Cướp giật rình rập du khách

Thông tin để ACE tham khảo nhắc nhở khách khi tác nghiệp..

Cướp giật rình rập du khách

Gửi bàigửi bởi admin » 20 Tháng 7 2013

Thứ hai, 09/05/2011, 04:18 GMT+7
Tại cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM cuối tháng trước, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Christopher C.Twomey khuyến cáo chính quyền địa phương cần có biện pháp để ngăn chặn nạn cướp giật, nếu không sẽ mất danh tiếng là điểm đến an toàn.

Ngồi ăn cũng bị giật đồ

Theo Công an TP.HCM, các vụ cướp giật tài sản của du khách diễn ra muôn hình vạn trạng. Ngày 3.3, ở góc đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1), chị Anna Julia Urban, du khách người Đức, đang đi bộ thì bị 2 đối tượng đi xe gắn máy ép sát giật túi xách. Rất may, Công an Q.1 trên đường tuần tra đã phát hiện và bắt giữ, trả lại tài sản cho khách. Mới đây, tại giao lộ Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi (P.Bến Nghé, Q.1), bà Kanda Michiyo (Nhật) đang đi thì bị hai thanh niên chạy xe gắn máy giật túi xách nhưng không thành. Hậu quả bà Kanda Michiyo té xuống đường, bị thương nặng, hôn mê.

Hình ảnh
Đối tượng cướp giật thường rình lúc du khách qua đường để ra tay - Ảnh: D.Đ.Minh

Có nhiều vụ khách bị cướp khi đang ngồi trong quán. Ngày 4.3, anh Toru Yamada, du khách Nhật Bản, đang ngồi ở tiệm internet số 38 Tôn Thất Tùng (P.Bến Thành, Q.1) thì bị giật túi xách, bên trong có nhiều đồ đạc giá trị. Ngày 10.2, trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, anh Shuichi Kitahara, cũng người Nhật, đang ngồi ăn phở thì bị người đi xe máy giật túi xách. Người dân đuổi theo giật lại được túi, nhưng thủ phạm tẩu thoát. Ngày 12.4, trên đường Trần Quý, P.6, Q.11, ông Liu Rui Zeng và vợ là bà Yuan Mei Xia, khách du lịch Trung Quốc, đang đi bộ băng qua đường đã bị 2 thanh niên chạy xe gắn máy giật túi xách.

"Hễ thấy khách đeo dây chuyền là tôi khuyên họ tháo ra cất ngay. Vậy mà có người không nghe, mới vừa băng qua đường thì bị giật mất" Nguyễn Minh Tuân-Nhân viên Đội bảo vệ du khách

Các khu vực phức tạp, khách dễ bị giật đồ nhất là chợ Bến Thành, xung quanh Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, trước Bưu điện Thành phố... Anh Lê Hoài Nhơn - nhân viên Đội bảo vệ du khách, thường được gọi là “áo xanh”, trực chốt ở Bưu điện thành phố - cho biết mới đây khi đang trực thì anh nhận được tin từ đồng nghiệp báo là đối tượng vừa giật đồ của du khách đang phóng xe về hướng bưu điện, anh và đồng nghiệp phối hợp đón lõng. Truy đuổi đến gần dinh Thống Nhất thì các anh bắt được thủ phạm và giao cho công an. Tang vật là sợi dây chuyền vàng 3 lượng. Nạn nhân - một du khách Thái Lan - cho hay lần trước mình tới TP.HCM du lịch cũng bị giật mất điện thoại. Tình trạng này - theo anh Nguyễn Minh Tuân - “áo xanh” trực chốt Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - khiến du khách Nhật rất cảnh giác, hầu như chẳng muốn người lạ tới gần. “Thấy họ dò đường, tôi tới để giúp đỡ nhưng họ xua tay”, anh Tuân nói. “Hễ thấy khách đeo dây chuyền là tôi khuyên họ tháo ra cất ngay. Vậy mà có người không nghe, mới vừa băng qua đường thì bị giật mất”, anh kể.

Theo các “áo xanh”, đối tượng thường lợi dụng lúc du khách băng qua đường, lo nhìn xe cộ là ra tay.

Làm xấu hình ảnh quốc gia

Ông Phạm Xuân Anh, giám đốc một công ty du lịch chuyên về khách tàu biển, cho rằng thời gian gần đây nạn cướp giật tài sản của du khách diễn biến phức tạp hơn trước. Cướp giật xảy ra ngay trong trung tâm thành phố, nơi có đông người qua lại, do du khách chủ quan vì nghĩ rằng đây là nơi an toàn. Vì thế, câu cửa miệng của các hướng dẫn viên khi đưa khách đến điểm tham quan là “hãy cẩn thận, đi trên vỉa hè, dây máy chụp ảnh cột chặt trong tay, gửi dây chuyền và tài sản có giá trị ở khách sạn”.

Du khách sau khi bị cướp giật đã phản ánh với công ty du lịch nước ngoài (đơn vị đối tác đưa khách cho công ty Việt Nam); đồng thời lên các diễn đàn về du lịch phản ánh. Sau mỗi bài viết là hàng trăm bình luận của nhũng người khác. “Việt Nam là một điểm đến tuyệt vời. Nhưng trong rất nhiều năm đi du lịch của mình, đây là lần đầu tiên tôi bị cướp giật, địa điểm gần khách sạn Rex. Do vậy, những lần sau đi ra đường, tôi chẳng dám mang theo thứ gì giá trị”, một du khách nước ngoài viết trên trang tư vấn du lịch nổi tiếng Tripadvisor.

Theo ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng Voyages, trong du lịch, thông tin truyền miệng là rất quan trọng, tác động lớn tới việc du khách quyết định chọn điểm đến. Do đó, nếu không có biện pháp hạn chế nạn cướp giật, du khách sẽ “một đi không trở lại”, các kế hoạch quảng bá du lịch cũng khó đem lại hiệu quả.

Cần có cảnh sát du lịch

Theo các doanh nghiệp lữ hành, cần có lực lượng cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách, qua đó bảo vệ hình ảnh du lịch Việt Nam. Trước mắt, “áo xanh” cần được tăng cường hỗ trợ từ công an. Đồng thời nên có thưởng nóng cho người bắt được đối tượng cướp giật.

Người viết : N.T.Tâm - H.Việt (Thanh Nien Online)
Hình ảnh
...những bài viết, những dòng bình luận của bạn sẽ làm diễn đàn ngày một phát triển.
Hình đại diện của thành viên
admin
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn
 
Bài viết: 2278
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Hà Nội

Quay về Những rắc rối đối với khách Nhật Bản khi thăm quan tại Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.1 khách.

cron