Khái yếu về lịch sử Nhật Bản

Khái yếu về lịch sử Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi hungcay » 27 Tháng 5 2011

Khái yếu về lịch sử Nhật Bản(chương1)

“Khái yếu về lịch sử Nhật Bản” được biên soạn dựa trên cuốn “Nihon no rekishi” do Bonjinsha xuất bản. Đây là cuốn sách viết cho đối tượng là người ngoại quốc học tiếng Nhật với lối hành văn giản dị, dễ hiểu nhằm cung cấp cho người đọc một cái nhìn cơ bản nhất về lịch sử Nhật Bản và hiểu được những khái niệm như “Fumie”, “Ikki” mà người Nhật vẫn sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy không đi sâu nhưng nó lại mở ra trên diện rộng, không chỉ ở các sự kiện lịch sử mà còn ở các mặt văn hóa, nghệ thuật. Những kiến thức bổ sung, chú giải sẽ được đặt trong ngoặc ( ).
Nội dung:

CHƯƠNG I: THỜI ĐẠI NGUYÊN THỦY

1. Ụ vỏ sò ( Kaizuka)

Trước đây quần đảo Nhật Bản nối liền với đại lục Châu Á nhưng khoảng mười ngàn năm về trước đã hình thành nên vị trí như bây giờ. Những người sống trên quần đảo Nhật Bản lúc bấy giờ là tổ tiên của người Nhật Bản nhưng nguồn gốc của họ thì đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. ( Một thuyết mới đây cho rằng tổ tiên người Nhật Bản là dân du mục từ lục địa di cư sang rồi chiếm lãnh địa của người Ainu, dân tộc bản địa trên quần đảo này).

Thời đó họ sống tập trung nhiều hộ lại với nhau trên những vùng đất cao ráo và sống nhờ vào việc săn bắn, bắt cá và hái lượm. Nhà của họ được dựng trên một cái lỗ đào nông trên mặt đất, trên đó chống trụ và dùng cỏ làm mái lợp. (Tate ana Jukyo: lỗ được đào trên mặt đất sâu khoảng 50cm làm nền và thường có dạng tròn với đường kính khoảng 3~10m. Trong đó họ đào lỗ trồng trụ, dựng bếp và xung quanh có rãnh thoát nước.)

Người nguyên thủy sau khi ăn xong thường vứt vỏ sò ờ những khu vực gần nơi sinh sống và dần dần vỏ sò tích tụ lại thành ụ (Kaizuka) . Hiện nay ở nhiều địa phương trên nước Nhật vẫn còn sót lại những ụ vỏ sò này. Người ta tìm thấy trong những ụ này có lẫn dụng cụ bằng đá và đồ đất sét nung trang trí bằng hoa văn dây thừng (Joumon doki) và qua đó biết được sinh hoạt của người đương thời. (Thực ra Kaizuka, ụ vỏ sò phân bố khắp nơi trên hành tinh nhưng tập trung nhiều ở Nhật trong thời Joumon)

Con người vào thời kỳ này tin rằng tất cả những tạo vật trong thiên nhiên như cỏ cây, đất đá, động vật đều có linh hồn (Animism) và họ sợ chúng nên mới dùng bùa chú để trấn áp và cầu nguyện cho cuộc sống yên ổn.
Thời đại này bắt đầu từ khoảng mười ngàn năm về trước và kéo dài khoảng hai ngàn năm. Người ta lấy tên của các loại đồ đất sét nung có hoa văn dây thừng (Joumon doki) tìm thấy trong ụ vỏ sò đặt cho thời kỳ này là thời đại Joumon.

Hình ảnh
Hình ảnh
Tate ana Jukyo

2. Bắt đầu trồng lúa

Đến khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên thì người ta bắt đầu trồng lúa và sử dụng khí cụ bằng đồng và sắt. Những kỹ thuật này được truyền từ lục địa Trung Hoa sang. Chúng ta có thể biết được nông nghiệp được tiến hành ra sao thông qua những tranh vẽ trên Doutaku ( một loại khí vật làm bằng đồng xanh thời Yayoi, cao khoảng 20 ~30 cm được trang trí với nhiều hình vẽ nguyên thủy. Doutaku được chế tạo tại miền Tây Nhật Bản và là một khí cụ dùng trong tế lễ. Ban đầu người ta có thể treo nó và rung để phát ra tiếng kêu nhưng dần dần Doutaku chỉ còn mang tính trang trí và chức năng phát ra âm thanh cũng không còn). Doutaku được tìm thấy trong những di tích thời kỳ này và người ta cho rằng nó được sử dụng trong tế lễ.

Con người thời kỳ này sống ở những vùng đất thấp để trồng lúa và dựng lên làng mạc. Người ta biết được cách thức sinh hoạt đương thời thông qua di tích Toro (ở Shizuoka) mà trong đó còn lại nhiều thứ như dấu tích của ruộng nước và nhà ở, kiểu nhà kho Takayuka chuột không vào được ( một kiểu nhà sàn) và nông cụ làm bằng gỗ.

Hình ảnh

Đồ đất sét thời kỳ này cũng đẹp và chắc chắn hơn trước và người ta dùng tên phố Yayoi ở quận Bunkyo (Tokyo), nơi đầu tiên tìm thấy những khí vật này để đặt tên cho chúng là đồ đất sét Yayoi (Yayoi doki). Thời đại này bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 TCN và kéo dài khoảng 600 năm được gọi là thời đại Yayoi.

3.Himiko

Khoảng từ thế kỷ 1~3 thì việc trồng lúa phát triển, làng mạc dần dần lớn mạnh và hình thành nên “nước”. Người lãnh đạo có năng lực nhất trở thành “vua” và kẻ mạnh dần chế áp kẻ yếu hình thành nên một nước lớn hơn. Tuy người ta không rõ về thời kỳ này nhưng trong cuốn sách sử “Hậu Hán Thư” của Trung Hoa có ghi rằng khoảng thế kỷ thứ 1 có sứ giả người nước Oa (Nhật Bản, đương thời người Hán dùng chữ “Oa” nghĩa là người lùn để chỉ người Nhật song người Nhật vốn không chịu nên tự xem mình bằng chữ “Hòa” đồng âm với “Oa” trong tiếng Nhật) đến và được Hoàng Đế hậu Hán (25~220) ban cho kim ấn.

Khoảng 200 năm trước (thời Edo) ở tỉnh Fukuoka có người nông phu ngẫu nhiên đào được kim ấn trong lòng đất. Kim ấn có khắc dòng chữ “Kannowano Nanokokuou” . Người ta cho rằng địa phương được khắc trên ấn chỉ là một tiểu quốc thuộc vùng phụ cận Hakata (Fukuoka) ngày nay.

Tình hình sau này có ghi rõ trong mục “Wajinden” (truyện người Nhật) trong cổ sử “Ngụy Chí” của Trung Quốc. Theo sách này thì nước Nhật đương thời có khoảng 30 tiểu quốc nhưng trong đó có nước Yamatai của nữ vương Himiko là hùng mạnh hơn cả và khoảng đầu thế kỷ thứ 3, Himiko có gửi sứ giả sang Ngụy (220~265). Cho đến nay vẫn chưa có thuyết nào chắc chắn về sự tồn tại của nước Yamatai cũng như vị trí của nó.

Hình ảnh
Dinh thự của hào tộc.

Hongnhung C&T sưu tầm
Sửa lần cuối bởi hungcay vào ngày 27 Tháng 5 2011 với 1 lần sửa trong tổng số.
..đừng chỉ đọc, hãy bình luận hoặc gửi bài mỗi lần vào diễn đàn..!!
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
hungcay
Super Guide
Super Guide
 
Bài viết: 298
Ngày tham gia: 16 Tháng 4 2011

Re: Khái yếu về lịch sử Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi hungcay » 27 Tháng 5 2011

Khái yếu về lịch sử Nhật Bản(chương 2)

CHƯƠNG II: THỜI ĐẠI YAMATO

4. Cổ mộ (Kofun)


Khoảng thế kỷ thứ 4 thì những người có thế lực nhất (hào tộc) ở vùng Yamato (tỉnh Nara ngày nay) liên kết lại với nhau tạo thành một quốc gia lớn và thành lập chính quyền Yamato. Chính quyền Yamato hùng mạnh còn tiến cả sang Triều Tiên (lúc bấy giờ gồm 3 nước: Shinra-Tân La, Kudara-Bách tế và Koukuri-Cao Ly) , gửi sứ giả sang Trung Hoa và đến khoảng thế kỷ thứ 5 thì đã thống trị phần lớn Nhật Bản.

Từ thế kỷ thứ 5~ thế kỷ thứ 6 thì chính quyền Yamato lập nên tổ chức chính trị ở trung ương và thành lập quốc gia Yamato. Người đứng đầu quốc gia được gọi là Oh-kimi (Đại Vương), chính phủ sau này được gọi là Triều Đình và Oh-kimi trở thành Thiên Hoàng (Tennou). Ngày nay trên toàn Nhật Bản còn sót lại lăng mộ của những người có thế lực đương thời (Kofun) nhưng thành phố Sakai (thuộc Ohsaka) là nơi có lăng mộ lớn nhất của Thiên Hoàng Jintoku từ thế kỷ thứ 5. (Theo truyền thuyết thì Thiên Hoàng Jintoku là một vị minh quân hết lòng chăm lo cho đời sống của dân chúng là không quản gì đến cung điện đã mục nát của mình)

Hình ảnh

Kofun thời kỳ này phần nhiều có dạng tứ giác ở mặt trước và tròn ở mặt sau (ngoài ra còn có dạng toàn tròn , toàn vuông hay trên tròn dưới vuông) và xung quanh nó có những đồ vật chôn kèm như hình nhân, nhà cửa thuyền bè, động vật làm bằng đất sét (gọi là Haniwa). Dựa vào những vật phụ táng đào được từ Kofun, người ta có thế biết được sinh hoạt đương thời như thế nào.

Khoảng từ thế kỷ 5~6 thì có nhiều người từ bán đảo Triều Tiên và lục địa Trung Hoa sang cư trú, những người này được gọi là Toraijin hay Kikajin (một kiểu ý nghĩa như người ngoại lai). Chính phủ giữ những người này và cho làm việc ở những công sự như cầu đường, xây dựng và nuôi tằm, dệt vải. Có người được giữ lại ở cơ quan hành chính (Yakusho) ghi chép công văn, văn thư ngoại giao hay tính toán bằng chữ Hán nên những tri thức và kỹ thuật tiên tiến được đưa vào Nhật làm thay đổi đáng kể đời sống của người dân xứ này. Đây cũng là thời kỳ Nho Giáo cùng sách vở, Phật Giáo cùng kinh điển và tượng Phật được truyền sang Nhật từ Trung Hoa qua ngã Triều Tiên. Đây chính là nền tảng cho những học thuật, tư tưởng, tôn giáo và nghệ thuật được hình thành sau này.

5.Chùa Houryu-ji

Khoảng giữa thế kỷ thứ 6 thì xảy ra tranh chấp giữa các hào tộc ở Triều Đình. Trong đó đáng kể nhất là tranh chấp gay gắt giữa hai tộc hùng mạnh : họ Soga và họ Mononobe. Họ Mononobe chống lại sự sùng tín Phật Giáo của họ Soga nhưng bị Soga áp chế và họ này độc chiếm cả họ nền chính trị Triều Đình.

Lúc bấy giờ có Thái Tử Shoutoku (Shoutoku Taishi-574~622, một nhân vật vĩ đại không thể bỏ qua khi nói đến lịch sử Nhật Bản và thường được người Việt Nam biết đến với cái tên Thái Tử Thánh Đức ) thay mặt Thiên Hoàng điều hành chính trị (Sesshou- Nhiếp chính). Thái Tử Shoutoku bắt tay với họ Soga hùng mạnh nhằm ổn định nền tảng của nền chính trị lấy Thiên Hoàng làm trung tâm nên đã đặt ra cấp bậc cho quan lại (Yakunin) (Kan’I Juunikai- 12 cấp quan), chọn người hiền tài ra làm quan, tiếp thu Phật Giáo và Nho Giáo và ban hành Hiến Pháp mười bảy điều (Juusichi jou no kempou) . Tuy nhiên Hiến Pháp thời kỳ này không phải là những quy định của quốc gia như ngày nay mà nhằm để giáo huấn tầng lớp quan lại phụng sự Thiên Hoàng với những yếu tố như tôn trọng Phật Pháp, xem trọng chữ “Hòa”. (Thật khó định nghĩa thế nào về chữ “Hòa” trong tư tưởng của người Nhật. Nó không chỉ là tinh thần quốc gia mà còn là tinh thần thanh, nhàn, nhã, u, tịch xuất hiện trong các khái niệm sau này). Thái Tử cũng cho gửi sứ giả (Kenzuisi) và du học sinh sang Trung Hoa (thời Tùy- 581~618) để học hỏi nền văn hóa tiến bộ của lục địa.

Hình ảnh
Tượng Thích Ca Tam Tôn trong chùa Houryu-ji.

Thái Tử Shoutoku vốn là người mộ Phật Pháp nên đã cho xây dựng chùa Houryu-ji ở Ikaruga thuộc xứ Yamato để truyền bá đạo Phật. Ngôi chùa này đã từng bị cháy một lần nhưng sau đó được xây dựng lại ngay và là công trình kiến trúc bằng gỗ cổ nhất Thế giới hiện nay. Trong chùa Houryu-ji có tượng Thích Ca Tam Tôn và nhiều công nghệ phẩm, tác phẩm mỹ thuật tuyệt thế khác. Không chỉ với Houryuuji, ở Nara còn có chùa Chuhguhji và ở Kyouto có chùa Kouryuhji với tượng Di Lặc Bồ Tát tuyệt đẹp còn sót lại. Văn hóa thời đại này nở rộ ở Asuka và Ikaruga thuộc Yamato nên người ta gọi là văn hóa Asuka. Văn hóa Asuka không chỉ chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa đại lục mà còn có cả văn hóa Hy Lạp và miền Tây Á xa xôi.

6. Cải cách Taika

Sau khi Thái Tử Shoutoku mất thì thế lực của họ Soga càng lớn mạnh. Hoàng Thái Tử Nakano Oheno Ouji (sau này trở thành Thiên Hoàng Tenji- 626~671) và một người trong số hào tộc là Nakatomi no Kamatari (sau này là Fujiwara no Kamatari- 614~669) đánh đổ họ Soga xây dựng nền chính trị mới vào năm 645, năm đầu niên hiệu Taika và đây được gọi là cải cách Taika. Taika là niên hiệu đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản. Cải cách Taika lấy chế độ nhà Đường (618~907) ở Trung Hoa làm hình mẫu để xây dựng thể chế chính trị lấy Thiên Hoàng làm trung tâm. Công cuộc cải cách này được hoàn thành khoảng 50 năm sau, khi bộ luật Taihou Ritsuryou ra đời. (Luật Lệnh năm Taihou)

Hình ảnh
Thái tử Shoutoku.
Theo như thay đổi chính trị trong cải cách Taika thì đất đai, nhân lực mà các hào tộc sở hữu từ trước đến nay đều thuộc về Thiên Hoàng (Công địa, công dân) và bọn hào tộc trở thành quan lại (yakunin) ở kinh đô và địa phương. Chính phủ Trung Ương đặt ra 2 quan 8 tỉnh ( 2 quan là Thần Kỳ Quan-Jingikan coi việc tế lễ và Thái Chính Quan- Dashoukan lo việc chính trị. 8 tỉnh bao gồm Đại Tạng tỉnh-Ohkura shou, Binh Bộ Tỉnh- hyoubu shou,…trong coi các mặt khác nhau của quốc gia), ở địa phương thì quan lại nhậm chức từ triều đình trở thành Quốc Ti (Kokushi-một chức quan ở địa phương trong chế độ Luật Lệnh như đương thời. Chức Quốc Ti gồm tứ đẳng quan là Kami, Suke, Jou, Sakan và dưới đó có Shijou. Nơi hành chánh của họ gọi là Quốc Vệ và nơi có Quốc Vệ gọi là Quốc Phủ. Những quan chức này ảnh hưởng nhiều đến họ tên người Nhật sau này, nhất là vào thời Sengoku, Edo với những tên nam thuộc dòng dõi Samurai như …Kami,…Suke,…Emon) và cùng các hào tộc ở địa phương lo mặt chính trị. Dân chúng thì mỗi người được đăng ký hộ tịch và được phân phát một phần ruộng đất nhất định (Kubunden- khẩu phần điền. Theo như chế độ này thì mỗi công dân từ 6 tuổi trở lên đều được phát ruộng đất, nữ được 2/3 diện tích của nam). Vì vậy người dân phải nộp thuế (gao, vãi,… mãi đến sau này thuế mới được quy ra tiền) cho Triều Đình và nếu người nào chết thì ruộng đất được trả lại cho nhà nước (Handen shuuju hou). Ngoài ra nam giới có nghĩa vụ phải lao động ở các công trình xây dựng, cầu đường ở địa phương và kinh đô (lao dịch) và nghĩa vụ canh phòng kinh đô và Kyuushuu (quân dịch).

hongnhung C&T sưu tầm
..đừng chỉ đọc, hãy bình luận hoặc gửi bài mỗi lần vào diễn đàn..!!
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
hungcay
Super Guide
Super Guide
 
Bài viết: 298
Ngày tham gia: 16 Tháng 4 2011

Re: Khái yếu về lịch sử Nhật Bản

Gửi bàigửi bởi hungcay » 27 Tháng 5 2011

CHƯƠNG III: THỜI ĐẠI NARA

7. Kinh thành Heijou

Năm 710, Triều Đình đã cho xây dựng kinh đô Heijou ở Nara dựa theo nguyên mẫu kinh đô Trường An (bây giờ là Tây An) của nhà Đường bên Tàu.
Kinh đô Nara được các con đường lớn phân cách theo hàng ngang dọc (thành hình bàn cờ) với cung điện của Thiên Hoàng, dinh thự quý tộc và các ngôi chùa lớn. Kinh đô Nara với những ngôi nhà mái xanh, trụ đỏ, tường trắng theo kiểu nhà Đường được ca tụng trong một bài ca đương thời là "phồn thịnh xinh đẹp như cánh hoa mỹ lệ mới nở".

Hình ảnh
Hình ảnh
Cổng Chu Tước (Suzakumon), kinh thành Heijou

Kinh đô Heijou là thủ đô của nước Nhật, phồn thịnh khoảng 70 năm và thời đại này được gọi là thời đại Nara (Nara Jidai). Thời đại này thi hành nền chính trị Luật Lệnh (nền chính trị lấy Thiên Hoàng làm trung tâm) dựa trên Taihou Rituryou (Luật Lện năm đầu của niên hiệu Taihou, 701. Đây là tập pháp lệnh gồm 6 cuốn luật, 11 cuốn lệnh), tầng lớp quý tộc sống hào hoa trong sự phồn vinh của kinh đô. Chợ được xây dựng trong kinh đô Heijou. Năm 708 (năm đầu niên hiệu Wadou), đồng tiền được đưa vào sử dụng nhưng sinh hoạt của người bình dân chủ yếu vẫn là trao đổi trực tiếp, vật đổi vật. Nông dân thì có nhiều kẻ sống khổ sở vì lao dịch, binh dịch nặng nề và trong số họ ngày càng có nhiều người bỏ đất đai trốn đi nơi khác.

Thế rồi Triều Đình ra quyết định ban thưởng đất đai mà người dân khai phá được cho họ qua bộ luật "Konden einen shizai hou" (luật đất đai năm 743, theo đó có hạn chế diện tích đất ban thưởng tùy theo địa vị nhưng đất hoang khai khẩn được sẽ là tài sản tư hữu vĩnh viễn). Sau đó tầng lớp quý tộc có thế lực, các đền chùa và hào tộc ở địa phương tranh nhau khai khẩn đất hoang với quy mô lớn nên đất đai tư hữu bắt đầu gia tăng. Những vùng đất tư hữu này (sau này là các trang viên) ngày càng mở rộng và làm cho chế độ "công địa, công dân" vốn là căn bản của chế độ Luật Lệnh sụp đổ. Nền chính trị Triều Đình cũng rối loạn, tầng lớp quý tộc và tăng lữ nắm nhiều đất đai cũng bắt đầu có thế lực trên chính trường.

8. Tập thơ Man-youshu

Đầu thế kỷ thứ 8, Triều Đình ra lệnh thống hợp lại hai quyển sách lịch sử là "Kojiki" và "Nihon Shoki" ghi chép những chuyện thần thoại, truyền thuyết về quá trình hình thành, thống nhất lãnh thổ. Triều Đình cũng ra lệnh cho các địa phương viết ra "Phong thổ ký" (Fudoki) của riêng mình. Qua những tập sách này có thể biết được sản vật của từng địa phương cũng như truyền thuyết, nguồn gốc tên gọi của nó và phong tục, tín ngưỡng của con người đương thời.
Tập thơ ca "Man-youshu" (tập thơ ngàn lá) cũng ra đời trong thời gian này.

Hình ảnh

Tập thơ này có khoảng 4500 bài thơ của nhiều tầng lớp như Thiên Hoàng, quý tộc, quan lại cấp thấp, nông dân cho đến anh lính canh phòng ở miền Kyushu và người ăn mày. Trong số này phải kể đến những bài ca tuyệt mỹ về tự nhiên và lịch sử của thi thánh Kakimoto no Hitomaro, những bài ca về nỗi khổ lạc của cuộc đời của tác giả Yamanoue no Okura, những bài ca lao động và bài ca ái tình cuồng nhiệt. Nét đặc sắc của tập thơ "Man-youshu" là thể hiện cảm tình của cổ nhân một cách trung thực và mạnh mẽ.
Lúc này người Nhật đã bắt đầu sử dụng chữ Hán, nhưng đây là thứ văn tự của ngoại bang nên không thể diễn tả được tinh thần của tiếng Nhật. Vì thế trong văn chương sử dụng Hán văn nhưng nhiều người đã công phu được phương pháp dùng chữ Hán để biểu ký tiếng Nhật, dùng cả âm On(yomi) và Kun(yomi) của Hán tự để biểu thị âm tiếng Nhật. Trong tập thơ "Man-youshu" có nhiều bài ca sử dụng phương pháp này. Chẳng hạn bài thơ "銀母 金母玉母 奈爾世武爾 麻佐礼留多可良 古爾斯 迦米夜母" được đọc là しろがねも くがねもたまも なに�� �むに まされるた から こにしかめやも (Sirogane mo tama mo nanisemu ni masareru takara konisika meyamo). Loại chữ Hán dùng để biểu thị âm của tiếng Nhật như thế này gọi là Man-you gana (万葉仮名).

9. Đại Phật Nara

Khoảng giữa thời đại Nara liên tục xảy ra mất mùa, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều người chết, tranh chấp nổ ra giữa tầng lớp quý tộc và tăng lữ. Thiên Hoàng Shoumu là người tin tưởng Phật pháp nên đã cầu nguyện chư Phật để trấn an lòng bách tính, bảo vệ quốc gia. Ngài cho xây ngôi chùa Toudai-ji (Đông Đại Tự) ở Nara, trong điện chính chính thờ tượng Đại Phật bằng đồng dát vàng cao 16m.

(đây làngôi chùa chính của phái Phật giáo Hoa Nghiêm ở Nara. Chùa được Thiên Hoàng Shoumu phát nguyện xây dựng vào năm 745, điện Phật chính thờ Đại Phật Tỳ Lô Giá Na (Đại Phật Nara), sau bị thiêu hủy trong cuộc binh biến do Danjou Hisahide gây ra. Chùa được trùng tu thời Edo và là công trình gỗ lớn nhất Nhật Bản, nổi tiếng với nhiều tượng Phật là tài sản văn hóa của đất nước)

Hình ảnh
Đại Phật Tỳ Lô Giá Na (Birushana)

Bên cạnh (phía tây bắc) của Toudai-ji là Shousou-in, bảo khố cất chứa nhiều món đồ sử dụng của Thiên Hoàng Shoumu. Trong số đó có nhiều món bảo vật là công nghệ phẩm quý từ Trung Quốc, Ấn Độ và Ba Tư. Những món đồ này sau hơn 1200 vẫn còn nguyên vẹn cho đến giờ. Bảo quản được như vậy cũng là nhờ kho Shousou-in có hệ thống thông gió tốt, được xây dựng bằng kiến trúc gỗ phù hợp với phong thổ Nhật Bản, phòng được ẩm móc và nếu không được Thiên Hoàng cho phép thì không được mở cửa kho.

Hình ảnh
Shousou-in

Từ thế kỷ thứ 7 cho đến thế kỷ thứ 9, Triều Đình nhiều lần gửi sứ giả sang nhà Đường (Kentousi) để học tập văn hóa tiến bộ của vương triều này. Đương thời, số lượng sứ giả (Kentousi) và du học sinh lên tới mấy trăm người, mỗi lần lên 4 chiếc thuyền vượt biển nhưng gặp không ít nguy hiểm, có chiếc bị đắm vì bão. Như trường hợp của Abe no Nakamaro, du học sinh đến Đường thổ nhưng không trở về Nhật được mà kết thúc một đời làm quan ở nơi đất khách quê người.

Hình ảnh
Tượng sư Ganjin

Lại có nhà sư Giám Chân (Ganjin) bên nhà Đường mấy lần toan vượt biển nhưng đều thất bại, phải mất 12 năm ông mới đến được Nhật Bản nhưng lúc này hai mắt đã mù. Sư Giám Chân sau khi đến Nhật cho xây dựng chùa Toushoudai-ji (dòng chính của phái Luật Tông) và bắt đầu truyền bá Phật pháp. Văn hóa thời Nara có quan hệ mật thiết với Phật giáo và cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nhà Đường. Về tranh họa thì có tranh Kitijouten (Cát Tường Thiên) ở chùa Dược Sư (Yakusi-ji), tấm bình phong Torige Ryujo (gồm 6 tấm vẽ mỹ nhân đứng dưới gốc cây) ở kho Shousou-in rất nổi tiếng. Về tượng Phật thì có tượng Tứ Thiên Vương (Shitennou, gồm Tamonten tức Đa Văn Thiên, Koumokuten tức Quãng Mục Thiên, Jikokuten tức Trì Quốc Thiên và Zoujouten tức Tăng Trường Thiên), tượng Nhật Quang, Nguyệt Quang Bồ Tát. Những tượng này đều mang vẽ đẹp đầy đặn của con người. Văn hóa thời Heian rực rỡ nhất trong những năm Tempyo, dưới thời Thiên Hoàng Shoumu nên còn gọi là văn hóa Tempyou.

Hình ảnh
Giảng đường, Toushoudai-ji

Hình ảnh
hongnhung C&T sưu tầm
..đừng chỉ đọc, hãy bình luận hoặc gửi bài mỗi lần vào diễn đàn..!!
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
hungcay
Super Guide
Super Guide
 
Bài viết: 298
Ngày tham gia: 16 Tháng 4 2011


Quay về Lịch sử Nhật Bản

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến.1 khách.

cron