Ấn tượng Sapa

Ấn tượng Sapa

Gửi bàigửi bởi hungcay » 22 Tháng 4 2011

ẤN TƯỢNG SA PA
Sapa là một huyện nhỏ của tỉnh Lào Cai, nằm ở độ cao 1.600 mét so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình
năm từ 15 đến 18 độ C. Miền đất có địa hình chủ yếu là đồi núi này là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc
anh em như: Mông, Tày, Giao, Giáy... Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, phong tục tập quán riêng, tất cả cùng
tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và sống động.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, trong đó sách "Non nước Việt Nam" khi nhắc đến Sapa cũng chép rằng:
"...nằm xen giữa rừng đào thơ mộng và những rặng sa mu là những biệt thự cổ kính xen cùng biệt thự hiện
đại kiến trúc theo kiểu phương tây, khiến cho thị trấn mang nhiều dáng dấp của Châu Âu. Từ thị trấn Sapa
nhìn sang phía Tây là dãy Hoàng Liên Sơn, bốn mùa sương giăng buổi sớm...". Những yếu tố thiên tạo và
nhân tạo ấy đang là điều kiện để Sapa phát triển ngành du lịch. Ở vùng cao, chợ không chỉ là nơi thông
thương hàng hóa mà còn là nơi kết giao tình cảm cộng đồng và sinh hoạt văn hóa. Lên Sapa, gặp buổi chợ
phiên, hàng hóa căng đầy trong quán chợ. Đủ thứ nhu yếu phẩm như mận, mơ, đào, mộc nhĩ, măng khô hay
những tấm phà của người Thái, những tấm vải thổ cẩm sặc sỡ sắc màu của người Mông.... Và cũng là ngày
nam thanh và nữ tú ăn bận bộ đồ đẹp nhất xuống chợ mong tìm cho mình mối lương duyên. Cứ như thế,
ngày tháng cứ mải miết trôi còn văn hóa chợ đã trở thành nét riêng độc đáo và đầy ý nghĩa của đồng bào các
dân tộc vùng cao.
Một ngày ở Sapa cũng có đủ bốn mùa thời tiết. Sáng là mùa xuân, trưa là mùa hạ, chiều là mùa thu và đêm
xuống là mùa đông. Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà năm xưa người Pháp đã chọn Sapa để xây dựng những
khu biệt thự dành để nghỉ ngơi và ngoạn cảnh. Một chốn mây núi phong tình, núi ấp ôm mây, mây ấp núi.
Chỉ vậy thôi cũng đã là nguồn thi hứng bất tận của thi ca. Vậy mà Sapa vẫn còn nhiều câu chuyện truyền kỳ,
có thác bạc, cầu mây... Bao đời nay, tên đất tên làng có thể đổi thay theo thời thế, nhưng người Sapa vẫn cứ
mãi ở nơi đây, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước gìn giữ cơ nghiệp tổ tiên. Họ lấy núi rừng là nguồn cung cấp
thức ăn và hoa trái. Họ cũng vào rừng lấy gỗ, lấy mây về để làm nhà, che nắng che mưa.
Người Mông có câu tục ngữ: "Muốn biết người tốt xem gác bếp, muốn hay người đẹp thì xem áo quần". Sự
khéo léo trong dệt vải, thêu hoa văn cũng là thước đo giá trị của phụ nữ:
"Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu
Gái xinh chưa biết cầm kim là hư."
Theo lệ của người Mông, các thiếu nữ khi đến tuổi trưởng thành phải tự thêu cho mình váy áo để mặc trong
ngày về nhà chồng. Tập quán của người Mông cũng đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả
năng thêu thùa bộ trang phục mặc trong ngày cưới. Thuở sơ khai, những tấm vải, bộ váy còn được dệt và
trang trí một cách đơn giản. Về sau, từ những củ cây rừng họ đun nấu, chắt lọc tạo thành đủ thứ màu sắc.
Cũng từ đấy, bộ trang phục được thêu dệt ngày càng công phu các họa tiết hoa văn.
"Lớn lên anh theo cha đi cày
Theo anh vào rừng săn thú
Lớn lên em theo mẹ tập thêu
Theo chị nhuộm chàm, in hoa văn trên váy mới."
Cứ như thế, mẹ nối nghiệp bà, con nối nghiệp cha, lễ tục được giữ gìn và truyền dạy cho muôn đời con cháu.
Một trong những nét vẽ mà thiên nhiên và con người cùng tạo tác nên bức tranh Sapa đẹp đến bâng khuâng
trong cái đứt nối, chấm phá hữu hạn và vô hạn là dòng suối và những cây cầu heo hút cheo leo. Nhưng cũng chính sự cheo leo ấy đã tạo ra cho bạn, cho tôi những tua du lịch mạo hiểm đầy kỳ thú và hấp dẫn. Nằm
cách trung tâm huyện lỵ không xa, bản Thanh Long còn nguyên nét hoang sơ của đất trời ngày khai lập.
Những con người ở đây luôn hào phóng, sẵn lòng đón bạn, đón tôi. Phong cách vùng cao, và tục đón khách
thật là hi hữu. Mọi người cùng xuống bếp tự chế biến cho mình những món đồ yêu thích. Trong bầu không
khí chung, mọi người cùng hòa đồng trong tình cảm giao lưu. Dù bạn có ở tận phương tây xa xôi thì cũng
tập nấu bếp, làm nem, thử cuộc sống của vùng cao.
Cách thị trấn Sapa không xa, nằm trong thung lũng Mường Hoa, rải rác xen giữa những thửa ruộng bậc
thang là một bãi đá cổ rộng chừng 8 km2. Năm 1925 người ta đã phát hiện và lên đây nghiên cứu. Các nhà
khảo cổ chứng minh đây là một di sản của cư dân Việt cổ. Với hơn 200 hòn đá kích thước khác nhau, hòn
lớn nhất dài chừng 15 mét, rộng 6 mét. Người xưa đã để lại trên đó nhiều lớp trạm khắc như: tranh tả thực,
hoa văn trang trí, hình người, nhà sàn, cảnh sinh hoạt làng bản và nhiều dấu hiệu có thể là chữ viết của
người xưa. Theo phỏng đoán thì đó chính là bức tranh toàn cảnh một cộng đồng thu nhỏ, có thực suy, và cả
những khát khao, mong mỏi về một cuộc sống thanh bình của người xưa. Sách "Non nước Việt Nam" có
đoạn chép: "Sapa không chỉ giàu về tài nguyên thiên nhiên, nhiều cảnh đẹp mà còn là nơi đất đai màu mỡ,
có đông các dân tộc anh em cùng chung sống". Như vậy, với văn nhân thì Sapa là nhạc, là thơ, là nguồn cảm
hứng sáng tạo, với con người thì nơi đây là mảnh đất sinh cơ, còn với du khách thập phương thì Sapa mãi là
điểm dừng chân và khám phá.
Sapa giờ đây nhiều nét mới đổi thay. Trên độ cao 1.600 mét, một thị trấn nhỏ đã khang trang. Một lần tới
Sapa, bạn nhớ ghé nhà thờ để chứng kiến buổi lễ cầu kinh của những con người xứ núi. Một lần gặp lại
Sapa, dẫu không được nhìn cảnh tuyết rơi thì cũng chưa hẳn đã hoài công sức. Bởi những con người xứ núi
luôn hào phóng và mở lòng đón bạn. ấn tượng Sapa, một thành phố của cao nguyên sương giăng và mây
trắng. Quá khứ hôm qua, hiện tại hôm nay còn mãi âm vang, như bản trường ca không bao giờ ngưng nghỉ
về thiên cảnh, về nhân cảnh và về những con người dung dị của Sapa.

Sapa mờ sương
Cái mênh mông bất tận đến choáng ngợp bởi khoảnh khắc ta tưởng chạm tới mây trời, đó là Sapa - không gian lý tưởng nhất để những đôi bạn trẻ khởi đầu trang nhật ký được viết liên tục trong suốt cuộc đời họ.
"Nghe tiếng cười vang lên trong rừng cây mà người đâu chẳng thấy. Ôi Sapa mù sương. Ôi Sapa mù sương...", câu hát véo von của cô gái miền sơn cước như mời gọi bạn ngược chuyến tàu lên thăm thành phố treo lơ
lửng giữa mây trời.
Thành phố ngút ngàn trên tầng mây Cách Hà Nội gần 400 km về phía Tây Bắc, Sapa còn có tên là thành phố
cát. Vào giữa mùa hè, nếu nhiệt độ ở Hà Nội là 35oC thì Sa Pa chỉ có 21oC. Vượt cây cầu sang bên kia chợ Cốc Lếu, thêm độ mươi km là bạn bắt đầu cảm nhận Sapa bởi cái lạnh thấm dần vào da thịt. Cùng với đó, phong cảnh thiên nhiên hiện lên rực rỡ như những bức tranh: Cầu Mây duyên dáng bắc qua suối Tà Văn lơ lửng, làm ai đang đứng trên cầu cứ tưởng lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Xa xa là suối Bạc tuôn chảy ngút ngàn như dải lụa trắng trải dài giữa lưng chừng núi. Những vườn đào đơm hoa hồng thắm, những vườn mận, vườn lê bông trắng như tuyết. Các bản người H'mông, người Nhắng, Dao rải rác ở thung lũng như những tổ yến bám vào vách núi cheo leo thật ngoạn mục.Những ngôi biệt thự kiểu Pháp lừng lẫy một thời, dinh vua Mèo, nhà thờ cổ cùng với những khách sạn hiện đại thấp thoáng sau bóng thông già. Không khí trong lành hoà cùng một không gian tràn đầy màu sắc làm ngất ngây lòng người.Tiếng gió, tiếng chim kêu bên suối, tiếng khèn, tiếng kèn lá của trai gái gọi nhau trong phiên chợ tình cứ làm bạn thêm háo hức như không muốn rời...
Cùng thám hiểm cổng nhà trời May mắn gặp ngày nắng ráo, ít sương mù bạn có thể thấy đỉnh Phan-xi-phăng cao 3.142 mét, được bao phủ trong những lớp mây trắng như tuyết. Bảy giờ sáng, leo núi qua rừng trúc và ăn trưa ở độ cao 1.500 mét. Sáu giờ tối bạn lập trại và ngủ ở độ cao 2.100 mét. Hôm sau, leo lên đến 12 giờ trưa thì đến đỉnh, quay về đỉnh 2.000 mét để nghỉ đêm thứ hai.
Hương vị
Điểm tâm tại chợ Sapa có bánh cuốn và thịt nướng. Du khách đến Sapa có thể thưởng thức các món rau quả vùng ôn đới có vị đặc trưng miền sơn cước như rau mỳ chính, su su, su hào, nấm hương... Đǎồc biệt, rau ô dây có vị chua khá lạ miệng. Lại còn món canh khoai Lệ Phố hay khoai Thượng Hải vừa ngon vừa bùi. Ghé Lào Cai bạn chớ quên nếm thử món cuốn sủi, một loại phở không nước mà chỉ rưới nước thịt bò nấu sệt trộn chung với lạc, dong. Thịt heo và vịt quay mang âm hưởng Trung Quốc cũng không thua kém gì so với thịt heo quay than hoa Lạng Sơn. Từ Sapa đi thăm chợ phiên Bắc Hà, có thể nghỉ ở khách sạn Trần Xìn, đối diện chợ và đừng quên thưởng thức món khâu nhục. Thịt heo ba chỉ thái miếng to trùm lên trên bát lớn đựng rau dưa chua và vị thuốc hấp nhừ. Đến chợ Simacai nếm thử thắng cố, một dạng thập cẩm thịt, da và xương các loài ăn cỏ như ngựa, bò, dê... Rượu ngô Bản Phố bán tại con dốc Trung Đô giữa Sapa và Bắc Hà, mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc là món quà lý tưởng cho người miền xuôi. Nếu là người chơi thổ cẩm, bạn đừng bỏ qua bản Cát Cát, Sín Chải. Nếu muốn "chinh phục" đỉnh Phan-xi-phăng, bạn có thể đǎng ký để tham gia tour thử nghiệm với giá chào là 300.000đ/người.
Thay lời kết
Sapa mờ sương được khám phá lần đầu tiên vào năm 1918 khi một phái đoàn thầy tu dòng Tên đến thăm vùng này.Thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, bị cuốn hút bởi khí hậu và phong cảnh nơi đây, năm 1932 bắt đầu xây dựng Sapa thành khu du lịch sinh thái. Sau khi xây dựng lại các khu định cư của dân tộc thiểu số, Pháp đã xây dựng các lộ
trình giao thông nối liền Sapa với Lào Cai và Lai Châu, xây dựng nhà thờ, khách sạn, sân tennis và trên 200 biệt thự.Tất cả các quần thể này bị bỏ hoang trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam diễn ra. Một thời gian dài sau chiến tranh, Sapa gần như bị lãng quên. Đến đầu những năm 90, khi nước ta thi hành chính sách mở cửa, du khách nước ngoài bắt đầu đến với Sapa với tư cách là một danh thắng tự nhiên và biết đến Sapa qua phiên chợ tình nổi tiếng.
Nguyễn Tiến Hùng sưu tầm 11:03 06/06/2006
..đừng chỉ đọc, hãy bình luận hoặc gửi bài mỗi lần vào diễn đàn..!!
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
hungcay
Super Guide
Super Guide
 
Bài viết: 298
Ngày tham gia: 16 Tháng 4 2011

Quay về Lào Cai

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.1 khách.

cron