanh sắt đen bóng rồi lặng lẽ ra đi.

Lúc đấy đang mùa đông tuyết rơi tầm tã vị đạo sĩ đi khuất trong mưa tuyết rồi mà người cha vẫn thẫn thờ nhìn trông theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như thì thầm :”Hãy cất kỹ và giao thanh sắt này lại cho con trai chúng ta khi nó tròn 14 tuổi. Số phận đã an bài nó sẽ trở thành một kiếm sĩ lừng danh”.

Cha cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Thanh sắt đen bóng được giao lại cho chàng trai năm cậu tròn 14 tuổi. Cậu rùng mình vuốt ve kỹ vật huyền bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ, một khát khao khó hiểu tràn ngập vào cơ thể tươi non dũng mãnh của cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã run rẫy thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào: “Ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này”.

Chàng trai đến rạp đầu xin thụ giáo một võ sĩ đạo lừng danh. Vị samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp thuận. Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến với người kiếm sĩ. Tay kiếm của chàng khiến những samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt? Chàng đã tự mình rèn nó thành thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực. Nhưng chưa được. Một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày khai trận. Biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen? Lúc này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi. Cô gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm xưa là người thân yêu còn lại duy nhất của chàng. Mỗi ngày khi nắng đã tàn lụi trên núi Phú sĩ , đêm đã tràn ngập trên xóm núi , cô gái lại buồn bã nhìn chàng ngồi bất động ,trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa, mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước mơ ngày nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo kiếm vô địch thiên hạ

-Anh thân yêu! Có phải chăng đối với anh thanh kiếm này là tất cả ? Nếu nó không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng thì anh sẽ mãi mãi buồn đau?

Nhìn vào bếp lửa ,chàng trai vuốt ve thanh kiếm trong lòng và nói chậm rãi rất quả quyết
- Chỉ buốn đau thôi ư? Không đâu! Đối với anh,thanh kiếm là sự nghiệp, là cuộc sống, là tất cả…..làm sao anh có thể coi mình là một võ sĩ đạo chân chính khi thanh kiếm của anh chưa từng no say trong máu? Trời ơi! Anh chết mất! Sao thời buổi này yên bình đến thế ? Sao không có kẻ cướp nào thúc giục anh xuống kiếm.không có kẻ cuồng ngông nào thách đấu với anh?

Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định quyết tâm của mình thôi
- Anh thân yêu! Cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút thôi.

Cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh cô gái nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm rồi đột ngột đâm thẳng vào tim. Máu trào ra ướt đẫm tấm thân mảnh dẻ của nàng, nhuộm hồng chiếc áo kimono trắng nõn, trinh bạch. Chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng ,thanh kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang loé lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được no mình trong máu!

Nhưng từ đó ,chàng trai hoàn toàn cô độc. Không samurai nào thèm kết bạn với anh. Họ nhìn sang chỗ khác khi đối mặt trên con đường hẹp. Họ rời khỏi quán trà khi anh bước vào. Họ từ chối khi anh thách đấu …. Cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông, khi những bông tuyết đầu mùa vừa rơi, chàng trai ôm thanh kiếm đến bên mộ cô gái. Chàng thì thầm :”Tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…”Chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng rạch một đường mạnh mẽ và rút kiếm ra phủ gục bên cạnh mộ. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào mộ đất….tuyết không ngừng rơi….đến sáng. Tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Chỉ còn lại một cây hoa lạ, mơn mởn vươn lên tươi cười, hồng thắm. Không ai biết hoa hoá thân từ thanh kiếm ấy. Người ta dặt tên hoa là Anh đào. Hoa anh đào có nhiều loại mọc được ở nhiều nơi. Nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa đươc ươm mầm và trổ bông ở vùng núi Phú sĩ.

HONG NHUNG C&T sưu tầm
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Sự tích hoa anh đào

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 26 Tháng 7 2011

Cái đẹp tuyệt mỹ và sự sống mong manh của hoa anh đào

Hoa anh đào sắp nở rộ ở Nhật Bản. Hoa là hình ảnh gây cảm xúc đặc biệt thấm thía với người Nhật. Dù nở lúc thái bình, hoa cũng mang đến nét buồn phảng phất giữa không khí hội hè, bởi nó rụng đúng độ nhan sắc tuyệt mỹ.

Hoa anh đào là hiện thân của một ý niệm có vai trò trung tâm trong văn hóa Nhật - hakanasa - một từ rất khó dịch, nó chuyển tải một cảm giác mong manh, thậm chí là phù du, của cuộc đời.

Với Nhật Bản, sự mong manh ấy cũng là một nguồn sức mạnh.

Trong lúc cả nước Nhật đang đau buồn vì thảm họa, hoa anh đào nở rộ sẽ mang đến cho mỗi căn nhà một cảm giác rõ ràng về hakanasa, ẩn chứa trong một thứ sức mạnh kỳ lạ - sức mạnh không ập thẳng vào mà chìm đắm trong tâm hồn người ta. Nó như sức nóng của suối khoáng hay lửa đốt trong lòng của rượu sake, mang đến cả nỗi đau buồn và niềm khuây khỏa, ngang bằng nhau. Sự mong manh của đất nước Nhật Bản với trình độ công nghệ cực cao, bị phơi ra trước sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên trong trận động đất, sóng thần khiến hơn 27.000 người chết và mất tích, nửa triệu người mất nhà cửa, và cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Hiroyuki Yoneta, một người bán hàng ở chợ cá Tsukiji của Tokyo, nói về sự mong manh của cuộc sống khi nghỉ tay giữa những lúc xếp cua vào rổ. Ông làm việc này nhiều giờ trước lúc mở cửa hàng vào 4 giờ sáng.

"Nghĩ đến việc bao người đang sống bình thường thế rồi bỗng biến mất, ta không thể không tránh khỏi cảm giác rằng, con người, cũng như những bông hoa, là thứ phù du", Yoneta nói.

Hình ảnh
Hoa anh đào bên sông ở cố đô Kyoto của Nhật, năm ngoái.



Nhưng chúng ta hãy để ý đến nghịch lý này ở Nhật: những cánh hoa anh đào mong manh duyên dáng lại là biểu tượng của samurai, là hình ảnh cô động nhất về lòng dũng cảm của người Nhật.

Các võ sĩ Nhật cũng được ví như hoa bởi họ không bám chặt lấy cuộc sống, họ xuất hiện như hào quang hư ảo, chết ở đỉnh điểm của sự huy hoàng. Theo cách nhìn nhận này, họ là hiện thân của võ sĩ đạo (bushido) - sự kết hợp các phẩm chất của võ sĩ, gồm tinh thần khắc kỷ, lòng dũng cảm và đức hy sinh.

Ngày nay người Nhật không nhắc nhiều đến bushido nữa, họ nói đến khái niệm đời thường hơn, nghĩa là cắn răng vào mà sống với đời. Khi người ta nói đến những người Nhật làm công ăn lương là nói đến các samurai của thời hiện đại. Tuy từ ngữ có thể không tương thích lắm, nhưng những nhân viên mặc vest ngày này phải chịu đựng những áp lực công việc đơn điệu buồn tẻ, phải trung thành với lợi ích chung, được coi như những võ sĩ thời hiện đại. Người ta gọi tinh thần của họ bằng cái tên gaman.

Giữa cảnh chết chóc hoang tàn, mọi người ở Nhật đều nghĩ đến việc phải tiếp tục sống, theo cách rất trật tự và hợp tác. Nhiều người đã trở lại chỗ ngôi nhà tan hoang của mình, và với một cái đầu tỉnh táo, nghĩ cách bắt đầu lại cuộc sống như thế nào sau thảm họa lớn nhất kể từ thế chiến II.

Và hình ảnh những samurai hiện đại là đây: cả một gia đình đã mất nhà cửa ngồi quanh đống lửa trong khi đêm xuống, tuyết rơi, những gương mặt khắc khổ của họ sáng lên nhờ ánh lửa màu cam. Một cụ già dắt chiếc xe đạp lội giữa biển bùn ngập mắt cá chân, nhặt những tấm ảnh chụp đám cưới của cậu con trai cho vào trong giỏ. Những người lái xe kiên nhẫn xếp hàng chờ hàng giờ để mua xăng ở những vùng bị ảnh hưởng bởi động đất.

Và đây, câu chuyện về đức hy sinh.

Kennichi Takeuchi, 81 tuổi, vợ Yukiko, 78 tuổi, vẫn sống ở trong chiếc Mitsubishi nhỏ màu đen hai tuần kể từ sau động đất, giữa cảnh tuyết rơi và những cơn gió cắt da - cho dù họ ở ngay bên ngoài một trung tâm lánh nạn đông người.

Bà Yukiko đau chân và không thể ngủ trên nền cứng của trung tâm lánh nạn. Ông Kennichi, đã sống 56 năm qua với vợ, đã không đi tìm sự dễ chịu cho riêng mình ở bên trong trung tâm.

"Chúng tôi ở đây trong chiếc xe này", Yukiko nói, bế con chó Meg trong lòng. "Cũng không quá tệ".

Các ý niệm như hakanasa hay gaman có lẽ có gốc rễ từ sự nhận thức sâu xa của người Nhật về sự bất lực của nhân loại trước sức mạnh vô địch của thiên nhiên. Có lẽ người Nhật đã quên mất bài học về sức mạnh thiên nhiên khi quyết định đặt các lò phản ứng hạt nhân ở gần bờ biển và trên đường đứt gãy của vỏ trái đất, lấy đất Vịnh Tokyo để mở rộng sân bay, và xây ngày càng nhiều những tòa nhà cao chọc trời.

Tuy thế, mối tương giao với thiên nhiên - một nghịch lý, một sự tương phản - vẫn tiếp tục ăn sâu trong tâm khảm Nhật.

Chẳng hạn, người Nhật không xa lạ với các thảm họa thiên nhiên: những cơn địa chấn giết người, những trận sóng thần thảm khốc từng tấn công nước Nhật trong quá khứ. Hết lần này qua lần khác, nước Nhật tiếp tục đứng dậy.

Bất kỳ ai đến thăm cố đô Kyodo của Nhật cũng dễ dàng nhận thấy rằng đất nước này trong hầu như suốt chiều dài lịch sử của mình có một văn hóa xây nhà bằng gỗ, chứ không dùng gạch và vữa. Truyền thống này đưa Nhật đến gần với thiên nhiên hơn - và bởi các ngôi nhà bằng gỗ dễ bị hủy hoại hơn, cho thấy người Nhật đã nhận thức chính xác sức mạnh của thiên nhiên.

"Tính mong manh của đời người và của các tòa nhà hiện diện trong sự bất định của vòng xoáy bi ai khôn cùng", tiểu thuyết gia Keiichiro Hirano từng viết trong một tiểu luận mang tên "On Mutability" (Bất định)

Mùa anh đào năm nay, nỗi bi ai sẽ xâm chiếm tâm hồn người ta khi chiêm ngưỡng hoa và nghĩ đến hàng chục nghìn người sẽ không bao giờ còn được thấy một mùa hoa anh đào nào nữa.

Mà hoa anh đào năm nay cũng có thể mang đến niềm an ủi, rằng giữa cảnh thảm khốc hoang tàn, vẫn hiện lên những vẻ đẹp: cái ôm chặt của những người thân đoàn tụ; nụ cười của một nhân viên cứu hộ khi trao chăn ấm cho người lánh nạn. Và chẳng mấy nữa - kể cả ngay giữa đống đổ nát - những đám mây hoa sẽ trôi tới nơi những ngôi nhà từng đứng đó, nơi từng vang lên những tiếng cười.

Ông Haruhiko Fukuda, một người mập mạp có cái đầu nhẵn bóng và đôi mắt hiền lành, chủ cửa hàng bánh bao có từ hàng trăm nay nay ở chợ cá Tsukiji, Tokyo, vẫn còn nhiều hy vọng.

"Sau mùa đông ... anh sẽ thấy hoa anh đào nở và con tim vui trở lại", Fukuda nói. "Tôi hy vọng điều đó giúp chúng tôi trong quá trình tái thiết. Từng bước từng bước, hàn gắn những gì đã vỡ là cả một việc lớn, và ở bước đầu tiên, chúng tôi cần có gì đó để động viên mình".

Vài ngày nữa thôi, hoa anh đào sẽ nở rộ ở miền nam Nhật Bản, rồi sau đó lên Tokyo, lên những tỉnh bị tàn phá. Tháng tư là mùa hoa rộ nhất, nói như nhà thơ T.S. Eliot, là mùa "hoa nở dã man nhất". Đó là thời gian một con sóng gồm những bông hoa nhỏ màu trắng hồng lên đến cao trào, trùm lên khắp nước Nhật, lên những con người vừa trải qua những cơn sốc vì địa chấn và vì đau thương.

Câu chuyện này được viết khi những ngày đánh dấu mùa anh đào nở và ngày tảo mộ đang đến, là ngày để tưởng nhớ đến hàng nghìn người Nhật ở miền đông bắc đã ra đi nhưng không bao giờ có được tấm bia mộ để làm dấu cho thân nhân đến cầu nguyện.

Mùa xuân ở khắp muôn nơi đều là sự hứa hẹn những gì mới mẻ, nhưng ở Nhật mùa xuân này cũng nhắc nhở mọi người nhớ đến bản chất phù du của cuộc đời. Sự chấp nhận nghịch lý này có thể là nguồn gốc ẩn đằng sau sức mạnh nội tâm của người Nhật - một tinh thần khắc kỷ được đánh thức mỗi khi đất nước đối mặt với thảm kịch.

HONG NHUNG C&T sưu tầm
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Sự tích hoa anh đào

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 04 Tháng 8 2011

Sakura- Niềm Tự Hào Của Người Nhật

Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có hoa anh đào, đặc biệt ở trong các công viên, ven sông, dọc theo bờ kênh, trong sân các ngôi biệt thự.Trong mùa hoa anh đào nở, nước Nhật như được bao phủ trong một đám mây hoa và những cánh hoa rơi rụng lả tả trong gió như một trận mưa hoa vừa kiêu hãnh vừa bi tráng, người Nhật thường tổ chức lễ hội mừng hoa khắp nước. Thanh niên nam nữ tổ chức cắm trại vui chơi. Các cụ già ngồi uống rượu sake dưới gốc cây. Trong khi uống sake, nếu có một cánh hoa rơi rụng vào chén rượu thì mọi người thường hân hoan cho đó là điều may mắn. Các đời thủ tướng Nhật thường tổ chức chiêu đãi các đoàn khách ngoại giao đến vườn thượng uyển Shinjuku Gyoen uống rượu ngắm hoa.

Hình ảnh

Có truyền thuyết cho rằng "sakura" là cách gọi lái từ "sakuya", trích từ tên của nữ thần Konohana-Sakuya-hime - một vị thần được nhắc đến trong cuốn lịch sử “Cổ sự ký” (Kojiki) của Nhật. Theo truyền thuyết, nữ thần này chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ nên được coi là nữ thần Sakura. Nữ thần có sắc đẹp tuyệt vời và loài hoa sakura khi nở cũng mang vẻ đẹp tựa như sắc đẹp của bà. Có lẽ vì thế người ta cho rằng tên Sakura bắt nguồn từ đó.
Ở Nhật Bản, hoa anh đào thường nở vào mùa xuân, bắt đầu từ Okinawa vào cuối tháng 1 cho đến Hokkaido vào đầu tháng 5 tuỳ từng nơi mà hoa có thể nở sớm hơn hay muộn hơn. Phía nam Okinawa thời tiết ấm áp nên hoa anh đào ở đây nở sớm nhất, tiếp theo là ở vùng Kyush, Kantou, Shikoku, còn ở Hokkaido thì phải đến đầu tháng 5, hoa anh đào mới nở. Do vậy người yêu thích hoa anh đào có thể ngắm hoa theo hành trình đi từ Nam lên Bắc trong nước Nhật hàng tháng trời. Lễ hội hoa anh đào Nhật bản thường được tổ chức cuối tháng 4 và đầu tháng 5 hàng năm.
Hoa anh đào có 3 màu là màu trắng, hồng và đỏ. Thời gian tồn tại của một bông hoa anh đào kéo dài từ 7 đến 15 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Tùy theo từng chủng loại hoa và điều kiện môi trường thời tiết mà tuổi thọ của hoa anh đào khác nhau. Loài hoa Someiyoshino có tuổi thọ 7 ngày kể từ ngày mankai (mãn khai, nở rộ) trong khi loài hoa Kanzakura nở và tàn lâu hơn chừng 10 đến 12 ngày kể từ ngày mankai. Hoa anh đào có rất nhiều loại, từ loại hoa mọc dại trên núi cho đến những loại được lai tạo kỳ công để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của con người.

Một số loài hoa tiêu biểu như hoa anh đào Yamazakura. Loài hoa này thường mọc ở phía Nam của núi Honshu. Nó còn có một tên gọi khác là Bạch Sơn Sakura. Khi hoa nở thì thường có màu trắng hoặc màu hồng nhạt và mùi hương khá đậm. Đặc điểm của loại hoa này là khi hoa nở cũng là lúc lá đâm chồi nảy lộc.

Hình ảnh

Loài hoa Oyamazakura thường mọc ở phía Bắc của Honshū và vùng núi Hokkaido, nó còn có tên gọi khác là Hồng Sơn Sakura (Beniyama Zakura). Loại hoa này có màu hồng đậm hơn, lá và hoa cũng to hơn so với Yamazakura. Oshimazakura có nhiều ở bán đảo Izu. Khi lá đâm chồi nảy lộc cũng là lúc hoa bắt đầu nở và cho mùi hương quyến rũ là đặc trưng của loại hoa này. Khi hết mùa hoa anh đào, người ta thường ngắt lá của loài hoa này ướp một chút muối và dùng để làm vỏ cuốn bên ngoài cơm nắm onigiri hoặc cuốn ngoài một loại bánh dày truyền thống của Nhật. Vì thế loại hoa này mới có tên gọi sakura mochi.

Hình ảnh

Loài Edohigan thì mọc ở vùng núi Honshū, Shikoku và Kyushu. Đặc trưng của loại hoa này là trước khi lá đâm chồi nảy lộc thì những cánh hoa đã vươn mình khoe sắc, chuyển dần từ gam màu trắng sang màu hồng nhạt. Thi thoảng chúng ta bắt gặp đâu đó bên những mặt hồ hay bờ sông có loài hoa rủ xuống yểu điệu, thì đó chính là một trong số những loài hoa này.

Loài hoa Kasumizakura lại mọc rải rác ở các vùng núi từ Hokkaido đến Kyushū. Đặc trưng của loài này là có một lớp lông non bao phủ trên cánh hoa và lá, có lẽ vì thế mà nó có một cái tên khác là Mao Sơn (Keyamazakura). Loại hoa này khi nở cũng chuyển dần từ sắc trắng sang sắc hồng.

Hình ảnh

Loài Someiyoshino là loài hoa pha trộn đặc tính giữa hai loài Oshimazakura và Edohigan. Trên lá non và cánh hoa có lớp lông non bao phủ và khi hoa tàn thì mới là lúc lá đâm chồi nảy lộc. Hoa nở có màu hồng nhạt. Trong số các loài anh đào thì loại Someiyoshino được trồng nhiều nhất vì loại này hoa lại nở trước rồi mới mọc lá. Cánh hoa cũng to hơn so với các loại khác và nhìn có vẻ đẹp quý phái hơn. Hơn nữa loại hoa này sinh trưởng nhanh, chỉ khoảng 10 năm đã trở thành một cây lớn và cho hoa nở nhanh hơn loại khác.

Vào mùa xuân, Nhật Bản khắp nơi chìm ngập trong sắc hoa anh đào.Dưới màu hoa đào đỏ thắm, thơm ngát, tâm hồn sex trở nên thật nhẹ nhàng, thanh khiết. Trong mùa hoa nở, công viên Ueno rộng 620.000 km2 hàng ngày đón tiếp khoảng một triệu người dạo chơi. Dưới tán hoa anh nở rộ, họ tụ tập thành từng nhóm, là gia đình, bạn bè quây quần sum họp. Trong mùa hoa anh đào nở, nước Nhật như được bao phủ trong một đám mây hoa và những cánh hoa rơi rụng lả tả trong gió như một trận mưa hoa vừa kiêu hãnh vừa bi tráng.

Hình ảnh

HONG NHUNG C&T Sưu tầm, theo nhatban.edu
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Sự tích hoa anh đào

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 04 Tháng 8 2011

Những cây anh đào nổi tiếng nhất Nhật Bản

Những ngày gần đây có rất nhiều độc giả “phàn nàn” [just kidding :D] rằng Ichi Văn Hóa đang làm các bạn “hoa mắt vì hoa Anh Đào Nhật Bản…Và để chứng minh rằng…các bạn đúng, Ichi sẽ tiếp tục gửi tới bạn những địa điểm và lễ hội ngắm hoa độc đáo của người Nhật trong suốt tháng Ba và tháng Tư này. Các bạn hãy “chuẩn bị tinh thần” để hoa mắt cùng Ichi nữa nha!!!

Hình ảnh

Hình ảnh

Ai cũng biết hoa Anh Đào Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới, chẳng thế mà chúng ta thường gọi đây là “quốc đảo Anh Đào” có đúng không nào?! Thế nhưng có bạn nào biết ở Nhật Bản, có những cây Anh Đào nảo nổi tiếng nhất không nhỉ? Thôi thôi để cho bạn Ichi được giới thiệu luôn nha vì Ichi cũng đang xôn xao vì những cây Anh Đào đặc sắc này lắm rồi >_<

Hình ảnh

Với người Nhật Bản thì 3 cây Anh Đào đại cổ thụ, được xếp vào cùng nhóm Anh Đào đại thụ có tên gọi “Tam Đại Danh Mục“ là những cây Anh đào mà mỗi người dân Nhật Bản đều mong muốn được ngắm nhìn một lần trong đời. 3 cây Anh Đào này có tuổi đời…thấp nhất là 1000 tuổi tới xấp xỉ 2000 tuổi, thời gian nở hoa của chúng thường bắt đầu từ đầu tháng Tư và sẽ nở rộ cho tới cuối tháng này. Vì thế nếu tới thăm Nhật Bản vào những ngày tháng Tư, xin đừng bỏ lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng một trong 3 cây Anh Đào đại thụ này các bạn nhé!

Hình ảnh

Hình ảnh

Jindaizakura gồm có 3 cành lớn, ngắn nhất là 5,3m và dài nhất là 6,6m vươn dài và ngả xuống chạm mặt đất. Cây cao 24m trong khi rễ đâm sâu tới 13,5m và được các nhà khoa học xác định rằng tuổi thọ của Jindaizakura là khoảng 1.900 tuổi. Ngay cạnh đó là ngôi đền mang tên Sazakura, nơi mà nhiều năm qua mang trách nhiệm chăm sóc cho cây Anh Đào hơn ngàn năm tuổi này.

Hình ảnh
Sách du lịch về Jindaizakura


Hình ảnh
Jindaizakura mùa tuyết ^_^


Hình ảnh
Jindaizakura cuối tháng 3 ^^

Hoa Anh Đào của Jindaizakura thuộc giống Edohigan, là giống Anh Đào nở khi tháng Tư đến. Hoa có màu hồng nhạt, gần như tuyết trắng khi bung nở cả cây. Edohigan cũng là giống Anh Đào được xếp vào những loài cây có tuổi thọ lâu đời. Có lẽ vì thế mà người Nhật mới có được cây Anh Đào đại thụ Jindaizakura với tuổi thọ gần 2000 năm này >_<

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Jindaizakura nằm ở thành phố Hokuto, thuộc tỉnh Yamanashi, đây là vùng du lịch nổi tiếng của Nhật Bản với vị trí của ngọn núi Phú Sĩ tuyết phủ quanh năm (núi Phú Sĩ trải dài qua 2 tỉnh của quần đảo Honshu ở Nhật). Đây cũng là cây Anh Đào đại thụ đầu tiên được xây dựng một công trình kỷ niệm bao quanh đầu tiên của nước Nhật.

Có một truyền thuyết gắn liền với cây Anh Đào gần 2000 tuổi này là: người Nhật kể cho nhau nghe rằng Jindaizakura được trồng bởi một vị anh hùng của nước Nhật tên là Yamato Takeru từ thế kỷ thứ 2. Trải qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử nhưng Jindaizakura vẫn nở rộ mỗi khi mùa xuân về. Với người Nhật Bản, Jindaizakura còn được xem là cây Anh Đào “linh thiêng” nữa đó. Những người Nhật ở ngoài tỉnh Yamanashi rất mong muốn có thể thu xếp được thời gian để tới thăm cây Anh Đào này và cầu ước vì họ tin rằng dưới gốc của Anh Đào 2000 tuổi này không có điều gì là không thể đạt thành được. Họ còn duy tâm và tin vào thần thánh hơn cả người Việt chúng ta ấy nhỉ?

Hình ảnh
Khu vực xung quanh cây Anh Đào đại thụ

Hình ảnh

Hình ảnh

Hãy thưởng ngoạn vẻ đẹp của cây Anh Đào đại thụ này và tiếp tục chờ đón những cây Anh Đào cổ thụ nổi tiếng của Nhật Bản mà Ichi sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn. Xin chào và hẹn gặp lại ^_^
Hà Linh, theo ohavi
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Các bài viết về HOA ANH ĐÀO

Gửi bàigửi bởi admin » 11 Tháng 4 2012

Hoa anh đào và triết lý sống của người Nhật Bản

(baotintuc-22:00:00 Thứ Tư, 04/04/2012)Chúng tôi có mặt tại Nhật Bản vào những ngày cuối của tháng Ba nhưng hoa anh đào lại chưa nở. Có lẽ vì mùa đông năm nay dài bất thường. Những đồng nghiệp Nhật Bản cho chúng tôi hay hoa anh đào - hay sakura theo cách gọi của người Nhật - năm nay nở muộn nhất trong vòng 20 năm qua. Thật tiếc vì đặt chân đến Kyoto cổ kính nổi tiếng với những ngôi đền, mái chùa ẩn hiện dưới những tán hoa anh đào mà lại không được tận hưởng vẻ đẹp kiêu sa, mong manh của sakura, một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản. Nhưng bù lại, chúng tôi lại được các bạn đồng nghiệp ở Hãng thông tấn Kyodo giới thiệu một cách kỹ lưỡng, sinh động về sự cao quý của loài hoa này.

Hình ảnh
Hạ nghị sỹ Yoshito Sengoku (giữa) chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu TTXVN.

Mỗi năm, hoa anh đào chỉ nở một lần vào khoảng từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư. Có tới hơn 300 loại hoa anh đào ở Nhật Bản. Chị Mika, một nhà báo của Kyodo, người từng có thời gian làm phóng viên thường trú của Hãng thông tấn Kyodo tại Hà Nội, cho chúng tôi biết khi sakura nở rộ cũng là lúc xuân sang. Sau những ngày mùa đông ảm đạm, các đường phố của nước Nhật bỗng sáng bừng với sắc hồng, trắng hay phớt tím của sakura. Người dân Nhật có khoảng hai tuần để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa anh đào. Sakura có vẻ đẹp mong manh, tinh khiết và khi nở, tất cả các nụ hoa cùng nhau khoe sắc. Một điều kỳ lạ là khi hoa anh đào đẹp nhất cũng là lúc nó sẽ chấm dứt cuộc sống ngắn ngủi của mình.

Hình ảnh
Một mùa hoa anh đào rực sắc ở Nhật Bản. Ảnh: Internet

Tại sao người Nhật Bản lại mê sakura đến vậy, tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp Yoshida của Kyodo. Anh cho biết bởi hoa anh đào thể hiện tinh thần của người Nhật: Sống kỷ luật, không ồn ào, luôn đốt cháy hết năng lượng trong mình để mang lại những điều hữu ích cho cuộc sống. Yoshida cho rằng triết lý này của người Nhật không chỉ thể hiện trong cuộc sống hàng ngày mà cả trong các mối quan hệ hợp tác. Anh nói thêm khi hợp tác, Nhật Bản luôn muốn một sự kết hợp bền vững chứ không phải một cái bắt tay chóng vánh.

Bản thân tôi cũng cảm nhận được triết lý sống này của người Nhật trong cuộc tiếp xúc với Hạ nghị sỹ Yoshito Sengoku khi ông tiếp Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trong một buổi chiều đầu xuân tại Tokyo. Ông Sengoku nguyên là Chánh văn phòng Nội các và cũng là người rất có thiện cảm với Việt Nam. Chúng tôi đã đề nghị ông cho biết nhận định của ông về nền kinh tế của Việt Nam. Ông cho rằng kinh tế Việt Nam phát triển tương đối nóng trong thời gian qua. Điều này cũng dễ hiểu, ông lý giải, một phần là do Việt Nam phải làm quá nhiều việc trong cùng một thời gian.

Việt Nam vừa phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, tái thiết đất nước, vừa phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để không bị lạc hậu so với thời cuộc. Nhật Bản có 70 năm để làm công việc này còn Việt Nam phải làm tất cả các công việc này trong gần 40 năm qua. Ông gợi ý, thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng cơ chế tốt hơn, hoàn thiện hệ thống pháp lý và giữ vững giá trị của đồng tiền. Làm tốt những việc này sẽ khuyến khích người dân bỏ tiền để đầu tư chứ không phải để đầu cơ như thời gian qua và như vậy Việt Nam sẽ tránh được các bong bóng kinh tế.

Ông cũng cho rằng để có thể tiếp tục thành công, Việt Nam không nên triển khai các công việc một cách gấp gáp, đặc biệt trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng. Khi xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, Việt Nam cần tiến hành đồng bộ với việc triển khai các công trình ngầm như hệ thống cáp quang hay thoát nước. Hạ nghị sỹ Sengoku đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững theo mô hình kim tự tháp. Theo đó, chân đế kim tự tháp là những lao động đơn giản có thể làm nhiều công việc và lao động có tay nghề cao. Tiếp theo là những kỹ sư, những người quản lý, những nhà nghiên cứu giỏi có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ hiện đại, số này không cần đông nhưng phải đặc biệt tinh thông. Chóp kim tự tháp là những chiến lược gia và lãnh đạo ưu tú.

Nguồn nhân lực của Việt Nam có lẽ là một yếu tố khá hấp dẫn đối với Nhật Bản. Trong buổi tiếp Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tại Tokyo hôm 26/3, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukino Edano cho rằng cơ cấu dân số trẻ, bản tính siêng năng, tài nguyên phong phú của Việt Nam và mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam và Nhật Bản cùng phát triển bền vững trong thời gian tới. Ông tin tưởng rằng sự kết hợp giữa công nghệ tiến tiến của Nhật Bản và nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam sẽ mang lại sự thịnh vượng cho cả hai nước trong tương lai, góp phần đưa châu Á trở thành trung tâm kinh tế mạnh của thế giới trong thế kỷ 21.

Triết lý phát triển bền vững của Nhật Bản không chỉ thấy ở những con người thuộc thượng tầng kiến trúc mà còn được thể hiện ở cách kinh doanh của các thương gia Nhật Bản, những người theo lẽ thường tình luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Đó là câu chuyện về cách hoạt động của nhà hàng Kikunoi ở cố đô Kyoto, nơi chúng tôi có may mắn được thưởng thức một bữa trưa theo phong cách truyền thống Nhật Bản. Theo lời một người phục vụ, người chủ nhà hàng hiện nay, thuộc thế hệ thứ ba của gia đình Kikunoi.

Để có thể dùng bữa tại nhà hàng này, các bạn đồng nghiệp Nhật Bản của chúng tôi đã phải đặt chỗ từ hơn một tháng trước đó. Không chỉ có vấn đề thời gian mà nhà hàng này luôn kén khách hàng cũng như chọn thực đơn cho khách. Ngoài ra, nếu khách hàng đến dùng bữa trưa sẽ phải lưu lại hai tiếng còn bữa tối là ba tiếng để lần lượt thưởng thức các món ăn được phục vụ theo đúng phong cách truyền thống của Nhật Bản. Chúng tôi được giải thích rằng nhà hàng chỉ chọn những khách hàng mà theo họ có thể cảm nhận sự tinh tế của văn hóa Nhật Bản cũng như giúp nhà hàng mang tới cho các khách hàng khác một không gian ẩm thực Nhật Bản truyền thống và rằng lợi nhuận luôn đứng sau sứ mệnh gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Những người bạn Nhật cho chúng tôi hay, với triết lý này chủ nhà Kikunoi đã chứng minh được mình đúng là vì sau hơn một trăm năm tồn tại và phát triển, Kikunoi đã trở nên nổi tiếng với nhiều giải thưởng quốc tế của Gourmand (2006), Tổ chức James Beard (2007)...

Sau gần hai tiếng thưởng thức bữa trưa tại nhà hàng, chúng tôi không những được ngon miệng mà còn mãn nhãn với sự bày biện đẹp mắt, tinh tế nhưng không quá cầu kỳ của các món ăn. Thái độ ân cần, tôn trọng khách hàng của chủ nhà hàng và những người phục vụ đã mang tới cho chúng tôi những cảm nhận khó quên về nét tinh tế của văn hóa Nhật Bản trên đất cố đô.

Viết tới dòng kết của bài viết tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt đến Chủ tịch Satoshi Ishikawa và các đồng nghiệp của Hãng thông tấn Kyodo News, những người trong nhiều năm qua đã cùng các đồng nghiệp TTXVN chúng tôi xây nhịp cầu hữu nghị Việt - Nhật bằng thông tin, đóng góp vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Rời Nhật Bản lần này có lẽ điều tiếc nuối duy nhất của chúng tôi là sakura vẫn chưa nở trên xứ sở của loài hoa quý phái này. Nhưng bù lại, chúng tôi đã hiểu được phần nào văn hóa, triết lý sống của dân tộc Nhật Bản và nguồn cội tình yêu của người Nhật dành cho hoa anh đào.

Việt Trang
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội


Quay về Văn hóa Nhật Bản

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.2 khách.

cron