gửi bởi Nguyen Tien Hung » 27 Tháng 6 2011
Tôn giáo
Nhật Bản là nước có nhiều tôn giáo. Đạo Shinto, tôn giáo lâu đời nhất ở Nhật Bản, là sự phức hợp của những tín ngưỡng sơ khai ở Đông Á. Đạo Shinto có các vị thần được gọi là "kami" có thể ban phúc lành, chẳng hạn như một cuộc hôn nhân. Vào thế kỉ thứ 6, Phật giáo hệ phái Bắc Tông du nhập vào Nhật Bản qua Triều Tiên. Nghệ thuật và kiến trúc tinh tế của đạo Phật khiến cho tôn giáo này thu hút được sự quan tâm của triều đình lúc đó và Phật giáo trở thành quốc giáo của Nhật Bản. Đạo Phật nhanh chóng được truyền bá khắp Nhật Bản và nhiều tông phái Phật giáo đã ra đời và phát triển, trong đó nổi tiếng nhất ở phương Tây là Thiền tông (Zen). Thiên chúa giáo do người Bồ Đào Nha du nhập vào Nhật Bản năm 1549 và được khá nhiều người Nhật tin theo. Ngày nay ở Nhật không có một tôn giáo nào nổi trội và trên thực tế, có nhiều người Nhật cùng lúc tin theo nhiều tôn giáo khác nhau. Nhưng Phật giáo vẫn được xem là quốc giáo của Nhật Bản với khoảng 90 triệu tín đồ và ảnh hưởng của nó vô cùng to lớn, sâu sắc vào mọi mặt trong văn hóa, xã hội và lối sống của người Nhật.
Ẩm thực
Ẩm thực Nhật Bản rất phong phú và đặc biệt. Bao gồm sushi, trà đạo và các món khác như các loại bánh làm từ bột gạo.
Tuy nhiên, ẩm thưc Nhật Bản cũng khá nguy hiểm với những món ăn như gỏi cá nóc và fugu, được chế biến từ cá xem sao của Nhật Bản. Phần bắp và bụng được coi là khá an toàn, nhưng phải có một con mắt thật tinh tường để loại đi những chất độc. Đã bao người phải bỏ mạng vì ăn phải chất độc của món fugu này. Thế nhưng đây được coi là đặc sản của Nhật Bản. Ở trung tâm Tokyo có rất nhiều nhà hàng chế biến món này. Thực khách sẽ tấm tắc khen ngon nếu họ còn sống sau khi ăn món này.
Thể thao
Về truyền thống, Sumo được coi là môn thể thao quốc gia của Nhật Bản và là một trong những môn thể thao có lượng người xem lớn nhất tại Nhật[86]. Các môn võ như judo, karate và kendō cũng phổ biến và được tập luyện rộng rãi khắp đất nước. Sau thời kỳ Minh Trị, rất nhiều môn thể thao phương Tây đã du nhập vào Nhật và lan truyền nhanh chóng trong hệ thống giáo dục.[87]
Giải Bóng chày Nhật Bản được thành lập năm 1936[88]. Ngày nay, bóng chày là môn thể thao có lượng người xem lớn nhất tại quốc gia này. Một trong những cầu thủ bóng chày nổi tiếng nhất của Nhật là Ichiro Suzuki, người đã từng dành danh hiệu cầu thủ đáng giá nhất Nhật Bản các năm 1994, 1995, 1996 và hiện đang chơi cho giải bóng chày Bắc Mỹ (tên tiếng Anh: Major League Baseball).
Từ khi có sự thành lập Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản năm 1992, môn thể thao này cũng đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ[89]. Nhật Bản là nước tổ chức Cúp bóng đá liên lục địa từ năm 1981 tới 2004 và là nước đồng chủ nhà World Cup 2002 với Hàn Quốc. Đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản là một trong những đội bóng thành công nhất ở châu Á với bốn lần dành chức vô địch cúp bóng đá châu Á. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở châu Á tổ chức một kỳ Thế vận hội, đó là Thế vận hội Mùa hè 1964 tổ chức tại Tokyo.
Golf[90], đua ô tô, giải đua ô tô Super GT và Formula Nippon[91] cũng là những môn thể thao nổi tiếng ở Nhật. Đường đua Twin Ring Motegi được Honda hoàn thành xây dựng năm 1997 để đưa môn đua công thức 1 tới Nhật.
Trượt Băng Nghệ Thuật cũng là một trong các môn thể thao phổ biến tại Nhật Bản; đặc biệt với sự cạnh tranh giữa Mao Asada và Kim Yuna gần đây đã nổi lên như một hiện tượng và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của công chúng Nhật Bản.
Chính sách đối ngoại
Từ sau Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản bước vào thời điểm bước ngoặt điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường tính độc lập, chủ động và tích cực hơn nhằm vươn lên thành cường quốc chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế, phát huy vai trò, và ảnh hưởng trên thế giới và vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, chính sách đối ngoại được triển khai theo 5 hướng cơ bản là:
Giải quyết hòa bình các cuộc xung đột khu vực.
Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Duy trì phát triển kinh tế thế giới.
Hợp tác với các nước đang phát triển và các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế.
Giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Mặc dù vẫn lấy quan hệ Nhật-Mỹ làm nền tảng chính sách đối ngoại[92], song gần đây Nhật Bản tăng cường chiến lược "Trở lại châu Á", phát huy vai trò người đại diện cho châu Á trong Khối G8, lấy châu Á làm bàn đạp để từng bước đưa Nhật Bản trở thành cường quốc về chính trị; thúc đẩy cải cách Liên Hiệp Quốc, thực hiện mục tiêu trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua các đề nghị, các đóng góp cụ thể trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và các vấn đề toàn cầu (Nhật Bản hiện là thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2004-2004). Tuy nhiên còn một số hạn chế cơ bản: nội bộ chưa thống nhất, còn nhiều tranh cãi; hạn chế về hiến pháp và các luật lệ trong nước; bị kiềm chế bởi các cường quốc khác. Chính quyền mới của Koizumi đang thăm dò khả năng sửa đổi hiến pháp, cho phép Nhật có quân đội và quyền tự vệ tập thể. Tuy nhiên điều này sẽ gây phản ứng mạnh từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc,...
Nhìn toàn cục, ở chừng mực nhất định, vai trò quốc tế của Nhật Bản đã được cải thiện hơn; vị thế của Nhật Bản đã được coi trọng hơn trong một số vấn đề quốc tế và khu vực như WTO, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ARF, ASEM, UNHCR, G8, Ủy ban sông Mê Kông, ADB, PKO,... Dư luận chung tỏ đồng tình với việc Nhật Bản cần có vai trò to lớn hơn, đặc biệt trong những vấn đề kinh tế và các vấn đề toàn cầu vì Nhật Bản có ưu thế về tài chính.
Quan hệ với Việt Nam
Từ thế kỷ 16 đã có những thương gia Nhật Bản đến sinh sống và buôn bán tại Việt Nam. Những thương gia Nhật Bản cùng cộng đồng dân cư bản xứ đã hình thành nên khu đô thị Hội An sầm uất.
Đầu thế kỷ 20, phong trào Đông Du đã đưa một số thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập đường hướng cải cách nhằm văn minh hóa đất nước, tìm con đường giải phóng Tổ quốc khỏi ngoại bang.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản từng xâm lược Việt Nam, hất cẳng Pháp để lập chính phủ thân Nhật do Trần Trọng Kim làm thủ tướng và đổi quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.
Trong Chiến tranh Việt Nam lần thứ hai, Nhật Bản có quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Cộng hòa và có quan hệ thương mại không chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 21 tháng 9 năm 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức với Nhật Bản.
Năm 2002, Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm "đối tác tin cậy, ổn định lâu dài". Trong chuyến thăm Việt Nam 7/2004 của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung "Vươn tới tầm cao mới của đối tác bền vững".
Nguồn trên bách khoa toàn thư.