Đền Quán Thánh

Đền Quán Thánh

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 06 Tháng 7 2011

Các bài viết về Đền Quán Thánh
Link đến bài viết: http://hungminh.wordpress.com/tag/quanthanh
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Đền Quán Thánh

Gửi bàigửi bởi admin » 05 Tháng 12 2012

Trải qua hơn 300 năm, ngôi đền uy nghi và tượng thánh Huyền Thiên Trấn Vũ ở phía Bắc kinh thành Thăng Long – Hà Nội vẫn là một di tích lịch sử – văn hoá nổi tiếng mà khách du lịch và người hành hương khắp nơi vẫn về chiêm ngưỡng, dâng hương rất đông. Và trong tâm linh người Việt, thánh vẫn là đấng thiêng liêng vô hình vừa có công tích diệt trừ yêu quái – hồ tinh chín đuôi – như huyền thoại, vừa là biểu tượng của sự trấn an – bảo vệ phía Bắc kinh thành cho đời sống nhân dân được yên vui, thái bình.

Hình ảnh

Đền Quán Thánh

Mạn nam Hồ Tây, phường Quán Thánh, huyện Vĩnh Thuận trước đây, nay là giao điểm của đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, toạ lạc ngôi đền lớn, với tam quan kỳ vĩ, phía trên tạc ba chữ lớn “Trấn Vũ Quán” – đó là đền Quán Thánh hoặc quán Trấn Vũ, thuộc quận Ba Đình.

Gọi là Quan Thánh là không chính xác, Quán Thánh tức là quán thờ thánh Trấn Vũ, vị thánh mà theo huyền thoại, có trọng trách trấn giữ phương Bắc. Quán là nơi thờ của Đạo giáo. Xưa, quán là nơi tu luyện của các đạo sĩ theo đạo giáo, chuyên tu theo thuyết thần tiên, và luyện các pháp thuật. Thời Pháp thuộc, người Pháp thấy căn cứ pho tượng thánh đồ sộ, uy nghi cho là tượng Phật, nên họ gọi đền này là “đền Phật lớn” (Temple du Grand Bouddha). Tương truyền đền được xây năm 1102 trong hoàng thành, thờ “Huyền Thiên Trấn Vũ chân quán” hoặc “Huyền Thiên Chân Vũ Đại đế” hoặc nữa “Trấn Thiên Chân Vũ Đại đế”. Năm 1474, do mở rộng hoàng thành (nội kinh), đền được di dời ra ngoài và xây ở bờ nam Tây Hồ, tức địa điểm hiện nay.

Theo văn bia ở đền thì quán này được xây dựng từ đời Lý Thái Tổ, ngay lúc thiên đô ra Thăng Long, năm Thuận Thiên thứ nhất (1010). Đền đã nhiều lần được sửa chữa: 1768 – đời vua Lê Hiển Tôn, 1810 – năm Gia Long thứ 9, 1842 – đời Thiệu Trị thứ hai. Nhưng có hai lần trùng tu lớn là năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677, đời Lê Hi Tôn) và năm Thành Thái thứ 5 (1893). Đền có phong cảnh thâm u, kiến trúc đường bệ, rất hấp dẫn người hành hương và khách du lịch.

Hình ảnh

Hội đền Quán ThánhThần tích cho biết, ngày xưa có con hồ ly tinh chín đuôi, tung hoành khắp nơi, làm hại dân rất nhiều. Vùng hồ Tây cũng không thoát cảnh đó. Ngọc Hoàng Thượng đế động lòng, cho thần Huyền Thiên giáng hạ, trừ hại cho dân. Huyền Thiên dùng thần kiếm và phù phép giết được hồ tinh. Ngoài nạn hồ tinh chín đuôi, vua Lý lập đền thờ này để trừ mọi loại yêu quái khác, giữ yên phương Bắc cho kinh thành. Thời ấy, đền có tượng gỗ, đến đời Lê Hi Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 (1677), nhân trùng tu đền, triều đình cho đúc tượng thánh bằng đồng đen cao 3,96m, nặng gần 4 tấn. Chu vi phần dưới tượng là 8m. Năm 1892, dựng một bệ đá cao 1,50m, để đặt tượng lên. Tượng trong tư thế ngồi oai nghiêm trên bệ đá, y phục nai nịt gọn gàng, mặt vuông, mắt nhìn thẳng, đầu trần, chân đất, tóc xoã ra sau, mặc áo đen. Tay phải tỳ lên đốc kiếm, có rắn quấn quanh lưỡi kiếm, mũi kiếm chống lên lưng rùa. Tay trái Thánh giơ ngang ngực, ngón trỏ, ngón út chỉ thẳng lên trời, bắt quyết trừ tà, cứu độ chúng sinh. Kiểu ngồi niệm chú như thế Đạo giáo gọi là “Giả tọa”. Tượng thần có hình rùa và rắn vì rùa và rắn là tượng trưng của thần trấn giữ phương Bắc. Đây là mô phỏng văn hoá Hán, các mộ thời Hán, Đường thường làm hình rùa và rắn ở phía Bắc mộ để trấn áp tà ma. Thần mặc áo đen vì theo thuật thiên văn phương Đông cổ thì mỗi phương trời mang một sắc màu, trong đó phương Bắc có sắc đen. Về nghệ thuật điêu khắc, tượng thánh Trấn Vũ ở đền Quán Thánh là một công trình quý giá của thế kỷ XVII còn lại tới ngày nay, đồng thời đánh dấu trình độ kỹ thuật đúc đồng của dân ta cách đây đã 300 năm. Cùng đúc với tượng, còn có quả chuông hiện ở gác tam quan. Chuông cao gần 1,5m. Tiếng chuông trong trẻo, vang xa bao năm tháng đã “cùng sống” trong sinh hoạt dân dã thân quen của nhân dân kinh thành:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ…

Đền còn có chiếc khánh đồng lớn 1,10m x 1,25m do Đại đô đốc Lê Văn Ngữ (thời Tây Sơn) đứng ra quyên góp để đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794), nay vẫn còn. Thời Nguyễn, năm Tự Đức thứ 9 (1856) Phạm Xuân Quế, bố chánh Sơn Tây cùng Tôn Thất Giao, bố chánh Hà Nội và tri huyện Vĩnh Thuận Phan Huy Khiêm, tổ chức quyên góp, xây thêm hành lang, gác chuông, và mở thêm gian thờ Văn Xương đế quân.

Cuối thế kỷ XIX, nhà nho yêu nước Kỳ Xuyên Nguyễn Thông (1827 – 1894) đã làm bài thơ khơi dậy hồn thiêng đất nước (trước hoạ ngoại xâm) thông qua hình tượng Trấn Thiên Chân Vũ Đại đế:

Phiên âm:

Cổ quán Tây lâm Lãng Bạc hồ
Thiên niên linh tích mãn danh đô
Liên hoa nhiễu chữ toàn khai kiếm
Trúc điệp hoà giang tiểu thí phù
Trần thế hữu tâm hồi đại kiếp
Phù sinh vô lực vãn hồng lô
Chung thanh hoán khởi tang thương mộng
Tá vấn Huyền Chân mộng tỉnh vô?

Dịch:

Quán cổ nhìn ra Lãng Bạc hồ
Ngàn năm thiên tích chốn danh đô
Hoa sen nổi bến như gươm báu
Lá trúc trôi sông tựa mảnh bùa
Trần thế có lòng xoay thế cuộc
Phù sinh không sức níu cơ đồ
Chuông vang chợt nhớ đời dâu bể
Nhờ gọi Huyền Chân tỉnh mộng cho.

(Ngô Đức Thọ dịch)

Đền còn thờ các thần khác như Tứ đại Nguyên suý Pháp tượng, Bạch Ngọc thần Pháp tượng…nhưng đáng lưu ý là tượng Tử đồng Văn Xương đế quân. Đây là vị thần theo quan niệm Đạo giáo, coi về văn chương thi cử. Uy tín của thần rất lớn đối với các nho sinh. Khoảng đầu thế kỷ này, các thầy đồ, thầy khoá cứ vào các ngày mồng 1, ngày mồng 6 âm lịch hàng tháng thường mang vàng hương lễ vật đến khấn cầu rất thành kính, rồi ngủ lại đền chờ thần báo mộng xem cuộc thi sắp tới đỗ hay không đỗ. Nhất là những năm, tháng có khoa thi thì đền càng tấp nập. Sở dĩ có lệ ấy là do tương truyền thuyết, thần từng giáng bút cho biết, vì thấy nước Nam là nước văn hiến nên hàng tháng cứ vào hai ngày ấy thần sẽ tới báo mộng cho sĩ tử…

Như trên đã nói, trong bốn trấn thì trấn phương Bắc này phải vĩnh viễn trấn áp mọi loài yêu quái ở Hồ Tây, nên từ đời Lê, dân làng Yên Quang (sát Hồ Tây) hàng năm hai lần phải cử hành lễ rước “thần Hồ” theo bờ Hồ Tây, để biểu tượng uy quyền của thánh và sức mạnh của dân, áp đảo các thế lực hắc ám. Trước khi rước, có lệ tuyên đọc sắc chỉ của vua. Mồng 3 tháng Ba là ngày chính hội có rước từ đền Quán Thánh tới đền Thụy Khuê. Từ khi tượng thần Văn Xương chuyển ra thờ ở đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm) thì lệ tục kia cũng không còn.

Đền Quán Thánh còn một di sản quý báu khác, đó là sáu tấm bia đá, trong đó có những bia nói rõ lẽ huyền diệu trong việc tu dưỡng tinh thần – đạo lý và việc tu sửa đền mà các tác giả đều là những Trạng Nguyên, Tiến sĩ hoặc Thiền sư được các triều Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn sai soạn như: Trạng nguyên Đặng Công Chất (1616 – ?), Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương (1622 – 1681), Phổ Huệ Quang Không hiển ứng đạo hiệu Viên Thông… hoặc Tiến sĩ Lê Huy Vinh (soạn vào khoảng 1857).

Ngoài ra, ở nhà bái đường, có một pho tượng nhỏ màu đồng đen, ở tư thế ngồi, đầu trần cạo trọc, nét mặt tươi vui, nay vẫn được hương khói. Tương truyền đó là tượng của người thợ đúc đồng – ông trùm Trọng – chính là tác giả pho tượng thánh Trấn Vũ tuyệt mỹ kia. Nguyên khi đúc thành công pho tượng thánh, ông chỉ có nguyện vọng duy nhất là sau khi ông qua đời, ông được thờ phụng ở đền này. Tượng này chắc chắn do học trò của ông đúc để kính viếng người thầy, người thợ cả tài hoa của họ.

Hội đền Quán Thánh diễn ra thường niên vào ngày 03 tháng 03 Âm lịch
Đặc điểm: Giáng bút, cầu mộng, cầu lộc.
Đối tượng suy tôn: Đại Đế Huyền Thiên Trấn Vũ – thần trấn phương Bắc.
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội


Quay về Đền, chùa Hà Nội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.1 khách.

cron