Khái quát chung về Nhật Bản

Khái quát chung về Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 27 Tháng 6 2011

Nhật Bản
Nhật Bản (chữ Hán: 日本, tiếng Nhật: 日本国 Nihon-koku/Nippon-koku; Hán-Việt: Nhật Bản quốc, chữ Bản (本) trong các văn bản cũ cũng được đọc là Bổn), cũng được gọi tắt là Nhật, là tên của một quốc gia hải đảo hình vòng cung, có diện tích tổng cộng là 379.954 km² nằm xoải theo bên sườn phía đông lục địa châu Á. Đất nước này nằm ở phía đông của Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc và trải từ biển Okhotsk ở phía bắc đến biển đông Trung Quốc ở phía nam.

Nhật Bản thuộc vùng ôn đới, có 4 mùa rõ rệt. Nước Nhật có 4 đảo lớn theo thứ tự từ Bắc xuống Nam là: Hokkaido (北海道 Bắc Hải Đạo), Honshu (本州 Bản Châu), Shikoku (四国 Tứ Quốc) và Kyushu (九州 Cửu Châu) cùng hàng ngàn đảo nhỏ chung quanh. Phần lớn đảo ở Nhật Bản có rất nhiều núi và núi lửa, tiêu biểu như núi Phú Sĩ, cao nhất ở Nhật Bản. Nhật Bản là quốc gia có dân số lớn thứ mười thế giới với ước tính khoảng 128 triệu người. Vùng thủ đô Tōkyō, bao gồm thủ đô Tokyo và một vài tỉnh xung quanh là vùng đô thị lớn nhất thế giới với khoảng 30 triệu người sinh sống.

Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ. Nhật Bản cũng là nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu tính theo tổng sản phẩm nội địa chỉ sau Hoa Kỳ và thứ ba theo sức mua tương đương; và là đất nước đứng thứ 5 trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư cho quốc phòng; xếp thứ 4 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 6 thế giới về nhập khẩu. Quốc gia này là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc, G8, G4 và APEC.


Tên nước
Tên "Nhật Bản" viết theo Rōmaji là Nihon theo chữ Hán (日本) hai chữ "Nhật Bản" có nghĩa là "gốc của Mặt Trời" và như thế, được hiểu là "đất nước Mặt Trời mọc".

Nhật Bản còn có các mỹ danh là "xứ sở hoa anh đào", vì cây hoa anh đào (桜 sakura) mọc trên khắp nước Nhật từ Bắc xuống Nam, những cánh hoa "thoắt nở thoắt tàn" được người Nhật yêu thích, phản ánh tinh thần nhạy cảm, yêu cái đẹp, sống và chết đều quyết liệt của dân tộc họ; "đất nước hoa cúc" (xin xem: Hoa cúc và thanh kiếm, của Ruth Benedict, nhà dân tộc học người Mỹ năm 1946) vì bông hoa cúc 16 cánh giống như Mặt Trời đang tỏa chiếu là biểu tượng của hoàng gia và là quốc huy Nhật Bản hiện nay; "đất nước Mặt Trời mọc" vì Nhật Bản là quốc gia ở vùng cực đông, tổ tiên của họ là nữ thần Mặt Trời Amaterasu (天照 Thái dương thần nữ).
Vào thế kỷ thứ 4, Nhật Bản đã lấy tên nước là Yamato. Còn người Hán từ trước Công nguyên đã gọi Nhật là Nụy quốc (倭国 "nước lùn"), người Nhật là Nụy nhân (倭人 "người lùn"), những tên cướp biển trên biển Đông Trung Hoa thời Minh là Nụy khấu (倭寇 "giặc lùn"). Do thời đó người Nhật chưa có chữ viết riêng nên Yamato được viết bằng chữ Hán 倭. Sau này, người Nhật dùng hai chữ Hán 大和 (Đại Hòa) để biểu ký âm Yamato, thể hiện lòng tự tôn dân tộc.

Nhật Bản còn được gọi là Phù Tang (扶桑). Cây phù tang, tức một loại cây dâu. Theo truyền thuyết cổ phương Đông có cây dâu rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang, là nơi thần Mặt Trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó Phù Tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi Mặt Trời mọc[7].
Năm 670, niên hiệu Hàm Hanh (670-674) thứ nhất đời vua Đường Cao Tông, Nhật Bản gửi một sứ bộ đến chúc mừng triều đình nhà Đường nhân dịp vừa bình định Triều Tiên và từ đó được đổi tên là Nhật Bản.
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Khái quát chung về Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 27 Tháng 6 2011

Xuất xứ Nhật Bản

Hình ảnh
Hạc Nhật Bản (Grus japonensis). Loại hạc (タンチョウ tancho) rất đẹp này của hòn đảo Hokkaido đã từng làm đề tài cho các bức danh họa nhiều thế kỷ trước


Cho đến nay người ta vẫn chưa chắc chắn về xuất xứ và thời gian xuất hiện của những cư dân đầu tiên trên quần đảo Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều cho rằng người Nhật đã có mặt tại quần đảo từ xa xưa và định cư liên tục từ đó cho đến thời nay. Những phát hiện trong nghiên cứu cổ vật, xương đã củng cố thêm sự nghi ngờ đối với thuyết trước kia cho rằng người Nhật là con cháu của những người xâm chiếm đến sau "thổ dân" Ainu và đã đẩy bộ tộc này ra khỏi quần đảo. Ngày nay, người ta tin rằng tổ tiên của người Nhật là những người đã làm nên đồ gốm mang tên Jomon. Những người này được biết là đã có mặt trên quần đảo ít nhất từ năm 5000 TCN, sau đó theo thời gian, pha trộn với các giống người khác, phát triển qua lịch sử thành dân tộc Nhật Bản ngày nay.

Hình ảnh
Hoa Anh Đào (桜; Prunus). Nhật Bản có mĩ danh là xứ sở hoa Anh Đào, vì người Nhật rất thích nên trồng cây hoa anh đào khắp nước


Ngôn ngữ và phong tục của người Nhật gồm những thành tố văn hóa của cả phương Bắc lẫn phương Nam. Dưới góc độ sử dụng và cú pháp, rõ ràng tiếng Nhật thuộc hệ ngôn ngữ Altai của các dân tộc phía Bắc lục địa châu Á, song trong từ vựng lại có nhiều từ gốc từ phía Nam. Trong các tập quán và tín ngưỡng, ta thấy các lễ nghi gắn với văn hóa lúa nước vốn có nguồn gốc ở phía Nam; còn huyền thoại lập nước bởi vị thần - ông tổ của nòi giống - từ thiên đường xuống hạ giới thì có nguồn gốc ở phía Bắc. Vì vậy, người ta cho rằng dân cư ở đây có xuất xứ từ cả phương Bắc lẫn phương Nam, đến quần đảo Nhật Bản từ thời tiền sử và qua một quá trình hoà trộn các chủng tộc dần dần tạo ra dân tộc Nhật Bản.


Ngôn ngữ
Tiếng Nhật được viết trong sự phối hợp ba kiểu chữ: Hán tự hay Kanji và hai kiểu chữ đơn âm mềm Hiragana (Bình Giá Danh) và đơn âm cứng Katakana (Phiến Giá Danh). Kanji dùng để viết các từ Hán (mượn của Trung Quốc) hoặc các từ người Nhật dùng chữ Hán để thể hiện rõ nghĩa. Hiragana dùng để ghi các từ gốc Nhật và các thành tố ngữ pháp như trợ từ, trợ động từ, đuôi động từ, tính từ,… Katakana dùng để phiên âm từ vựng nước ngoài, trừ tiếng Trung và từ vựng của một số nước dùng chữ Hán khác. Bảng ký tự Latinh Rōmaji cũng được dùng trong tiếng Nhật hiện đại, đặc biệt là ở tên và biểu trưng của các công ty, quảng cáo, nhãn hiệu hàng hóa, khi nhập tiếng Nhật vào máy tính và được dạy ở cấp tiểu học nhưng chỉ có tính thí điểm. Số Ả Rập theo kiểu phương Tây được dùng để ghi số, nhưng cách viết số theo ngữ hệ Hán-Nhật cũng rất phổ biến.

Phân cấp hành chính
Đơn vị phân vùng hành chính cấp 1 của Nhật Bản là đô đạo phủ huyện, cả nước được chia thành 1 đô, 1 đạo, 2 phủ, 43 huyện. Các đô thị lớn tùy theo số dân và ảnh hưởng mà được chỉ định làm thành phố chính lệnh chỉ định, thành phố trung tâm, thành phố đặc biệt. Phân vùng hành chính dưới đô đạo phủ huyện là thị định thôn, ngoài ra còn có các đơn vị như quận, chi sảnh, khu, đặc biệt khu,… Căn cứ vào địa lý và nhân văn, đặc trưng kinh tế, Nhật Bản thường được chia thành 8 khu vực lớn, bao gồm: vùng Hokkaidō, vùng Đông Bắc, vùng Kantō, vùng Trung Bộ, vùng Kinki (còn gọi là vùng Kansai), vùng Chūgoku, vùng Shikoku và vùng Kyushu-Okinawa.

Mấy năm gần đây Nhật Bản thi hành chính sách sáp nhập thị đinh thôn, số lượng đinh thôn đã giảm nhiều. Hiện nay để giảm bớt sự tập trung một cực của Tōkyō và tăng cường phân quyền địa phương, Nhật Bản đang nghiên cứu bỏ đô đạo phủ huyện, chuyển sang chế độ đạo châu (thảo luận chế độ đạo châu Nhật Bản). Năm 1968, Nhật Bản ban hành chế độ mã số bưu chính đoàn thể công khai địa phương. Hiện thời đô đạo phủ huyện và các thị đinh thôn đều có mã số bưu chính của mình. Mã số bưu chính của đô đạo phủ huyện ăn khớp với tiêu chuẩn quốc tế ISO 31166-2:JP.
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Khái quát chung về Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 27 Tháng 6 2011

Địa lý

Sự hình thành của Nhật Bản
Nhật Bản nằm trên đường ranh giới giữa bốn mảng kiến tạo địa chất của trái đất. Nhưng quan trọng là mảng Thái Bình Dương đang tiến về phía mảng Âu-Á và chúi xuống dưới mảng này. Chuyển động này diễn ra không mấy êm ả và có thể dẫn tới những xung động đột ngột mà kết quả là động đất. Khi mảng Thái Bình Dương chìm xuống, các lớp trầm tích bề mặt vỡ ra và bị biến dạng. Thậm chí lớp vỏ đại dương cũng sẽ bị tan chảy thành dung nham dâng lên bề mặt, phun trào vô số các ngọn núi lửa. Sự phun trào núi lửa cùng với quá trình trầm tích tạo thành một chưỡi các hòn đảo nhiều núi – một dải đảo hình cung.

Núi lửa

Hình ảnh
Núi Phú Sĩ ở Nhật Bản.

Ngọn núi lửa nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là núi Phú Sĩ, mà người Nhật gọi là Fuji-san, cao 3776 m. Sự dốc đứng và dạng hình nón gần như hoàn hảo của ngọn núi biến nó thành một cảnh tượng kỳ thú có thể nhìn thấy từ Tokyo. Núi Phú Sĩ là một điểm du lịch được ưa thích và hàng năm có nhiều người leo lên ngọn núi này. Ngọn núi lửa này phun trào lần cuối vào năm 1707 và ngủ yên từ đó đến nay. Tuy nhiên, tháng 8 năm 2000, các nhà khoa học đã phát hiện có những chấn động nhẹ bên dưới núi Phú Sĩ. Các chấn động này đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng cũng đủ để đưa ra lời cảnh báo.

Hình ảnh
Khí sulfua bốc lên từ miệng Nakedake.


Tất cả những ngọn núi lửa đang hoạt động ở Nhật Bản đều được giám sát nghiêm ngặt để có thể đưa ra lời cảnh báo sơ tán kịp thời như núi Aso, đảo Kyushu. Tại đây đã xảy ra nhiều đợt phun trào và một trong những đỉnh núi lửa chính, đỉnh Nakedake, vẫn tiếp tục phun khí sunphua và đôi lúc có những vụ nổ miệng núi lửa. Những màn khí sulfua bốc lên từ đá nham thạch cổ đầy màu sắc và nước hồ trên miệng núi lửa ánh lên kỳ quái một màu xanh luôn sôi sục ở nhiệt độ 900 °C.
Động đất và sóng thần

Vị trị địa lý của Nhật Bản khiến nước này là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất thế giới. Hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất là động đất và sóng thần. Mỗi năm Nhật Bản phải chịu 7500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận. Hầu hết các trận động đất này quá nhẹ, không thể nhận ra, nhưng cũng có những trận động đất rất mạnh. Từ trận động đất Kanto chết chóc năm 1923, tới nay Nhật Bản đã phải trải qua 16 vụ động đất và sóng thần. Vụ sóng thần khủng khiếp gần đây nhất xảy ra ngày 11 / 03 / 2011 là hậu quả của trận động đất ngầm ngoài khơi Tohoku của Nhật Bản mạnh 9 độ richte, sóng thần cao nhất là 39m, đánh vào ven bờ Sendai làm cho cả thành phố và các khu vực xung quanh bị thiệt hại nặng nề, làm hơn 4.000 người chết, hơn 8.000 người bị thương và hơn 10.000 người mất tích. [19]

Phong cảnh thiên nhiên

Hình ảnh
Hoa anh đào ở công viên Eboshiyama, thành phố Nanyo, Nhật Bản.


Nhật Bản là một xứ sở có phong cảnh được coi là một trong những nơi đẹp nhất thế giới, được đánh giá là 1 trong 10 đất nước tuyệt vời nhất trên thế giới (năm 2010) và cũng là đại diện Châu Á duy nhất có mặt trong danh sách này với bốn mùa thay đổi rõ rệt: mùa xuân với hoa anh đào nở dần từ nam lên bắc, mùa hè cây cối xanh mướt, mùa thu lá phong (momiji) đỏ thắm từ bắc xuống nam, mùa đông tuyết trắng tinh khôi. Núi Phú Sĩ (Fujisan) là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, nằm giữa đồng bằng, lại có tuyết bao phủ nơi phần đỉnh núi, là nguồn cảm hứng của rất nhiều văn sĩ và thi sĩ xứ Phù Tang cũng như của các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhiếp ảnh gia và họa sĩ khắp bốn phương.
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Khái quát chung về Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 27 Tháng 6 2011

Khí hậu

Nhật Bản là quốc gia với hơn ba nghìn đảo trải dài dọc biển Thái Bình Dương của Châu Á. Các đảo chính chạy từ Bắc tới Nam bao gồm Hokkaidō, Honshū (đảo chính), Shikoku và Kyūshū. Quần đảo Ryukyu, bao gồm Okinawa, là một chuỗi các hòn đảo phía Nam Kyūshū. Cùng với nhau, nó thường được biết đến với tên gọi "Quần đảo Nhật Bản".
Khoảng 70%-80% diện tích Nhật Bản là núi, loại hình địa lý không hợp cho nông nghiệp, công nghiệp và cư trú. Có điều này là do độ cao dốc so với mặt nước biển, khí hậu và hiểm họa lở đất gây ra bởi những cơn động đất, đất mềm và mưa nặng. Điều này đã dẫn đến một nền mật độ dân số rất cao tại các vùng có thể sinh sống được, chủ yếu nằm ở các vùng eo biển. Nhật Bản là quốc gia có mật độ dân số lớn thứ 30 trên thế giới.
Vị trí nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, nằm ở điểm nối của ba vùng kiến tạo địa chất đã khiến Nhật Bản thường xuyên phải chịu các dư trấn động đất nhẹ cũng như các hoạt động của núi lửa. Các cơn động đất có sức tàn phá, thường dẫn đến sóng thần, diễn ra vài lần trong một thế kỷ. Những cơn động đất lớn gần đây nhất là động đất Chūetsu năm 2004 và đại động đất Hanshin năm 1995. Vì các hoạt động núi lửa diễn ra thường xuyên nên quốc gia này có vô số suối nước nóng và các suối này đã và đang được phát triển thành các khu nghỉ dưỡng.
Khí hậu Nhật Bản phần lớn là ôn hòa, nhưng biến đổi từ Bắc vào Nam. Đặc điểm địa lý Nhật Bản có thể phân chia thành 6 vùng khí hậu chủ yếu:
Hokkaidō: vùng cực bắc có khí hậu ôn hòa với mùa đông dài và lạnh, mùa hè mát mẻ. Lượng mưa không dày đặc, nhưng các đảo thường xuyên bị ngập bởi những đống tuyết lớn vào mùa đông.
Biển Nhật Bản: trên bờ biển phía Tây đảo Honshū', gió Tây Bắc vào thời điểm mùa đông mang theo tuyết nặng. Vào mùa hè, vùng này mát mẻ hơn vùng Thái Bình Dương dù đôi khi cũng trải qua những đợt thời tiết rất nóng bức do hiện tượng gió Phơn.
Cao nguyên trung tâm: Một kiểu khí hậu đất liền điển hình, với sự khác biệt lớn về khí hậu giữa mùa hè và mùa đông, giữa ngày và đêm. Lượng mưa nhẹ.
Biển nội địa Seto: Các ngọn núi của vùng Chūgoku và Shikoku chắn cho vùng khỏi các cơn gió mùa, mang đến khí hậu dịu mát cả năm.
Biển Thái Bình Dương: Bờ biển phía Đông có mùa đông lạnh với ít tuyết, mùa hè thì nóng và ẩm ướt do gió mùa Tây Nam.
Quần đảo Tây Nam: Quần đảo Ryukyu có khí hậu cận nhiệt đới, với mùa đông ấm và mùa hè nóng. Lượng mưa nặng, đặc biệt là vào mùa mưa. Bão ở mức bình thường.
Nhiệt độ nóng nhất đo được ở Nhật Bản là 40,9 °C - đo được vào 16 tháng 8 năm 2007.
Mùa mưa chính bắt đầu từ đầu tháng 5 tại Okinawa; trên phần lớn đảo Honshū, mùa mưa bắt đầu từ trước giữa tháng 6 và kéo dài 6 tuần. Vào cuối hè và đầu thu, các cơn bão thường mang theo mưa nặng.
Nhật Bản là quê hương của chín loại sinh thái rừng, phản ánh khí hậu và địa lý của các hòn đảo. Nó trải dài từ những rừng mưa nhiệt đới trên quần đảo Ryukyu và Bonin tới các rừng hỗn hợp và rừng ôn đới lá rụng trên các vùng khí hậu ôn hòa của các đảo chính, tới rừng ôn đới lá kim vào mùa đông lạnh trên các phần phía Bắc các đảo.


Tài nguyên thiên nhiên
Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên. Các khoáng sản như quặng sắt, đồng đỏ, kẽm, chì và bạc, và các tài nguyên năng lượng quan trọng như dầu mỏ và than đều phải nhập khẩu. Địa hình và khí hậu Nhật Bản khiến người nông dân gặp rất nhiều khó kăn, và vì quốc gia này chỉ trồng cấy được một số cây trồng như lúa gạo, nên khoảng một nửa số lương thực phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Chính trị Nhật Bản
Nhật Bản là một trong các nước theo hệ thống quân chủ lập hiến, trong đó Thủ tướng là người nắm quyền cao nhất về các phương diện quản lý quốc gia và chịu sự giám sát của hai viện quốc hội cùng tòa Hiến pháp có thẩm quyền ngăn chặn các quyết định vi hiến của chính phủ. Được xây dựng dựa trên hình mẫu của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và một số nước phương Tây khác sau này. Theo hệ thống pháp luật thế giới hiện hành, Nhật Bản được xếp vào các nước có nền dân chủ đầy đủ (ưu việt nhất).

Hiến pháp
Hiến pháp của nước Nhật Bản, được công bố vào ngày 3 tháng 11 năm 1946 và có hiệu lực kể từ ngày 3 tháng 5 năm 1947, quy định rằng nhân dân Nhật Bản thề nguyện trung thành với các lý tưởng hòa bình và trật tự dân chủ.
Dù vậy vào ngày 3 tháng 5 năm 2007, Nghị viện đã thông qua một văn bản dưới luật theo đó cho phép chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý cho một bản sửa đổi mới vào năm 2010 và sẽ cần hai phần ba số phiếu thuận của Nghị viện để có hiệu lực.
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Khái quát chung về Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 27 Tháng 6 2011

Hoàng thất Nhật Bản
Ở Nhật Bản, hoàng đế được gọi là Thiên hoàng (天皇, tennō). Thiên hoàng có quyền lực rất hạn chế ở nhà nước quân chủ lập hiến này. Theo Hiến pháp Nhật Bản (1947), Thiên hoàng chỉ "tượng trưng cho nước Nhật".[20] Đương kim Thiên hoàng Akihito, sinh ngày 23 tháng 12 năm 1933 tại thủ đô Tokyo, lên ngôi ngày 7 tháng 1 năm 1989, đặt niên hiệu là Bình Thành. Ông là con của Thiên hoàng Chiêu Hòa, vị Thiên hoàng trị vì lâu dài nhất (62 năm) và cũng sống lâu nhất (87 tuổi) trong chính sử Nhật Bản.

Thiên hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko có 3 người con (hai trai và một gái). Thái tử Naruhito sinh ngày 23 tháng 2 năm 1960, đã kết hôn với cô Masako và có một con gái. Hoàng tử Akishono có hai con gái và một con trai. Theo Hiến pháp Nhật Bản, chỉ nam giới mới được thừa kế ngai vàng.


Hình ảnh
Đứng (trái sang phải): Công chúa Norinomiya Sayako, Hoàng tử Akishinonomiya Fumihito, Vương phi Kiko.
Ngồi (trái sang phải): Vương phi Masako, Thiên hoàng Akihito, Công chúa Mako, Công chúa Mako Kako, Hoàng hậu Michiko, Thái tử Naruhito.


Cơ quan lập pháp
Quốc hội Nhật Bản (国会 Kokkai) là cơ quan lập pháp cao cấp nhất, gồm có Hạ viện (衆議院 shugi-in, Chúng nghị viện) với 512 ghế và Thượng viện (参議院 sangi-in, Tham nghị viện) với 252 ghế. Hạ viện được bầu ra từ 130 đơn vị bầu cử với số nghị viên từ 2 tới 6 vị tùy theo dân số. Nhiệm kỳ của Thượng viện là 6 năm, mỗi 3 năm được bầu lại một nửa. 100 Thượng nghị sĩ được bầu theo sự đại diện tỉ lệ (proportional representation) tức là do các cử tri toàn quốc, số còn lại 152 ghế được bầu từ 47 đơn vị bầu cử tỉnh. Hạ viện có quyền bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm Nội các, đây là một quyền lực chính trị quan trọng nhất của nền chính trị đại nghị. Các công dân Nhật Bản trên 25 tuổi đều có quyền ứng cử Dân biểu và trên 30 tuổi có thể tranh cử ghế Thượng viện. Quyền được thực hiện phổ thông đầu phiếu thuộc về mỗi người dân nam nữ trên 20 tuổi.

Các đảng phái chính trị
Nhật Bản là quốc gia có chính quyền đa đảng phái. Những đảng phái chính trị lớn gồm có:
Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (自由民主党 Jiyū Minshu-tō)
Đảng Dân chủ Nhật Bản (民主党 Minshu-tō)
Đảng Tân Komei (公明党 Kōmei-tō, Công Minh)
Đảng Xã hội Dân chủ Nhật Bản (社会民主党 Shakai Minshu-tō), thường gọi tắt là Đảng Xã Dân (社民党 Shamin-tō)
Đảng Cộng sản Nhật Bản (日本共産党 Nihon Kyōsan-tō)


Các cơ quan Hành pháp và Tư pháp
Quyền hành pháp được giao cho Nội các, gồm Thủ tướng và các bộ trưởng, tất cả chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc hội. Thủ tướng phải là một nghị viên của Quốc hội và được Quốc hội bổ nhiệm, có quyền chỉ định và bãi nhiệm các bộ trưởng, các vị sau này phải là dân sự và phần lớn là nghị viên Quốc hội.
Vào tháng 3 năm 1992, Nhật Bản có 12 bộ và 32 cơ quan (agency) với Văn phòng Thủ tướng, 1,17 triệu công chức kể cả 240 ngàn nhân viên thuộc Lực lượng Tự vệ (自衛隊; sách báo Việt Nam quen gọi là Lực lượng Phòng vệ). Ngoài ra còn có Hội đồng Kiểm toán (the Board of Audit) chịu trách nhiệm thanh tra các tài khoản quốc gia.
Nhật Bản được chia làm 47 đô đạo phủ huyện. Đô đạo phủ huyện lại được chia làm các thị đinh thôn (市町村).
Cơ quan tư pháp gồm Tối cao Pháp viện, 8 tòa án cao cấp và các tòa án địa phương, tòa án gia đình. Tối cao Pháp viện gồm Chánh án được Thiên hoàng Nhật Bản bổ nhiệm và 14 vị Thẩm phán do Nội các chọn. Tất cả các vụ án đều được xét xử công khai, nhất là các vụ vi phạm chính trị, báo chí và nhân quyền.
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Khái quát chung về Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 27 Tháng 6 2011

Kinh tế
Nhật Bản là nước rất nghèo nàn về tài nguyên ngoại trừ gỗ và hải sản, trong khi dân số thì quá đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, nhưng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954) phát triển cao độ (1955-1973)khiến cho thế giới hết sức kinh ngạc. Người ta gọi đó là "Thần kì Nhật Bản". Từ 1974 đến nay tốc độ phát triển tuy chậm lại, song Nhật Bản tiếp tục là một nước có nền kinh tế lớn đứng thứ ba trên thế giới (chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Trung Quốc)bị Trung Quốc đuổi kịp vào đầu năm 2011.Trước đây Nhật Bản luôn giành vị trí thứ hai về kinh tế.[22], GDP trên đầu người là 36.218 USD (1989). Cán cân thương mại dư thừa và dự trữ ngoại tệ đứng hàng đầu thế giới, nên nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài rất nhiều, là nước cho vay, viện trợ tái thiết và phát triển lớn nhất thế giới. Nhật Bản có nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng đứng hàng đầu thế giới[23]. Đơn vị tiền tệ là: đồng yên Nhật.

Hình ảnh
Trụ sở chính của Sumitomo Mitsui tại quận Shibuya, Tokyo, một trong các biểu tượng của sự phồn vinh Nhật Bản
Nhật Bản đang xúc tiến 6 chương trình cải cách lớn trong đó có cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách khu vực tài chính và sắp xếp lại cơ cấu chính phủ,... Cải cách hành chính của Nhật được thực hiện từ tháng 1 năm 2001. Dù diễn ra chậm chạp nhưng cải cách đang đi dần vào quỹ đạo, trở thành xu thế không thể đảo ngược ở Nhật Bản và gần đây đã đem lại kết quả đáng khích lệ, nền kinh tế Nhật đã phục hồi và có bước tăng trưởng năm 2003 đạt trên 3%, quý I/2004 đạt 6%.

Hình ảnh
Sở giao dịch chứng khoán Tokyo

Dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, bán lẻ, giao thông, viễn thông tất cả đều là ngành công nghiệp lớn của Nhật Bản, Nhật Bản có năng lực rất lớn về công nghiệp, và đây là trụ sở của nhiều nhà sản xuất công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới về các sản phẩm xe có động cơ, trang thiết bị điện tử, công cụ máy móc, thép, phi kim loại, công nghiệp tàu thủy, hóa học, dệt may, thức ăn chế biến. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia và nhiều mặt hàng thương mại trong lĩnh vực công nghệ và máy móc. Xây dựng từ lâu đã trở thành một trong những nền công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản.

Nhật Bản là trụ sở của ngân hàng lớn nhất thế giới, tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (Mitsubishi UFJ Financial Group) với số vốn ước tính lên đến 1.7 nghìn tỉ đô la Mỹ[24]. Nhật Bản cũng là nơi có thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới - thị trường chứng khoán Tokyo với khoảng 549.7 nghìn tỉ yên vào tháng 12/2006. Đây cũng là trụ sở của một số công ty dịch vụ tài chính, những tập đoàn kinh doanh và những ngân hàng lớn nhất thế giới. Ví dụ như những tập đoàn kinh doanh và công ty đa quốc gia như Sony, Sumitomo, Mitsubishi và Toyota sở hữu hàng tỉ và hàng nghìn tỉ đô la đang hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, nhóm các nhà đầu tư hoặc dịch vụ tài chính như ngân hàng Sumitomo, ngân hàng Fuji, ngân hàng Mitsubishi, các định chế tài chính của Toyota và Sony.

Giao thông ở Nhật Bản rất phát triển, vào năm 2004 ở Nhật Bản có khoảng 1.177.278 km (731.683 miles) đường bộ, 173 sân bay, 23.577 km (14.653 miles) đường sắt. Phương tiện đường không được hoạt động chủ yếu bởi All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL). Đường sắt được điều khiển bởi Japan Railways. Có rất nhiều các chuyến bay quốc tế lớn từ nhiều thành phố và đất nước trên thế giới đến và rời Nhật Bản.

Những đối tác xuất khẩu chính của Nhật là Hoa Kỳ 22.9%, Trung Quốc 13.4%, Hàn Quốc 7.8%, Đài Loan 7.3% và Hồng Kông 6.1% (2005). Những mặt hàng xuất khẩu chính của Nhật là thiết bị giao thông vận tải, xe cơ giới, hàng điện tử, máy móc điện tử và hóa chất. Do hạn chế về tài nguyên thiên nhiên để duy trì sự phát triển của nền kinh tế, Nhật Bản phải phụ thuộc vào các quốc gia khác về phần nguyên liệu vì vậy đất nước này nhập khẩu rất nhiều loại hàng hóa đa dạng. Đối tác nhập khẩu chính của Nhật là Trung Quốc 21%[25], Hoa Kỳ 12.7%, A Rập Xê Út 5.5%, UAE 4.9%, Australia 4.7%, Hàn Quốc 4.7% và Indonesia 4% (số liệu 2005). Những mặt hàng nhập khẩu chính của Nhật Bản là máy móc, thiết bị, chất đốt, thực phẩm (đặc biệt là thịt bò), hóa chất, nguyên liệu dệt may và những nguyên liệu cho các ngành công nghiệp của đất nước. Nhìn chung, Đối tác buôn bán tổng thể lớn nhất của Nhật Bản là Trung Quốc.

Từ giai đoạn 1960 đến 1980, tốc độ phát triển kinh tế Nhật Bản được gọi là "sự thần kì": tốc độ phát triển kinh tế trung bình 10% giai đoạn 1960, trung bình 5% giai đoạn 1970 và 4% giai đoạn 1980.
Dấu hiệu tăng trưởng có phần chững lại vào những năm 1990, trung bình 1.7% chủ yếu do những tác động của việc đầu tư không hiệu quả và do dư chấn của bong bóng bất động sản vào những năm 1980 đã làm cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh mất một thời gian dài tái cơ cấu về nợ quá hạn, vốn tư bản và lực lượng lao động. Tháng 11/2007, nền kinh tế Nhật đã chấm dứt đà tăng trưởng kéo dài liên tục 69 tháng kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 và chính thức suy thoái vào năm 2008 với mức lãi suất ngân hànhg trung ương hạ đến mức 0% vào đầu năm 2009.
Chương trình tư nhân hóa 10 năm ngành bưu điện Nhật vốn không chỉ nhắm đến các hoạt động của hệ thống bưu chính quốc gia mà còn với các cơ sở ngân hàng và bảo hiểm trực thuộc đã hoàn tất vào tháng 10/2007, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tái cấu trúc ngành này của chính phủ. Không giống như tình hình ở các nước phương Tây, khu vực tài chính Nhật không chịu ảnh hưởng mạnh từ cuộc Khủng hoảng cho vay thế chấp nhưng do đối mặt với sự sụt giảm mạnh về khối lượng đầu tư cũng như nhu cầu trước các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nhật ở nước ngoài vào cuối năm 2008, đã đẩy nước này nhanh hơn vào vòng suy thoái. Tình trạng nợ công quá lớn (chiếm 170%GDP) và tỉ lệ dân số có tuổi quá cao là hai vấn đề đầy thách thức với Nhật Bản về dài hạn. Hiện tại những tranh cãi xung quanh vai trò và hiệu quả của các chính sách vực dậy nền kinh tế là mối quan tâm lớn của người dân lẫn chính phủ nước này.


Khoa học và công nghệ
Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực về nghiên cứu khoa học, công nghệ máy móc, nghiên cứu y học. Gần 700.000 nhà nghiên cứu chia sẻ 130 tỉ USD của ngân sách nghiên cứu và phát triển, đứng hàng thứ 3 trên thế giới. [32]
Một vài đóng góp công nghệ quan trọng của Nhật Bản là những phát minh trong các lĩnh vực điện tử, ô tô, máy móc, robot công nghiệp, quang học, hóa chất, chất bán dẫn và kim loại. Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong ngành khoa học robot, đây là quốc gia sở hữu hơn nửa (402.200 trong tổng 742.500) số robot cho công nghiệp sản xuất[33]. Nhật Bản đã phát minh ra QRIO, ASIMO và Aibo. Nhật Bản cũng là nhà sản xuất ô tô lớn nhất trên thế giới và là quê hương của 6 trong tổng số 15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu[34] cũng như 7 trong số 20 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.
Nhật Bản đang có những kế hoạch rất sáng sủa trong ngành thám hiểm không gian, trong đó có kế hoạch xây dựng một trạm mặt trăng vào năm 2030[35]. Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) là một trong những thành viên chủ chốt của trạm vũ trụ quốc tế, đây là cơ quan chuyên nghiên cứu về không gian vũ trụ, các hành tinh, các nghiên cứu hàng không, phát triển tên lửa và vệ tinh.
Vào ngày 1 tháng 6 năm 2008 lúc 6:02am giờ Nhật Bản, tàu con thoi Discovery đã rời bệ phóng Trung tâm vũ trụ Kennedy, Florida mang theo Module Kibo cùng nhà du hành Akihiko Hoshide và sáu đồng nghiệp khác, mục đích chính của chuyến đi là lắp đặt phần quan trọng của phòng thí nghiệm Nhật Bản có tên Japanese Pressurised Module (JPM) cùng cánh tay máy dài khoảng 10m phục vụ cho công tác lắp đặt về sau cho Kibo. [36]
Các nhà nghiên cứu Nhật cũng đã phần nào khẳng định được mình qua các lần đoạt giải Nobel. Hideki Yukawa một trong những nhà khoa học ưu tú xuất thân từ Đại học Kyoto giành giải Nobel về vật lý năm 1949. Sin-Itiro Tomonaga cũng nhận vinh dự tương tự năm 1965. Nhà vật lý chất rắn Leo Esaki sau này xuất thân từ Đại học Tokyo cũng đạt được vinh quang đó năm 1973. Kenichi Fukui của Đại học Kyoto là một trong các nhà khoa học cùng chia giải Nobel hóa học năm 1981. Susumu Tonegawa, cũng trưởng thành từ Đại học Kyoto trở thành người Nhật đầu tiên từ 2007 nhận giải này với các thành tựu về sinh hóa kể từ khi lãnh vực này được phát triển năm 1987. Các nhà khoa học nghiên cứu về hóa học cũng không chịu kém khi lần lượt nhận giải vào năm 2000, 2001: Hideki Shirakawa (Viện khoa học công nghệ Tokyo) và Ryoji Noyori (Đại học Kyoto). Năm 2002 là nhà vật lý Masatoshi Koshiba (Đại học Tokyo) và hóa học gia Koichi Tanaka (Đại học Tohoku). Năm 2008, Nhật Bản có bốn nhà khoa học nhận giải Nobel gồm có Yoichiro Nambu, Makoto Kobayashi, Toshihide Maskawa và Osamu Shimomura. Nhật Bản là đất nước sở hữu nhiều khoa học gia đoạt giải Nobel nhất ở châu Á hiện nay. Không những thế, Nhật Bản cũng là quốc gia giành được nhiều giải thưởng Fields nhất Châu Á, giải thưởng được xem là Nobel Toán học với 3 lần đăng quang: Kunihiko Kodaira (1954), Heisuke Hironaka (1970), Shigefumi Mori (1990).


Giáo dục
Hệ thống tiểu học, trung và đại học được áp dụng ở Nhật như một trong các cải cách thời Minh Trị[38]. Từ năm 1947, Nhật Bản áp dụng hệ thống giáo dục bắt buộc gồm tiểu học và trung học trong chín năm cho học sinh từ sáu đến mười lăm tuổi. Hầu hết sau đó đều tiếp tục chương trình trung học và theo MEXT, khoảng 75,9% học sinh tốt nghiệp phổ thông tiếp tục học lên bậc đại học, cao đẳng hay các chương trình trao đổi giáo dục khác[39]. Giáo dục ở Nhật có tính cạnh tranh rất cao[40], đặc biệt ở các kì thi tuyển sinh đại học, điển hình là các kì thi tuyển của hai trường đại học cao cấp Tokyo và Kyoto[41]. Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế hợp tác OECD hiện xếp Nhật Bản ở vị trí thứ sáu thế giới về kĩ năng và kiến thức của học sinh mười sáu tuổi. [42]
Bên cạnh đó việc chăm sóc cho học sinh tàn tật cũng được Chính phủ quan tâm, Nhật Bản có riêng Cục phụ trách các vấn đề Tiểu học và Trung học chịu trách nhiệm chính về công tác chăm sóc giúp đỡ các học sinh tàn tật, ngoài ra Cục này còn phụ trách cả vấn đề giáo dục cho trẻ em Nhật Bản sống ở nước ngoài cũng như góp phần giám sát một hệ thống kiểm định và phân phối miễn phí sách giáo khoa cho các đối tượng trên. Gần đây cơ quan này còn kiêm nhiệm thêm một số chương trình thuộc mạng lưới giáo dục địa phương như các chính sách về việc quyết định đội ngũ công tác giáo dục, các tiêu chuẩn về diện tích trường lớp, số lượng giáo viên cho mỗi trường, và các vấn đề tài chánh liên quan. [43]
Vào năm 1991 có hơn 2,1 triệu học sinh được nhận vào 507 trường đại học. Tại đây các sinh viên sẽ được đào tạo bốn năm cho cấp bậc cử nhân và sáu năm cho bậc chuyên gia (Tiến sĩ). Có hai loại đại học công lập chính là đại học quốc gia (96 trường) và đại học vùng (39 trường) – do tỉnh hay thành phố lập ra. Cũng theo ghi nhận vào 1991, đã có khoảng 372 trường cao đẳng công được thành lập và đưa vào hoạt động.
Chi phí trung bình gồm học phí, phụ phí và sinh hoạt phí ở Nhật vào 1986 khoảng 1,4 triệu yên (10.000 đô-la). Để hỗ trợ cho chi phí này, sinh viên được phép làm việc bán thời gian và vay từ Tổ chức học bổng của chính phủ, ngoài ra còn có nhiều tổ chức khác từ chính quyền địa phương, cơ quan phi lợi nhuận cũng góp phần không nhỏ về mặt tài chính hỗ trợ cho sinh viên.
Theo Thời báo hỗ trợ giáo dục, hai trường đại học được cho là danh giá nhất ở Nhật hiện nay là Đại học Tokyo và Đại học Kyoto.
Ngân sách dành riêng cho công tác giáo dục năm 2005 là 5, 733.3 tỉ yên (59 tỉ đô-la), chiếm 7% ngân sách quốc gia (82.182,9 tỉ yên) và chiếm 11.8% ngân sách cho các mục đích công. Hệ thống chiếu sáng cũng chiếm một phần đáng kể trong công tác phát triển cơ sở vật chất (161.3 tỉ yên). Ngân sách dành cho MEXT chủ yếu được chi dùng cho đổi mới công tác giáo dục, trợ giúp kinh phí cho các trường tư, cho vay học bổng và mở rộng các khóa giảng dạy về khoa học-công nghệ, các môn học về thể thao và văn hóa-mỹ thuật cũng được chú ý phát triển. Ngoài ra còn có các kế hoạch tăng lương cho giáo viên tiểu học công


Y tế
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Nhật chủ yếu được cung cấp bởi chính quyền trung ương và địa phương. Chi phí cho các dịch vụ cá nhân này, vốn do một hội đồng chuyên trách của chính phủ thông qua, được cung cấp bởi hệ thống bảo hiểm sức khỏe áp dụng rộng rãi và công bằng trên cả nước. Những công dân không muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm của các công ty nơi họ làm việc có thể tham gia vào các loại hình bảo hiểm sức khỏe quốc gia do chính quyền địa phương theo dõi và điều hành. Từ năm 1973, tất cả người già đều được cung cấp miễn phí các loại hình bảo hiểm sức khỏe do chính phủ đài thọ[46], trong đó bệnh nhân được tùy chọn cơ sở họ muốn cùng các hình thức chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.

Quốc phòng
Hiện nay Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản của Nhật có 180.000 người, trong đó mạnh nhất là lực lượng hải quân. Với ngân sách 50 tỉ USD/năm (kể cả chi phí cho quân đội Mỹ ở Nhật Bản), chi tiêu quân sự của Nhật Bản đứng hàng thứ ba sau Mỹ-400 tỷ, trên cả Nga-15 tỷ. Từ năm tài khoá 2002, ngân sách quốc phòng Nhật đã vượt con số 1% GDP, vươn lên hàng thứ hai trên thế giới[48].
Hướng phát triển quân đội Nhật Bản chủ yếu tập trung vào giảm số lượng nhưng tăng chất lượng, trang thiết bị, tăng khả năng cơ động, mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tăng cường hợp tác với Mỹ, đồng thời đẩy nhanh các biện pháp củng cố an ninh, phòng ngừa, công khai về quốc phòng qua các hoạt động, diễn đàn chung về an ninh, giải trừ quân bị; trao đổi quân sự với các nước trong và ngoài khu vực.
Nhân sự kiện khủng bố 11/9, Chính phủ và Quốc hội Nhật đã thông qua ba dự luật chống khủng bố gồm: Luật đặc biệt chống khủng bố, Luật sửa đổi Lực lượng phòng vệ và Luật sửa đổi Cục bảo an trên biển, cho phép Nhật lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai được phép cử quân đội ra nước ngoài, hợp tác với Mỹ chống khủng bố. Nhật Bản đã đưa 600 binh sĩ sang Iraq[49] thực hiện các hoạt động nhân đạo. Đây là bước chuyển mới trong chính sách quốc phòng của Nhật, từng bước tăng cường và mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng phòng vệ.
Tháng 1 năm 2007, Quốc hội Nhật Bản thông qua quyết định thành lập Bộ quốc phòng trên cơ sở Cục Phòng vệ trước đây, là bước tiến mới theo hướng giải thích lại hiến pháp và cho phép Nhật phòng thủ tập thể, đưa quân ra nước ngoài trong các chiến dịch giữ gìn hoà bình, giải quyết các xung đột khu vực.


Dân số
Đến tháng 7, 2010, dân số Nhật Bản hiện nay lên tới gần 127 triệu người, xếp hàng thứ 10 trên thế giới[51], phần lớn là đồng nhất về ngôn ngữ và văn hóa ngoại trừ thiểu số những công nhân nước ngoài, Zainichi Hàn Quốc, Zainichi Trung Quốc, người Philippines, người Nhật gốc Brasil. Tộc người chủ yếu là người Yamato cùng với các nhóm dân tộc thiểu số như Ainu hay Ryūkyū.
Dân cư Nhật Bản phân bố không đồng đều trong cả nước. Dân cư tập trung đông nhất ở Vành đai Thái Bình Dương. Có một số lý do giải thích tại sao mật độ dân cư ở Nhật Bản lại quá chênh lệch như vậy. Chỉ có 15% đất đai phù hợp cho việc xây dựng, vì vậy các khu dân cư chỉ giới hạn trong những khu vực tương đối nhỏ hẹp. Đất nông nghiệp cũng thiếu, do đó việc canh tác tập trung ở một vài đồng bằng ven biển. Ngoài ra, khí hậu là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phân bố dân cư, vì miền Đông và miền Nam ấm áp và thích hợp cho việc định cư. Các miền này còn tiện lợi cho quan hệ thương mại với các nước khác trong vùng Thái Bình Dương và vì vậy cũng là các vùng công nghiệp nổi tiếng.
Nhật Bản là một trong những nước có tuổi thọ dân số cao nhất thế giới, trung bình là 81,25 tuổi cho năm 2006[52]. Tuy nhiên, dân số nước này đang lão hóa do hậu quả của sự bùng nổ dân số sau Thế chiến thứ hai. Năm 2004, 19,5% dân số Nhật trên 65 tuổi. [53]

Thay đổi dân số đã tạo ra các vấn đề xã hội, đặc biệt là sự suy giảm lực lượng lao động đồng thời gia tăng chi phí cho phúc lợi xã hội như vấn đề lương hưu. Nhiều người trẻ Nhật Bản hiện có xu hướng không kết hôn hoặc có gia đình khi trưởng thành. Dân số nước Nhật Bản dự tính sẽ giảm xuống còn 100 triệu người vào năm 2050 và 64 triệu người vào năm 2100[53]. Chính quyền và các nhà hoạch định dân số đang đau đầu để giải quyết vấn đề này. [54]
Nhập cư và gia tăng khuyến khích sinh đẻ đang được xem là giải pháp để cung cấp lực lượng lao động cho sự lão hóa của dân số nhằm duy trì sự phát triển của nền kinh tế khổng lồ lớn thứ hai trên thế giới. [55] [56]

Khoảng 84% đến 96% dân số Nhật theo cả đạo Thần đạo và Phật giáo Đại thừa[21][57]. Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo từ Trung Quốc cũng có ảnh hưởng đến niềm tin và tín ngưỡng của người Nhật. Có 1 triệu người Nhật theo Đạo Cơ Đốc. Thêm vào đó, từ giữa thế kỷ 19, rất nhiều đạo giáo đã xuất hiện ở Nhật Bản như Shinshūkyō và Tenrikyo; các tôn giáo này chiếm khoảng 3% dân số Nhật Bản.
99% dân số nói tiếng Nhật. Đây là loại ngôn ngữ kết dính được phân biệt bởi một hệ thống các từ ngữ lễ giáo phản ánh xã hội tôn ti và trọng đạo đức của Nhật Bản, với các dạng động từ và từ vựng biểu hiện tính cách của người nói và người nghe. Tiếng Nhật đã vay mượn một lượng lớn từ vựng trong tiếng Hán và cả tiếng Anh (từ sau Thế chiến thứ hai)[58]. Hệ thống chữ viết sử dụng chữ Hán và hai loại chữ kana (bảng âm tiết dựa trên chữ tiếng Hán, giống như ký tự Latinh) và chữ số Ả Rập. Tiếng Ryūkyūan, một phần của hệ ngôn ngữ Nhật, được nói phần lớn ở Okinawa, chỉ có số ít người học ngôn ngữ này[59]. Tiếng Ainu chỉ được sử dụng bởi một số ít người già bản địa còn sống tại Hokkaidō[60]. Phần lớn các trường công và tư ở Nhật đều buộc học sinh phải học cả tiếng Nhật và tiếng Anh. [61]
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn

Re: Khái quát chung về Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi Nguyen Tien Hung » 27 Tháng 6 2011

Tôn giáo
Nhật Bản là nước có nhiều tôn giáo. Đạo Shinto, tôn giáo lâu đời nhất ở Nhật Bản, là sự phức hợp của những tín ngưỡng sơ khai ở Đông Á. Đạo Shinto có các vị thần được gọi là "kami" có thể ban phúc lành, chẳng hạn như một cuộc hôn nhân. Vào thế kỉ thứ 6, Phật giáo hệ phái Bắc Tông du nhập vào Nhật Bản qua Triều Tiên. Nghệ thuật và kiến trúc tinh tế của đạo Phật khiến cho tôn giáo này thu hút được sự quan tâm của triều đình lúc đó và Phật giáo trở thành quốc giáo của Nhật Bản. Đạo Phật nhanh chóng được truyền bá khắp Nhật Bản và nhiều tông phái Phật giáo đã ra đời và phát triển, trong đó nổi tiếng nhất ở phương Tây là Thiền tông (Zen). Thiên chúa giáo do người Bồ Đào Nha du nhập vào Nhật Bản năm 1549 và được khá nhiều người Nhật tin theo. Ngày nay ở Nhật không có một tôn giáo nào nổi trội và trên thực tế, có nhiều người Nhật cùng lúc tin theo nhiều tôn giáo khác nhau. Nhưng Phật giáo vẫn được xem là quốc giáo của Nhật Bản với khoảng 90 triệu tín đồ và ảnh hưởng của nó vô cùng to lớn, sâu sắc vào mọi mặt trong văn hóa, xã hội và lối sống của người Nhật.

Ẩm thực
Ẩm thực Nhật Bản rất phong phú và đặc biệt. Bao gồm sushi, trà đạo và các món khác như các loại bánh làm từ bột gạo.
Tuy nhiên, ẩm thưc Nhật Bản cũng khá nguy hiểm với những món ăn như gỏi cá nóc và fugu, được chế biến từ cá xem sao của Nhật Bản. Phần bắp và bụng được coi là khá an toàn, nhưng phải có một con mắt thật tinh tường để loại đi những chất độc. Đã bao người phải bỏ mạng vì ăn phải chất độc của món fugu này. Thế nhưng đây được coi là đặc sản của Nhật Bản. Ở trung tâm Tokyo có rất nhiều nhà hàng chế biến món này. Thực khách sẽ tấm tắc khen ngon nếu họ còn sống sau khi ăn món này.


Thể thao
Về truyền thống, Sumo được coi là môn thể thao quốc gia của Nhật Bản và là một trong những môn thể thao có lượng người xem lớn nhất tại Nhật[86]. Các môn võ như judo, karate và kendō cũng phổ biến và được tập luyện rộng rãi khắp đất nước. Sau thời kỳ Minh Trị, rất nhiều môn thể thao phương Tây đã du nhập vào Nhật và lan truyền nhanh chóng trong hệ thống giáo dục.[87]
Giải Bóng chày Nhật Bản được thành lập năm 1936[88]. Ngày nay, bóng chày là môn thể thao có lượng người xem lớn nhất tại quốc gia này. Một trong những cầu thủ bóng chày nổi tiếng nhất của Nhật là Ichiro Suzuki, người đã từng dành danh hiệu cầu thủ đáng giá nhất Nhật Bản các năm 1994, 1995, 1996 và hiện đang chơi cho giải bóng chày Bắc Mỹ (tên tiếng Anh: Major League Baseball).
Từ khi có sự thành lập Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản năm 1992, môn thể thao này cũng đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ[89]. Nhật Bản là nước tổ chức Cúp bóng đá liên lục địa từ năm 1981 tới 2004 và là nước đồng chủ nhà World Cup 2002 với Hàn Quốc. Đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản là một trong những đội bóng thành công nhất ở châu Á với bốn lần dành chức vô địch cúp bóng đá châu Á. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở châu Á tổ chức một kỳ Thế vận hội, đó là Thế vận hội Mùa hè 1964 tổ chức tại Tokyo.
Golf[90], đua ô tô, giải đua ô tô Super GT và Formula Nippon[91] cũng là những môn thể thao nổi tiếng ở Nhật. Đường đua Twin Ring Motegi được Honda hoàn thành xây dựng năm 1997 để đưa môn đua công thức 1 tới Nhật.
Trượt Băng Nghệ Thuật cũng là một trong các môn thể thao phổ biến tại Nhật Bản; đặc biệt với sự cạnh tranh giữa Mao Asada và Kim Yuna gần đây đã nổi lên như một hiện tượng và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của công chúng Nhật Bản.


Chính sách đối ngoại
Từ sau Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản bước vào thời điểm bước ngoặt điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường tính độc lập, chủ động và tích cực hơn nhằm vươn lên thành cường quốc chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế, phát huy vai trò, và ảnh hưởng trên thế giới và vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, chính sách đối ngoại được triển khai theo 5 hướng cơ bản là:
Giải quyết hòa bình các cuộc xung đột khu vực.
Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Duy trì phát triển kinh tế thế giới.
Hợp tác với các nước đang phát triển và các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế.
Giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Mặc dù vẫn lấy quan hệ Nhật-Mỹ làm nền tảng chính sách đối ngoại[92], song gần đây Nhật Bản tăng cường chiến lược "Trở lại châu Á", phát huy vai trò người đại diện cho châu Á trong Khối G8, lấy châu Á làm bàn đạp để từng bước đưa Nhật Bản trở thành cường quốc về chính trị; thúc đẩy cải cách Liên Hiệp Quốc, thực hiện mục tiêu trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua các đề nghị, các đóng góp cụ thể trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và các vấn đề toàn cầu (Nhật Bản hiện là thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2004-2004). Tuy nhiên còn một số hạn chế cơ bản: nội bộ chưa thống nhất, còn nhiều tranh cãi; hạn chế về hiến pháp và các luật lệ trong nước; bị kiềm chế bởi các cường quốc khác. Chính quyền mới của Koizumi đang thăm dò khả năng sửa đổi hiến pháp, cho phép Nhật có quân đội và quyền tự vệ tập thể. Tuy nhiên điều này sẽ gây phản ứng mạnh từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc,...
Nhìn toàn cục, ở chừng mực nhất định, vai trò quốc tế của Nhật Bản đã được cải thiện hơn; vị thế của Nhật Bản đã được coi trọng hơn trong một số vấn đề quốc tế và khu vực như WTO, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ARF, ASEM, UNHCR, G8, Ủy ban sông Mê Kông, ADB, PKO,... Dư luận chung tỏ đồng tình với việc Nhật Bản cần có vai trò to lớn hơn, đặc biệt trong những vấn đề kinh tế và các vấn đề toàn cầu vì Nhật Bản có ưu thế về tài chính.


Quan hệ với Việt Nam
Từ thế kỷ 16 đã có những thương gia Nhật Bản đến sinh sống và buôn bán tại Việt Nam. Những thương gia Nhật Bản cùng cộng đồng dân cư bản xứ đã hình thành nên khu đô thị Hội An sầm uất.
Đầu thế kỷ 20, phong trào Đông Du đã đưa một số thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập đường hướng cải cách nhằm văn minh hóa đất nước, tìm con đường giải phóng Tổ quốc khỏi ngoại bang.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản từng xâm lược Việt Nam, hất cẳng Pháp để lập chính phủ thân Nhật do Trần Trọng Kim làm thủ tướng và đổi quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.
Trong Chiến tranh Việt Nam lần thứ hai, Nhật Bản có quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Cộng hòa và có quan hệ thương mại không chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 21 tháng 9 năm 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức với Nhật Bản.
Năm 2002, Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm "đối tác tin cậy, ổn định lâu dài". Trong chuyến thăm Việt Nam 7/2004 của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung "Vươn tới tầm cao mới của đối tác bền vững".

Nguồn trên bách khoa toàn thư.
Hình đại diện của thành viên
Nguyen Tien Hung
Guide "gạo cội"
Guide "gạo cội"
 
Bài viết: 343
Ngày tham gia: 17 Tháng 2 2011
Đến từ: Từ Sơn


Quay về Lịch sử Nhật Bản

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.1 khách.