TẾT VÙNG ĐỒNG BÀO MÔNG

TẾT VÙNG ĐỒNG BÀO MÔNG

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 30 Tháng 6 2011

Đồng bào Mông ăn tết cổ truyền theo lịch riêng của mình, lịch của người Mông đều đặn mỗi năm 12 tháng, không có tháng nhuận. Cuối tháng 11 âm lịch mọi công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, để có thể kịp ăn tết vào đầu tháng 12. Không khí rộn ràng khắp trong bản ngoài mường, tiếng giã bánh dầy làm rung động cả một vùng rừng núi. Đấy là lúc những hạt dẻ cuối vụ âm thầm rụng xuống, để những nụ đào đầu mùa kia e ấp đơm hoa. Già trẻ gái trai ai ai cũng mặc đẹp, nét mặt hân hoan, tất bật mà phấn khởi.

Bàn thờ của các gia đình kiêng không được lau bằng giẻ, không được rửa bằng nước, cũng không được quét dọn bằng chổi chít, chổi lông; mà chỉ được quét bằng chiếc chổi tre 3 ngọn, do người già tự tay chặt về từ một đỉnh núi hướng đông. Trên bức vách phía sau bàn thờ (thường bố trí ở gian đối diện với cửa chính), đồng bào dán các họa tiết cách điệu hình nhân và hình các giống gia súc, sơn cầm, bằng giấy dó, do các thầy cúng cắt vẽ một cách đơn giản. Người Mông tự làm lấy hương để thắp và chỉ làm một loại hương cây, dáng thẳng, không thơm lắm nhưng cháy lâu vì nén rất to…

Ngày mồng 1 tết cúng toàn thịt gà và lẽ đương nhiên là ăn cũng ăn toàn thịt gà: thịt gà luộc, thịt gà rán, thịt gà kho nhạt… Người Mông thích ăn tiết canh gà, đánh lẫn với mắc khén. Ở vùng sẵn thảo quả thì cho thêm thảo quả. Để có được một ngày tết thịt gà thế này, ít nhất 6 tháng trước đồng bào đã phải chọn những chú gà trống đẹp mã, giống to để thiến. Gia đình có điều kiện thì cho những con gà ấy được hưởng một chế độ dinh dưỡng riêng, ngô hạt ăn suốt ngày, ăn no lại bay lên máng ngựa nằm ngủ. Đến tết có con nặng tới 5kg, mỡ vàng như nghệ đựng đầy trong ổ bụng.

Ngày mồng 2 là ngày tết thịt lợn. Mâm cúng của mỗi gia đình đều phải có một thủ lợn, do vậy gia đình nào cũng phải mổ tối thiểu một con. Lợn thịt xong, những chỗ nhiều mỡ được pha thành từng khổ dọc, xát muối bên ngoài, sau đó đem treo lên gác bếp hoặc dìm trong chum mỡ nước để ra giêng ăn dần, hàng tháng sau mới hết. Còn những chỗ nạc được thái nhỏ, xào nhạt, đầy ắp một chảo lớn. Tất cả các bộ phận trong phủ tạng lợn cũng được thái nhỏ, xào lẫn lộn ở một chảo khác. Chảo lòng xào suốt ngày đặt trên bếp, đun nhỏ lửa, ăn chưa vơi đã múc, bát lúc nào cũng đầy, nhiệt lúc nào cũng nóng. Người Mông không nhồi lòng lợn, không luộc dạ dày, không chế biến tim cật theo cách của các dân tộc khác. Tiết canh lợn cũng được chia làm 2 loại: một loại bình thường cho phụ nữ và trẻ nhỏ, một loại “đặc biệt” để cánh mày râu nhấm nháp lúc đưa cay. Loại “đặc biệt” nhân thịt được trộn lẫn với ớt tươi nướng, băm nhỏ, người không quen vừa ăn vừa giàn giụa nước mắt, cay lên tận óc.

Sang ngày mồng 3 thì trên mâm cơm tết của người Mông đã bắt đầu xuất hiện các món ăn thuộc hệ thực vật. Rau, đậu, củ, quả... được mua dự trữ từ mấy hôm trước ở các chợ trung tâm vùng thấp, nhưng cũng có thứ do bà con tự trồng hoặc kiếm ở trên rừng. Đậu phụ của người Mông vùng Pú Nhung, huyện Tuần Giáo không ép thành từng “khăn” trong khuông gỗ mà ở dạng lỏng, chủ yếu để làm canh. Suốt 3 ngày tết (tức các ngày mồng 1, 2, 3 tháng Chạp âm lịch), người Mông duy trì liên tục ngọn lửa ở trong bếp. Theo quan niệm của bà con chỉ làm như vậy thì sang năm thời tiết mới thuận hòa, mùa màng mới tươi tốt, đời sống mới ấm no...

Trong lúc các già bản phải co ro vì cái rét khắc nghiệt vùng cao, quây quần bên mâm rượu cạnh bếp lửa rừng rực để chúc tụng, để nói với nhau những ước nguyện về dòng tộc, về dâu con. Dọc bìa rừng, những trò chơi dân gian được tổ chức rầm rộ cho tất cả mọi người; từng đám bụi bốc lên mù mịt bởi các chàng trai dũng mãnh đang so tài bắn nỏ trên lưng ngựa. Vinh quang thuộc về người nào chỉ cần một mũi tên với nửa vòng nước đại đã hạ rơi được chiếc khăn thổ cẩm buộc hờ hững ở lưng chừng vách đá. Phần thưởng dành cho bậc “đệ nhất xạ tiễn” là bát rượu ngô sóng sánh do một thiếu nữ xinh đẹp nhất vùng tự tay rót tặng, dâng lên tận môi người anh hùng đang ngự ở yên cương. Trên một bãi đất khác, giữa âm thanh bổng trầm tha thiết của tiếng khèn mời gọi bạn tình, các nam thanh, nữ tú vừa uyển chuyển vừa say đắm tung sang nhau những quả pao đỏ, vàng, tím, hồng, xanh. Trong số hàng trăm quả pao ngũ sắc đan đi đan lại che kín cả một vùng trời, trái tim đang yêu sẽ mách bảo họ quả pao nào là của riêng mình, chỉ trao cho một mình mình. Nhưng, sôi động nhất và hồn nhiên nhất vẫn là trò chơi tux luz (chọi cù) của các em nhỏ. Những con cù gỗ quay vù vù nện vào nhau chan chát, là nguyên nhân cho những trận cười giòn như nắc nẻ, vọng lên tít đỉnh núi, vang vào tận thung sâu...

Người Mông Tây Bắc chỉ ăn tết 3 ngày nhưng thanh niên chơi tết thì có nơi tới hơn 1 tháng. Sang xuân ấm áp, đồng bào lại bắt tay vào một mùa nương mới với những công việc của nhà nông bề bộn của đời này nối tiếp đời kia như dãy Pú Minh hùng vĩ, vút cao mấy nghìn năm vẹn nguyên cùng tuế nguyệt...
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Quay về Lào Cai

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.1 khách.

cron