Người Nhật nghỉ lễ vào những ngày nào trong năm?

Người Nhật nghỉ lễ vào những ngày nào trong năm?

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 01 Tháng 7 2011

Khi làm ăn với đối tác Nhật Bản, việc biết rõ những ngày nghỉ lễ trong năm của người Nhật giúp bạn chủ động trong kế hoạch công việc của mình. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin để tham khảo.

Có 15 ngày lễ được quy định bởi pháp luật Nhật Bản. Nếu như ngày lễ đó rơi vào ngày Chủ Nhật thì ngày thứ Hai kế tiếp sẽ là ngày được nghỉ bù. Nếu một ngày nằm xen giữa hai ngày lễ thì ngày đó cũng được nghỉ.

+ Ngày mồng một Tết: Ngày mồng một tháng Một. Đây là ngày lễ quan trọng nhất ở Nhật bản.
Là quốc gia ở Đông Bắc Á nhưng kể từ khi có cuộc Duy Tân Minh Trị do Thiên Hoàng Meiji tiến hành thành công vào năm 1868, nước Nhật đã có truyền thống đón mừng Tết Nguyên Đán theo năm mới dương lịch như các nước phương Tây. Thông thường, người dân Nhật Bản bắt đầu chuẩn bị năm mới từ ngày 31/12 của năm cũ. Có khá nhiều công ty nghỉ từ ngày 30 tết đến hết ngày mồng 3 tháng 1. Các công ty Nhật bắt đầu làm việc từ ngày mùng 4 nhưng không khí tết nhiều khi còn kéo dài đến tận ngày Lễ thành niên 15-1 dành cho những thanh niên nam nữ tròn 20 tuổi.

Hình ảnh

+ Ngày lễ thành niên: Trước đây là ngày 15 tháng 1 nhưng hiện nay được chuyển thành ngày Thứ Hai của tuần thứ 2 của tháng 1. Đây là ngày lễ dành riêng cho các thanh niên tròn 20.

+ Ngày Quốc khánh: Ngày 11 tháng 2. Theo lịch sử Nhật Bản, vào ngày này năm 660 trước Công Nguyên, Thiên Hoàng đầu tiên của Nhật đăng quang.

+Ngày Xuân phân: Ngày 20 tháng 3. Đây được coi là ngày lễ ca tụng thiên nhiên và sinh vật sống.

+ Ngày Chiêu Hòa: Ngày 29 tháng 4. Đây là ngày sinh của cố Hoàng đế Chiêu Hoà. Trước năm 2007 ngày 29 tháng 4 được gọi là ngày Xanh. Sau khi Hoàng đế Chiêu Hòa tạ thế người ta lấy ngày này làm ngày lễ giữ gìn màu xanh của thiên nhiên (hiện nay người ta kỷ niệm ngày này vào ngày mồng 4 tháng 5). Ngày Chiêu Hòa là một phần của Tuần Lễ Vàng (Golden Week *).

+ Ngày Hiến pháp: mồng 3 tháng 5. Từ năm 1947 ngày này được lấy để kỷ niệm ngày hiến pháp Nhật được thiết lập, đánh dấu và gợi nhớ một sự kiện - một thể chế mới được thiết lập và có hiệu lực sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.

+ Ngày lễ dân tộc: là ngày mồng 4 tháng 5, còn được gọi là ngày Xanh. Từ năm 2006 trở về trước, ngày Xanh được kỷ niệm vào ngày sinh của cố Hoàng Đế Chiêu Hòa 29 tháng 4 như nói trên vì ông Vua này rất yêu cây cối và thiên nhiên. Ngày 4 tháng 5 cũng là một phần của Tuần Lễ Vàng.

+ Ngày thiếu nhi: mồng 5 tháng 5 (khác với nước ta là ngày mồng 1 tháng 6). Đây là ngày lễ để cầu cho sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em. Ngày này còn được gọi là ngày lễ "Đoan ngọ", ngày lễ dành riêng cho trẻ em là con trai. Người ta thường treo cờ cá chép vào ngày này. (Cùng với ngày của các bé trai là ngày của các bé gái, đó là ngày 03/03). Ngày 5 tháng 5 cũng là một phần của Tuần Lễ Vàng.

Hình ảnh

+ Ngày của biển: Thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 7. Đây là ngày dành để cảm ơn những gì mà biển đã ban tặng. Ngày này đánh dấu việc Hoàng Đế Meiji trở về an toàn sau chuyến đi Hokkaido trên một con thuyền năm 1876.

+ Tuần lễ Obon (*): Lễ hội Obon từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8. Đây không phải là ngày lễ quốc gia nhưng người Nhật nghỉ tương đối dài vào những ngày này. Tuần lễ Obon là 1 trong ba kỳ nghỉ dài nhất trong năm của người Nhật bên cạnh kỳ nghỉ Tết và kỳ nghỉ " Tuần Lễ Vàng". Lễ hội Obon giống như lễ xá tội vong nhân của Việt Nam vào dịp Rằm tháng Bảy âm lịch.

+ Ngày kính lão: Thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 9. Là ngày dành để tỏ lòng kính trọng đối với người già và chúc thọ, được đặt ra từ năm 1966.
Ngày thu phân: Ngày 23 tháng 9. Là ngày để tưởng nhớ về những người đã khuất và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Người ta thường đi thăm mộ người thân vào những ngày này.

+ Ngày thể dục thể thao: Thứ Hai của tuần thứ hai của tháng 10. Được áp dụng từ năm 1966 nhằm kỷ niệm sự kiện thể thao lớn - Olympic Tokyo 1964, đây là ngày lễ nhằm khuyến khích phong trào luyện tập thể dục thể thao.

+ Ngày Văn hóa: Mồng 3 tháng 11. Ngày lễ khuyến khích cho sự hưng thịnh và phát triển của nền văn hóa truyền thống và tình yêu tự do, hoà bình. Vào ngày này, các trường học và chính phủ Nhật lựa chọn và ken thưởng những người có thành thích đặc biệt xuất sắc.

+ Ngày lễ tạ ơn người lao động: Ngày 23 tháng 11. Là ngày lễ nhằm đề cao giá trị của sức lao động và cảm tạ cho một vụ mùa bội thu. Ngày lễ này thường được tổ chức khi vụ mùa kết thúc, người dân dân hiến tặng những sản vật mới thu hoạch nhằm tỏ lòng kính trọng thánh thần. Ngày này tương đương với ngày lễ Tạ ơn - Thanks Giving của phương Tây.

+ Ngày sinh nhật của Nhật Hoàng: Ngày 23 tháng 12. Là ngày lễ nhân dịp sinh nhật của Nhật Hoàng Bình Thành hiện nay.

* Tuần lễ vàng.
Người Nhật quá bận bịu với công việc do đó thời gian nghỉ ngơi đối với họ là vô cùng quan trọng. Có lẽ trong 1 năm thì vào dịp tháng 5 là dịp họ có thể có kỳ nghỉ dài nhất vì thế họ gọi đây là "Tuần lễ Vàng". Là tuần lễ cầu cho quốc thái dân an.

Đối với người Nhật, đặc biệt những người đi làm việc cho các công ty thì đây là một tuần lể vô cùng đặc biệt.

Tuần lễ Vàng tại Nhật Bản bao gồm 4 ngày quốc lễ trong vòng một tuần, kể từ 29/4 đến 5/5. Tuần lễ Vàng là một trong ba kỳ nghỉ nhộn nhịp nhất bên cạnh kỳ nghỉ nhân dịp năm mới và tuần lễ Obon (tuần lễ tín đồ đạo Phật).

Các ngày quốc lễ trong tuần lễ Vàng gồm có: ngày 29 tháng 4 - ngày sinh của cố Hoàng đế Chiêu Hòa, ngày 3 tháng 5 là ngày Hiến pháp, ngày 4 tháng 5 là ngày Xanh - ngày nghỉ của dân chúng, ngày 5 tháng 5 là ngày thiếu nhi. Cả 4 ngày này đều là ngày nghỉ ở Nhật. Do đó nếu trước hoặc sau 4 ngày này là ngày quốc tế lao động hay ngày Thứ 7 hoặc Chủ nhật thì sẽ có cơ hội có khoảng 5 ngày nghỉ liên tiếp và nhiều công ty cố tình điểu chỉnh các ngày nghỉ để cho nhân viên được nghỉ luôn 1 tuần. Ngoài ra, tháng 5 là mùa xuân và khí hậu không quá nóng, cũng không quá lạnh, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp nên đây là một dịp lý tưởng cho các cuộc du ngoạn.

* Tuần lễ Obon
Lễ Obon còn gọi là lễ Lễ Vu lan (hay còn gọi là Lễ xá tội vong nhân vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm của Việt Nam) diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch ( tháng 8 dương lịch). Nhiều người kết hợp nghỉ Obon và nghỉ hè để thời gian nghỉ được liên tục. Đây cũng là lễ Phật, với người Nhật Bản, đạo Phật có ý nghĩa rất quan trọng, lễ Phật cầu nguyện cho bình yên, an lạc trong cuộc sống.

Vào kỳ nghỉ lễ Obon, các gia đình Nhật Bản thường quây quần lại với nhau trong một đợt nghỉ khá dài. Kỳ nghỉ này thực sự là những ngày gia đình đối với những người Nhật Bản. Trong dịp này, hầu hết những người đang ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà của mình, hoặc đi viếng mộ những người thân trong gia đình. Đây còn là lễ hội của toàn nước Nhật, mang sắc màu linh thiêng và một chút huyền bí được tổ chức tại cố đô Kyoto thơ mộng.

Hình ảnh


Lễ hội Obon mang ý nghĩa là linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở lại nơi trần thế, nó cũng giống như ngày rằm tháng bảy là ngày Xá tội vong nhân (hay còn gọi là Lễ Vu lan) ở nước ta. Việt Nam ta có tục đốt vàng mã để dâng đến Tổ tiên, ông bà và những người đã khuất, thì ở Nhật Bản phong tục này cũng gần như vậy. Đồ cúng của các gia đình Nhật Bản là những chiếc bánh khảo, làm từ bột gạo nhiều màu sắc cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều chủng loại được trình bày rất đẹp mắt. Trong dịp lễ Obon, một số lễ hội pháo hoa lớn cũng được tổ chức ở các nơi trên đất nước Nhật Bản.

Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon này. Đặc biệt nhất là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16 tháng 8. Lễ hội này thu hút rất nhiều người Nhật Bản cũng như du khách từ khắp các nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ đồng hồ. Đây chính là hình ảnh tuyệt vời giữa đêm mùa hè của Cố đô Nhật.
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Người Nhật nghỉ lễ vào những ngày nào trong năm?

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 01 Tháng 7 2011

(JPN) – Theo Pháp Luật Nhật Bản thì có 15 ngày nghỉ lễ trong năm. Mặc dù là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, nhưng những lễ hội hàng năm của Nhật Bản vẫn còn như nguyên vẹn. Mỗi mùa đều có những lễ hội khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của mỗi vùng. Tham gia vào những lễ hội này chúng ta sẽ có dịp hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và con người tại đây, cũng như thêm yêu mến đất nước hoa anh đào.

Ngày 01/01(1月1日): Ngày mùng một Tết (元日)

Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Nhật là khi chào đón vị thần Toshigamisama đến thăm nhà. Những phong tục tập quán đón Tết của Nhật Bản cũng ít nhiều có những điểm tương đồng với các nước châu Á khác và cũng có những nét đặc sắc riêng của mình.

Trước khi Tết đến, mọi nhà đều trang trí cây Tùng (“門松”- kadomatsu) trước cửa. Tương truyền rằng, vị thần Toshigamisama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây Tùng này. Tùng tượng trưng cho trẻ mãi không già; quả quýt màu da cam, có âm đọc giống như “đời đời” trong tiếng Nhật, tượng trưng cho muôn đời thịnh vượng. Ngày xưa người ta thường dựng cây Tùng vào ngày 13/12 là ngày bắt đầu các công việc chuẩn bị đón Tết. Còn gần đây là ngày 27 hoặc 28 nhưng người ta tránh không dựng cây Tùng vào ngày 29 và đêm giao thừa. Ngày 29 có số 9 trong tiếng Nhật cùng âm đọc với chữ “khổ”, còn trang trí cây vào đêm giao thừa được gọi là “一夜飾” (Hitoyokazari) được hiểu là chỉ nghênh đón thần trong một đêm nên bị cho là thất lễ.

Hình ảnh
Kadomatsu


Ngoài ra trên khung cửa của không ít gia đình Nhật còn trang trí các vật phẩm như đồ đan bằng lá màu trắng, quả quýt, thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng… ; Shimenawa cũng có ý nghĩa đón tiếp vị thần năm mới và trừ ma quỷ. Ngoài shimenawa treo trước cửa nhà, người Nhật đặt wakazari, tức là dây thừng quấn thành vòng tròn nhỏ, trên vị thần hỏa và thần thủy trong bếp để tạ ơn các thần đã giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày. Wakazari cũng được đặt trước mui xe ôtô và xe đạp để mong an toàn trong năm mới.

Ngoài ra, người Nhật thường lấy tôm hùm làm đồ trang sức vì nó có hình dạng giống như cụ già khom lưng, ví với cảnh giàu sang phú quý, cả nhà trường thọ. Để đón Tết người Nhật cũng làm vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ vào những ngày cuối năm, tiếng Nhật gọi là “Osouji”. Lần vệ sinh này sẽ làm sạch tất cả mọi ngóc ngách nhỏ nhất trong nhà mà quanh năm không có thời gian để dọn dẹp.

Các món ăn ngày Tết của người Nhật gọi là osechi, trong đó có một món mà gia đình nào cũng ăn là món canh bánh dầy ozoni. Tại sao người Nhật lại ăn ozoni nhân dịp Tết? Theo một gia đình ở cố đô Kyoto có lịch sử đến 1000 năm, tập quán ăn ozoni ra đời với quan niệm ăn đồ cúng lên vị thần cùng với vị thần thì con người tăng thêm lòng sùng bái vị thần, còn vị thần phù hộ cho con người. Bánh Tết tượng trưng cho sự may mắn, được làm vào ngày 28 hoặc 30 Tết. Làm bánh trong ngày 29 bị cho rằng ắt phải ăn bánh khổ, nghĩa là quanh năm phải nếm trải khổ đau. Món ăn quan trọng nhất của năm mới là “món Tết” và “đồ nấu tổng hợp”.

Hình ảnh
ozoni

Món Tết thực chất là món ăn ngọt, làm bằng các nguyên liệu thông thường như rễ cây ngưu bàng, trứng cá, cá sardin khô, tảo ăn, khoai lang, hạt dẻ… Người Nhật dùng những món ăn đơn giản nhưng giàu ý nghĩa tượng trưng này để ăn tết là xuất phát từ tâm lý cầu ước vạn sự tốt lành.

Hình ảnh
osechi

Bánh tết thập cẩm và món rau khoai sọ, cà rốt, rau xanh nấu lẫn trong một nồi càng giàu ý nghĩa tượng trưng hơn. Đây là những đồ cúng, đồng thời cũng là món ăn dành cho nhiều người, để nhiều người được hưởng lộc thần linh và niềm sung sướng. Những lát cà rốt tượng trưng cho mối quan hệ gắn bó hòa thuận của mọi thành viên trong gia đình. Còn những của khoai sọ tượng trưng cho sức mạnh tẩy trừ tà khí.

Đêm 30 Tết, cả nhà quây quần ăn bữa tất niên, rồi cùng ngồi đón giao thừa. Đúng 12 giờ đêm, tiếng chuông nhà chùa thông qua kênh truyền hình truyền đi khắp cả nước. Người Nhật tin rằng 108 tiếng chuông chùa sẽ xua đuổi 108 con quỷ sứ. Trong tiếng chuông ngân nga, mọi người chúc tụng nhau và cùng ngồi vào chỗ của mình. Chủ nhà ngồi trên cùng, rút quạt ra tuyên đọc lời chúc mừng năm mới, cả nhà đồng thanh chúc tụng, sau đó cùng ăn bánh tết, uống rượu thần.

Người ta tin rằng vị thần Toshigamisama sẽ truyền cho gia chủ một nguồn sinh lực mới vào những chiếc bánh Tết nên sau khi cúng thần, những chiếc bánh này sẽ được chia ra cho mọi người cùng thưởng thức để tiếp nhận nguồn sinh lực. Nguồn sinh lực này được gọi là “歳魂” (toshidama) có nghĩa là sức mạnh của thần Toshigamisama. Đây cũng chính là nguồn gốc của “お年玉” (toshidama) có nghĩa là lì xì. Người ta thường cho quà, bánh hoặc tiền cho trẻ con khi chúng đến thăm và chúc Tết để cầu mong cho chúng được khỏe mạnh, gia tộc được an khang thịnh vượng.

Xuất hành đầu năm, đi lễ chùa, cầu may cho cả năm cũng là một công việc trọng đại của người Nhật Bản. Tiếng Nhật gọi là “初詣” (Hatsumoude). Mỗi năm sẽ có một hướng tốt khác nhau gọi là 恵方(ehou) nên mỗi năm người ta chỉ đi đền chùa ở hướng tốt của năm đó thôi. Khi viếng chùa, việc đầu tiên là rửa tay và súc miệng. Sau đó người đi lễ sẽ tiến đến tung vào hòm công đức trước điện thờ mấy đồng tiền, gọi là tiền hương hoa dâng lên thần phật, chắp tay lạy 2 lễ, vỗ tay 2 phát, chắp tay lại cầu nguyện và cuối cùng lạy 1 lễ. Hành lễ xong, mọi người nộp tiền rút thẻ hoặc mua một mũi tên thần, cầu mong thần linh che chở cho mình được sống một năm yên ổn.Kể từ mồng 1 trở đi, cấp dưới đi chúc Tết cấp trên, bạn bè thân thích và bà con phường xóm cùng chúc tết lẫn nhau, người đi kẻ lại vô cùng tấp nập. Người Nhật coi đây là cuộc thăm viếng đầu Xuân, và gọi 3 ngày đầu tháng giêng là “ba ngày chúc tụng”. Tháng giêng trở thành tháng hòa thuận. Nhà nhà đều để sổ ký tên và bút chì trước cổng, khách đi chúc Tết sẽ để lại địa chỉ hoặc gài danh thiếp vào trong cuốn sổ, ý nói đã đến nhà. Cũng có người khi đi chúc Tết mang theo nhiều chiếc khăn tay nhỏ có đề tên mình, tặng cho mỗi nhà một chiếc.

Hình ảnh


Tặng nhau thiếp mừng năm mới cũng là nét đặc sắc trong phong tục đón mừng năm mới của người Nhật. Nhật Bản là nước phát hành thiếp chúc mừng năm mới nhiều nhất trên thế giới. Phương pháp đưa thiếp mừng của bưu điện Nhật rất đặc biệt. Trước hết tập trung toàn bộ các thiếp chúc mừng năm mới rồi đem gửi đến nhà người nhận vào đúng ngày mồng 1 Tết. Ngày này, mọi người ngồi ngắm những tấm thiếp chúc tết muôn hình muôn vẻ từ mọi nơi gửi đến, ôn lại quá khứ, chờ đón tương lai. Đây quả thực là sự hưởng thụ đặc biệt. Thiếp chúc mừng năm mới khởi nguồn từ Trung Quốc, nhưng người Nhật Bản đã sáng tạo thêm tục lệ mà Trung Quốc không có, đó là nếu năm ấy trong nhà có người qua đời, họ sẽ không được nhận hay gửi thiệp năm mới cho bất kỳ ai. Tập tục này ra đời từ Phật giáo. Phật giáo chủ trương, trong thời kỳ để tang không đến những nơi vui chơi giải trí, không ồn ào ầm ĩ hoặc chè chén linh đình, mà cầu nguyện cho người chết vào chốn vĩnh hằng bằng sự tĩnh tâm và việc làm thầm lặng của mình.

Hình ảnh


Đến ngày mồng 4 tháng giêng, các cơ quan, xí nghiệp bắt đầu làm việc. Ngày này, các công sở, công ty đều chuẩn bị bữa tiệc đơn giản để các đồng sự nâng cốc chúc nhau. Sau đó, mọi người lại trở về với những công việc thường ngày
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Người Nhật nghỉ lễ vào những ngày nào trong năm?

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 05 Tháng 7 2011

Thứ 2 của tuần thứ 2 trong tháng 1 (1月第2月曜日): Ngày lễ trưởng thành (成人の日)

Hình ảnh


Ngày lễ thành nhân được luật pháp Nhật bản quy định vào năm 1948 với nội dung “Ngày 15 tháng 1, là ngày dành để chúc mừng, khích lệ thanh niên nhận ra rằng họ đã trở thành người lớn và đã đến lúc bắt đầu một cuộc sống tự lập”. Hiện tại, ngày này được đổi là ngày thứ hai của tuần thứ 2 trong tháng giêng theo luật Happy Moday – được ban hành vào năm 2000 (Happy Monday là luật sửa đổi về ngày nghỉ quốc gia, cho phép chuyển một số ngày lễ quốc gia sang ngày thứ 2, kết hợp với thử bảy và chủ nhật, người dân có 3 ngày nghỉ liên tiếp).

Ý NGHĨA TỒN TẠI LỄ THÀNH NHÂN

Ngày thành nhân là ngày tiến hành các nghi thức thành nhân nhằm giúp cho các bạn tân thành nhân ý thức rằng đã hết thời kỳ trẻ con-thời kỳ được bố mẹ và những người lớn xung quanh bao bọc, để bước vào đời sống tự lập và tham gia vào xã hội của người lớn. Ngày lễ thành nhân được tổ chức ở các khu tự trị, thì trang phục chính là lễ phục furisode(lễ phục áo dài) đối với nữ, Haorihakama, vest đối với nam, ngày này, thị trưởng thành phố gửi lời chúc mừng đến lễ thành nhân. Tuy nhiên những năm gần đây, thường thấy nhiều cảnh tượng gây rối chẳng hạn như một bộ phận các tân thành nhân la hét ầm ĩ trong buổi lễ thành nhân.

Theo pháp luật hiện hành, những bạn trẻ đủ 20 tuổi được công nhận là đã trưởng thành, có quyền uống rượu bia, hút thuốc lá, có quyền bầu cử…Nhìn những hành vi thiếu ý thức như vậy, có cảm giác như xu hướng ý thức việc được tham gia vào xã hội người lớn, thành người lớn thực thụ hơn là việc ý thức đón lễ thành nhân như hiện nay.

NHỮNG NGHI THỨC CỔ XƯA

Phong tục chúc mừng vào ngày lễ thành nhân đã tồn tại từ rất lâu đời. Con trai thể hiện việc đã trưởng thành bằng cách tết tóc hoặc đội mũ eboshi, thay đổi trang phục. Bên canh đó phong tục đổi tên từ tên ấu thơ sang tên eboshi cũng rất phổ biến (Lễ genbuku-eboshi). Con gái thì có các nghi lễ như “mogi” tức là khoác lên mình bộ y phục có tà áo dài trải từ hông xuống, lễ kamiage (vấn cao tóc) lễ kane (nhộm đen răng) được coi là những nghi lễ trưởng thành.

Ngoài ra, không chỉ đối với người có địa vị cao như những gia đình quý tộc, nghi thức thành nhân cũng được những người dân nông thôn ở các vùng miền khác nhau tổ chức theo cách riêng của mình. Nhưng đây chỉ là những điều kiện công nhận là thành nhân chứ không phải là tiêu chuẩn về tuổi tác như hiện nay-là phải qua một độ tuổi nhất định(20 tuổi).

Điều kiện trở thành người lớn thực thụ, được coi là trưởng thành thì là phải làm được một số việc như “con trai, trong một ngày phải đốn được 60 kilo củi, bán rong được 12 kilo củi”. Các nghi thức này được gọi là lễ thành niên hay lễ thành nữ… Từ thời Minh Trị trở đi, những nghi thức này đã dần dần bị mất đi, ngoại trừ ở một số vùng.

Từ thời Minh Trị, nam giới buộc phải thực hiện nghĩa vụ đi lính. Để có thể tham gia vào quân ngũ thì cần phải tham gia vào một cuộc kiểm tra tuyển quân. Cuộc kiểm tra tuyển quân này mang ý nghĩa như một tiêu chuẩn của lễ thành nhân. Sau chiến tranh, không còn nghĩa vụ đi lính nữa, ngày “Lễ thành nhân” đã được quy định là ngày lễ chúc mừng chính thức theo “luật về ngày lễ quốc gia” năm 1948.

Ý NGHĨA GỬI GẮM TRONG LỄ THÀNH NHÂN

Ngày lễ thành nhân hiện nay được quy định là ngày thứ hai của tuần thứ 2 trong tháng 1. Ở Nhật bản, trên toàn quốc, mỗi vùng có sự khác nhau, lễ thành nhân được tổ chức từ thượng tuận tháng 1 cho đến trung tuần tháng 1 hàng năm.Tuy nhiên, tại sao lại coi ngày lễ thành nhân là ngày lễ để chúc mừng? Theo một cách giải thích, vào thời kỳ hậu chiến, thời kỳ mà thiếu thốn vật chất và thực phẩm thì thứ được coi là thiếu thốn nhất chính là “con người”.

Để xây dựng một “quốc gia” vững mạnh, các nhà lãnh đạo đương thời lúc ấy suy nghĩ rằng, bản thân mỗi người dân trong đất nước phải trưởng thành, vì vậy họ đã đã quyết định lấy ngày mà thể hiện nguyện vọng “mong muốn đối tượng có nhận thức đã trở thành người lớn” là ngày lễ chúc mừng. Có thể nói, hiểu được suy nghĩ của các bậc tiền nhân về ngày lễ thành nhân như vậy là bước đầu tiên để thành người trưởng thành.

A_mai (Tổng hợp từ nhiều nguồn)
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Người Nhật nghỉ lễ vào những ngày nào trong năm?

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 05 Tháng 7 2011

11/2 (2月11日): Ngày kỷ niệm kiến quốc (建国記念の日)

Hình ảnh


Ngày kỉ niệm kiến quốc lần đầu tiên được công nhận vào ngày 11.02.1872 vào thời kì Meiji ( Minh Trị). Ý nghĩa ban đầu của ngày này là nhằm vinh danh gia đình Hoàng Gia và kỉ niệm ngày thiết lập nước Nhật.

Lịch sử hình thành

Ngày 11.02 đã xuất hiện lần đầu tiên trong quyển Nihonshoki ( Nhật Bản Thư Kí )- một trong những quyển sách cổ nhất của Nhật Bản. Theo quyển sách này thì Hoàng đế thứ nhất của Nhật Bản – Jimmu – được cho là hậu duệ của thần mặt trời, được trao danh hiệu Hoàng đế vào ngày 11 tháng 2 năm 660 TCN.

Đến thế chiến thứ II, ngày này được tổ chức với niềm tự hào lớn lao với những nghi thức long trọng. Tuy nhiên, do hệ quả của chiến tranh, ngày này đã bị bãi bỏ. Nó được xem là ý tưởng không thích hợp vào thời điểm này

Năm 1966, Chính Phủ Nhật Bản đã đưa ngày 11.02 hàng năm là ngày nghĩ Quốc gia và có hiệu lực cho đến bây giờ. Vào ngày này, người Nhật Bản sẽ bày tỏ lòng yêu nước của mình

Lá cờ của nước Nhật được biết như là “Hinomaru” (sun flag) tiêu biểu cho sự lựa chọn thiêng liêng của Emperor ( Hoàng Đế ). Đó là một biểu tượng mạnh mẽ cho đến tận ngày nay
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Người Nhật nghỉ lễ vào những ngày nào trong năm?

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 05 Tháng 7 2011

+ Câu hỏi :
- Người Nhật được nghỉ những ngày lễ nào?
- Người Nhật thường làm gì vào ngày tết?
- Setsubun (Tiết phân) là gì?
- Hinamatsuri là gì?
- Higan là gì?
- Tục ngắm hoa Hanami có từ bao giờ?
- Người Nhật thường làm gì vào ngày lễ hoa (Hana matsuri)?
- Tiết Đoan ngọ là gì?
- Người Nhật thường làm gì vào tsukimi?
- Sichi-go-san (Bẩy-năm-ba) là ngày lễ gì vậy?
- Người Nhật làm gì vào đêm giao thừa?
- Đối với người Nhật thì lễ hội mang ý nghĩa gì?
- Ba lễ hội lớn nhất ở Nhật là gì?

+ Trả lời :

- Người Nhật được nghỉ những ngày lễ nào?

Có 15 ngày lễ được quy định bởi pháp luật Nhật Bản. Nếu như ngày lễ đó rơi vào ngày Chủ Nhật thì ngày thứ Hai kế tiếp sẽ là ngày được nghỉ bù.
(Hiện nay (2005) thì một số ngày nghỉ đã được chuyển cố định vào ngày CN và thứ 2 kế tiếp là ngày nghĩ bù)

01. Ngày mồng một Tết: Ngày mồng một tháng Một. Có khá nhiều công ty nghỉ từ ngày 30 tết tới ngày mồng 4 tháng 1.
02. Ngày lễ thành nhân: Trước đây là ngày 15 tháng 1 nhưng hiện nay được chuyển thành ngày Chủ Nhật thứ 2 của tháng 1. Đây là ngày lễ dành riêng cho các thanh niên tròn 20 tuổi.
03. Ngày Quốc khánh: Ngày 11 tháng 2. Theo như cuốn “Nhật Bản thư kỷ” thì đây là ngày Thiên hoàng đầu tiên của Nhật đăng quang, được tính sang dương lịch.
04. Ngày Xuân phân: Khoảng 21 tháng 3. Đây được coi là ngày lễ dành để ca tụng thiên nhiên và sinh vật sống.
05. Ngày Xanh: 29 tháng 4. Đây là ngày sinh của hoàng đế Chiêu Hoà. Sau khi ông ta mất thì người ta lấy ngày này làm ngày lễ giữ gìn màu xanh của cây cỏ.
06. Ngày Hiến pháp: mồng 3 tháng 5. Từ năm 1947 ngày này được lấy để kỷ niệm ngày hiến pháp Nhật được thiết lập.
07. Ngày lễ dân tộc: mồng 4 tháng 5. Đây thực ra không phải là ngày lễ đặc biệt gì cả, bởi vì ngày mồng 3 và mồng 5 là ngày nghỉ nên ngày này cũng được lấy làm ngày nghỉ.
08. Ngày thiếu nhi: mồng 5 tháng 5 (khác với nước ta là ngày mồng 1 tháng 6). Đây là ngày lễ để cầu mong cho sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em. Ngày này còn được gọi là ngày lễ "Đoan ngọ", ngày lễ dành riêng cho trẻ em là con trai. Người ta thường treo cờ cá chép vào ngày này.
09. Ngày của biển: Ngày 20 tháng 7. Ngày dành để cảm ơn những gì mà biển đã ban tặng.
10. Ngày kính lão: ngày 15 tháng 9. Là ngày dành để tỏ lòng kính trọng đối với người già, được đặt ra từ năm 1966.
11. Ngày thu phân: Ngày 23 hoặc 24 tháng 9. Là ngày để tưởng nhớ về những người đã khuất và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Tương đương với ngày lễ xá tội vong nhân của nước ta. Chú ý rằng lịch trên là lịch dương nên nếu qui ra lịch âm thì trùng với ta.
12. Ngày thể dục thể thao: Ngày 10 tháng 10 (hiện nay chuyển thành ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 10). Được thiết lập từ năm 1966 nhằm kỷ niệm cho Olympic Tokyo 1964, đây là ngày lễ nhằm khuyến khích phong trào luyện tập thể dục thể thao.
13. Ngày Văn hóa: Mồng 3 tháng 11. Ngày lễ khuyến khích cho sự trấn hưng và phát triển của nền văn hóa truyền thống. Được thiết lập từ năm 1946 nhằm kỷ niệm ngày hiến pháp Nhật được chính thức công bố.
14. Ngày lễ cảm tạ người lao động: Ngày 23 tháng 11. Là ngày lễ nhằm đề cao giá trị của sức lao động và cảm tạ cho một vụ mùa bội thu. Ngày lễ này thường được gọi là ngày lễ "Niiname sai", được tổ chức khi vụ mùa kết thúc, người dân dân hiến tặng những sản vật mới thu hoạch nhằm tỏ lòng kính trọng thánh thần. Ngày này tương đương với Thanks Giving của phương Tây.
15. Ngày sinh nhật của Nhật hoàng: Ngày 23 tháng 12. Là ngày lễ nhân dịp sinh nhật của Nhật hoàng Bình Thành hiện nay. Nó sẽ tiếp tục tới chừng nào Nhật hoàng còn sống và trị vì đất nước.
- Người Nhật thường làm gì vào ngày tết?

Vào những ngày tết đầu năm thì người Nhật thường tổ chức các nghi lễ để đón các vị thần đã phù hộ cho mùa màng tươi tốt và đón linh hồn của tổ tiên đã che trở cho họ mạnh khỏe trong suốt năm qua. Kadomatsu (Cây thông bày ở cửa chính) và Shimekazari (Sợi dây thiêng treo ở cửa), là những thứ được trang trí để đón chào vị thần của mùa màng và hai cái bánh hình tròn (gọi là Kagamimochi, bánh gương) được xếp chồng lên nhau được trang trí như là đồ ăn của thần mùa màng. Vào ngày tết thì trẻ em thường được người lớn cho nhận Otoshidama (Toshi là Niên nghĩa là Năm, dama là Ngọc, Otoshidama là tiền mừng tuổi, lì xì), đa số các trường hợp thì đó là tiền, nó mang ý nghĩa là phần thưởng của các vị thần dành cho sự cố gắng của trẻ trong năm và khuyến khích chúng cố gắng trong năm tới.

- Setsubun (Tiết phân) là gì?

Tiết phân được là một nghi lễ được tổ chức một ngày trước ngày lập xuân, thường là mồng 3 hay mồng 4 tháng 2. Mọi người mở rộng cửa và xua đuổi tà ma bằng cách ném đậu tương rang và hô to : " Tà ma ra ngoài, phước lộc vào trong". Tập tục này được bắt nguồn từ hoàng cung vào đêm gia thừa với mục đích xua đuổi tà ma để đón năm mới. Sau đó nó hòa trộn với tập tục bản xứ là ném đậu khi gieo mạ và trở thành tập tục như ngày nay.

- Hinamatsuri là gì?

Hina là con chim non, dùng từ Hina để ví những em bé gái dễ thương như những chú chim non. Matsuri là lễ.
Hinamatsuri là ngày lễ của con gái vào ngày mồng 3 tháng 3, là ngày để kỷ niệm và bày bày tỏ ước mong người con gái sẽ có một tương lai hạnh phúc. Vào ngày này người ta thường bầy hina ningyo (Ningyo là hình nhân, búp bê), một tập hợp búp bê mặc trang phục cổ, với hoa anh đào trắng và với rượu nếp trắng. Tập tục này được bắt nguồn từ tập tục trầm mình trong nước để loại bỏ tà khí, sau đó thì người ta dùng hina ningyo thay cho người, cuối cùng thì vào thời kỳ Edo tập tục này được biến thể thành như hiện nay.
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Người Nhật nghỉ lễ vào những ngày nào trong năm?

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 05 Tháng 7 2011

- Higan là gì?

“Hi” là “Bỉ” nghĩa là ở phía bên kia, “gan” là “Ngạn” nghĩa là bờ, ghềnh. Higan là ranh giới, giao thời. Higan là một ngày lễ đặc biệt của đạo Phật tại Nhật. Khoảng 3 ngày trước sau ngày xuân phân được gọi là higan mùa xuân, và khoảng 3 ngày trước sau ngày thu phân được gọi là higan mùa thu. Cả hai higan đều là thời gian chuyển mùa. Vào những ngày này người Nhật thường đi tảo mộ tổ tiên, họ thường dùng hoa trắng và ohagi (một loại thức ăn) để bày cúng.

- Tục ngắm hoa Hanami có từ bao giờ?

Hana là chữ Hoa, Mi là chữ Kiến nghĩa là ngắm, nhìn. Hanami là ngắm hoa. Loại hoa mà người Nhật thích nhất là hoa anh đào. Khi hoa anh đào nở rộ người Nhật thường vừa ngắm hoa vừa ăn uống, tập tục này được bắt đầu có từ thời kỳ Edo (1600- 1868). Có khá nhiều địa phương nổi tiếng về hoa anh đào đẹp khi nở rộ trong đó có công viên Ueno (Một công viên lớn ở Tokyo), ở những chỗ như vậy người ta thường phải đến sớm để tranh giành chỗ để sau đó làm tiệc và ngắm hoa cho thuận tiện.

- Người Nhật thường làm gì vào ngày lễ hoa (Hana matsuri)?

Ngày lễ hoa (Hana matsuri) được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 4 để kỷ niệm ngày sinh của Phật Thích ca mầu ni. Tên chính thức của ngày lễ này là Kanbutsu-e (Quán Phật Hội). Theo truyền thuyết thì vào ngày sinh của Phật Thích ca, rồng từ trên trời hạ thế và nhả nước thơm (cam lộ), vì vậy trong ngày này người ta thường tưới trà ngọt lên tường Phật Thích ca.

- Tiết Đoan ngọ là gì?

Tiết Đoan ngọ là ngày lễ dành cho trẻ em trai, một tập tục cổ truyền được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5. Vào ngày này người ta treo cờ cá chép trước cửa nhà, bày các búp bê chiến binh samurai để bày tỏ ước mong mọi bé trai trong gia đình sẽ lớn lên mạnh khoẻ và hạnh phúc. Không hiểu tiết Đoan ngọ này có liên quan gì đến ông Khuất Nguyên ở Trung Quốc hay không? Trong thời kỳ phong kiến trước đây thì tập quán này được phổ biến và phát triển trong tầng lớp võ sĩ, tuy nhiên vào thời kỳ này thì trong tầng lớp bình dân thì phong tục này lại được hấp thụ theo cách khác. Bởi vì vào thời kỳ đó phụ nữ được coi trọng hơn nam giới nên vào ngày Đoan ngọ thì phụ nữ vào tắm trước đàn ông, đàn ông chuẩn bị bữa ăn cho phụ nữ v.v…, ngày này trước đây cũng không có tên là ngày của con trai.

- Người Nhật thường làm gì vào tsukimi?

Tsukimi (Tsuki là trăng, Mi là ngắm, nhìn) là tập tục ngắm trăng rằm Trung thu của người Nhật. Nó có nguồn gốc từ Trung Quốc và được giới thiệu và phát triển ở Nhật vào thời kỳ Heian (Thời kỳ Bình An: 794-1192). Vào ngày này thì người Nhật bày cúng bằng Dango, một loại dẻo viên tròn như quả quýt nhỏ, và các sản vật nông sản khác. Họ cũng trang trí susuki (cỏ đuôi chó) và thường tập hợp lại để thưởng ngoạn và ngắm trăng. Ở một số địa phương người ta còn có tục lệ ăn cắp các thứ đem cúng.

- Sichi-go-san (Bẩy-năm-ba) là ngày lễ gì vậy?

Là ngày lễ mà các phụ huynh bày tỏ mong muốn con cái lớn lên một cách mạnh khoẻ. Vào ngày 15 tháng 11 thì các bậc phụ huynh đưa con trai (3 hoặc 5 tuổi) và con gái (3 hoặc 7 tuổi) đến viếng các ngôi đền và cầu mong cho tương lai của con cái. Hiện nay thì xu hướng không phân biệt tuổi tác con trai con gái có vẻ nhiều lên, tức là cứ là trẻ em 3, 5, 7 tuổi là được dẫn đi. Vào ngày này thì con trai thường mặc Haori, một loại áo ngắn khoác ngoài của người Nhật, còn con gái thì mặc Kimono. Cũng có một số trẻ em mặc quần áo vét hoặc mặc váy.

- Người Nhật làm gì vào đêm giao thừa?

Ngày 30 Tết là ngày rất quan trọng để kết thúc một năm và chuẩn bị cho việc đón năm mới. Khoảng vài chục năm trước đây thì việc chuẩn bị đón năm mới, bao gồm làm một số loại bánh gạo và osechi, một món ăn đặc biệt, là một công việc khá vất vả và tốn nhiều thời gian nhưng hiện nay thì xu hướng mua đồ đã chế biến sẵn ở các siêu thị ngày càng tăng. Vào ngày 30, sau khi đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho năm mới thì người Nhật tập trung và dùng bữa tối. Sau đó họ nghe 108 tiếng chuông giao thừa và thường thì họ thức luôn đến sáng ngày hôm sau để đón ánh nắng mặt trời của ngày đầu năm mới. Ở một số địa phương còn có truyền thuyết nói rằng nếu ngủ đêm giao thừa thì tóc sẽ trở thành tóc bạc.

- Đối với người Nhật thì lễ hội mang ý nghĩa gì?

Trong tiếng Nhật thì từ Matsu (Tế), nghĩa gốc của từ Matsuri (lễ hội), có ý nghĩa là chào đón những thứ không nhìn thấy được tới chỗ mà chúng trở nên có thể nhìn thấy được. Nói cách khác thì thần thánh, thường là không thể nhìn thấy được, khi tham gia các lễ hội thì họ được đón tiếp như những người bình thường. Tại nhiều nơi trên đất Nhật thì lễ hội được tổ chức từ xưa tới nay với mục đích là tại gia sự giao lưu giữa các vị thần và con người. Tuy nhiên trong số vô số các vị thần thì cũng có những vị thần mang đến bệnh tật và tai hoạ, các lễ hội cũng có ý nghĩa xua đuổi các vị thần ác đó.

- Ba lễ hội lớn nhất ở Nhật là gì?

Người Nhật thích dùng con số 3 để thống kê mọi việc, tuy nhiên khi đề cập đến các lễ hội thì lại có nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ như có ý kiến cho rằng lễ hội Sanja (Tam xã) ở Tokyo, lễ hội Gion ở Kyoto, lễ hội Tenjin (Thiên thần) ở Osaka là 3 lễ hội lớn nhất. Tuy nhiên lại có ý kiến cho rằng lễ hội Sannou (Sơn vương) ở Tokyo, lễ hội Aoi (cây cẩm quỳ, cây thục quỳ) ở Kyoto và lễ hội Tenjin ở Osaka là 3 lễ hội lớn nhất. Tuỳ từng vùng mà quan niệm của họ về 3 lễ hội lớn nhất lại khác nhau. Ví dụ như ở Tohoku thì 3 lễ hội lớn nhất là lễ hội Nebuta ở Aomori, lễ hội Kantou ở Akita, và lễ hội Tanabata ở Sendai, tuy nhiên ở Kyoto thì 3 lễ hội lớn nhất lại là lễ hội Aoi, lễ hội Gion và lễ hội Tenjin.

Theo V.Y.S.A
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn


Quay về Văn hóa Nhật Bản

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.4 khách.