Quá trình đích thân chấp chính (1878 – 1912)Phong trào Thiên hoàng chấp chínhĐến những năm 1877 – 1878, chính trường Nhật Bản lúc đó có nhiều biến
động lớn. Nhóm Duy Tân tam kiệt, tức ba nhân vật lừng lẫy nhất trong
cuộc lật đổ chế độ Mạc phủ lần lượt qua đời. Những người thay thế họ,
tức Itō Hirobumi (Y Đằng Bác Văn) và Ōkuma Shigenobu (Đại Ôi Trọng Tín)
thì lại có xích mích với nhau. Các công thần của phong trào Duy Tân thì
cứ ôm hết đại quyền quốc gia nên thường bị phê phán sau lưng. Thêm vào
đó, phong trào Tự do Dân quyền đang phát triển mạnh, nó liên kết với
phong trào chống cải cách ruộng đất của địa chủ và đe dọa đến triều
đình. Lúc này, triều đình cần có một người cầm lái vững mạnh để ổn định
lại tình hình đất nước, và họ nghĩ đến Thiên hoàng Minh Trị.
Tháng 5 năm 1878, những thầy dạy học của Thiên hoàng đã phát động phong
trào "Thiên hoàng chấp chính", đòi ông đích thân đứng ra xử lý đại sự
quốc gia. Họ kể với ông về cuộc Kiến Vũ tân chính (1333 – 1336) của
Thiên hoàng Hậu Đề Hồ, và nhấn mạnh rằng, sở dĩ Hậu Đề Hồ lại tiếp tục
để mất quyền bính vào tay Mạc phủ Ashikaga vì Thiên hoàng Hậu Đề Hồ quá
tin những thủ hạ chung quanh, không trực tiếp xử lý triều chính. Họ cố
khuyên Minh Trị không nên đi theo vết xe đổ của Thiên hoàng Hậu Đề Hồ
năm xưa. Lúc này, sau nhiều năm học hỏi việc pháp trị và văn hóa Đông
Tây, ông cũng bắt đầu có những chủ trương, chính kiến độc lập đối với
việc chính sự; và dĩ nhiên ông cũng mong muốn tự mình đứng ra nắm lấy
đại quyền. Đồng thời, người đứng đầu Nội các lúc đó là Nội Vụ khanh Itō
Hirobumi cũng cảm thấy một mình khó đối phó với phong trào Tự do Dân
quyền cũng như phong trào Thiên hoàng chấp chính, thế là Hirobumi quyết
định lựa chọn ủng hộ việc Thiên hoàng Minh Trị đích thân nắm lấy quyền
bính, mưu dùng uy tín của Thiên hoàng để đối phó với nhóm Tự do Dân
quyền.
Có điều, trong khoảng giai đoạn đầu chấp chính, Thiên hoàng Minh Trị gần
như không có ý kiến gì trước các cuộc bàn thảo của triều thần, và ông
đều phê chuẩn tất cả các nghị quyết của Nội các. Thiên hoàng cũng dùng
uy tín của mình để giúp đỡ Nội các trước những khó khăn, thách thức,
trong đó có một việc quan trọng bậc nhất là bóp chết phong trào Tự do
Dân quyền.
Đàn áp phong trào Tự do Dân quyềnTháng 3 năm 1881, một nhóm cựu du học sinh người Nhật ở Pháp bao gồm Tây
Viên Tự Công Vọng, Tùng Điền Chính Nghĩa,… sau khi về nước đã đứng ra
thành lập tờ báo Đông Dương Tự do Tân văn, chủ trương thành lập nền dân
chủ triệt để, truyền bá tư tưởng tự do. Trước đó, vào năm 1880, triều
đình được sự ủng hộ của Thiên hoàng đã thông qua "Điều lệ hội họp" và
"Điều lệ báo chí" hạn chế gắt gao quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp,
cấm phát hành các văn kiện bàn bạc về chính trị,… nhưng triều đình không
áp dụng ngay với trường hợp của Tây Viên Tự Công Vọng, vì Tây Viên Tự
Công Vọng là anh ruột của quan Thị tùng trưởng của Thiên hoàng và có ảnh
hưởng chính trị rất lớn. Thay vào đó, triều đình Thiên hoàng cố gắng
dùng biện pháp khuyên nhủ, uy hiếp nhằm thuyết phục Tây Viên Tự Công
Vọng rút lui khỏi tờ báo nhưng đã không thành công. Cuối cùng, Thiên
Hoàng buộc phải dùng đến biện pháp cứng rắn, ra sắc lệnh buộc Tây Viên
Tự Công Vọng rút lui khỏi tờ báo và sau đó ra sắc lệnh đóng cửa luôn tờ
báo – trước sau ra được 34 số. Để xoa dịu phong trào đấu tranh của quân
chúng, tháng 10 năm 1881 Thiên hoàng Minh Trị đã ra một chiếu thư tuyên
bố sẽ triệu tập quốc hội vào năm 1890, nhưng quyền hạn của quốc hội sẽ
do Thiên hoàng quyết định. Đồng thời ông cũng không quên đe dọa:
“Trẫm đã nói rõ kế hoạch như trên, nếu ai vẫn tỏ ra nôn nóng, vẫn
sách động gây sự, làm nguy hại đến an ninh của quốc gia, thì sẽ bị dựa
theo quốc pháp mà trừng trị. ”
Minh Trị Thiên hoàng,
Do bị triều đình Thiên hoàng đàn áp và phân hóa, phong trào Tự do Dân
quyền đã nhanh chóng suy yếu. Sau khi Thiên hoàng Minh Trị ngồi vững
trên ngai vàng thống trị, ông đã bắt đầu tăng cường địa vị của mình, nắm
gọn toàn bộ thực quyền. Chế độ Thiên hoàng cận đại dần đi vào hoàn
thiện.
Tăng cường thế lực, gia sản của Hoàng giaTháng 2 năm 1882, Iwakura Tomomi – vốn là một nhân vật chống lại nhóm Tự
do Dân quyền – đề xuất rằng trước khi soạn thảo Hiến pháp thì cần phải
mở rộng tài sản của Hoàng gia. Việc này nhằm đề phòng trường hợp dự toán
ngân sách của triều đình bị Quốc hội phủ quyết thì Thiên hoàng có thể
sử dụng số tài sản khổng lồ của mình để trang trải kinh phí, trả lương
cho quan lại, đảm bảo quân quyền sẽ áp chế dân quyền. Kiến nghị này được
Thiên hoàng Minh Trị đồng ý ngay.
Để nhanh chóng tăng cường tài sản cho Hoàng gia, Thiên hoàng đã học theo
cách vơ vét tài chính của Mạc phủ trước kia. Trước hết, ông ra tay thu
gom một số lớn ruộng đất vào tay mình: từ 1100 đinh ruộng (1 đinh bằng
15 mẫu) sở hữu vào năm 1882, cho đến năm 1886 Hoàng gia đã sở hữu một số
ruộng gấp 30 lần như vậy. Khi ban bố Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản (1889),
con số này lên tới 1121048 đinh, qua năm sau (1890) tăng gần 3 lần, lên
đến 3069533 đinh. Hầu hết số ruộng này nằm ở các vùng như Phú Sĩ, Mộc
Tăng, Thiên Thành – đây là những nơi có ruộng đất và bãi chăn nuôi tốt
nhất Nhật Bản. Nội sảnh đã phải mở thêm một Cục Ngự dụng để quản lý số
ruộng đất khổng lồ đó. Đồng thời, kể từ năm 1882, Thiên hoàng cũng sở
hửu một lượng lớn chứng khoán, giá trị lên tới 5 triệu Yên trong cổ phần
Ngân hoàng Nhà nước Nhật Bản, 1 triệu Yên trong Ngân hàng Yokohama,
2,06 triệu Yên trong cổ phần công ty du thuyền Nhật Bản. Đây là một con
số cực kỳ lớn so với 1 vạn Yên mà Thiên hoàng Minh Trị thừa hưởng từ Phụ
hoàng Hiếu Minh.
Như vậy Thiên hoàng Minh Trị đã trở thành địa chủ và tài phiệt lớn nhất
Nhật Bản, điều này đã xác lập nền tảng tài chính vững chắc cho sự thống
trị của Thiên hoàng.
Khôi phục, củng cố hình ảnh Thiên hoàngThiên hoàng Minh Trị (1887), mộc bản được in bởi Toyohara Chikanobu (1838 – 1912).
Một biện pháp khác trong việc củng cố quyền lực của Thiên hoàng chính là
nâng cao uy tín và ảnh hưởng của mình trong dân chúng. Trước đây, do
chính sách cô lập và cách ly của chính quyền Mạc phủ suốt nhiều thế kỷ,
hình ảnh của Thiên hoàng rất ít được phổ biến trong dân chúng. Nhiều câu
ca dao đã ví Thiên hoàng như "con chim phượng hoàng bị sa cơ, con chim
trĩ chạy lửa rừng đang thiêu đốt". Nay Thiên hoàng Minh Trị và triều
đình không cho phép chuyện đó xảy ra nữa, Họ dùng đủ mọi biện pháp tuyên
truyền để nâng cao uy tín Thiên hoàng.
Triều đình Nhật Bản lúc này đã phát động một phong trào Thần thánh hóa
Thiên hoàng khắp trong cả nước. Họ tuyên truyền rằng Thiên hoàng một vị
Thần, thậm chí còn có địa vị cao hơn hẳn các vị thần khác vì theo truyền
thống của Nhật Bản, Thiên hoàng là con cháu của Thái Dương Thần Nữ. Một
điện thờ được xây trong Hoàng cung, và một hệ thống miếu thờ được xây
dựng ở các địa phương trên phạm vi toàn quốc. Năm 1879, triều đình đổi
một miếu thờ cô hồn trên đường Cửu Đoạn Bản ở thủ đô Đông Kinh (được xây
dựng từ tháng 6 năm 1869) thành Miếu Quốc Thần thờ phụng các chí sĩ đã
hy sinh trong sự nghiệp lật đổ Mạc phủ. Về sau, theo đà phát triển của
chủ nghĩa quân quốc Nhật Bản, tất cả những ai chết vì Thiên hoàng – kể
cả những tướng sĩ chết trong các cuộc chiến tranh xâm lược, trong đó có
những tội phạm chiến tranh – đều được thờ trong Miếu Quốc Thần.
Một tờ cáo thị thời đó đã viết:
“Suy nghĩ kỹ đi nào ! Nước Nhật Bản là do tổ tiên của Thiên hoàng
khai sáng. Tất cả những gì trên đất nước Nhật Bản đều là của Thiên
hoàng. Khi các ngươi vừa sinh ra thì phải dùng nước của Thiên hoàng để
tắm, và khi chết đi thì phải chôn xuống đất của Thiên hoàng.”
Đồng thời, ngay từ cuối năm 1873, ảnh của ông đã được phân phối đến các
huyện để treo ở gian phòng chính, và kể từ tháng 1 năm 1874, triều đình
cho phép người dân tới đây để quỳ lạy trước ảnh Thiên hoàng. Việc quỳ
lạy ảnh chân dung Thiên hoàng được xem là một nghi thức thiêng liêng
thần thánh, trước giờ chưa từng xảy ra. Vì vậy, phàm ai quỳ lạy ảnh
Thiên hoàng phải ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ theo lễ phục Nhật Bản; việc
nói chuyện ồn ào bị cấm đoán nghiêm khắc. Việc cất giữ ảnh Thiên hoàng
trong nhân dân cũng bị nghiêm cấm, ai vi phạm sẽ bị trừng trị theo quốc
pháp. Đồng thời, đối với học sinh, chỉ những ai theo học ở các trường
lớn, có tiếng tăm mới có "diễm phúc" được quỳ lạy ảnh Thiên hoàng treo
trong trường học. Ảnh của Thiên hoàng không được phân phát đến các
trường học nhỏ, các trường tư; họ chỉ có thể tổ chức cho học sinh đến
các trụ sở huyện hoặc đến các trường học lớn để lạy ảnh Thiên hoàng.
Thiên hoàng cũng liên tục tổ chức nhiều chuyến đi thị sát tại các địa
phương, trong suốt 45 năm tại vị ông đã tổ chức đi thị sát cả thảy 96
lần. Mục đích thực chất của các chuyến "vi hành" này chỉ nhằm nâng cao
uy thế và gieo vào lòng quần chúng nhân dân hình ảnh "nhân từ" của Thiên
hoàng. Chính vì vậy các chuyến vi hành được tổ chức hết sức rầm rộ theo
hình thức tiền hô hậu ủng. Phàm ai nhìn thấy lá cờ Thiên hoàng của đoàn
vi hành đều phải đứng dạt ra bên vệ đường và ngả mũ cung kính chào.
Trong các chuyến "thị sát" kiểu như thế này, Thiên hoàng thường ban phát
ân huệ cho những người con hiếu thảo, những tiết phụ, những người già,
người nghèo neo đơn không nơi nương tựa, hoặc đến bên bờ ruộng xem nông
dân cày cấy, tỏ ra quan tâm đến cuộc sống của người bình dân lao khổ.
Trong việc giáo dục, triều đình Thiên hoàng yêu cầu phải tập trung phổ
biến, truyền bá tư tưởng "trung quân ái quốc" cho các học sinh. Sắc lệnh
giáo dục năm 1880 quy định nhà trường đối với môn lịch sử phải đặt
trọng tâm vào thể chế kiến quốc, tức "Chủ nghĩa hoàng gia là trung tâm"
từ Thiên hoàng Thần Vũ lên nối ngôi trở về sau. Năm 1890, Thiên hoàng
Minh Trị đích thân ban bố Giáo dục sắc ngữ, lấy việc "phụ tá hoàng vận",
"chí trung chí hiếu" làm căn bản, bắt buộc mỗi học sinh hàng ngày phải
quỳ lạy trước ảnh Thiên hoàng, phải nhớ nằm lòng "Sắc ngữ" của Thiên
hoàng và "Di huấn của Hoàng tổ Hoàng tông". Một đoạn trong "Giáo viên
Tiểu học cần biết" soạn thảo năm 1881 có ghi:
“ …phàm dạy môn lịch sử trước tiên là phải bồi dưỡng chí khí tôn
vương ái quốc… Trách nhiệm của giáo viên là phải dạy cho học sinh hiểu
rõ việc trung thành với hoàng gia, yêu quốc gia… ”
Về mặt quân sự, ngày 4 tháng 1 năm 1882 ông ban bố "Quân nhân Sắc luận", ghi rõ:
"Trẫm là Đại nguyên soái của quân nhân các ngươi… là hai cánh tay của các ngươi.",
đồng thời quy định rằng các quân nhân phải làm tròn "năm điều quy định
của võ sĩ đạo": tận trung, lễ nghĩa, tín nghĩa, trọng võ dũng, tiết kiệm
giản dị; đặc biệt "tận trung" được ưu tiên số một. Cụ thể, người quân
nhân phải "trung quân ái quốc", phải sùng bái Thiên hoàng như một vị
Thần. Tinh thần võ sĩ đạo do Thiên hoàng đề xướng nằm nô dịch hóa trong
việc giáo dục quân nhân, biến người lính Nhật Bản thành tên nô lệ cầm
súng cho Thiên hoàng, trở thành công cụ cho mục tiêu bành trướng xâm
lược của các thế lực quân phiệt Nhật Bản.