HDV nghề đa đoan

Xoay quanh về hướng dẫn viên chúng ta.

HDV nghề đa đoan

Gửi bàigửi bởi admin » 18 Tháng 3 2013

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện nay trên cả nước có khoảng 5.000 hướng dẫn viên (HDV) du lịch (kể cả dạng đã ký hợp đồng và tự do). Thế nhưng người sống được với nghề không nhiều và cuộc sống của nghề này có vẻ bấp bênh, qua thời kỳ SARS mới thấy nhiều trăn trở.

Nghề đa đoan


Lo toan trăm bề

Khó có thể kể hết công việc của một HDV trong cuộc hành trình du lịch. Họ không chỉ có kiến thức rộng, thuyết minh hay, ngoại ngữ giỏi (đối với HDV quốc tế), sức khỏe tốt mà còn phải lo "tất tần tật" từ ăn, ngủ, đi lại, tham quan, cho đến các kỹ năng ca hát, quản trò, kể chuyện, hướng dẫn cho khách đi mua sắm... Ðôi lúc HDV phải giải quyết công việc không thuộc trách nhiệm của mình như thức ăn nhà hàng nấu không ngon, phòng khách sạn không đủ tiêu chuẩn... Chưa nói đến trường hợp khách bị đau ốm hay tai nạn, đôi vai của HDV thêm trĩu nặng.

Anh Lê Duy Hiển, HDVcủa công ty Saigontourist cho rằng: "Nếu HDV làm việc bằng cái tâm, bằng trái tim yêu nghề, thì nghề hướng dẫn là một nghề vất vả và khó. Mình sẽ không bao giờ vui khi thấy khách không ăn được món ăn nào đó, dù chỉ một người trong đoàn. Một cái nhăn mặt của khách cũng làm mình bận tâm. Ði tour, HDV thường ăn sau khách, nhưng phải xong trước khách, nên bao tử thường có vấn đề”.

Những ngày theo tour, dù mệt cách mấy hay nhớ nhà, nhớ vợ con, nhưng lúc nào HDV cũng thể hiện sự vui tươi trên khuôn mặt, bởi du khách sẽ rất khó chịu khi thấy HDV "bèo nhèo", bởi họ xem HDV là "thủ lĩnh" của cả đoàn, cần tỉnh táo để quyết định gần như mọi chuyện trong suốt chuyến đi. Anh Võ Thanh Tập, HDV công ty Bến Thành Tourist, nói vui: "Mới vừa cưới vợ chưa kịp hưởng tuần trăng mật, phải đi biệt cả nửa tháng. Về đến nhà lại đi nữa. Bạn bè chọc tôi coi chừng... mất vợ. Nghề HDV là nghề làm dâu trăm họ, lo cho "thiên hạ” còn hơn bố mẹ, vợ con mình. Ðúng là tình riêng đem bỏ chợ, còn tình người thì đa đoan”.

Trăn trở với nghề

“Cái nghề khó khăn vậy nhưng bạc bẽo lắm”, anh Hà Thái Bình, HDV công ty du lịch Công đoàn Việt Nam, nói như vậy. Trong cơn bão SARS này càng thấy nỗi lo của nghề hướng dẫn du lịch. Gặp lại Trần Thanh Duy, HDV tự do tiếng Hàn có cỡ ở TP.HCM, trông anh có vẻ trắng và mập hẳn ra. Duy nói giọng thì buồn: "Cả hai tháng này mình "hẻo" lắm, đến giờ này mà khách Hàn Quốc vẫn chưa thấy xuất hiện, nên nằm nhà xin tiền mẹ xài, buồn đi nhậu hoài. Ít đi nên mập, trắng ra".

Ngay cả trước thời SARS, HDV cũng bị “đối xử” không công bằng. Giám đốc một công ty du lịch thừa nhận, không thể ký hợp đồng nuôi HDV được, vì không đủ kinh phí, nên sử dụng cộng tác viên là chính. Nếu ký hợp đồng nhiều khi cũng chỉ hình thức. Trừ một số HDV quốc tế, HDV kinh nghiệm có thu nhập tương đối ổn định. Còn lại số đông tiền lương và tiền thù lao theo tour cho HDV thấp. Lương căn bản của một HDV hợp đồng từ 300 - 1 triệu đồng/tháng, cộng với tiền đi tour, mỗi ngày được trả từ 50 - 100 nghìn đồng (tùy theo HDV). Cộng tác viên thì đi tour nào “ăn” tour đó và nhờ tiền “bo” của khách. Nhiều HDV được ký hợp đồng hẳn hoi nhưng bỏ ra ngoài làm cộng tác để thu nhập cao hơn, có cơ hội lựa chọn tour, nhưng làm cộng tác viên không có "bến đậu", làm "lính đánh thuê" nên thường không ổn định, nhất là khi có vấn đề nhạy cảm xảy ra với du lịch. GS.TS Phan Huy Xu - trưởng khoa du lịch trường đại học Văn Lang cho rằng, sinh viên học ngành hướng dẫn du lịch được đào tạo bài bản. Các công ty du lịch sử dụng lao động cần có động thái “sòng phẳng" với HDV. Ðành rằng HDV giỏi thì "sống", dở thì tự đào thải, nhưng ít ra cũng có sự thỏa đáng với công sức họ bỏ ra, tạo cho HDV một cuộc sống ổn định. Có như vậy họ mới an tâm, dốc hết công sức và tâm huyết của mình làm việc hiệu quả.

Cần có câu lạc bộ, hội nghề nghiệp


Ông Cao Việt Hưng, trưởng phòng hướng dẫn công ty du lịch Thanh Niên cho biết, hiện nay HDV chưa có nơi để giao lưu, nơi bảo vệ những quyền lợi cho họ. HDV gặp nhau trao đổi công việc chủ yếu ở... quán cà phê. Việt Nam cần có câu lạc bộ nghề nghiệp như: câu lạc bộ hướng dẫn viên, hay hội người hướng dẫn du lịch..., có thể trực thuộc Sở Du lịch hay hiệp hội du lịch, hoặc một tổ chức nghề nghiệp nào đó. Các tổ chức này là nơi tập trung các anh chị HDV để trao đổi kinh nghiệm, hướng nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hỗ trợ cho HDV mới vào nghề, HDV gặp khó khăn.

HDV cũng là "sản phẩm du lịch", họ có vai trò quyết định sự thành công đến 80% trong một tour du lịch. Ngành du lịch Việt Nam sẽ như thế nào khi mà phần đông đội ngũ này đang có cuộc sống nhiều trăn trở như vậy?

NGUYỄN TẤN ÚT

Sài Gòn Tiếp Thị
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội

Quay về Viết về Hướng Dẫn Viên

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.2 khách.

cron