SINH HOẠT HÀNG NGÀY VÀ TẬP QUÁN

SINH HOẠT HÀNG NGÀY VÀ TẬP QUÁN

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 05 Tháng 7 2011

+ Các câu hỏi :

- Trung bình 1 người Nhật gửi bao nhiêu thiếp chúc mừng năm mới?
- Hatsumode có lợi ích gì?
- Những món quà trung nguyên, quà tuế mộ được gửi cho ai, để làm gì?
- Thế nào là cách cúi đầu chào đúng quy cách?
- Có đúng là người Nhật không thích bắt tay không?
- Người Nhật có hôn nhau như là một cách chào hỏi không?
- Người Nhật chơi oản tù tì (Janken) như thế nào?
- Tên của người Nhật có mang ý nghĩa gì không?
- Người Nhật thích những loại hoa và cây nào?
- Những vật nuôi nào được người Nhật yêu thích?
- Tại sao người Nhật tin rắng Tùng, Trúc, Cúc, Mai, Hạc, Quy là những biểu tượng cho hạnh phúc và may mắn?
- Người Nhật thích xem bói theo kiểu nào?
- 12 con giáp ở Nhật là gì?
- Butsumetsu (Phật diệt), Tomobiki (Hữu dẫn) là những ngày gì?
- Người Nhật tin vào những loại ma quỷ nào?


Và đây là các câu trả lời:

- Trung bình 1 người Nhật gửi bao nhiêu thiếp chúc mừng năm mới?

Tổng số bưu thiếp mà bưu điện chuyển phát trong ngày tết năm 2006 là 2 tỷ 52 triệu tấm. Nếu lấy tổng số bưu thiếp chúc mừng năm mới chia cho dân số Nhật (127,7 triệu người) thì trung bình một người Nhật gửi 16,06 tấm.

Nhiều người nước ngoài thường ngạc nhiên tự hỏi tại sao người Nhật lại gửi nhiều bưu thiếp chúc mừng năm mới đến thế? Đối với người Nhật thì ngày đầu năm mới là một ngày có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới. Người Nhật nhân dịp này để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có ơn đối với họ và để hỏi thăm mà lâu ngày họ không có dịp gặp gỡ thăm hỏi. Vì vậy việc này đã trở thành 1 tập quán quan trọng của người Nhật trong việc giữ gìn mối quan hệ giao lưu với nhau.

Tuy nhiên, con số này đã giảm đi rất nhiều trong các năm gần đây, giảm 8% so với năm 2005 và 50% so với năm 1996. Số lượng bưu thiếp giảm nhiều như vậy một phần vì nhiều người Nhật cũng bắt đầu cảm thấy phiền phức với việc gửi bưu thiếp và nhiều người chuyển sang việc gửi email thay cho gửi bưu thiếp.

Nếu như thiếp chúc mừng năm mới được gửi trước ngày 24 tháng 12 thì dù cho người nhận ở đâu trong nước Nhật đi nữa thì họ cũng sẽ nhận được thiếp vào đúng ngày mồng 1 tháng 1.

Một tấm thiệp đơn giản giá 50 yên kể cả tiền gửi, bằng giá với giá tem gửi bưu thiếp thông thường. Những tấm thiệp có in hình thì giá thường từ 60 đến 300 yên.

- Hatsumode có lợi ích gì?

Hatsumode (đi lễ đầu năm) là việc đi thăm các ngôi đền đầu năm, giống như tập tục hái lộc hay đi chùa vào dịp năm mới ở nước ta. Nói một cách chung nhất thì người Nhật đi đến thăm các ngôi đền để cầu mong cho sự bình yên và mạnh khỏe trong năm. Đặc biệt là trong khoảng thời gian 7 ngày đầu năm mới, người Nhật gọi là Matsunouchi, thì họ tin rằng nếu như đi thăm đủ cả 7 ngôi đền lớn thờ 7 vị thần may mắn là Ebisu, Daikouten, Bishamonten, Benzaiten, Hotei, Fukurokuju, Jurojin thì họ sẽ có đủ 7 vận may đó là làm ăn thịnh vượng, tài vận phát đạt, vận may, trí tuệ thông thái, đức hạnh, trường thọ, và sự may mắn Ngoài ra thì một số người còn đi đến các ngôi đền để cầu nguyện cho những mục đích trực tiếp và thiết thực khác như là các thí sinh và gia đình họ cầu mong sao cho thí sinh đó sẽ thi đỗ, hay là những người độc thân thì cầu mong tìm được người bạn đời mong muốn.

- Những món quà trung nguyên, quà tuế mộ được gửi cho ai, để làm gì?

Trong cả 2 dịp trên thì người Nhật đều gửi quà để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có ơn chăm lo cho mình, ví dụ như là thầy cô giáo cũ, các ông bà mối, thủ trưởng cơ quan, những mối làm ăn buôn bán, các thầy cô giáo đang dạy họ, họ hàng thân thuộc hay cha mẹ đang sống ở xa.
Chugen (Trung nguyên), quà tặng mùa hạ, có nghĩa là ngày 15 tháng 7. Vì vậy người Nhật thường gửi quà vào đầu hoặc giữa tháng 7. Seibo (Tuế mô), quà tặng mùa đông, nên được gửi vào khoảng đầu tháng 12 cho đến 20 tháng 12. Để bày tỏ lòng biết ơn đối với ai đó thì thường mỗi năm chỉ cần gửi Seibo là đủ.

Theo v.y.s.a
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: SINH HOẠT HÀNG NGÀY VÀ TẬP QUÁN

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 05 Tháng 7 2011

- Thế nào là cách cúi đầu chào đúng quy cách?

Cách chào cơ bản nhất là 2 người đứng cách nhau một khoảng cách nhất định, cúi thấp đầu xuống bằng cách uốn gập phần trên của cơ thể. Góc độ cúi thấp đầu phụ thuộc vào hoàn cảnh và mối quan hệ trên dưới với người đối diện. Đối với phụ nữ thì nếu tay không cầm gì thì 2 tay chụm vào nhau ở vị trí phía trước cơ thể và cúi đầu chào. Nếu đang ngồi trên ghế thì thường người Nhật đứng dậy và cúi người chào, nếu như nền nhà có trải nệm ngồi thì họ quỳ xuống, 2 bàn tay chạm nhẹ xuống đất và cúi gập người để chào hỏi. Cũng giống như người phương Tây khi bắt tay, người Nhật vừa cúi đầu chào nhau vừa trao đổi những câu chào hỏi xã giao.

- Có đúng là người Nhật không thích bắt tay không?

Tập tục bắt tay được truyền đến Nhật từ phương Tây. Vào thời điểm đó thì việc bắt tay với người nước ngoài là không hề đơn giản chút nào bởi vì họ quen với phong cách trào hỏi có tôn ti trật tự trên dưới tùy vào từng tầng lớp trong xã hội. Thêm vào đó, trong xã hội phong kiến Nhật Bản thì người ta cấm nam nữ ngồi chung bàn hay trao đổi những câu nói thân mật xuồng xã, vì vậy việc bắt tay là khó có thể chấp nhận được. Chính vì vậy mà đương nhiên trong thời kỳ đó việc bắt tay với phụ nữ như là một cách chào hỏi không được chấp nhận. Hiện nay thì những thương nhân Nhật Bản có dịp gặp gỡ thường xuyên với người phương Tây và họ bắt tay chào hỏi một cách rất thân mật. Tuy nhiên trong cuộc sống thường ngày thì người Nhật không hay bắt tay mấy.

- Người Nhật có hôn nhau như là một cách chào hỏi không?

Như ta thường thấy trong các bức tranh khiêu dâm, tiếng Nhật gọi là Shun-ga (Xuân hoạ), thì từ trước tới nay người Nhật coi nụ hôn là sự biểu hiện của ái tình, mà người Nhật gọi là kuchisui, tức là mút môi. Có thể nói nụ hôn, không phân biệt dân tộc, là một cách biểu hiện rất tự nhiên về ái tình của con người. Tuy nhiên, người Nhật thường phản kháng với việc chào hỏi bằng cách hôn lên môi hay má, họ thích cách bắt tay hơn. Lấy ví dụ người Nhật thường ngạc nhiên khi thấy hai người đàn ông Nga chào hỏi nhau bằng cách hôn lên môi. Ngày nay thì thông qua phim ảnh người Nhật cũng đã quen dần với các kiểu hôn khác nhau và họ cũng không phản kháng khi hôn nhẹ lên má như là một kiểu chào hỏi tuy nhiên bạn nên nghĩ rằng không có người Nhật nào chủ động chìa má cho bạn hôn như là một kiểu chào hỏi cả.

- Người Nhật chơi oản tù tì (Janken) như thế nào?

Người Nhật oản tù tì để quyết định thắng thua. Cũng giống như oản tù tì của người Việt Nam ta, người Nhật dùng một tay để chơi oản tù tì. Khi oản tù tì thì họ nói "Jan-ken-pon". Trong oản tù tì của người Nhật thì "Gu" có nghĩa là hòn đá, "Pa" có nghĩa là tờ giấy, "Choki" có nghĩa là cái kéo. Nếu như hòa thì người Nhật sẽ nói "Aiko-de-sho" và tiếp tục oản.

- Tên của người Nhật có mang ý nghĩa gì không?

Cho tới tận thời kỳ Edo (Giang tô: 1600-1868) thì việc mang họ là đặc quyền của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản. Tức là những người dân thường chỉ có tên, ví dụ như là Yakichi hay là Ume mà thôi.
Tuy nhiên, vào năm 1875 thì chính quyền Minh Trị ban hành một đạo luật yêu cầu tất cả mọi người đều phải có họ và tên. Một số mượn họ của những chiến binh hay những quý tộc nổi tiếng, một số khác thì dùng tên của các loài cá bởi vì họ là dân chài. Phần lớn họ của người Nhật có gốc gác từ địa danh nơi họ ở. Cũng có một số họ là tên nghề nghiệp. Ví dụ Suzuki và Ono là họ thường gặp của những người có tổ tiên làm những công việc có liên quan đến đền chùa miếu mạo. Hata và Sou là họ của những người đến từ đại lục châu Á và trở thành người Nhật. 10 họ đông nhất ở Nhật xếp theo thứ tự giảm dần là: Sato, Suzuki, Takahashi, Ito, Watanabe, Saito, Tanaka, Kobayashi, Sasaki, và Yamamoto. Có khoảng 2 triệu người Nhật có họ là Sato và 2 triệu người có họ là Suzuki.

- Người Nhật thích những loại hoa và cây nào?

Nếu tính sơ sơ về tổng số hoa bán sỉ vào năm 1993 thì ta có bảng số liệu như sau: đứng đầu là hoa cúc với số lượng bán ra là khoảng 2 tỉ bông, đứng thứ 2 là hoa cẩm chướng với 590 triệu bông, hoa hồng đứng thứ 3 với tổng số 430 triệu bông, và hoa loa kèn đứng thứ tư với tổng số 200 triệu bông. Một trong những lý do mà số lượng hoa cúc được tiêu thụ nhiều như vậy là do trong các nghi lễ đạo Phật thì người Nhật thường dùng hoa cúc là chính. Còn hoa cẩm chướng được dùng nhiều là bởi vì trong ngày lễ của các bà mẹ (Mother's Day) thì người Nhật thường tặng hoa cẩm chướng. Nhiều người nói rằng hoa hồng và hoa loa kèn được yêu thích bởi hầu hết mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội. Khi nói đến loại hoa mà người Nhật thích ngắm thì ta không thể không nhắc tới hoa Anh đào. Vào mùa xuân, người Nhật thường leo núi hoặc đi đến các công viên để ngắm hoa anh đào nở và làm các bữa tiệc nhẹ dưới gốc hoa anh đào. Khi người Nhật nói là đi ngắm hoa (Hanami) thì dù cho có không đề cập đến loại hoa nòa thì người ta cũng đều ngầm hiểu là đi ngắm hoa anh đào.

- Những vật nuôi nào được người Nhật yêu thích?

Nếu nói đến vật nuôi trong nhà thì chắc chắn chó và mèo được nuôi ở Nhật nhiều nhất. Theo như số liệu thống kê thì ở Nhật số lượng chó và mèo được nuôi mỗi loại lên đến khoảng 4 triệu con.
Đối với người Nhật thì cáo và gấu trúc cũng là những động vật thân thuộc. Có rất nhiều truyền thuyết từ xa xưa kể về chuyện chúng hóa thân và lừa con người.

- Tại sao người Nhật tin rắng Tùng, Trúc, Cúc, Mai, Hạc, Quy là những biểu tượng cho hạnh phúc và may mắn?

Tư tưởng cho rằng Tùng, Trúc, Mai mang đến may mắn và hạnh phúc được bắt nguồn từ Trung Quốc. Bởi vì lá cây tùng, cây trúc không hề thay đổi màu xanh trước cái rét khắc nghiệt của mùa đông, khi mùa xuân đến thì cây mận (mai) luôn ra hoa trước các loài cây khác cho nên người Trung Quốc cho rằng chúng là biểu tượng của sự thanh khiết, liêm chính. Người Nhật tiếp thu tư tưởng này của người Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 8, vào thời Nara. Bởi vì Hạc có dáng vẻ thanh nhã và Quy (rùa) có tuổi thọ lâu cho nên người Nhật dùng chúng là vật để chúc mừng cho hạnh phúc và may mắn. Người Nhật có câu: "Hạc sống nghìn năm, rùa sống vạn năm".

- Người Nhật thích xem bói theo kiểu nào?

Bói truyền thống của Nhật có hai cách chính là xem bói dựa vào lịch và xem bói bằng thẻ bài. Bói bằng lịch là cách bói cát hung trong ngày bằng lịch, bói thẻ là cách bói dựa vào các lời sấm viết trên các thẻ bài để đoán cát hung và tìm hiểu thiên ý, thiên mệnh. Thêm vào đó thì hiện nay người Nhật thích xem bói dựa vào các vì tinh tú và xem bói theo nhóm máu. Đặc biệt là xem bói dựa vào các vì tinh tú rất thịnh hành trong giới phụ nữ Nhật Bản. Gần đây thì kiểu bói dùng Phong Thủy cũng trở nên khá phổ biến. Bói theo nhóm máu là kiểu bói dựa vào giả thiết mỗi người có những đặc điểm tính cách riêng tùy thuộc vào nhóm máu. Loại bói này dựa vào nhóm máu để đoán vận hạn và xem người này có hợp với người kia hay không? Kiểu bói này hình như chỉ phổ biến ở Nhật mà thôi. Thực tế thì nhóm máu được di truyền và về mặt y học thì chưa có bằng chứng nào chỉ ra nhóm máu có ảnh hưởng tới tính cách con người.
Theo V.Y.S.A
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: SINH HOẠT HÀNG NGÀY VÀ TẬP QUÁN

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 05 Tháng 7 2011

- 12 con giáp ở Nhật là gì?

Đó là cách chia thời gian và phương hướng thành 12 phần (12 cung hoàng đạo), hướng khác nhau bằng cách đặt tên theo tên các loài vật. Người Nhật đón nhận tư tưởng này từ tư tưởng xa xưa của người Trung Quốc. Cũng giống như Việt Nam, 12 con giáp ở Nhật là: Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Thỏ), Thìn (Rồng), Tị (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Cừu), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó) và Hợi (Lợn rừng). Người Nhật cũng tin rằng tuổi có ảnh hưởng nhất định tới tính cách và vận hạn của mỗi người. Có một số điều hơi khác với nước ta là con Mão của Nhật là con thỏ trong khi con Mão của ta lại là con mèo, Mùi là tuổi Cừu và Hợi là Lợn rừng.

Ở Nhật có một câu chuyện nói về 12 con giáp có tên là 'Vì sao mèo bắt chuột'. Câu chuyện nói về việc chuột lừa mèo làm cho mèo không đến được thiên đình đúng ngày hẹn của Ngọc hoàng nên không vào được danh sách 12 con giáp. Câu chuyện này đã được các bạn ở trường Ngoại Thương Hà Nội khóa 35 dựng thành kịch và biểu diễn trong dạ hội tiếng Nhật của trường.

- Butsumetsu (Phật diệt), Tomobiki (Hữu dẫn) là những ngày gì?

Đây là một loại bói ngày từ xa xưa của người Trung Quốc và nó được truyền tới Nhật vào thời kỳ Edo (Giang tô: 1600-1868). Theo tư tưởng này thì người ta chia ngày tháng theo chu kỳ 6 ngày là: Sensho (Tiên thắng), Tomobiki (Hữu dẫn), Senbu (Tiên bại), Butsumetsu (Phật diệt), Daian (Đại an), và Sakku (Xích khẩu). Ở Việt Nam có kiểu bói tương tự như thế này, một ngày (12 tiếng) được chia làm 6, có tên gọi lần lượt là: Không vong, Đại an, Liên miên, Tốc hỷ, Xích khẩu, và Tiểu cát. Tùy từng ngày mà người Nhật cho đó là may mắn hay không may mắn, ví dụ như ngày Butsumetsu là ngày xấu nhất, vì vậy mà người Nhật thường tránh không cử hành hôn lễ vào ngày này. So với ngày Đại an, là ngày được coi là tốt, thì số lượng các cuộc kết hôn trong ngày này chỉ bằng khoảng một phần ba. Ngày Tomobiki là ngày không xấu cũng không tốt, theo đúng nghĩa của từ này thì nó có nghĩa là "Kéo theo cả bạn bè người thân theo" (Tomo la` chữ “hữu” trong “bằng hữu”, hiki là chữ “dẫn” nghĩa là lôi, kéo) cho nên vào ngày này người Nhật kiêng không tổ chức tang lễ. Tất nhiên là không hề có chứng cớ khoa học nào chứng minh cho việc này nhưng nó đã ăn sâu vào tư tưởng của người Nhật.

- Người Nhật tin vào những loại ma quỷ nào?

Có rất nhiều loại ma quỷ trong các câu truyện thần thoại huyền bí của Nhật, ở đây chỉ xin nêu ra một vài loại ma quỷ phổ biến: Đầu tiên phải kể đến Kappa, tức là con rái cá, nó cao bằng khoảng một đứa trẻ 4 tuổi, có mai như mai rùa ở lưng, đầu có gắn một cái đĩa có đựng nước bên trong, nó có màng ở tay và chân. Kappa sống sống ở cả trên bờ lẫn dưới nước. Oni, là một loại quỷ, cao khoảng 2.5 mét, cơ thể có màu đỏ, xanh hoặc đen. Nó có 2 sừng mọc ở trên đầu và rất thích ăn thịt người. Tengu là một loại quỷ có cái mũi rất dài và mặt đỏ. Nó thường mặc một bộ quần áo của yamabushi (thầy tu sống ở trên núi) và đi một đôi guốc gỗ rất cao. Tengu thường bắt cóc trẻ em.
Hitotsume-kozo là quỷ một mắt, nó có một con mắt rất to ở giữa mặt, tuy nhiên nó không trêu trọc hay làm hại người. Umebozu là một loại quỷ biển, nó có cái đầu to tròn và nhớt, nó thường nhô lên từ mặt biển. Các thủy thủ nếu có trông thấy nó thì cũng phải ngoảnh mặt làm ngơ giả vờ không nhìn thấy nó nếu không thì nó sẽ đánh đắm thuyền. Yukionna, cô gái tuyết, là linh hồn người con gái mặc áo Kimono trắng hiện ra trong đêm mưa tuyết.

Theo V.Y.S.A
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn


Quay về Văn hóa Nhật Bản

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.6 khách.