Chính quyền Khơmer đỏ làm gì Campuchia sau năm1975

Tập hợp các bài báo liên quan đến thành viên,lĩnh vực hoạt động của CLB

Chính quyền Khơmer đỏ làm gì Campuchia sau năm1975

Gửi bàigửi bởi alexaphamvan » 06 Tháng 7 2013

Năm 1975 đất nước Việt Nam ta được thống nhất. Chúng tôi cũng vừa tốt nghiệp phổ thông năm ấy. Với chúng tôi một chân trời rộng mở bừng sáng trước mặt. Hình như ai cũng hăm hở nghĩ rằng cuộc sống sung sướng từ đây.

Thế rồi tiếng súng biên giới Tây Nam vọng về. Vấn đề Việt Nam với Campuchia ngày một trầm trọng. Chính quyền Campuchia lúc bấy giờ là bè lũ Polpot-Yêngsary, được sự hậu thuẫn từ Trung Quốc, đã gây hấn với chúng ta. Còn trong đất nước Campuchia, 2 triệu người Campuchia bị chúng giết hại bằng súng, cuốc thuổng và thậm chí bằng cành thốt nốt. Những thông tin này lúc đầu tôi cũng có chút nghi ngờ, chẳng lý gì bọn Polpot lại giết hại dân tộc mình?

Để tìm hiểu xem chính người bản xứ Khơme, họ nói gì về chế độ này tôi tham dự một tour đi Xiêm Riệp và Phnompenh. Hơn nữa đền Angkor khá nổi tiếng mà người Nhật cứ kéo đàn kéo đống tới tham quan nên tôi cũng tò mò phải đến mặc dù cũng hơi đắt so với các tour đi Trung Quốc, Thái Lan.v.v...

Đền Angkor là một quần thể đền đài thật để mọi người đáng đến. Nó đẹp lung linh huyền ảo. Nó kỳ vỹ đến mức độ không thể tin được người Khơmer xưa lại có thể làm được. Những tảng đá to lớn từ đâu kéo đến, được đục đẽo tỷ mỷ, được lắp trùng khít như mộng kèo, cột nhà của mình vậy. Nghe nói sau khi dựng xong cánh thợ mới chạm khắc những mỹ nữ, đàn bà, đàn ông, con vật, miêu tả cuộc sống người Khơmer lúc bấy giờ. Tôi cứ tiếc sao mình không đến sớm hơn để tận hưởng tác phẩm tuyệt mỹ bằng đá mà chỉ có người xưa mới làm được.

Hướng dẫn của đoàn chúng tôi là một chàng trai hơn 40 tuổi, tên Xom. Xom học tiếng Việt ở Bình Dương và vốn làm công chức bộ Ngoại giao Campuchia sau chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch. Như phần trên tôi đã nói là muốn tìm hiểu Campuchia thời kỳ Polpot, nên tôi đã đặt câu hỏi này với Xom và cậu ta hứa sẽ kể cho chúng tôi nghe trên đường từ Xiêm Riệp về Phnompenh.

Xom kể.

Năm 1975 chính quyền Polpot " giải phóng" Phnompenh. Sau đó người dân thành phố được lệnh sơ tán khỏi thành phố bởi như chính quyền giải thích rằng người Mỹ sắp quay lại đánh phá Phnompenh. Đồ đạc cứ để nguyên trong nhà, chỉ cần mang tư trang cần thiết thôi- chính quyền thông báo như vậy. Hàng đoàn người rồng rắn tới nơi tập kết và họ được chia thành từng nhóm theo độ tuổi, giới tính.

Gia đình Xom có 4 người: bố, mẹ, em trai 4 tuổi và Xom lúc đó 12 tuổi. Họ được chia ở 4 nhóm: mẹ ở nhóm phụ nữ, bố ở nhóm đàn ông, em ở nhóm trẻ con, còn Xom nhóm trẻ trai. Mọi người trong gia đình không được liên lạc với nhau. Cuộc sống hàng ngày phải đi làm tập thể như kiểu khổ sai, ăn tập thể nhưng rất đói. Thỉnh thoảng mẹ Xom nướng trộm khoai, băng cánh đồng mang dấu cho con. Nếu bị bắt chắc chắn sẽ bị giết chết.

Hoá ra chính quyền khơme đỏ, hay còn gọi là Ăngkar muốn biến Campuchia thành một xã hội kiểu mẫu- xã hội " Cộng sản". Ăngkar muốn có một xã hội không có gia đình, một xã hội tập thể. Ăngkar giết tất cả những ai cản trở công việc của chúng đặc biệt là tầng lớp trí thức.

Bố Xom vốn là giáo viên phổ thông trung học nhưng lại phải nói dối là công nhân điện. Ăngkar đã nhiều lần tỉ tê với ông là cứ nói thật đi vì đang cần trí thức làm lãnh đạo. Nhưng ông đã một mực khai là công nhân. Sau đó ông đã trốn vào rừng và gia nhập quân đội của Hiêng Xom Rin.

Cậu em vì quá nhỏ lại bị lùa đi bộ nhiều sau đó mắc bệnh và chết. Còn Xom một lần trốn vào rừng. Khi người ta phá hiện thấy cậu thì cậu đã lả đi vì đói vì khát. Cậu đã được cứu sống bằng nước đường thốt nốt mà cành lá đầy răng cưa của cây thốt nốt được Ăngkar làm công cụ giết người.

Tháng giêng năm 1979 quân đội Việt Nam vào giải phóng Phnompenh, kết thúc 4 năm Campuchia dưới quyền cai trị của Khơ mer đỏ. Gia đình Xom tìm thấy nhau và đoàn tụ.

Xom kể lại câu chuyện gia đình của cậu và cho biết sẽ ra làm chứng tại toà án kết tội Khơmer đỏ.

Dân tộc Campuchia hồi sinh nhưng Việt Nam phải chịu cấm vận của thế giới vì vấn đề Campuchia. Cuộc sống của chúng tôi thời bấy giờ cũng chẳng khác là bao thời chiến tranh. Cuộc sống với bao nỗi vất vả nhọc nhằn sau chiến tranh cứ lôi dần chúng tôi khỏi giấc mơ mầu hồng mà chúng tôi đã tưởng tượng trong niềm vui chiến thắng.

Tác giả bài viết: Phạm Văn A
Hình đại diện của thành viên
alexaphamvan
Guide mới vào nghề
Guide mới vào nghề
 
Bài viết: 14
Ngày tham gia: 04 Tháng 8 2012

Quay về Bài báo,bài viết của khách về HDV, về CLB, về người ACE hay gặp

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.7 khách.

cron